Trump: Mỹ lọc 14 vaccine Covid-19 tiềm năng từ cả trăm loại
Trump thông báo Mỹ đã chọn được 14 loại vaccine Covid-19 tiềm năng để đầu tư phát triển và hy vọng sẽ có vaccine vào “cuối năm hoặc sớm hơn”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ngày 15/5. Ảnh: AP.
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 15/5, Tổng thống Donald Trump giới thiệu Moncef Slaoui, cựu giám đốc bộ phân phát triển vaccine của công ty dược phẩm GlaxoSmithKline, cùng đại tướng Gustave Perna phụ trách “Chiến dịch Thần tốc”, chương trình phát triển vaccine Covid-19 của Mỹ.
Truyền thông Mỹ từng dự báo Slaoui sẽ trở thành cố vấn trưởng trong chương trình phát triển vaccine chống nCoV của Mỹ. Các quan chức Nhà Trắng cho biết tướng Perna sẽ làm nhiệm vụ giám sát công tác hậu cần. Trước đó, Trump cho biết sẽ huy động quân đội phân phối vaccine, ưu tiên cho người cao tuổi và viện dưỡng lão tại Mỹ.
Cuộc đối đầu của Trump với 3 nữ phóng viên
Tại cuộc họp báo hôm 11/5, khi hai phóng viên phản kháng Trump và người thứ ba từ chối hợp tác, Trump đột ngột dừng họp và bỏ đi.
Đó là cái kết bất ngờ cho một cuộc họp báo tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, sự kiện mà Trump kỳ vọng sẽ là dịp thuận lợi để quảng bá bản thân. Phía sau lưng ông là một hàng cờ Mỹ và hai tấm biển lớn ghi dòng chữ in hoa: "Mỹ dẫn đầu thế giới về xét nghiệm". Trump tuyên bố rằng "chúng ta đã đạt tới thời điểm đó, chúng ta đã chiến thắng", bất chấp số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này đã vượt 80.000.
Tổng thống Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 11/5, đằng sau là hai tấm bảng ghi "Mỹ dẫn đầu thế giới về xét nghiệm". Ảnh: Reuters
Điều Tổng thống Mỹ không ngờ đến là sự hợp tác hiếm hoi giữa các thành viên của nhóm báo chí Nhà Trắng, những người không chấp nhận "chơi theo luật" của Trump, người thường né tránh trả lời câu hỏi khó của một phóng viên bằng cách gọi người khác đặt câu hỏi. Chiến thuật này của Trump từng nhiều lần phát huy hiệu quả, vì phóng viên đến từ các kênh truyền thông ganh đua nhau luôn háo hức chờ đến lượt mình đặt câu hỏi và xem Tổng thống sẽ quyết định chọn ai.
Bước ngoặt của cuộc họp báo hôm 11/5 diễn ra khi nữ phóng viên Weijia Jiang của CBS News đặt câu hỏi cho Trump. Jiang, người sinh ra ở Trung Quốc và lớn lên ở Mỹ, đã hỏi Trump tại sao ông tự hào Mỹ tiến hành xét nghiệm nhiều hơn các nước khác.
"Tại sao điều này lại quan trọng đến thế? Tại sao với ngài đây lại là cuộc ganh đua toàn cầu, trong khi nhiều người Mỹ hàng ngày vẫn chết vì dịch bệnh và chúng ta vẫn chứng kiến nhiều ca nhiễm mới?", Jiang vừa giữ khẩu trang vừa nói, mắt nhìn thẳng vào Trump.
Phóng viên của CBS News Weijia Jiang tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 11/5. Ảnh: Reuters
"Người chết ở khắp nơi trên thế giới. Có thể đó là câu cô nên hỏi Trung Quốc, đừng hỏi tôi, hãy hỏi Trung Quốc câu đó, được chứ", Trump đáp lời nữ phóng viên gốc Hoa đến từ bang Tây Virginia.
Ông vội chấm dứt cuộc trao đổi với Jiang bằng cách chỉ sang Kaitlan Collins, nhưng nữ phóng viên CNN này không lên tiếng, mà đợi đồng nghiệp từ CBS tiếp tục câu hỏi của mình.
"Thưa ngài, tại sao ngài lại nói điều đó với riêng tôi?", Jiang hỏi tiếp, ám chỉ gốc gác của cô. "Tôi sẽ nói điều đó với bất kỳ ai hỏi câu khó chịu như thế", Trump đáp lại và yêu cầu Collins đặt câu hỏi tiếp theo. Tuy nhiên, cô một lần nữa đợi Jiang kết thúc phần hỏi đáp.
