Trump yêu cầu Georgia thay đổi kết quả bầu cử
Tổng thống Trump dường như gây áp lực lên quan chức bầu cử Georgia, yêu cầu “tìm” đủ số phiếu để giúp ông giành lại chiến thắng ở bang này.
Theo bản ghi âm cuộc gọi kéo dài một tiếng của Tổng thống Donald Trump với Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger ngày 2/1 được truyền thông Mỹ đăng tải, ông chủ Nhà Trắng ban đầu cầu xin sau đó đe dọa Raffensperger nhằm tác động để quan chức bầu cử Georgia thay đổi kết quả.
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 10/6. Ảnh: Reuters.
Raffensperger, một đảng viên Cộng hòa, và tổng cố vấn văn phòng của mình trong suốt cuộc nói chuyện đã bác bỏ những yêu cầu từ phía Trump, nói rằng Tổng thống đang chỉ cố gắng dựa vào những thuyết âm mưu vô căn cứ về một cuộc bầu cử gian lận và không minh bạch.
“ Người dân Georgia đang tức giận, người dân cả nước đang tức giận”, Trump nói, theo bản ghi âm cuộc gọi được Washington Post đăng đầu tiên. “Và không có gì sau khi yêu cầu tính toán lại”.
“Vậy nên hãy xem xét lại. Tôi chỉ cần làm vậy thôi. Tôi chỉ muốn tìm 11.780 phiếu, nhiều hơn một phiếu mà chúng ta có. Bởi vì chúng ta đã thắng ở Georgia”, Trump nói, khăng khăng rằng “không thể có chuyện” ông để thua tại Georgia.
Nhà Trắng hiện từ chối đưa ra bình luận. Văn phòng của Tổng thư ký Georgia Raffensperger cũng không có bất kỳ bình luận nào.
Bob Bauer, cố vấn cấp cao cho Tổng thống đắc cử Joe Biden, nói rằng đoạn ghi âm đã phơi bày “toàn bộ câu chuyện đáng xấu hổ về cuộc tấn công của Donald Trump nhằm vào nền dân chủ Mỹ”.
“Giờ đây, chúng ta có bằng chứng không thể chối cãi về việc Tổng thống gây sức ép và đe dọa một quan chức trong chính đảng của ông ấy nhằm tìm cách hủy bỏ một cuộc kiểm phiếu hợp pháp, đã được chứng nhận và ngụy tạo một kết quả kiểm phiếu khác”, Bauer cho hay.
Ngay cả nếu Tổng thống Trump có chiến thắng ở Georgia và nhận được 16 phiếu đại cử tri từ bang này, ông cũng vẫn không thể giành lại Nhà Trắng. Kết quả kiểm phiếu đại cử tri ở các bang cho thấy Biden đã giành được 306 phiếu, cao hơn ngưỡng 270 phiếu cần thiết để chiến thắng, còn Trump giành được 232 phiếu.
Trước khi Washington Post đăng đoạn ghi âm cuộc gọi, Trump ngày 3/1 viết trên mạng xã hội Twitter rằng ông đã có cuộc trò chuyện với Tổng thư ký Raffensperger về gian lận ở Georgia.
“Ông ấy không sẵn lòng, hoặc không thể, trả lời những câu hỏi như là về ‘những phiếu bầu mờ ám’, hành động hủy lá phiếu, cử tri từ bang khác đến bỏ phiếu, phiếu của cử tri đã chết và hơn thế nữa. Ông ấy không có bất kỳ manh mối nào!”, Trump viết.
Raffensperger lập tức bác bỏ những phát ngôn từ Tổng thống Mỹ. “Bằng sự trân trọng, thưa Tổng thống Trump: Những điều ông nói hoàn toàn không đúng. Sự thật cuối cùng sẽ được phơi bày”, Tổng thư ký Georgia tweet.
Hơn một tháng Trump nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử
Ngoài kiện tụng, Tổng thống Trump còn sốt sắng vận động hậu trường nhằm thu phục thêm đồng minh tham gia nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của ông.
Mọi chuyện bắt đầu từ một cuộc điện thoại.
Giữa tháng 11, Tổng thống Donald Trump gọi cho Monica Palmer, đảng viên Cộng hòa, chủ tịch hội đồng kiểm phiếu hạt Wayne, bang Michigan, người vừa tuyên bố ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng tại hạt đông dân nhất bang này.
