Trump nguy cơ giẫm vết xe đổ của Obama tại Syria
Dù chỉ trích chính sách Syria của chính quyền Obama, ông Trump vẫn đang lặp lại các sai lầm từ thời người tiền nhiệm trên chiến trường này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. Ảnh: AP.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn viện dẫn chính sách Syria thất bại của chính quyền Barack Obama để biện minh cho cách tiếp cận mà họ theo đuổi trên chiến trường Syria hiện nay.
Chính sách đó bao gồm hợp tác với Nga để chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), chấp nhận cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục cầm quyền và bỏ rơi các tay súng thuộc phe nổi dậy ôn hòa mà Mỹ hậu thuận suốt nhiều năm qua.
Dù nhận thức được những hậu quả tồi tệ từ chính sách của người tiền nhiệm, chính quyền Trump vẫn đang lặp lại các sai lầm cơ bản mà cựu tổng thống Obama từng mắc phải. Điều này có khả năng dẫn đến những kết quả tiêu cực cho cuộc xung đột ở Syria cũng như đối với lợi ích Mỹ, theo Washington Post.
Tiếp tục hợp tác với Nga
Tuần trước, tại Diễn đàn An ninh Aspen ở thành phố Aspen, bang Colorado, giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo liệt kê những điểm ông coi là mối quan tâm của Mỹ ở Syria.
Ông cho biết Mỹ có 2 kẻ thù chính tại Syria là IS và Iran. Ngoài nỗ lực nhằm ngăn cản Iran thiết lập vùng kiểm soát trải rộng khắp khu vực, Mỹ còn hướng đến mục tiêu “thiết lập những điều kiện để xây dựng một Trung Đông ổn định hơn, qua đó, giúp Mỹ an toàn”.
Tổng thống Trump không còn lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với Nga ở Syria vì năm 2013, người tiền nhiệm Obama và ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, ông John Kerry, đã “mời” Tổng thống Nga Vladimir Putin can dự vào tình hình khi thương thảo với Moscow về thỏa thuận phá hủy vũ khí hóa học tại Syria, theo Pompeo. Tuy nhiên, Pompeo cho rằng đến nay, vẫn không có bằng chứng cho thấy Nga muốn chống khủng bố ở Syria như tuyên bố họ phát đi khi triển khai lực lượng tới đây.
“Chúng ta không có chung mối quan tâm ở Syria với Nga”, Pompeo nói. Theo ông, Nga can dự vào cuộc nội chiến Syria chỉ vì “họ muốn một cảng hải quân ở vùng nước biển ấm và họ muốn đối đầu với Mỹ”.
Cây bút Josh Rogin của Washington Post đồng tình với Pompeo song giám đốc CIA không phải người phụ trách chính sách Mỹ về vấn đề Syria. Nó thuộc trách nhiệm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ông Tillerson có quan điểm hoàn toàn trái ngược với ông Pompeo.
“Tôi nghĩ Nga có chung mối quan tâm với chúng ta ở chỗ muốn Syria trở thành một nơi ổn định, một nơi thống nhất”, Tillerson phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Nga Putin bên lề hội nghị G20 ở Hamburg, Đức, hồi đầu tháng.
Tại Diễn đàn An ninh Aspen, Stuart Jones, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông, khẳng định Mỹ đã giao phó thành công vấn đề an ninh ở Syria cho người Nga bằng cách nhờ họ giám sát lệnh ngừng bắn.
“Đây là cuộc sát hạch thực sự đối với khả năng dẫn dắt tiến trình này của người Nga. Giải pháp chúng ta đề ra là giao nhiệm vụ cho người Nga và nếu thất bại, đó là vấn đề”, Jones cho hay.
Video đang HOT
Cách lập luận trên gần giống những gì ngoại trưởng Kerry từng nói khi ông đàm phán lệnh ngừng bắn ở Syria với Nga vào cuối năm 2015. Ông Kerry nhiều lần tuyên bố thái độ của Nga sẵn sàng đóng vai trò như một đối tác xây dựng ở Syria cần được kiểm nghiệm.
Nối tiếp sai lầm của chính quyền tiền nhiệm
Các tay súng phe nổi dậy tham gia một khóa huấn luyện của Mỹ ở làng Maaret Ikhwan, tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: AP.
Theo cây bút Josh Rogin, ông Obama và ông Kerry đã phạm nhiều sai lầm ở Syria. Nỗ lực của Mỹ nhằm huấn luyện và trang bị cho quân nổi dậy ôn hòa tại đây được thực hiện quá yếu ớt và dường như chính nó đã thôi thúc Nga can thiệp quân sự vào Syria năm 2015.
