Trung-Ấn: Vừa là đối tác, vừa là đối thủ
Chủ tịch Trung Quốc thăm Ấn Độ trong bối cảnh quan hệ Trung-Ấn “vừa là đối tác, vừa là đối thủ” và vẫn căng thẳng vì tranh chấp biên giới.
Cái bóng của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong quan hệ Trung-Ấn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm chính thức Ấn Độ 3 ngày, với nhiều cam kết đầu tư và tăng cường quan hệ giữa hai cường quốc Châu Á.
Ngày 17/9, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Ahmebadad, thành phố chính của bang Gurajat, quê hương của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Gujarat là nơi chiếm phần lớn những khoản đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ, trong đó có “thành phố thông minh” đầu tiên đang được xây dựng.
Video đang HOT
Phía Ấn Độ hy vọng thu hút thêm đầu tư Trung Quốc để giúp cân bằng khoản thâm hụt mậu dịch khá lớn với Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Ấn Độ, với trao đổi mậu dịch hàng năm hiện lên tới hơn 65 tỷ USD, nhưng với phần thâm hụt nghiêng hẳn về phía Ấn Độ.
Đến thăm Ấn Độ lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cam kết những khoản đầu tư có thể lên tới hơn 100 tỷ USD, cao gấp ba lần so với số vốn đầu tư mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hứa hẹn trong chuyến viếng thăm Ấn Độ gần đây.
Hợp tác làm ăn nhưng vẫn dè chừng lẫn nhau
Quan hệ Trung-Ấn vốn căng thẳng do tranh chấp lâu năm về biên giới và sự mất tin tưởng lẫn nhau về sức mạnh mỗi ngày một tăng của đối phương.
Bắc Kinh vẫn đòi chủ quyền trên 90.000 km2 diện tích lãnh thổ của Ấn Độ, tương đương với 1/6 lãnh thổ nước Pháp, khu vực mà quân đội Trung Quốc đã xâm nhập tổng cộng hơn 300 lần trong vòng 6 tháng qua.
Theo RFI, Chủ tịch Tập sẽ tìm cách thuyết phục Ấn Độ, một quốc gia láng giềng “vừa là đối tác vừa là đối thủ địa chính trị” và xem Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc phòng.
Nhà phân tích chính trị quốc tế Shyam Saran (Center for Policy Research) tại New Delhi – nguyên là Thứ trưởng ngoại giao Ấn Độ – nhận định rằng Trung Quốc xem Ấn Độ của Thủ tướng Modi vừa là một đối tác, vừa là một đối thủ tiềm tàng.
Ý thức về việc một phần công luận Ấn Độ vốn xem Trung Quốc là kẻ xâm lược, trước ngày ông Tập Cận Bình lên đường, Bắc Kinh cam kết không có ý đồ “bao vây” Ấn Độ. Thứ trưởng ngoại giao Lưu Kiến Siêu tuyên bố: “Trung Quốc xem Ấn Độ là đối tác để phát triển, không bao vây và sẽ không bao vây Ấn Độ”.
Chuyên gia Ấn Độ Jayadeva Ranade, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược Trung Quốc tại New Delhi cho rằng Bắc Kinh rất lo ngại khi thấy Ấn Độ xích lại gần Mỹ và Nhật Bản. Do vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình thủ sẵn một số đề nghị mà Ấn Độ thèm muốn: đầu tư cải thiện hệ thống xe lửa lạc hậu, xây dựng đường sắt cao tốc và hợp tác trong lãnh vực hạt nhân.
Thấy rõ ý đồ của Trung Quốc, tân Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã gấp rút giới hạn tầm ảnh hưởng của chiến dịch tấn công ngoại giao của Trung Quốc trong vùng ảnh hưởng. Ngay sau khi lên nhậm chức, ông Modi ngay lập tức sang thăm Butan và Nepal và chìa bàn tay hòa giải với Pakistan.
Theo giới phân tích, để đối phó với tham vọng trên bộ và trên biển của Trung Quốc, New Delhi còn có thể dựa vào mối quan hệ thân hữu lâu dài với Tokyo. Nhật Bản và Ấn Độ đều xem sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên của Trung Quốc là mối đe dọa chung. Tăng cường hợp tác song phương Ấn-Nhật để đối trọng với tham vọng của Trung Quốc là chính sách được Mỹ chia sẻ và khuyến khích.
Thủ tướng Modi sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc khác với chính quyền trung tả tiền nhiệm. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ được thông báo về những “đường ranh đỏ” trong quan hệ với Ấn Độ.
Chính phủ của tân Thủ tướng Narendra Modi đã khẳng định sẽ không nhượng bang Arunachal Pradesh theo đòi hỏi của Bắc Kinh và đã loan báo đầu tư hàng tỷ euro đầu tư vào vùng Đông Bắc này để xây đường sá, hệ thống viễn thông và tăng cường kiểm soát biên giới.
Tuần trước Ngoại trưởng Ấn Độ, bà Sushma Swaraj, nêu rõ Trung Quốc phải tôn trọng các tuyên bố chủ quyền của Ấn Độ tại Arunachal Pradesh. Bà Swaraj lập luận: “Để Ấn Độ đồng ý với chính sách &’một nước Trung Quốc’ thì Trung Quốc cần phải tái khẳng định chính sách một nước Ấn Độ”.
Giáo sư DS Rajan, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc, phân tích: “Hai nước vẫn trong thế đối địch, mặc dù vẫn duy trì một khuôn khổ hợp tác. Ấn Độ sẽ buộc phải nêu lên vấn đề biên giới, vì đây sẽ là vấn đề thiết yếu trong những năm tới. Có điều hiện giờ Trung Quốc có vẻ không sẵn sàng giảm nhẹ những yêu sách về lãnh thổ đối với Ấn Độ”.
Theo Tri Thức