Trump tìm mọi cách cô lập Triều Tiên khỏi phần còn lại của thế giới
Theo báo Anh Express, chính quyền Trump đang quyết tâm giải quyết tình trạng căng thẳng với Triều Tiên bằng những biện pháp cứng rắn mới nhằm cô lập nước này khỏi phần còn lại của thế giới.
Chính quyền Trump đang ra sức kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập Triều Tiên
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt. Những thông tin nóng về Triều Tiên vẫn đặc biệt được quan tâm và xuất hiện dày đặc trên các hãng truyền thông lớn trên khắp thế giới.
Trong một động thái mới nhất, Mỹ đang tìm mọi cách ép Triều Tiên phải “chịu tội” vì quyết không dừng chương trình tên lửa, hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Chính quyền Trump đã thúc giục cộng đồng quốc tế cùng nhau sử dụng các biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế nhằm cô lập Triều Tiên “khỏi phần còn lại của thế giới”, theo Express.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm nay đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ nỗ lực này của chính quyền Trump đồng thời “dằn mặt” những nước hỗ trợ Triều Tiên
“Mỹ không xem xét những thực thể, tổ chức của nước thứ 3 đang hỗ trợ Triều Tiên và không áp đặt các biện pháp trừng phạt họ, bởi nếu bạn đang ủng hộ Triều Tiên, thì tức là bạn đang chống lại phần còn lại của cộng đồng quốc tế”, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Anna Richey-Allen, phát ngôn viên của Bộ phận Đông A thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Sự kích động từ Triều Tiên đã trở nên quá phổ biến và nguy hiểm đến mức không thể bỏ qua. Cùng với cộng đồng quốc tế, chúng tôi sẽ bắt chế độ Kim Jong Un phải chịu trách nhiệm về những hành động nguy hiểm và liều lĩnh của họ thông qua một chiến dịch mạnh mẽ nhằm cô lập Triều Tiên khỏi phần còn lại của thế giới thông qua các biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế.
Trong khi đó, về phần mình, Triều Tiên cũng vừa tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân và sẽ chuẩn bị các vụ thử vũ khí mới cho đến khí Mỹ chấp nhận lùi bước.
Hôm 14.5, Triều Tiên đã thử một tên lửa đạn đạo tầm trung mà nước này tuyên bố có khả năng tiếp cận lãnh thổ Mỹ.
Theo Danviet
Hơn một tuần rung chuyển của chính quyền Trump
Nhà Trắng liên tục trở thành tâm điểm tranh cãi với quyết định sa thải giám đốc FBI và việc Trump bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật cho Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Tuần vừa qua lẽ ra phải là một tuần yên bình khi Nhà Trắng vừa giành được chiến thắng lập pháp đầu tiên với việc hạ viện bỏ phiếu, thống nhất thay thế chính sách y tế ObamaCare và Tổng thống Mỹ Trump đang chuẩn bị cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi vào Nhà Trắng. Nhưng thay vào đó, nó được đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng khiến cho nhân viên của Trump căng thẳng, truyền thông sục sôi, nghị sĩ Dân chủ đề xuất luận tội ông và những người thuộc phe Cộng hòa lo ngại.
Dưới đây là diễn biến 9 ngày rung chuyển chính quyền của Trump, theo Hill.
Thứ ba, ngày 9/5
Trump sa thải giám đốc FBI James Comey khi FBI đang điều tra liệu Nga có can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 hay không.
Chỉ 4 ngày trước đó, Comey đã điều trần trước một ủy ban thượng viện về quá trình ra quyết định dẫn đến việc ông tiết lộ FBI đã mở lại cuộc điều tra về bê bối email của Hillary Clinton chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái.
Chính quyền của Trump phần nào lý giải việc sa thải Comey bằng một lá thư 6 trang từ Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, bình luận chi tiết về cách Comey đã xử lý sai bê bối email.