Tổng thống Trump tại cuộc mít tinh vận động cho đồng minh trong cuộc đua vào thượng viện tại Georgia ngày 5/12. Ảnh: AP .
24 giờ sau, Palmer thông báo bà muốn "hủy bỏ" kết quả bầu cử tại hạt Wayne. Lý do bà đưa ra giống với những tuyên bố từ Tổng thống Trump: Cuộc bầu cử ngày 3/11 có thể bị gian lận.
"Cuộc bầu cử tại hạt Wayne có những sai sót nghiêm trọng và quy trình đang được điều tra", bà viết trong bản khai trình lên tòa. "Tôi tiếp tục yêu cầu thêm thông tin để đảm bảo với cử tri hạt Wayne rằng cuộc bầu cử đã được tiến hành một cách công bằng và chính xác".
Video đang HOT
Quyết định đảo ngược của Palmer được đưa ra quá trễ. Kết quả đã được xác nhận. Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của Trump.
Trong hơn một tháng sau đó, ông ra sức thực hiện một chiến dịch sâu rộng nhằm vận động các lãnh đạo đảng Cộng hòa trên toàn quốc từ chối công nhận kết quả bầu cử với phần thắng nghiêng về Biden.
Trong các đợn kiện, Trump liên tục đưa ra các cáo buộc về gian lận bầu cử, khẳng định chiến thắng của ông đã "bị đánh cắp".
Tổng cộng, Trump đã nói chuyện với ít nhất 31 đảng viên Cộng hòa, bao gồm hầu hết các quan chức địa phương và tiểu bang từ 4 bang chiến trường quan trọng mà ông để thua là Michigan, Arizona, Georgia và Pennsylvania.
Các liên lạc gồm ít nhất 12 cuộc gọi tới 11 cá nhân và ít nhất 4 cuộc họp Nhà Trắng với 20 nghị sĩ bang là thành viên đảng Cộng hòa, các lãnh đạo đảng và tổng chưởng lý, những người mà Tổng thống Mỹ hy vọng có thể đem chiến thắng trở lại tay ông.
Trump cũng nói chuyện điện thoại với một số hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa và ít nhất ba thượng nghị sĩ trong đảng về nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của mình. Tất cả diễn ra song song với chiến dịch kiện tụng nhằm yêu cầu kiểm phiếu lại.
Mục tiêu đầu tiên của Trump là ngăn chứng nhận kết quả bầu cử ở cấp độ địa phương. Và hai tuần sau ngày bầu cử, ông bắt đầu chú ý tới Michigan.
Ngày 17/11, ủy ban kiểm phiếu hạt Wayne họp để chứng nhận kết quả bầu cử. Cuộc họp ban đầu rơi vào thế bế tắc do hai đảng viên Cộng hòa là Palmer và William Hartmann phản đối xác nhận.
Dù vậy, sau một hồi thảo luận, hai người đồng ý xác nhận kết quả với điều kiện một cuộc kiểm tra phải được thực hiện nhằm giải thích rõ ràng mọi nghi ngờ. Tuy nhiên, sáng hôm sau, Palmer cố rút lại lá phiếu xác nhận.
Quyết định trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump gọi điện thoại cho cả Palmer lẫn Hartmann.
Palmer nói rằng Tổng thống Trump không gây áp lực cho bà trong cuộc gọi. Tuy nhiên, nỗ lực bất thường của Trump nhằm can thiệp vào một quy trình mang tính truyền thống đã lập tức thu hút sự chú ý, thậm chí từ cả một số đảng viên Cộng hòa.
"Khó có thể tưởng tượng ra một hành động nào khác tồi tệ và phi dân chủ hơn từ một thổng thống Mỹ đương nhiệm", Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Utah Mitt Romney lúc bấy giờ tuyên bố.
Một quan chức chiến dịch tranh cử của Trump cho biết các trợ lý đã khuyên ông không nên liên lạc với Palmer và Harmann song Tổng thống Mỹ phớt lờ.
"Tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như nỗ lực của Trump khi ông cố gắng khiến các nhà quản lý bầu cử hay các thống đốc gọi cuộc bầu cử của chính họ là gian lận, hối thúc kiểm lại phiếu hay thực hiện những hành động khác nhằm lật ngược kết quả", Richard Hasen, chuyên gia luật bầu cử tại Trường luật Irvine, Đại học California, nhận xét.