Kể từ đó, chính quyền Obama thôi xem quyết tâm loại bỏ Assad là nhiệm vụ ưu tiên và bắt đầu hợp tác thực hiện các lệnh ngừng bắn với Nga với hy vọng chấm dứt cảnh giết chóc ở Syria.
Một số người nhận xét Tổng thống Trump không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chính sách đó. Song Josh Rogin cho rằng chính quyền Trump không nên lặp lại sai lầm nghiêm trọng ở Syria là thương lượng với Nga khi không có đòn bẩy.
Theo Rogin, quyết định từ Tổng thống Trump chấm dứt chương trình của CIA tại Syria nhằm huấn luyện và trang bị cho một số nhóm nổi dậy chống Assad là quá thiển cận. Trump đã từ bỏ quyền mặc cả nhưng không nhận lại được bất kỳ điều gì từ Nga.
Rogin đánh giá Tổng thống Trump cũng không được phép lặp lại sai lầm thứ 2 của chính quyền Obama là cho phép chính quyền Assad và Iran mở rộng khu vực kiển soát.
Theo trợ lý ngoại trưởng Mỹ Jones, chính quyền Syria và các đối tác đang tận dụng lệnh ngừng bắn ở tây nam Syria để dồn nguồn lực phục vụ mục tiêu tiến công tại đông nam nước này, nơi cuộc chiến giành những vị trí chiến lược quanh thành phố Deir al-Zour đang diễn ra.
Chính quyền Trump dường như bằng lòng để Iran và Assad chiếm một vùng đất rộng lớn khác ở Syria nhưng người Arab theo dòng Hồi giáo Sunni tại đây thì không, Rogin bình luận.
“Chúng ta sẽ làm gì khi những người Arab bị các lực lượng dân quân Iran tấn công ngay cả khi họ đang trên đường về nhà”, Andrew Tabler, học giả tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, đặt câu hỏi.
Cuối cùng, Rogin nhấn mạnh Tổng thống Trump nên gia tăng ủng hộ các cộng đồng người Arab thuộc dòng Hồi giáo Sunni thông qua việc hỗ trợ quản trị địa phương, đẩy mạnh giáo dục và cung cấp các dịch vụ cơ bản thay vì cung cấp vũ khí. Trao quyền lực cho bộ máy lãnh đạo địa phương là điều kiện tiên quyết, nền tảng dẫn tới sự ổn định dài hạn, đồng thời sẽ đóng vai trò quan trọng nếu một tiến trình đàm phán chính trị xuất hiện.
“Chính quyền Trump không cần chịu trách nhiệm cho những sai lầm trong quá khứ của Mỹ tại Syria nhưng phải chịu trách nhiệm cho các hành động của Mỹ ở hiện tại. Thay vì đổ lỗi cho Obama và Kerry vì những hỗn loạn, chính quyền Trump nên rút ra bài học từ thất bại đó”, cây bút của Washington Post viết.
Hồng Vân
Theo VNE
Lật ngược thế cờ trước Obamacare bằng "chất riêng", Trump thắng lợi hoàn toàn xứng đáng
Theo Politico, chiến thắng này đánh dấu nỗ lực lăn xả của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tiếp cận các nhà lập pháp và gây dựng mối quan hệ một cách thân thiết và riêng tư.
Chiến thắng bất ngờ
Theo Politico, Tổng thống Trump đã thay đổi cả lịch trình để có thể ở lại Washington, ăn mừng thành tựu chính sách lớn nhất từ trước đến giờ với tư cách Tổng thống tại phòng ăn tối trong Nhà Trắng.
Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật bãi bỏ và thay thế Obamacare vào tối 4/5 (giờ địa phương), với số phiếu sít sao 217/213, đánh dấu một bước tiến lớn của Trump để hoàn thành lời hứa tháo dỡ hoàn toàn đạo luật chăm sóc sức khỏe của người tiền nhiệm.
Chiến thắng này khiến Tổng thống Trump tiến gần hơn đến hình tượng mà ông từng hứa hẹn với cử tri - một lãnh đạo có khả năng đoàn kết một Quốc hội lùm xùm để hoàn thành công việc.
"Tôi làm thế nào? Tôi có ổn không? Tôi là Tổng thống. Này, tôi là Tổng thống đấy," Trump tự hào phát biểu tại Vườn Hồng trong khuôn viên Nhà Trắng, mặc dù dự luật của ông mới đạt chiến thắng bước đầu. "Các bạn có tin được không?"
Suốt ba tháng qua, Trump trải qua hàng loạt thất bại ở Điện Capitol, trước các tòa án, và quản lý một Nhà Trắng chồng chất tranh cãi nội bộ. Trong lúc ai cũng tưởng Tổng thống sẽ không giành được chiến thắng nào, thì đột nhiên tin tức về thành quả bước đầu ập đến.
