Trump trong vòng luẩn quẩn đối phó tên lửa Triều Tiên
Trump không có nhiều lựa chọn hiệu quả để phản ứng trước việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Oliver Douliery
Chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên đã bước vào một kỷ nguyên mới khó đoán định, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố họ thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) “có thể vươn đến bất cứ nơi nào”, theo CNN.
Adam Mount, chuyên gia của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có ít lựa chọn tốt để phản ứng lại với Triều Tiên. “Washington gặp khó khăn vì không có chiến thuật hoặc đòn bẩy nào của chúng ta có ý nghĩa như trước nữa”, Mount nói.
Anthony Ruggiero, chuyên gia tại Tổ chức Quốc phòng Dân chủ, nhận xét rằng: “Thật không may, chính quyền Trump có ít lựa chọn ngoài việc gia tăng áp lực kinh tế mạnh mẽ đối với Trung Quốc và Triều Tiên. “Mỹ đã lãng phí 10 năm qua với các cuộc đàm phán và sự kiên nhẫn chiến lược vốn thất bại ngay từ đầu”, ông nhận xét.
Theo ông Ruggiero, tốt nhất là Mỹ nên chủ động đưa ra một lệnh trừng phạt mới, bởi vì nếu đưa việc này ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Nga có thể phủ quyết đề xuất của Mỹ.
Cây bút David Sanger của NYTimes cho rằng ông Trump có thể tăng cường sự hiện diện của hải quân Mỹ ngoài bán đảo Triều Tiên như ông từng tuyên bố hồi tháng 4 rằng “chúng tôi gửi đi một đội quân”, đồng thời đẩy mạnh chương trình mạng phá hoại các vụ phóng tên lửa. Tuy nhiên, Sanger nhận định rằng các biện pháp này khó lòng đem lại hiệu quả lớn. Mỹ vốn thực hiện những điều đó từ trước, “nếu sự răn đe và biện pháp kỹ thuật đó có hiệu quả thì ông Kim đã không tiến hành vụ thử vào ngày 4/7″, Sanger viết.
Khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên vẫn là điều khó xảy ra. “Việc đó sẽ có hậu quả lớn và đi ngược lại với lợi ích của Mỹ”, Mount đánh giá, đề cập tới nguy cơ thủ đô Seoul của Hàn Quốc chịu tổn thất lớn nếu chiến tranh xảy ra.
Trong chuyến thăm Washington cuối tuần qua, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cố gắng thúc đẩy một phương án khác, đó là đàm phán. Mỹ có thể yêu cầu Triều Tiên đóng băng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa, đổi lại, Mỹ sẽ hạn chế hoặc đình chỉ các cuộc tập trận với Hàn Quốc. Ông Tập Cận Bình từ lâu đã thúc giục phương pháp tiếp cận này và nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Nga Putin.
Video đang HOT
Tuy nhiên, phương án này cũng có thể mang lại nhiều rủi ro. Nếu làm vậy, Mỹ sẽ khiến Triều Tiên và Trung Quốc đạt được mục tiêu là hạn chế quyền tự do hành động của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương và sẽ làm giảm chất lượng của lực lượng răn đe quân sự Mỹ – Hàn.
Trump từ lâu đã ủng hộ chính sách thúc đẩy Trung Quốc gây áp lực với Triều Tiên. Tuy nhiên, trong tuần qua, Mỹ dường như thể hiện rằng họ ngày càng mất lòng tin vào khả năng hãm phanh Bình Nhưỡng của Bắc Kinh.
“Giờ Trung Quốc không thể nói rằng họ đang tích cực kiềm chế chính quyền Kim Jong-un. Ông Kim đã cho thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, điều đó cho thấy Bình Nhưỡng không cảm thấy bị đe doạ bởi phản ứng của Trung Quốc hoặc bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Liên Hợp Quốc nữa”, Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Học viện Lowy của Sydney, nói.
Hành động của Triều Tiên như “một cú chọc vào mắt Trung Quốc”, ông nhận xét.
Theo Graham, Trung Quốc cũng có thể đổ lỗi cho Mỹ, nói rằng giá như Trump lắng nghe lời kêu gọi của họ là rút lại các cuộc tập trận với Hàn Quốc để đổi lấy việc Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa thì điều này sẽ không xảy ra.
“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ cố né tránh bất cứ lời trách móc nào và nói rằng ‘chúng tôi không thể kiểm soát Triều Tiên’”, ông đánh giá.
