Trump nêu lý do không đeo khẩu trang
Trump cho biết ông không đeo khẩu trang khi thăm nhà máy sản xuất khẩu trang ở Arizona hôm 5/5 sau khi tham vấn lãnh đạo doanh nghiệp.
Trump ngày 6/5 nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông đã thử một số khẩu trang, bao gồm một chiếc từ Honeywell, 3M và khoảng 4 chiếc khác, mặc dù ông đã không đeo trong phần lớn chuyến thăm nhà máy Honeywell, nơi sản xuất khẩu trang N95 cho các nhân viên y tế.
“Tôi đã đeo khẩu trang trong một khoảng thời gian”, Trump nói. “Nếu các bạn không nhìn thấy thì tôi cũng chịu thôi. Ý tôi là tôi đã đeo khẩu trang, nhưng tôi không cần nó. Tôi đã hỏi người đứng đầu Honeywell ‘tôi có nên đeo khẩu trang không?’. Ông ấy trả lời ‘ông không cần”.
Khi được hỏi ông đã đeo khẩu trang trong bao lâu, Trump nói: “Không quá lâu, nhưng tôi đã đeo ở hậu trường. Tuy nhiên, họ nói tôi không cần dùng nó”.
Trump thăm nhà máy sản xuất khẩu trang ở Arizona hôm 5/5. Ảnh: Reuters.
Công nhân tại nhà máy bắt buộc phải đeo khẩu trang khi làm việc. Trump đã đeo kính bảo hộ trong chuyến tham quan nhà máy. Một số quan chức tháp tùng Trump cũng không đeo khẩu trang.
Honeywell ngày 6/5 cho biết: “Theo quy tắc được Nhà Trắng khuyến nghị, số ít cá nhân giao tiếp trực tiếp với Tổng thống đã xét nghiệm nCov ngay trước sự kiện, nhận kết quả âm tính và được phép không đeo khẩu trang. Tất cả những người khác đều đeo khẩu trang theo đúng nguyên tắc của Honeywell”.
Từ khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra khuyến nghị vào 3/4 rằng người Mỹ nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, Trump đã nhiều lần cho rằng điều đó là “không thực tế, vô nghĩa và không xứng với vị thế của lãnh đạo một thế giới tự do”.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ nói rằng ông không thể để mình gặp gỡ các “tổng thống, thủ tướng, người quyền thế, vua chúa, nữ hoàng” khi đang đeo khẩu trang, dù các chuyến thăm ngoại giao đang bị cấm. Ông còn trêu chọc một giám đốc điều hành doanh nghiệp nhỏ, người đã đeo khẩu trang tại một sự kiện ở Nhà Trắng, bảo bà hãy đeo lại khẩu trang trước khi phát biểu.
Sau khi đối mặt những chỉ trích vì không đeo khẩu trang khi thăm cơ sở y tế Mayo tuần trước, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thừa nhận điều ông làm là “không nên” và sửa sai bằng cách đeo khẩu trang khi thăm nhà máy của General Motors.
Tiến sĩ K. “Vish” Viswanath, giáo sư truyền thông sức khỏe tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, cho rằng mọi người sẽ chú ý khi hành vi của lãnh đạo mâu thuẫn với các khuyến nghị mà họ đưa ra. “Ít nhất, nó khiến mọi người bối rối”, ông nói. “Còn trong trường hợp tệ nhất, nó khiến họ tự hỏi rằng các quy tắc áp dụng với họ hoặc thông điệp dành cho họ có thực sự quan trọng hay không”.
Viswanath cũng cho rằng hình ảnh Trump đeo khẩu trang có thể có sức thuyết phục, đặc biệt đối với những người ủng hộ ông nhưng còn hoài nghi. Một cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos công bố tuần trước cho thấy 69% thành viên đảng Dân chủ đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, nhưng chỉ 47% thành viên đảng Cộng hòa làm điều tương tự. Nhiều người phản đối việc phong tỏa ngăn Covid-19 ở một số bang Mỹ gần đây cũng không đeo khẩu trang khi tham gia biểu tình.
Arizona là bang chiến trường mới cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã chỉ trích việc Trump không đeo khẩu trang, nói rằng Tổng thống nên nghe theo khoa học và cam kết sẽ đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Covid-19 xuất hiện ở hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 3,8 triệu người nhiễm, hơn 264.000 người tử vong và khoảng 1,3 triệu người bình phục.
Nhân viên y tế đối đầu người biểu tình đòi mở cửa
Nhân viên y tế xuống đường đối đầu với người biểu tình đòi tái mở cửa tại nhiều bang, kêu gọi họ về nhà và tuân thủ giãn cách xã hội.
Nhiều người dân khắp các bang Virginia, California, New York, Colorado, Arizona và Vermont hôm 22/4 tụ tập biểu tình, yêu cầu các thống đốc dỡ lệnh phong tỏa, cho phép doanh nghiệp tái mở cửa, bất chấp nguy cơ lây nhiễm từ Covid-19.
Tại Richmond, thủ phủ bang Virginia, hầu hết người biểu tình ngồi trong xe hơi, trong khi một số khác tụ tập bên ngoài cơ quan lập pháp bang để phản đối lệnh ở nhà dự kiến kéo dài đến ngày 10/6 của Thống đốc Ralph Northam.