Ngày 20/11, sau khi đã thất bại trong nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử cấp địa phương ở Michigan, Trump tiếp tục tiến một bước xa hơn khi mời ít nhất 6 nghị sĩ Cộng hòa có ảnh hưởng nhất tại Michigan tới Nhà Trắng. Mục đích của ông là ngăn bang chứng nhận kết quả bầu cử.
Các nghị sĩ tham gia cuộc họp cho biết họ đã thảo luận về những biện pháp hỗ trợ tài chính cho các bang bị Covid-19 tàn phá nhưng thừa nhận rằng họ cũng bàn bạc về kết quả bầu cử ở Michigan, nơi Biden giành chiến thắng với 150.000 phiếu cách biệt.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany khẳng định cuộc họp chỉ mang tính thông lệ và nó "không phải một sự kiện vận động". Theo lời bà, không ai từ chiến dịch tranh cử của Trump xuất hiện. Tuy nhiên, McEnany quên rằng các luật sư dẫn dắt nỗ lực pháp lý của Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử cũng được triệu tập.
Trump muốn các nghị sĩ Michigan phá bỏ quy trình thông thường mà các bang vẫn sử dụng để chỉ định các đại cử tri xác nhận kết quả bầu cử.
Theo truyền thống, các phiếu đại cử tri của mỗi bang sẽ được trao cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử phổ thông tại bang đó. Nhưng Trump hy vọng ông có thể tạo ra bầu không khí không chắc chắn đến mức mà các bang như Michigan sẽ không thể công bố người chiến thắng rõ ràng khi thời hạn xác nhận đến. Về mặt lý thuyết, điều này có thể mở đường cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa tham gia và chỉ định những đại cử tri sẽ chứng nhận kết quả theo ý Trump muốn là chiến thắng dành cho ông.
Song nỗ lực của Tổng thống Mỹ không thể tác động tới các nghị sĩ bang Michigan. Sau cuộc họp, Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện bang Mike Shirkey và Chủ tịch Hạ viện bang Lee Chatfield ra một tuyên bố chung nói rằng họ "chưa nắm được bất kỳ thông tin nào có thể thay đổi kết quả bầu cử ở Michigan".
Ngày 23/11, Michgan xác nhận kết quả.
Hai ngày sau, Trump lại thay đổi chiến thuật. Ông bí mật quyết định bay đến Gettysburg để tham dự một cuộc họp của các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Pennsylvania bàn về những cáo buộc gian lận mà Trump đưa ra.
Thất bại ở Michigan, Trump giờ đây hướng tập trung vào Pennsylvania, một bang quan trọng khác mà Biden đã lật ngược thế cờ trong cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, vài giờ trước khi lên đường, Trump đột ngột hủy bỏ lịch trình. Đây là lần hiếm hoi ông nghe theo lời khuyên từ các trợ lý và đồng minh xung quanh mình. Theo họ, việc ông xuất hiện sẽ không được đón nhận tích cực.
Dù vậy, Trump không thể tránh xa hoàn toàn. Giữa cuộc họp, nơi các luật sư riêng của ông cũng góp mặt để trình bày những lý do khởi kiện, Tổng thống Mỹ gọi cho một luật sư, Jenna Ellis. Cô bật loa ngoài điện thoại để đích thân ông nói về hành vi gian lận bầu cử.
Sau cuộc họp, Trump yêu cầu các nghị sĩ Pennsylvania trực tiếp đến Nhà Trắng gặp mình. Một lần nữa, ông yêu cầu họ can thiệp.
Pennsylvania, nơi Trump thua với cách biệt 80.000 phiếu, có thống đốc đảng Dân chủ nhưng cơ quan lập pháp lại do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát. Điều này khiến Trump nuôi hy vọng rằng những tiếng nói ủng hộ ông trong cơ quan lập pháp có thể gây áp lực lên thống đốc đảng Dân chủ của bang.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện bang Jake Corman và Chủ tịch Hạ viện bang Bryan Cutler đều bác bỏ ý tưởng này.
Ned Foley, chuyên gia về luật bầu cử tại Trường Luật College, Đại học bang Ohio, cho rằng Trump về cơ bản đã cố gắng biến bầu cử năm 2020 thành năm 1876, cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất lịch sử Mỹ.
