Trump tuyên bố đã ‘miễn dịch’ với nCoV
Trump cho rằng ông có thể đã miễn dịch với nCoV và đang có phong độ tốt khi chuẩn bị nối lại các hoạt động vận động tranh cử.
“Có vẻ như tôi đã miễn dịch, tôi không biết, có thể trong thời gian dài nhưng cũng có thể là một thời gian ngắn. Tôi cũng có thể đạt miễn dịch suốt đời, không ai thực sự biết, nhưng tôi đã miễn dịch”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm nay, khi được hỏi liệu ông còn nhiễm nCoV hay không.
Tuy nhiên, Trump không trả lời thẳng câu hỏi của người dẫn chương trình Maria Bartiromo rằng ông đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV hay chưa.
Tuyên bố được Trump đưa ra một ngày sau khi bác sĩ Nhà Trắng nói ông không còn nguy cơ lây nhiễm nCoV. Ông sau đó xuất hiện tại ban công Nhà Trắng và trò chuyện với người ủng hộ trong khoảng 20 phút, tuyên bố nước Mỹ sẽ đánh bại Covid-19 và khẳng định “nó sẽ biến mất, nó đang biến mất”.
“Tôi đang có phong độ rất tốt để chiến đấu trong các trận chiến. Tôi đã đánh bại virus Trung Quốc khủng khiếp và điên rồ này. Tôi đã vượt qua các bài kiểm tra cao nhất, các tiêu chuẩn cao nhất và đang ở trong trạng thái tuyệt vời”, Trump nói trong cuộc phỏng vấn hôm nay.
“Có vẻ như tôi đã miễn dịch. Tôi có thể đi ra khỏi tầng hầm”, Tổng thống Mỹ nói thêm, đề cập tới việc ông phải cách ly ở tầng hầm Nhà Trắng sau khi trở về từ Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, nơi ông điều trị Covid-19.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Donald Trump tháo khẩu trang khi đứng trên ban công Nhà Trắng hôm 5/10. Ảnh: Reuters.
Bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley hôm 10/10 thông báo “Tổng thống đã đáp ứng các tiêu chí của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) về việc ngừng cách ly an toàn, mẫu PRC sáng nay cũng cho thấy, theo các tiêu chuẩn được công nhận, ông ấy không còn bị coi là nguồn nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác nữa”.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News tối 9/10, Trump cho biết ông đã ngừng dùng mọi loại thuốc điều trị Covid-19 và đang háo hức quay lại chiến dịch vận động tranh cử sau thời gian nhiễm nCoV. Ông dự kiến tổ chức buổi vận động tranh cử tại bang Florida vào ngày 12/10.
Các sự kiện tranh cử của Trump được lên kế hoạch nối lại bất chấp nhiều người vẫn hoài nghi về tình hình sức khỏe của ông trong tuần qua và mức độ hồi phục của Tổng thống. Các quan chức Nhà Trắng từ chối trả lời nhiều câu hỏi, gồm thời gian Trump nhiễm nCoV và liệu ông đã âm tính với virus hay chưa.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông sẵn sàng hiến huyết tương cho những người Mỹ đang chiến đấu với Covid-19 sau khi cơ thể phát triển kháng thể chống nCoV.
Trump tiếp tục được đề cử giải Nobel Hòa bình
Một chính trị gia cánh hữu Phần Lan đề cử Tổng thống Mỹ cho giải Nobel Hòa bình 2021 vì nỗ lực "khuyến khích các bên xung đột đàm phán".
"Tôi đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump cho giải thưởng này để ghi nhận những nỗ lực của ông ấy trong việc chấm dứt kỷ nguyên chiến tranh bất tận, xây dựng hoà bình bằng cách khuyến khích các bên xung đột đối thoại và đàm phán, cũng như củng cố đoàn kết nội bộ và ổn định của nước Mỹ", Laura Huhtasaari, thành viên Nghị viện châu Âu, viết trong thư gửi Ủy ban Nobel hôm 9/10.
Bà Huhtasaari, cũng là một thành viên đảng cực hữu Phần Lan, cho rằng Tổng thống Mỹ đã nỗ lực trong nhiệm kỳ của mình để không khiến Washington vướng vào một cuộc xung đột quốc tế lớn nào khác, đồng thời giảm bớt lực lượng quân sự ở Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chào kiểu nhà binh trên ban công Nhà Trắng, thủ đô Washington, hôm 5/10. Ảnh: AFP.
Trump trước đó đã nhận ba đề cử cho Giải Nobel Hoà bình vì các nỗ lực trung gian đàm phán hòa bình giữa Serbia và Kosovo, làm tốt vai trò trung gian trong hiệp ước giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Trump cuối tháng 9 cũng được một giáo sư luật tại Australia đề cử nhận giải thưởng này vì "lên án những cuộc chiến không hồi kết".
Đề cử được chính trị gia Phần Lan Huhtasaari đưa ra sau khi giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc, vì những nỗ lực chống nạn đói và đóng góp cho hòa bình thế giới của tổ chức này.
Chính trị gia cánh hữu Phần Lan Laura Huhtasaari tại quốc hội ở Helsinki, Phần Lan, ngày 13/12/2017. Ảnh: Reuters.
Nobel Hòa bình được trao cho "người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình".
Các thành viên chính phủ, tòa án quốc tế, hiệu trưởng các trường đại học, giáo sư khoa học xã hội, lịch sử, triết học, luật và thần học, lãnh đạo các viện nghiên cứu hòa bình, viện đối ngoại, là những người có quyền đề cử ứng viên cho giải Nobel Hòa bình.
Trump thừa nhận coi nhẹ mức nghiêm trọng của Covid-19 Trump thừa nhận ông đã cố giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa Covid-19 khi đại dịch bắt đầu trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Woodward. "Tôi luôn muốn hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Giờ tôi vẫn muốn hạ thấp nó vì không muốn tạo ra sự hoảng loạn", nhà báo kỳ cựu Mỹ Bob...