Nghị sĩ đảng Dân chủ đã gọi bức thư của Rosenstein là "đạo đức giả" vì ông Trump từng ca ngợi hành động của Comey. Họ ngay lập tức cáo buộc rằng Trump đang tìm cách chôn vùi cuộc điều tra về Nga. Một số người gọi vụ sa thải Comey là "cuộc khủng hoảng về hiến pháp" và gợi ý cần luận tội ông Trump. Một số nghị sĩ Cộng hòa thậm chí cũng kêu gọi tổ chức điều tra độc lập về vấn đề Nga.
Các phụ tá của Trump xuất hiện trên các chương trình tin tức truyền hình cáp, lập luận rằng Comey đã khiến nhân viên FBI, nghị sĩ và công chúng đánh mất lòng tin.
Thứ 4 ngày 10/5
Thất vọng bởi cách truyền thông đưa tin về vụ Comey, Trump đã lên Twitter để phản bác lại những người chỉ trích ông. Trump gọi thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer là kẻ đạo đức giả và nhắc lại bê bối nói dối của Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal năm 2010.
Trump cũng tấn công các hãng truyền thông mà ông cho rằng đưa tin giả và tiếp tục chỉ trích Comey. Ông chia sẻ lại bài báo nói về 10 bê bối của FBI trong thời gian tại nhiệm của Comey.
Trump sau đó tiếp các nhà ngoại giao Nga tại Nhà Trắng và cuộc gặp này dẫn đến bùng nổ tranh cãi chỉ vài ngày sau đó.
Báo chí Mỹ không được tham dự cuộc họp, nhưng một phóng viên từ cơ quan báo chí Nga Tass lại chụp ảnh từ bên trong phòng họp và công khai chúng, khiến Nhà Trắng tỏ thái độ tức tối.
Thứ 5, ngày 11/5
Trump lại khơi dậy một cuộc tranh cãi mới trong cuộc phỏng vấn với Lester Holt của NBC. Trump đã bày tỏ quan điểm mâu thuẫn với người phát ngôn của chính mình trong cuộc phỏng vấn. Trong khi phát ngôn viên nói rằng ông Trump quyết định sa thải Comey theo tư vấn của Bộ Tư pháp thì Trump lại nói rằng ông luôn có ý định sa thải Comey và chắc chắn sẽ làm việc đó bất kể có lá thư của Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein hay không.
Trump cũng ám chỉ rằng cuộc điều tra về Nga đóng vai trò trong quyết định của ông, khiến cho nghị sĩ đảng Dân chủ càng có thêm cớ để lập luận rằng Tổng thống Mỹ đang cản trở công lý.
Trong khi đó, tại phiên điều trần trước thượng viện, quyền giám đốc Andrew McCabe của FBI nói rằng trái với tuyên bố của chính quyền, Comey đã không làm mất lòng tin của nhân viên FBI.
Thứ 6, ngày 12/5
Trump cảnh báo Comey qua Twitter rằng ông có thể có băng ghi âm cuộc trò chuyện mà trong đó Comey đảm bảo với Trump rằng ông không bị điều tra.
Người phát ngôn của Trump từ chối cho biết liệu Nhà Trắng có hệ thống ghi âm hay không. Spicer cũng không cho biết liệu đoạn băng có thật sự tồn tại hay không và nếu quốc hội yêu cầu chính quyền Trump trình ra đoạn băng đó thì họ có đồng ý hay không.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ thề rằng khi Trump chỉ định giám đốc FBI mới, họ sẽ chặn đề cử của ông cho đến khi Tổng thống Mỹ đưa ra bản ghi âm hoặc tuyên bố nó không tồn tại.
Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: NBC
Thứ bảy, ngày 13/5 và chủ nhật, 14/5
Trump phát biểu trước một đám đông tại Đại học Tự do và chơi golf ở Virginia. Ông cũng trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Fox News, khi ông dọa bỏ các cuộc họp báo thường kỳ ở Nhà Trắng.
