Trúng bẫy ‘việc nhẹ, lương cao’ ở Campuchia, muốn về nhà phải ‘nộp phạt’ 10.000 USD
Nghe lời người quen sang Campuchia “làm việc nhẹ, lương cao”, nhiều người lao động sập bẫy đi làm việc nước ngoài, phải nộp phạt 10.000 USD/người để được trở về nước.
Người dân trình báo sự việc với Công an huyện Lục Ngạn – Ảnh: Công an cung cấp
Theo Công an huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), thời gian qua, nhiều người lao động trên địa bàn nghe lời người quen “sang Campuchia làm việc văn phòng nhẹ nhàng, lương cao tới cả nghìn USD/tháng”. Những người này đã đi máy bay vào TP.HCM rồi sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Khi sang tới nơi, những công việc “nhẹ nhàng, lương cao” qua lời kể của người quen thật ra là soạn thảo, gửi, phát tán tin nhắn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội; tư vấn, dụ dỗ vay tiền trực tuyến, đánh bạc, chơi game qua mạng…
Theo lời kể của một số nạn nhân, sau một tháng học việc, họ được trả 200 USD (khoảng 4,6 triệu đồng). Trong quá trình học việc ở đó, các đối tượng không cho người lao động dùng điện thoại và kiểm soát rất chặt chẽ. Khi có ý định thôi việc, nhóm người lao động Việt Nam bị bắt vào một khu nhà riêng, ngày chỉ ăn một bữa. Người lao động lúc này muốn về quê phải chuyển 10.000 USD tiền phạt phá vỡ hợp đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thượng tá Nguyễn Văn Duân, trưởng Công an huyện Lục Ngạn, cho biết nhóm người lao động sang Campuchia làm việc có hơn 10 người. Tất cả đi theo đường chính ngạch theo môi giới làm việc trong lĩnh vực du lịch ở một số sòng bài sát biên giới Việt Nam – Campuchia.
Khi biết sự việc, Công an huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang để gửi công văn tới Cục Cảnh sát hình sự giải quyết. Sau đó, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Campuchia đã có những trao đổi, xử lý theo ký kết tương trợ tư pháp bởi sự việc xảy ra tại Campuchia.
Theo thượng tá Duân, bà con khi có ý định đi làm việc tại nước ngoài phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ trước khi đi và chỉ đi xuất khẩu lao động qua các công ty, đơn vị được Nhà nước cấp phép hoạt động nhằm tránh trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện, có 8 người lao động trở về Lục Ngạn, một số người khác ở lại TP.HCM làm việc sau khi về nước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), lưu ý người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài được cấp phép và tuyệt đối không thông qua trung gian.
Thực tế, không phải ai cũng nắm được hết các khoản như vé máy bay, visa, khám sức khỏe, bảo hiểm lao động… nên thường tìm người quen giới thiệu hoặc qua môi giới. Thứ hai, người lao động nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động trên các trang web doanh nghiệp với đuôi “.vn”.
Video đang HOT
Các trường hợp làm không đúng quy định, người lao động có thể khiếu nại tố cáo đến số điện thoại của Cục Quản lý lao động ngoài nước: 024.3824.9517, website: dolab.gov.vn. hoặc cơ quan chức năng gần nhất.
Bị lừa sang Campuchia làm 'việc nhẹ, lương cao'
Nghe lời dụ dỗ của một người ở cùng xóm trọ đưa vào Tây Ninh làm việc cho một công ty máy tính lớn với mức lương mỗi tháng 25 triệu đồng, T. - 17 tuổi, quê Hướng Hóa (Quảng Trị) - đã đồng ý và sập bẫy.
Em T. được chuộc về vẫn chưa hết rùng mình về hành trình thoát khỏi "địa ngục" - Ảnh: Q.NAM
T. cho biết khi bước lên xe đã thấy có thêm 7 người khác cũng trạc tuổi mình.
Sập bẫy
"Cả nhóm đi đến ngày 15-5 thì tới tỉnh Tây Ninh. 8 đứa lên xe mới biết nhau nhưng nói chuyện chỉ lén lút. Xong cả nhóm được đưa đến một quán cà phê chòi. Và đến lúc này vẫn chưa ai nghĩ mình bị lừa", T. kể.
Cũng theo lời kể của T., tại quán cà phê chòi này, mỗi người trong nhóm được phát một hộp cơm. Tuy nhiên, khi vừa ăn xong lên xe thì cả nhóm đều ngủ mê mệt. Đến khi tỉnh lại thì đã thấy mình ở giữa một rẫy cà phê. "Trong một cái chòi nhỏ ở đây, có một nhóm người có súng. Tụi em thấy không ổn đòi về thì một người trong nhóm nói đây là biên giới Campuchia rồi, đòi về sẽ "xử"", T. nhớ lại lời đe dọa.
Cuối cùng, các em được đưa đến một dãy nhà 9 tầng được xây như ký túc xá và có tường rào cao bao quanh. "Sợ nhất là khi thấy ở đây có đến mấy chục người mặc đồ bảo vệ. Mỗi người canh giữ một phòng, người nào cũng có súng và roi điện", T. nói.
T. kể ngay ngày đầu tiên vào dãy nhà được gọi là công ty này, nhóm của T. đã được một cô gái trẻ phiên dịch tiếng Việt đưa lên một phòng có nhiều máy tính. Người này dạy cho nhóm của T. cách lừa đảo tiền qua các trang mạng. T. cùng một số người từ chối không học việc lừa đảo thì mọi chuyện hé lộ - không phải "việc nhẹ, lương cao" như đã được hứa trước đó.
