Trung bộ: Lúa cháy, người khát
Sau các tỉnh Bắc Trung bộ, thì đến nay hạn hán diễn ra khốc liệt một số tỉnh Nam Trung bộ. Sông suối, ao hồ trơ đáy, ruộng đồng bỏ hoang, cuộc sống người dân đảo lộn… Đây được xem là một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ qua.
Lúa vụ hè – thu 2019 chết cháy ở Bình Định. Ảnh: NGỌC OAI
Dùng xe chữa cháy tiếp nước sinh hoạt
Ghi nhận trong ngày 27-7, những hécta lúa của người dân ở xã Tây Xuân ( huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bị nắng hạn đốt cháy đỏ. Dưới chân lúa, đất đai nứt toác, lọt cả bàn chân người lớn.
Bà Nguyễn Thị Tánh (62 tuổi) có 1,5 sào lúa, thuộc HTX Bình Phú 2, đang đứng trước nguy cơ bị khô cháy. Lo thiếu đói, cả tháng nay, bà phải cật lực tìm nước cứu lúa đến thắt cả bụng. Nhiều hộ có điều kiện bỏ tiền đóng giếng giữa ruộng, bơm nước cứu lúa. Bà Tánh nghèo, không có tiền khoan giếng phải bấm bụng chi 300.000 đồng để thuê máy bơm nước cứu lúa.
Gặp chúng tôi giữa cái nắng như thiêu như đốt, ông Khổng Vĩnh Thiên, Chủ nhiệm HTX Bình Phú 2 (Tây Xuân), ngao ngán nói: “Nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay thì ruộng đồng nào không khô cháy, nứt nẻ. Máy bơm, đóng giếng, đủ cách cứu lúa mà vẫn lực bất tòng tâm. Hiện 135ha lúa tại HTX chúng tôi đều bị ảnh hưởng, trong đó có 9ha lúa bị cháy đỏ. Bây giờ đóng giếng, tận dụng hết nguồn nước còn sót lại để cứu được chừng nào hay chừng đó”.
5 HTX ở huyện Tây Sơn đều gieo sạ chung 1 ngày, lúa trổ cùng một thời điểm, đều lấy nước ở đập Hầm Hô. Nhưng đến lúc này thì đập Hầm Hô cũng sắp cạn nên đã xảy ra tình trạng người dân tranh giành nguồn nước với nhau gay gắt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Lái, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết: “Trong vòng 20 đến 30 năm nay, chưa có đợt hạn nào kinh khủng như năm nay. Hạn từ rừng xuống đồng bằng, ra tận các làng ven biển. Ruộng đồng thì cháy khô, bỏ hoang; cây trên rừng cũng khô quắp chực chờ cháy; người dân thì chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước…”.
Toàn tỉnh Bình Định hiện có trên 50.000 dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, tập trung ở các huyện, thị: Tuy Phước, Phù Mỹ, An Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh… Trước tình trạng này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo công an tỉnh khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng đến tiếp nước cứu khát cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn.
Video đang HOT
Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC- CNCH (Công an tỉnh Bình Định) đã huy động 6 xe chữa cháy, cùng 36 chiến sĩ, liên tục huy động nước ở nhà máy nước sạch các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ để cứu khát cho hàng ngàn hộ dân vùng trọng điểm hạn.
Người dân Bình Định nhận nước sinh hoạt từ lực lượng phòng cháy chữa cháy. Ảnh: NGỌC OAI
Còn tại Phú Yên, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, trước tình trạng hạn hán khốc liệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường điều tiết nước, cấp nước đảm bảo đúng và đủ cho người dân. Tăng cường khai thác thêm nước ngầm để cứu khát cho dân. Ngoài ra, tỉnh cũng đã giao cho Sở Tài chính và các địa phương cân đối nguồn kinh phí để mua nước sinh hoạt cho người dân vùng khó khăn. Chỉ đạo quân đội, Công ty Môi trường, Công ty Thủy nông Đồng Cam hỗ trợ xe chở nước đến những vùng khô hạn nghiêm trọng, không để người dân phải chịu khát.
Tiếp tục nắng nóng gay gắt
Mặc dù lượng mưa trong tháng tới tăng hơn chút nhưng không nhiều, nên từ nay đến hết tháng 8-2019, lượng dòng chảy trên các sông thuộc Trung bộ sẽ tiếp tục suy giảm và ở mức thiếu hụt so với trung bình từ 40%-65%, một số nơi thiếu hụt trên 80% như ở Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên. Hạ lưu một số sông có khả năng xuất hiện độ mặn cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc và có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7, đầu tháng 8-2019.Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, cho biết, dự báo hiện tượng El Nino yếu duy trì từ nay đến khoảng tháng 11-2019 với xác suất khoảng 50%-55%, sau đó, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng từ tháng 12-2019. Dưới tác động của El Nino, nhiệt độ trong các tháng tiếp theo của năm 2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình cùng thời kỳ. Vì thế, từ nay đến tháng 8-2019, nắng nóng còn tiếp tục xảy ra ở miền Trung, vùng núi phía Tây Trung bộ còn có nắng nóng gay gắt.
Còn tại Nam bộ, từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30%-80% và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 33%. Tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mê Công thiếu hụt từ 35%-45%. Mực nước tại các trạm trên thượng lưu sông Mê Công ở mức thấp hơn từ 2,5-5,5m; các trạm trung lưu thấp hơn từ 3-6,2m; còn ở hạ lưu thấp hơn từ 2,5-5,4m.