Đó là hai ngày cuối tuần khá yên tĩnh. Ngoài Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người xuất hiện trên chương trình Meet the Press, các quan chức khác của Trump đều vắng mặt trên truyền hình vào chủ nhật.
Nhưng đằng sau hậu trường, nhân viên của Trump lại bận rộn với báo chí.
Truyền thông Mỹ đăng những thông tin được cho là bị rò rỉ từ bên trong chính quyền, miêu tả Tổng thống Mỹ như là hoang tưởng, bị cô lập, vô cùng tức giận với Comey, truyền thông và kể cả nhân viên của mình. Một số báo đưa tin có thể sắp xảy ra một cuộc thay máu đội ngũ lớn tại Nhà Trắng.
Thứ hai, ngày 15/5
Khi ồn ào xung quanh vụ sa thải Comey bắt đầu hạ nhiệt, Nhà Trắng tập trung vào việc đẩy lùi những tin đồn về cuộc thay máu đội ngũ.
Tuy nhiên, điều đó thay đổi vào buổi tối, khi Washington Post đưa tin rằng ông Trump đã tiết lộ thông tình báo mật cho các nhà ngoại giao Nga trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục vào tuần trước.
Cố vấn an ninh Nhà Trắng H. R. McMaster đưa ra một tuyên bố ngắn gọn bác bỏ thông tin này. Chính quyền không đưa ra phản ứng gì thêm khi cuộc tranh luận leo thang trong đêm.
Thứ ba, ngày 16/5
Trump một lần nữa đưa ra quan điểm mâu thuẫn với các quan chức của mình. Ông dường như xác nhận thông tin của Washington Post trong một bài đăng trên Twitter, lập luận rằng với tư cách tổng thống Mỹ, ông có toàn quyền tiết lộ bất kỳ thông tin nào mà ông cho là thích hợp.
Cố vấn an ninh quốc gia McMaster đã đảm nhận nhiệm vụ phát ngôn thay cho Thư ký Báo chí Nhà Trắng Spicer. Ông nói rằng Tổng thống Mỹ không biết thông tin tình báo mà ông tiết lộ đến từ đâu.
New York Times sau đó đưa tin thông tin này là từ Israel, đồng minh hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông và là đối tác chính trong cuộc chiến chống khủng bố.
New York Times tiếp tục đưa tin rằng Trump đã yêu cầu Comey từ bỏ cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn về các mối liên hệ của ông này với Nga.
Bài báo cũng trích dẫn các bản ghi nhớ nội bộ của Comey sau các cuộc họp riêng với Trump. Câu chuyện này càng khiến những người chỉ trích Trump có thêm lý do để cho rằng Trump đang tìm cách cản trở cuộc điều tra Nga.
Nhà Trắng đã bác bỏ bản thông tin trên và chỉ ra việc quyền giám đốc FBI McCabe đã nói trong phiên điều trần tuần trước rằng Trump không can thiệp vào bất cứ cuộc điều tra nào.
Thứ 4, ngày 17/5
Tổng thống Nga Putin bác bỏ việc Trump tiết lộ thông tin mật với Nga. Putin nói rằng Nga sẵn sàng chuyển bản ghi chép nội dung cuộc họp giữa Trump với ngoại trưởng nước này cho các nhà lập pháp Mỹ nếu việc đó có thể giúp trấn an họ.
Một số nghị sĩ Dân chủ nêu yêu cầu luận tội ông Trump tuy nhiên lãnh đạo phe thiểu số hạ viện Mỹ cảnh báo việc này cần thận trọng và cần có căn cứ cụ thể.
Phương Vũ
Theo VNE
Phe Dân chủ dọa không bỏ phiếu bầu tân giám đốc FBI Lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện Mỹ cho rằng chính quyền Trump cần bảo đảm không can thiệp cuộc điều tra về Nga. Ông Chuck Schumer cảnh báo việc chính quyền Trump chọn tân giám đốc FBI. Ảnh: CNN Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện ngày 14/5 cho biết các thành viên đảng này đang xem...