Mặc dù dự luật vẫn đối mặt với chặng đường gian nan phía trước ở Thượng viện, chiến tích bước đầu vẫn đủ để các nghị sĩ Cộng hòa tổ chức ăn mừng rầm rộ.
Nhưng Trump tỏ ra phần nào chín chắn hơn, khi chỉ ăn mừng một cách riêng tư bằng những tràng pháo tay, bắt tay với các cộng sự, gọi điện cho vài nhà lập pháp và thành viên ban lãnh đạo đảng Cộng hòa để cảm ơn họ, theo lời hai quan chức Nhà Trắng.
Còn trong Vườn Hồng, Trump nhường micro cho tám thành viên Hạ viện được phát biểu, và chỉ đứng mỉm cười.
"Tôi chưa từng chứng kiến tinh thần lăn xả đến vậy," Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan khen ngợi Tổng thống.
"Sự kiện này đã thắt chặt đoàn kết nội bộ đảng Cộng hòa," Trump tuyên bố.
Politico ghi nhận, phần lớn những công việc nặng nhọc nhất để thúc đẩy dự luật được Hạ viện thông qua đều do nghị sĩ Mark Meadows và Tom MacArthur đảm đương. Trump và Nhà Trắng được cho là "vắng mặt một cách chiến lược".
Nhưng trong 48 tiếng đồng hồ cuối cùng, đích thân Trump tham gia xông xáo vào nỗ lực này, thuyết phục các nhà lập pháp còn lưỡng lự bằng nhiều cuộc điện thoại và gặp mặt ở Nhà Trắng, theo nhiều nghị sĩ Quốc hội và cộng sự ở Nhà Trắng.
"Tôi chấm ngài ấy điểm A vì nỗ lực lăn xả của chính quyền," lãnh đạo nhóm bảo thủ Freedom Caucus thuộc Hạ viện Mark Meadows cho biết.
Trump chúc mừng nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện tại Vườn Hồng ngày 4/5. Ảnh: AP
Nỗ lực của Trump sau cánh gà
Mặc dù Trump từng khá lúng túng khi tiếp cận với Điện Capitol, nhiều cộng sự ở Nhà Trắng cho hay ông bắt nhịp chung khá nhanh, gọi tên từng nhân vật để cảm ơn họ trong những buổi vận động hoặc sự kiện ở Nhà Trắng.
Tuần vừa qua, Tổng thống liên lạc với từng nhà lập pháp và không để họ rời đi nếu ông không được biết họ dự định bỏ phiếu như thế nào.
"Có rất ít người ngồi chung một căn phòng với Donald Trump mà không bị ông thuyết phục," một quan chức chính quyền cấp cao cho biết.
Không chỉ vậy, Trump còn thêm thắt những "gia vị" của riêng ông. Trump gửi thư cho các nhà lập pháp, gửi lời khích lệ viết bằng tay cho cá nhân từng người. Ông gọi cho họ ngay sau khi thấy họ xuất hiện trên truyền hình cáp, khen ngợi họ vì đã nói tốt về ông, đôi khi còn mời họ đến họp riêng.
"Mời nhiều người đến Nhà Trắng, rủ họ chơi bowling, mời họ vào Phòng Bầu dục," nghị sĩ Cộng hòa Tom Reed nói. "Ông ấy đang phát triển mối quan hệ và thu được kết quả bằng cách xây dựng quan hệ theo cách cũ."
"Anh phải hiểu rằng tiếp cận con người là cả một quá trình. Không giống như các phi vụ làm ăn, chỉ cần các số liệu ổn thỏa là được," nghị sĩ Cộng hòa David Schweikert nhận định. "Ở đây, anh phải đối mặt với 435 con người, cần cả quá trình để học và làm quen dần."
Thêm vào đó, Phó Tổng thống Mike Pence cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự ủng hộ của các đồng nghiệp cũ của ông ở Hạ viện.
Một cố vấn cấp cao Hạ viện nhận xét: "Anh không thể mang chày đi đánh nhau được. Anh phải dùng dao mổ mới mong tiếp cận được Quốc hội."
(Theo Soha News)
Khác ý Trump, gần 100% Thượng viện Mỹ chọn trừng phạt Nga Nếu ông Trump phủ nhận dự luật trừng phạt Nga, Quốc hội nước này vẫn có quyền phản bác và đưa thành luật. Dự luật trừng phạt mới sẽ nhằm vào Nga vì cho rằng Moscow đã can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Với 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Thượng viện Mỹ vừa đã thông qua dự luật trừng phạt...