Trung – Ấn nguy cơ chiến tranh lạnh tại quốc đảo Maldives
Chính phủ Maldives tuần qua đã thông qua đạo luật cho phép người nước ngoài sở hữu đất đai tại quốc đảo này, làm dấy lên lo ngại xảy ra một cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Maldives sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đất đai vĩnh viễn nếu đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên. Ảnh: The Guardian
Đạo luật được Tổng thống Abdulla Yameen phê chuẩn hôm thứ năm vừa qua, lần đầu cho phép người nước ngoài sở hữu đất đai tại Maldives.
Quốc đảo này là nơi những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới đi qua, và giới quan sát lo ngại luật mới có thể là cơ hội để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương.
Hiện nhiều công ty nước ngoài đã mở những khu nghỉ dưỡng sang trọng tại Maldives, trên những khu đất được thuê lại từ chính phủ với thời hạn tối đa 99 năm. Đạo luật mới sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài với số vốn từ 1 tỷ USD trở lên sở hữu vĩnh viễn khu đất, với điều kiện 70% diện tích là từ lấn biển.
Ấn Độ lâu nay vẫn dõi theo Maldives với ánh mắt lo ngại, khi chính phủ quốc đảo này ngày càng có xu hướng thân thiết hơn với Bắc Kinh.
Video đang HOT
Hiện hai cường quốc châu Á đang không ngừng chạy đua để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. New Delhi lo ngại trước khi Bắc Kinh có những động thái quyết liệt tại khu vực trước nay vẫn được xem như sân sau của Ấn Độ.
Trong cuộc đua ngầm này, Ấn Độ vừa có được chiến thắng quan trọng khi tân Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena, người đắc cử hồi tháng một, đã điều chỉnh chính sách đối ngoại hướng về New Delhi. Trước đó, người tiền nhiệm của ông Sirisena vẫn đi theo hướng trông đợi vào đầu tư và hậu thuẫn ngoại giao từ Trung Quốc.
Maldives cũng là nơi diễn ra một cuộc cạnh tranh tương tự. Một công ty tại Ấn Độ vừa bị hủy hợp đồng lớn, mở rộng sân bay tại Maldives, trong khi Trung Quốc đang hỗ trợ nước chủ nhà xây dựng tuyến đường bộ huyết mạch với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, nối sân bay này với thủ đô Male.
Ấn Độ cũng từng có mối quan hệ thân thiết với chính quyền của ông Mohammed Nasheed, người tiền nhiệm của Tổng thống Yameen. Nasheed đã bị phế truất năm 2012 và đang bị quản thúc tại gia.
Mới đây, ông Yameen đã phải lên tiếng trấn an Ấn Độ trong thông điệp quốc gia. “Chính phủ Maldives đã cam kết với chính phủ Ấn Độ cũng như các quốc gia láng giềng về việc đảm bảo cho Ấn Độ Dương là khu vực phi quân sự”, ông Yameen khẳng định.
Tổng thống Yameen tuyên bố chính sách đối ngoại của Maldives sẽ không thay đổi và động thái mới đây không tạo ra “bất kỳ mối nguy hiểm nào cho người dân Maldives cũng như các quốc gia láng giềng”.
Một số quan chức tại Delhi thì cho biết họ đang nghiên cứu kỹ phát biểu của ông Yameen.
Hoàng Nguyên
Theo Guardian
Trung - Ấn làm đường sắt cao tốc dài thứ nhì thế giới
Trung Quốc đang thảo luận hỗ trợ Ấn Độ xây dựng đường sắt cao tốc dài thứ hai thế giới, với tổng đầu tư gần 33 tỷ USD.
Trung Quốc sẽ đưa công nghệ xây đường sắt hiện đại vào Ấn Độ. Ảnh minh họa:Xinhua
Đường sắt cao tốc Delhi-Chennai trải dài hơn 1.700 km sẽ được Trung Quốc và Ấn Độ hợp tác xây dựng, China Daily dẫn lời quan chức cấp cao Bộ Đường sắt Ấn Độ cho hay.
Một nhóm chuyên gia Ấn hôm qua đến Bắc Kinh để ký thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc và hoàn tất thủ tục cho nghiên cứu khả năng của dự án. Nhóm này gồm các quan chức của Công ty Đường sắt Cao tốc và Công ty Đường sắt Vikas Nigam, theo Hindustan Times.
"Nghiên cứu về đường sắt Delhi-Chennai có thể bắt đầu vào đầu năm tới", một quan chức Ấn giấu tên nói. Tuy nhiên các quan chức liên quan của Trung Quốc đều từ chối xác nhận thông tin trên.
Khi đi vào vận hành, Delhi-Chennai dự kiến có vận tốc 300 km/h. Đây là một phần dự án "Kim cương bốn cạnh" của Thủ tướng Ấn Narendra Modi nhắm tới xây dựng mạng lưới các đường sắt cao tốc nối các thành phố lớn Delhi - Mumbai, Mumbai - Chennai, Chennai - Kolkata, Kolkata - Delhi và Mumbai - Kolkata.
Trong khi đó, Trung Quốc muốn mở rộng thị phần về đường sắt cao tốc ở Ấn Độ và các khu vực khác trên thế giới. Nước này hiện sở hữu tổng số 100.000 km đường sắt tính đến cuối năm ngoái. Trung Quốc cam kết các khoản đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cho mạng lưới đường sắt của Ấn Độ trong chuyến thăm Ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9.
Tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới hiện là tuyến nối Bắc Kinh với Quảng Châu (Trung Quốc) với chiều dài hơn 2.200 km, được đưa vào vận hành hồi năm 2012, theo Railway Technology.
Tháng trước Trung Quốc và Nga bày tỏ ý định xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Moscow và Bắc Kinh trên chiều dài 7.000 km.
Khánh Lynh
Theo VNE
Trên nóc nhà thế giới, Trung - Ấn cạnh tranh từng tấc đất Hoàng hôn buông xuống, những người chăn thả gia súc kéo nhau về khu làng trên dãy Himalaya, mang theo tin tức đáng lo ngại. Họ phát hiện có lính Trung Quốc ngụy trang bên trong lãnh thổ Ấn Độ. Quân đội Trung Quốc tiến đến "chỉ cách vài mét, hoặc 1 km, vào cùng thời điểm", Gurmet Dorjay, thành viên Hội đồng...