Lúc bấy giờ, ba bang là Florida, Louisiana và Nam Carolina đều chỉ định các nhóm đại cử tri không thống nhất, buộc Quốc hội phải thành lập một ủy ban giúp định đoạt ai là tổng thống. Ủy ban này một lần nữa bỏ phiếu và cuối cùng bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa Rutherford B. Hayes lên nắm quyền ở Nhà Trắng.
Ngày 30/11, Tổng thống Trump tiếp tục nổi cơn thịnh nộ khi chứng kiến Thống đốc đảng Cộng hòa bang Arizona Doug Ducey xác nhận kết quả bầu cử.
Các luật sư và trợ lý chiến dịch tranh cử của Trump đã dành hàng tuần gây sức ép yêu cầu Ducey phải lặp lại cáo buộc gian lận mà Tổng thống đưa ra, đồng thời bày tỏ hoài nghi về kết quả bầu cử tại chính bang do ông điều hành. Tuy nhiên, Ducey một mức từ chối, theo hai nguồn thạo tin.
Vì vậy, khi Ducey xuất hiện tại cuộc họp báo ký vào các tài liệu chứng nhận chiến thắng dành cho Biden tại Arizona, đây chính là "giọt nước làm tràn ly" đối với Tổng thống Trump.
Ông bắt đầu đăng những dòng tweet giận dữ về Ducey. Giữa cuộc họp báo, điện thoại của Ducey vang lên với nhạc chuông là bài hát "Hail to the Chief". Thống đốc Arizona trước đó từng tiết lộ chính ông đã đặt nhạc chuông là bài hát này cho các cuộc gọi từ Tổng thống.
Ducey không bắt máy. Arizona xác nhận chiến thắng dành cho Biden.
4 ngày sau, Trump gặp Chủ tịch đảng Cộng hòa bang Arizona Kelli Ward tại Nhà Trắng, song đã quá muộn.
Tiếp theo, Tổng thống Mỹ hướng sự quan tâm sang Georgia.
Biden đã giành chiến thắng tại Georgia với 12.000 phiếu cách biệt, lần đầu tiên trong gần ba thập kỷ thu phục được ủng hộ từ một bang có truyền thống nghiêng về đảng Cộng hòa, điều khiến Trump tức giận.
Kể từ sau ngày bầu cử, Thống đốc bang Georgia Brian Kemp, một đảng viên Cộng hòa, luôn định vị mình tránh xa khỏi những cáo buộc gian lận bầu cử từ Tổng thống. Hành động này không thể qua mắt Trump.
Ngày 5/12, khi chuẩn bị bay tới Georgia để thực hiện một chiến dịch vận động tranh cử cho hai đảng viên Cộng hòa Kelly Loeffler và David Perdue trong cuộc đua giành hai ghế Thượng viện bang, Trump đã nối máy với Kemp.
Ông thúc giục Thống đốc Kemp tổ chức một phiên họp đặc biệt của cơ quan lập pháp Georgia để chỉ định các đại cử tri mà Trump mong muốn nhằm thay đổi kết quả cuối cùng. Trump cũng muốn yêu cầu Kemp ra lệnh xác minh chữ ký trên những phiếu bầu vắng mặt.
Sau cuộc gọi, Kemp một lần nữa giải thích rằng ông không có thẩm quyền yêu cầu tổ chức một cuộc kiểm tra xác minh như ý Tổng thống Trump dù muốn. Ông cũng từ chối lời đề nghị tổ chức phiên họp đặc biệt của cơ quan lập pháp bang.
Đêm đó, tại buổi vận động, Trump không giấu nổi sự bất bình.
"Thống đốc của các bạn không thể từ bỏ dễ dàng như thế nếu ông ấy biết chuyện quái quỷ gì đang diễn ra", Trump nói với đám đông. "Đến nay, chúng tôi chưa thể tìm thấy bất kỳ ai ở Georgia sẵn sàng làm điều đúng đắn".
Dù vậy, Trump chưa từ bỏ ở Georgia. Lần này, ông gọi tên Tổng chưởng lý bang Chris Carr.
Car, một đảng viên Cộng hòa, không đồng tình với đơn kiện được Trump thúc đẩy, do Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton nộp, yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ ngăn một số bang chiến trường, bao gồm cả Georgia, tiến hành cuộc bỏ phiếu đại cử tri bầu cho Biden, tuyên bố có bằng chứng đáng tin cậy rằng cuộc bầu cử bị gian lận.