Giữa cảnh hỗn loạn đó, bác sĩ Erich Bruhn và vợ Kristen, một cựu y tá, đứng lặng lẽ ở một góc. Mặc chiếc áo blouse màu trắng, đeo khẩu trang, họ cầm những tấm bảng ghi lời lẽ đanh thép gửi tới đám đông "Các bạn không có quyền đẩy tất cả chúng ta vào nguy hiểm. Hãy về nhà đi!", "Hãy đăng ký ở đây để chết cho nền kinh tế".
Vợ chồng bác sĩ Erich Bruhn và vợ Kristen (áo trắng) cầm bảng phản đối người biểu tình ở Richmond, thủ phủ bang Virginia, hôm 22/4. Ảnh: AP
"Sự thật là còn rất nhiều người không tán thành việc sớm mở cửa đất nước, nhưng họ không ra ngoài biểu tình vì họ đang ở nhà làm điều đúng đắn", ông Bruhn nói.
Bác sĩ phẫu thuật kỳ cựu khẳng định rằng "nhiều người sẽ chết" nếu Thống đốc Northam chấp thuận yêu cầu tái mở cửa của đám đông và trong số những người chết chắc chắn sẽ có các y bác sĩ.
Khi được hỏi liệu các vùng nông thôn với tỷ lệ lây nhiễm và tử vong đã giảm đáng kể có nên mở cửa trước, ông Bruhn đáp: "Vâng, một số khu vực có thể làm thế, nếu họ tiến hành xét nghiệm và theo dõi phù hợp. Nhưng tôi không nghĩ có một giải pháp thần kỳ cho tất cả. Ở những nơi dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, những điểm nóng, chắc chắn là không nên".
Vợ chồng ông bị một số người biểu tình chỉ vào mặt, dồn ép và chất vấn khi họ trên đường tới quảng trường thành phố. Tuy nhiên, nỗ lực chống biểu tình của họ không đơn độc.
Tại bang Arizona, y tá Lauren Leander đứng khoanh tay mạnh mẽ cạnh một số đồng nghiệp, đeo khẩu trang, mặc đồng phục y tế màu xanh, bất chấp những người biểu tình la ó và vẫy cờ trước mặt.
"Hành động này là vì tất cả những nhân viên chăm sóc sức khỏe, vì tất cả những bệnh nhân của tôi. Tôi ở đây giống như các bạn. Đó là vì cả đất nước này. Giúp chúng tôi là giúp các bạn", Leander viết trên mạng xã hội.
Nhiều người đã bày tỏ lòng biết ơn với Leander và các đồng nghiệp.
"Hôm nay cô ấy đứng lên vì các nhân viên y tế khi người biểu tình tập trung ở cơ quan lập pháp. Cô ấy đứng trong im lặng khi mọi người gọi cô ấy là 'y tá giả mạo' và 'diễn viên được trả tiền' cùng những lời lẽ khủng khiếp khác", Zahid Seed, đồng nghiệp của Leander ở bệnh viện đại học Banner, thành phố Phoenix, nói.
"Thật trớ trêu, cô ấy đã trải qua nhiều ngày trong phòng hồi sức tích cực (ICU) chăm sóc cho những bệnh nhân nghiêm trọng nhất. Cô ấy đứng đó vì những người đang cần hỗ trợ sự sống và không thể tự cất tiếng nói. Khi họ nhiễm Covid-19 và lây cho người thân, Lauren sẽ là một trong những gương mặt đầu tiên họ nhìn thấy khi được đưa vào ICU. Cô ấy cũng có thể là một trong những gương mặt cuối cùng họ nhìn thấy".
Y tá Lauren Leander (thứ hai từ trái sang) đứng cạnh một số đồng nghiệp đối đầu với người biểu tình ở thành phố Phoenix, bang Arizona, hôm 22/4. Ảnh: AP
Tại Los Angeles, California, người biểu tình tập trung ở tòa thị chính, bấm còi xe, vẫy cờ Mỹ. Tại Albany, New York, họ đứng trước cơ quan lập pháp bang với nhiều biểu ngữ chỉ trích Thống đốc Cuomo.
Tại bang Vermont, người biểu tình bất chấp tuyết rơi ở thủ phủ Montpelier để phản đối lệnh phong tỏa. Một nhóm y tá mặc đồ bảo hộ và khẩu trang đối đầu với người biểu tình.
Mỹ hiện ghi nhận gần 850.000 ca nhiễm, trong đó hơn 46.000 ca tử vong. Số người chết giảm mạnh so với một ngày trước đó khi Tổng thống Donald Trump cho rằng "dịch đã qua đỉnh" và một số bang của Mỹ, trong đó có Georgia và Tennessee, thông báo sẽ mở cửa trở lại một phần hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai có thể tấn công Mỹ vào mùa đông tới và mạnh hơn cả đợt dịch đầu tiên, khiến hệ thống y tế quốc gia chịu áp lực lớn.
Thậm chí khi lệnh phong toả đang được nới lỏng dần, Redfield nhấn mạnh rằng từng cá nhân vẫn cần phải duy trì cách biệt cộng đồng với người khác. Ông đồng thời cho hay giới chức y tế công cộng phải tăng cường xét nghiệm để xác định những người nhiễm virus và truy tìm những người tiếp xúc gần với họ.
Anh Ngọc
Tòa án đặc biệt 'giải cứu' người vô gia cư Nhận vé phạt 300 USD, John Doe tự hỏi cảnh sát nghĩ gì khi lập biên bản xử phạt người đi ăn xin vỉa hè như mình. John cầm giấy hẹn nộp phạt trong tay mà không biết sẽ tới tòa án bằng cách nào vì nơi đó cách xa hàng chục dặm. Không có phương tiện đi lại, tiền bạc, nơi ở,...