Graham cho rằng Mỹ nhiều khả năng phải học cách chấp nhận sống chung với Triều Tiên khi nước này vẫn tiếp tục chương trình vũ khí.
“Kết cục cuối cùng không thể tránh khỏi là chúng ta phải sống chung với một Triều Tiên sở hữu hạt nhân với các tên lửa tầm xa”, ông nói. “Rồi cũng sẽ đến lúc Washington phải ngậm ngùi chấp nhận điều đó”.
Phương Vũ
Theo VNE
Tới tấp phóng tên lửa, Triều Tiên muốn gì?
Năm 2017 chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên về phát triển vũ khí. Nước này phóng 17 tên lửa trong 11 vụ thử kể từ tháng 2, hoàn thiện dần công nghệ tên lửa sau mỗi lần thử.
Ảnh: Daily News
Ngày 4/7, Triều Tiên đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà nước này khẳng định có thể bắn tới "bất cứ nơi nào trên thế giới".
Theo hãng tin CNN, các tên lửa mà Triều Tiên đã thử thuộc đủ loại tầm ngắn, tầm trung, thậm chí không rõ tầm nào. Có 4 tên lửa phóng ngày 8/6 được tin là tên lửa hành trình đất đối hạm.
Trong chưa đầy 6 năm cầm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cho phóng nhiều hơn tổng số tên lửa thử dưới thời cha và ông nội ông cộng lại.
Trong những tháng đầu tiên ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, Bình Nhưỡng tiến hành số vụ phóng ngang với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không có vụ thử nào trong 2 tháng từ lúc Donald Trump thắng cử đến khi ông nhậm chức.
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc - vốn dẫn tới việc bà Park Geun Hye bị phế truất - có thể là nhân tố góp phần vào quyết định của Bình Nhưỡng. Bình Nhưỡng thử tên lửa với tần suất mỗi tuần một vụ trong liên tiếp 3 tuần qua, sau khi ông Moon Jae In lên thay bà Park.
Vì sao?
CNN dẫn nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, Triều Tiên cần tiến hành các vụ thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ. Một số cho rằng, Mỹ đã tìm cách can thiệp vào chương trình tên lửa của Triều Tiên bằng cách sử dụng các biện pháp không gian mạng.
Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên thường vào những dịp gây tác động chính trị tối đa. Một vụ thử hồi tháng 5 trùng với Hội nghị "Một Vành đai Một Con đường" ở Bắc Kinh - dự án quan trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Một vụ hồi tháng 2 được thực hiện đúng lúc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vụ thử ICBM ngày 4/7, trùng ngày Quốc khánh Mỹ.
Triều Tiên muốn gì?
Một tên lửa mang đầu nổ hạt nhân và có tầm bắn tới Mỹ được cho là mục tiêu tối thượng của Triều Tiên. Họ tin rằng, Washington sẽ không dám gây hại cho Bình Nhưỡng, nếu Bình Nhưỡng đủ năng lực thực hiện một vụ tấn công hạt nhân.
Đó là lý do Triều Tiên coi trọng vũ khí hạt nhân.
CNN dẫn lời John Delury - giáo sư Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Yonsei ở Seoul - nhận định, tên lửa tầm xa thực sự khiến Mỹ lo ngại, bởi nó đồng nghĩa với mối đe dọa hiện hữu về một vụ tấn công hạt nhân.
Michael Hayden, giám đốc CIA từ năm 2006 đến năm 2009, nhận định nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đà tiến hiện nay thì nước này có thể chế tạo được một tên lửa có tầm bắn tới Seattle và mang một đầu nổ hạt nhân tự chế tạo trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ.
Đến nay, các chuyên gia về Triều Tiên tin rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa đạt tới năng lực phóng một tên lửa vượt ra ngoài châu Á. Nhưng các quốc gia nằm sát Triều Tiên như Hàn Quốc và Nhật Bản rõ ràng đang là những mục tiêu rất dễ bị tấn công.
Theo Thanh Hảo
Vietnamnet
"Sát thủ" diệt tên lửa SM-3 có thể bảo vệ Nhật khỏi Triều Tiên? Bình Nhưỡng ngày 4.7 tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa khiến các nước láng giềng bao gồm Nhật Bản vốn nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên như "ngồi trên đống lửa". riều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên, có thể vươn tới bất cứ...