Carr thường xuyên chỉ trích vụ kiện, nói rằng nó "sai về mặt hiến pháp, đạo đức lẫn thực tế". Ông cũng khuyến khích các tổng chưởng lý khác phản đối, điều khiến Tổng thống Trump không hài lòng.
Ngày 8/12, Trump gọi điện thoại cho Carr, yêu cầu ông thay đổi lập trường. Tổng thống cũng muốn tất cả các tổng chưởng lý thuộc đảng Cộng hòa khác ký tên vào đơn kiện.
Tuy nhiên, nỗ lực này tiếp tục không hiệu quả. Trong khi 17 tổng chưởng lý chấp nhận ký tên, 9 người khác không tham gia.
Khi vụ kiện của Texas có dấu hiệu thất bại, Trump lại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nghị sĩ ở Hạ viện. Tại đây, ông tìm thấy một đồng minh nhiệt thành.
Ngày 9/12, Hạ nghị sĩ Louisiana Mike Johnson gửi email cho tất cả 196 đồng nghiệp đảng Cộng hòa của mình, yêu cầu họ ký vào một bản kiến nghị của bên không liên quan tới tranh chấp thể hiện sự ủng độ đối với đơn kiện do Texas dẫn đầu.
Hành động của Johnson lập tức được Trump chú ý. Ông gọi điện thoại cho Johnson chiều cùng ngày để cảm ơn.
Sau đó, ông bắt tay vào việc, gọi cho một số hạ nghị sĩ Cộng hòa khác yêu cầu họ ủng hộ và ký tên vào bản kiến nghị do Johnson đề xuất, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.
Cuối cùng, 126 thành viên Quốc hội đã ký.
Ngày 10/12, Trump tổ chức một bữa tiệc trưa ở Nhà Trắng, mời 12 tổng chưởng lý đảng Cộng hòa tới dự.
10 trong 12 tổng chưởng lý trong danh sách khách mời ký tên vào đơn kiện của Texas. Arizona và Kentucky không tham gia.
Nhưng sự ủng hộ của họ không thể mang đến cho Tổng thống Trump điều ông mong muốn. Ngày hôm sau, Tòa án Tối cao bác đơn kiện, cho rằng Texas không có vị thế để theo đuổi vụ kiện.
Ngày 14/12, hai ngày sau khi đơn kiện của Texas bị bác bỏ, Đại cử tri đoàn bỏ phiếu ở tất cả 50 bang trên khắp đất nước, bầu cho Joe Biden trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, chính thức hóa chiến thắng của ông.
Kết quả này khiến một số đảng viên Cộng hòa trung thành với Trump, bao gồm cả Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, cuối cùng phải phá vỡ im lặng, thừa nhận Biden là tổng thống đắc cử.
Nhưng Trump không cho thấy ông sẽ từ bỏ chiến dịch gây áp lực. Hôm 18/12, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống ca ngợi Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Alabama Tommy Tuberville vì gợi ý rằng ông có thể cùng một nhóm thành viên Hạ viện lên tiếng phản đối khi Quốc hội tổ chức phiên họp chứng nhận kết quả bầu cử vào ngày 6/1/2021.
Hôm 20/12, Trump nói với kênh radio WABC của New York rằng ông đã đích thân gọi điện khuyến khích Thượng nghị sĩ Tuberville vào đêm trước đó.
Tuy nhiên, nỗ lực này cũng không thể thay đổi cục diện cuối cùng. Giới chuyên gia bầu cử đánh giá việc tổ chức phản đối kết quả vào ngày 6/1 sắp tới sẽ chỉ làm chậm tiến trình vài tiếng nhưng sẽ gây tổn hại đến tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử Mỹ.
Georgia chứng nhận chiến thắng của Biden Thống đốc Georgia cho biết sẽ "tuân thủ luật pháp" và ký vào giấy tờ trao 16 phiếu đại cử tri của bang cho Joe Biden. Luật của Georgia yêu cầu Brian Kemp, đảng viên Cộng hòa, trao phiếu đại cử tri của bang cho người chiến thắng được chứng nhận. Một thẩm phán liên bang hôm 19/11 bác đơn kiện ngăn việc...