Tại một số trạm trung, hạ lưu sông Mê Công như Pakse (Lào), Strungtreng (Camphuchia) mực nước đã xuống mức thấp hơn năm 2015 và đạt giá trị thấp nhất cùng thời kỳ. Tại Biển Hồ (Camphuchia) mực nước thấp hơn trung bình khoảng 2m và thấp hơn năm 2015 khoảng 0,5m. Mực nước cao nhất ngày ở đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình cùng kỳ 0,5-0,9m; xấp xỉ cùng kỳ năm 2010 và thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Như vậy có thể nói là hiện nay dòng chảy trên sông Mê Công đang ở mức rất cạn kiệt.
Dông lốc gây nhiều thiệt hại
Ngày 27-7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết, UBND quận Thốt Nốt đang tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại và đề xuất phương án hỗ trợ do lốc xoáy xảy ra tại quận này làm 75 căn nhà của người dân bị sập, tốc mái, gây thiệt hại tài sản hơn 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều công trình, trụ sở cơ quan nhà nước và nhà kho, bè cá, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng, hư hại.
Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ người dân với tổng số tiền 55 triệu đồng. Lực lượng công an, quân sự đã điều động cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường trực tiếp giúp các hộ dân thu dọn, tháo dỡ nhà cửa, di chuyển tài sản, vật dụng đến nơi ở tạm, ổn định cuộc sống. Hiện nay, quận Thốt Nốt đang bố trí các nơi ở tạm nhằm ổn định đời sống cho các hộ dân.
Trước đó, mưa lớn kèm theo dông lốc và sấm sét vào chiều 23-7 đã làm thiệt hại gần 880 căn nhà dân trên địa bàn tỉnh An Giang, trong đó có 39 căn sập hoàn toàn. Mưa dông cũng làm 1.190 ha lúa màu, hàng trăm cây ăn trái trên địa bàn thị xã Tân Châu đổ ngã, 1 bè cá bị chìm, 6 kho nhà máy xay xát, lò sấy, 1 cây xăng bị sập, ngã 1 trụ phát sóng, 1 người bị thương do cây ngã đè trúng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các hộ bị thiệt hại; khẩn trương bố trí chỗ ở tạm, cấp phát gạo, các nhu yếu phẩm cần thiết. Đồng thời, huy động các lực lượng: công an, quân sự xã, cùng người dân địa phương giúp các hộ bị thiệt hại di dời tài sản, dọn dẹp và sửa chữa lại nhà cửa sớm ổn định chỗ ở.
NGỌC OAI – PHÚC HẬU – PHAN THANH
Theo SGGP
Giá heo hơi hôm nay (14/12): hai miền Bắc Trung đồng loạt giảm
Hôm nay (14/12) ghi nhận giá heo hơi tại hai miền Bắc - Trung cùng nhau đi xuống, còn miền Nam thì biến động nhẹ.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng, heo hơi tại khu vực miền Nam ghi nhận Cần Thơ giảm giá với mức 1.000 đồng/kg, xuống còn 51.000 đồng/kg. Trong khi đó, An Giang lại tăng với mức tương tự, lên 52.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không đổi với Bình Phước, Sóc Trăng, Vũng Tàu đang thấp nhất khu vực khi tiếp tục báo giá ở mức 48.000 - 49.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Đồng Nai, TP.HCM, Vĩnh Long, Bình Dương giao dịch với mức 50.000 đồng/kg còn tại Cà Mau, Long An, Trà Vinh, Bến Tre giá heo hơi dao động trong khoảng 51.000 - 52.000 đồng/kg.
Nhìn chung, khu vực miền Nam đang có giá heo hơi tốt nhất cả nước khi giao dịch trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam hôm nay biến động nhẹ. Ảnh minh họa
Theo Đời sống & Pháp lý, heo hơi tại miền Bắc hôm nay ghi nhận Phú Thọ giảm giá với 2.000 đồng/kg, xuống còn 43.000 đồng/kg. Bắc Giang giảm ít hơn với mức 1.000 đồng/kg, xuống còn 44.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại giá không đổi với giá heo hơi tại Thái Nguyên ghi nhận ở mức 42.000 đồng/kg, Tuyên Quang, Hải Dương, Vĩnh Phúc ở mức 43.000 đồng/kg còn Hà Nam, Hà Nội, Thái Bình ghi nhận ở mức 44.000 đồng/kg.
Heo hơi ở Hưng Yên, Nam Định, Yên Bái báo ở mức 45.000 đồng/kg còn tại Lào Cai, Ninh Bình, Hà Nam giao dịch quanh mức 46.000 đồng/kg.
Các tỉnh Sơn La, Cao Bằng có giá cao hơn một chút khi giao dịch ở mức 47.000 đồng/kg.
Nhìn chung, khu vực miền Bắc đang giao dịch heo hơi trong khoảng 42.000 - 47.000 đồng/kg.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng, giá heo hơi tại miền Trung ghi nhận Thanh Hóa giảm với mức 3.000 đồng/kg, xuống còn 45.000 đồng/kg. Đắk Lắk giảm ít hơn với mức 500 đồng/kg, xuống còn 48.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại giá không đổi với khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ giao dịch heo hơi trong khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg với Thừa Thiên Huế, Quảng Trị ở mức 48.000 đồng/kg còn Hà Tĩnh, Quảng Bình đang ở mức 45.000 đồng/kg
Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, giá heo hơi nằm trong khoảng 43.000 - 50.000 đồng/kg với Bình Định đạt mức 43.000 đồng/kg còn Bình Thuận, Lâm Đồng ở mức 50.000 đồng/kg.
ANH DŨNG
Theo Thegioitiepthi
Biến đất đồi Trung Bộ thành "mỏ vàng" với chanh leo, cây dược liệu Biến bất lợi thành lợi thế, giờ đây nhiều khu đất gò đồi hoang hóa ở các địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã hình thành những mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Đất đồi cho thu tiền tỷ Chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp...