Trưng cầu ý dân phải thể hiện đúng quyền “gật – lắc” của người dân
Đã trưng cầu ý dân là người dân có quyền quyết định cao hơn cả Quốc hội, dân đã quyết là thực hiện, không làm lại. Trưng cầu ý dân về việc gì đơn giản là để người dân thể hiện ý chí “đồng ý” hay “không đồng ý”, gật hoặc lắc một cách minh bạch…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh những nguyên tắc này khi nêu quan điểm tại phiên thảo luận về dự thảo luật Trưng cầu ý dân chiều 12/5 của UB Thường vụ Quốc hội.
Tờ trình dự án luật do Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày nêu rõ, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước; đồng thời tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Đưa ra trưng cầu ý dân là Quốc hội tôn trọng quyền của người dân bầu ra mình hơn cả chính mình” (ảnh: TTXVN).
Nhận nhiều ý kiến nhất là quy định về phạm vi, những vấn đề cần trưng cầu ý dân. Cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 quy định “Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”.
Phương án 2 được thể hiện: “Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân gồm: 1. Những vấn đề về sửa đổi Hiến pháp. 2. Những chính sách quan trọng có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 3. Quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quan trọng. 4. Những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét, nội dung thiết kế trong cả 2 phương án không khác nhau vì đều chốt lại những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Theo Phó Chủ tịch, khoản 15 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 đã quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân nên chỉ cần bám theo Hiến pháp, không cần mở rộng nhiều phương án.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại thận trọng nhắc, có một số vấn đề “dứt khoát không đưa ra trưng cầu”, Quốc hội phải nắm quyền quyết định.
Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, không đưa ra trưng cầu ý dân tất cả những vấn đề liên quan đến nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chỉ đưa ra trưng cầu những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội thấy dứt khoát phải để dân quyết định chứ Quốc hội không quyết định, cũng không phải là trưng cầu ý dân rồi Quốc hội quyết định. Điều đó có nghĩa, lựa chọn của người dân qua trưng cầu là quyết định cuối cùng.
“Đưa ra trưng cầu ý dân là Quốc hội tôn trọng quyền của người dân bầu ra mình hơn cả chính mình và hơn 500 đại biểu” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khái quát.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ điều kiện để các chủ thể như UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hay 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến mới có đủ căn cứ để đề nghị, trình Quốc hội cho trưng cầu ý dân, chứ không phải trưng cầu do… hứng lên. Đó cũng là sẽ căn cứ để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đã đưa ra trưng cầu ý dân thì phải thuyết trình thật rõ để người dân hiểu Quốc hội muốn trưng cầu ý dân về việc gì. Người dân sẽ thể hiện ý chí một cách đơn giản là “đồng ý” hay “không đồng ý”, gật hoặc lắc một cách minh bạch, rõ ràng.
P.Thảo
Theo Dantri
Chủ tịch Quốc hội: "Sắp hết khóa, chân bước chậm lại là không được"
"Sắp hết khóa rồi (Quốc hội khóa XIII), mọi thứ màn màn rồi, chân bước chậm lại là không được. Công việc phải chắc, chuẩn bị chu đáo với tinh thần không lùi, không chạy nhanh quá nhưng cũng không được đủng đỉnh ngắm hoa, ngắm cảnh", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Ngày 16/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, trong 10 dự án Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, có 1 dự án xin lùi sang năm 2016 là Luật biểu tình; 1 dự án sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 là Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Đối với 8 dự án luật còn lại, có 6 dự án luật đã được Chính phủ thông qua, 2 dự án còn lại đã được Chính phủ xem xét, thông qua tại Phiên họp tháng 2/2015 là Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Luật phí, lệ phí.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Quốc hội không được làm việc đủng đỉnh, ngắm hoa, ngắm cảnh
Với lý do hiện nay chưa có gì trong tay liên quan đến Luật Biểu tình, vì vậy, Chủ Nhiệm Ủy ban Pháp luật Pham Trung Lý đề nghị cho lùi luật này sang kỳ họp thứ 10 (cuối 2015). Đồng tình với việc lùi Luật Biểu tình sang kỳ họp sau, nhưng ông Nuyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, đề nghị không nên lùi quá sâu.
"Qua ý kiến của Quốc hội là rất bức xúc, đặc biệt sau khi có sự kiện giàn khoan 981 hoạt động trái phép tại vùng biển Việt Nam, nên Luật Biểu tình càng trở nên cần thiết. Đây là mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia, nên luật này càng thực hiện sớm càng tốt", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh nói.
Ngoài ra, ông Khoa còn kiến nghị cần sửa đổi Luật quốc phòng và Luật an ninh quốc gia. Theo ông Khoa, nhiệm vụ quốc phòng hiện nay không còn phù hợp, và nhiệm vụ lực lượng vũ trang cũng đã có nhiều đổi mới. Việc sửa Luật quốc phòng để xác định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan nganh bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị Quốc hội nên tập trung thời gian vào các dự án luật mặc dù khó, phức tạp nhưng thực tiễn rất bức xúc. Theo ông Dũng, các luật Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh đề cập ở trên khó nhưng rất bức thiết, nên cần cố gắng sửa sớm, không nên để quá lâu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, những dự án luật khó cần lường trước để đưa vào, ví dụ Luật biểu tình nếu không làm, dây dưa để kỳ họp sau dễ bị hiểu "vì lý do khác" chứ không phải không làm được.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo ngại tình trạng các Ủy ban "đủng đỉnh" làm việc khi Quốc hội khóa XIII sắp hết. "Sắp hết khóa rồi (Quốc hội khóa XIII), mọi thứ màn màn rồi, chân bước chậm lại là không được. Công việc phải chắc, chuẩn bị chu đáo với tinh thần không lùi, không chạy nhanh quá nhưng cũng không được đủng đỉnh ngắm hoa, ngắm cảnh", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Xét các ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng tình với quan điểm không đưa Luật Biểu tình vào nội dung kỳ họp tới.Với nội dụng khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu tập trung làm cho xong những luật quan trọng cho dù có phải kéo dài thời gian họp.
Dự kiến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII diễn ra từ 20/5 đến cuối tháng 6/2015.
Quang Phong
Theo Dantri
Chủ tịch Quốc hội: Sao vội sửa khi biết luật có lợi cho dân? Nghe báo cáo về đề xuất sửa Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định việc hạn chế cho người lao động nhận "hưu non" 1 lần, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn, luật có lợi, tốt hơn cho người lao động, sao không tuyên truyền đã nhanh chóng bàn sửa? Chiều 12/5, báo cáo UB Thường...