Những dãy nhà xung quanh vị trí mà em T. bị giữ khi qua Campuchia được em quay lén - Ảnh cắt từ clip do gia đình em T. cung cấp
Bỏ tiền chuộc con về
"Lúc này, những người ở công ty ma này thông qua phiên dịch nói đã phải bỏ 1.250 USD ra mua T. và phải làm trong 6 tháng để trả nợ. Nếu không chịu làm thì phải gọi người nhà trong 5 ngày gửi tiền qua chuộc về. Nếu không sẽ bị bán tiếp qua Philippines", T. kể lại và cho biết lúc này mới biết mình bị người môi giới ở cùng xóm trọ bán chứ không phải đưa đi làm.
Cả nhóm đều là con em các gia đình miền núi nghèo khó, khi nghe tiền chuộc đến mấy chục triệu đồng thì giật mình. Cả nhóm quyết định tìm cách bỏ trốn. Tuy nhiên, theo lời T. kể, cuộc trốn chạy bất thành. Họ bị giữ lại, bị đánh đập bằng roi điện.
Bà H., mẹ T., cho biết vì quá thương con nên bà đã quyết định phải vay mượn tiền chuộc con về bằng mọi giá. Qua điện thoại, người phiên dịch ghi những khoản phí người nhà phải nộp vào một tờ giấy in sẵn bằng cả tiếng Trung và tiếng Việt với dòng chữ in phía trên là "đơn xin nghỉ việc của nhân viên".
Những khoản phí chuộc phải nộp gồm có cả tiền phí giới thiệu 1.250 USD cùng phí ăn ở, xe, quản lý, xét nghiệm COVID-19, làm thủ tục. Tổng cộng các khoản phí chuộc được tính là 1.530 USD, tức hơn 38 triệu đồng.
Bà H. cũng được gửi một số tài khoản của một người được cho là người Trung Quốc kèm lời nhắn chuyển đủ tiền vào đó thì con sẽ được đưa về cửa khẩu Mộc Bài. Bà H. xin cho người nhà tới tận nơi nộp tiền và đưa về, nhưng người này không chịu.
Đến ngày 20-5, bà H. chuyển đủ số tiền được yêu cầu và ngay chiều hôm đó T. được một người đàn ông đưa đến cửa khẩu làm thủ tục để về. Cùng được chuộc về cùng lúc với T. còn có 2 người khác. T. nói 2 người này qua trước T. 4 ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Trọng Vân, chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), nói sẽ chỉ đạo Công an huyện vào cuộc xác minh ngay sự việc. "Trước mắt tôi sẽ cho công an xác minh vụ việc liên quan đến trường hợp đã được chuộc về", ông Vân cho hay.
Cảnh báo nạn dụ dỗ
Theo thượng tá Trần Đăng Dũng - chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, hiện nay trên các trang mạng xã hội có một số kẻ thuộc đường dây đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép tìm việc làm ở Campuchia đưa ra lời mời, kêu gọi làm việc nhẹ với những mức lương hấp dẫn từ 700 - 1.000 USD/tháng.
Thực tế khi người dân đến Campuchia hoặc các nước khác trong khu vực chỉ làm thuê, thậm chí không có việc, muốn về nước thì phải đóng tiền chuộc.
Thượng tá Dũng khuyến cáo người dân không nên tin vào lời dụ dỗ của kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội mời gọi "ra nước ngoài làm việc nhẹ với mức lương cao". Trường hợp khi biết mình bị dụ dỗ để đưa qua Campuchia thì tìm cách liên hệ với cơ quan chức năng Việt Nam, Campuchia và lực lượng biên phòng các cửa khẩu để được hỗ trợ.
Nhiều thanh thiếu niên đã bị lừa
Tờ phiếu ghi các khoản tiền mà mẹ em T. phải nộp để chuộc con - Ảnh do gia đình cung cấp
Trả lời Tuổi Trẻ từ Phnom Penh, ông Sym Chi, chủ tịch Tổng hội Khmer - Việt Nam, nhìn nhận thời gian qua đã xuất hiện các đường dây của người Việt cấu kết với các đầu mối ở Campuchia đưa người Việt Nam sang Campuchia lao động trái phép. Họ sử dụng các trang mạng xã hội, trong đó có những trang mạng mạo danh Hội người Việt Nam tại Campuchia, để tuyển người từ Việt Nam sang với những hứa hẹn hấp dẫn.
Nạn nhân đa số là thanh thiếu niên từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, ngoài ra có một số từ các tỉnh Nam Bộ và người gốc Việt tại Campuchia.
Họ lừa đưa người sang để làm việc trong các công trình xây dựng hoặc các điểm đánh bạc trực tuyến ở các tỉnh Svay Rieng, Koh Kong và nhiều nhất là Sihanoukville... do người Trung Quốc làm chủ.
Khi đến nơi thì điều kiện làm việc không như mong muốn. Một số bị giam cầm, ngược đãi, một số trốn thoát, một vài trường hợp mất tích. Có trường hợp một thanh niên gốc Việt từ tỉnh Khmpong Chhnang đã nhảy lầu tử vong. Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia, các cơ quan lãnh sự tại Sihanoukville và Đại sứ quán Việt Nam cũng đã tiếp nhận nhiều thông tin liên quan đến tình hình trên.
Riêng Hội Khmer - Việt Nam đã tiếp nhận nhiều lời kêu cứu của các trường hợp từ Việt Nam bị lừa sang Campuchia. "Chúng tôi đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, phối hợp với các cơ quan chức năng của Campuchia giải cứu gần 300 lao động Việt Nam tại Sihanoukville... Tuy nhiên, các trường hợp bị lừa, kêu cứu vẫn còn chưa nắm hết", ông Sym Chi nói.
Gia tăng cạm bẫy lừa đảo vay tiền, việc làm online Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy. Vay không được lại còn mất tiền Vụ việc mới...