"Đó không phải là một câu hỏi khó chịu. Tại sao lại thế?", Jiang tiếp tục chất vấn.
Lúc này, Trump dường như quyết định trừng phạt Collins bằng cách bỏ qua cô và gọi Yamiche Alcindor, nữ phóng viên của PBS, đặt câu hỏi, bất chấp sự phản đối của phóng viên CNN. "Tôi đã gọi cô nhưng cô không hồi đáp và bây giờ tôi gọi cô gái trẻ phía sau", Trump nói với Collins.
Lần này, đến lượt Alcindor từ chối đặt câu hỏi cho Trump và ra hiệu cho Collins tiếp tục hỏi. Nhận ra điều này, Trump đã đưa hai tay lên bày tỏ sự bực bội, tuyên bố kết thúc họp báo và quay đi.
Trump nổi cáu với 3 nữ phóng viên và bỏ đi trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 11/5. Video: CNN
Trump sau đó cáo buộc hành vi của 3 nữ phóng viên này là bằng chứng của một âm mưu chống lại ông. "Truyền thông Xuyên tạc thực sự đã mất kiểm soát. Hãy xem họ làm việc (thông đồng) cùng nhau như thế nào", ông viết khi chia sẻ lên Twitter video về cuộc họp báo.
Bình luận viên Robert Mackey của Intercept cho rằng cách xử sự của Trump trong cuộc họp báo không chỉ cho thấy ông thiếu tự tin trong xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 mà còn khó chịu với những câu hỏi hóc búa từ các nữ phóng viên. "Khá thảm hại", thượng nghị sĩ Bernie Sanders bình luận về video. "Trump là kẻ hèn nhát khi chà đạp người khác để khiến bản thân cảm thấy mạnh mẽ".
Việc Trump không trả lời câu hỏi của Jiang cũng cho thấy ông đang tìm cách đánh lạc hướng chú ý người Mỹ khỏi sự ứng phó chậm trễ với đại dịch bằng những số liệu thống kê không liên quan hay gây hiểu nhầm. Trong những cuộc họp gần đây ở Phòng Bầu dục, các thống đốc bang luôn phải ngồi trước một tấm bảng liệt kê chi tiết có bao nhiêu trang thiết bị y tế mà chính quyền liên bang đã cấp cho họ kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Số liệu không được thể hiện trên những tấm bảng này là các thống đốc đã yêu cầu bao nhiêu trang thiết bị, hay bao nhiêu người dân của họ đã nhiễm hay chết vì nCoV, loại virus mà Trump hồi tháng hai từng tuyên bố nó đơn giản "sẽ biến mất".
Trump (phải) ngồi cạnh Thống đốc bang Louisiana tại Nhà Trắng, sau lưng là tấm biển ghi các loại vật tư y tế chính quyền liên bang cấp cho bang này. Ảnh: NYTimes.
Trong cuộc họp báo ở Vườn Hồng hôm 11/5, Trump cũng nhắc lại phát ngôn từ giữa tháng 4 rằng Mỹ, cùng với Đức, là một trong hai quốc gia có số ca tử vong vì nCoV trên đầu người thấp nhất. Ông dường như đang nhắc đến thống kê mới nhất về số người chết tại 8 nước có số ca nhiễm nCoV lớn nhất thế giới. Theo bảng thống kê này, Mỹ đứng thứ 7, còn Đức xếp thứ 8.
Tuy nhiên, Trump dường như đã phớt lờ thực tế rằng hơn 130 quốc gia khác trên thế giới có tỷ lệ tử vong trên đầu người thấp hơn Mỹ, trong đó Đức có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều. Đến ngày 10/5, theo thống kê của Trung tâm Nguồn lực Covid-19 đại học Johns Hopkins, tỷ lệ tử vong của Mỹ là 24,31 trên 100.000 người, trong khi Đức là 9,13.
Theo bình luận viên Mackey, điều này có nghĩa là nếu chính quyền Trump thành công trong việc bảo vệ tính mạng cho công dân của mình như Đức, số người chết ở Mỹ sẽ không phải là hơn 80.000 như hiện nay mà chỉ là hơn 30.000. Nói cách khác, Trump đang sử dụng một kiểu thống kê "đánh lận con đen", dường như nhằm kéo sự chú ý của dư luận khỏi thực tế rằng hơn 50.000 người Mỹ lẽ ra không phải chết vì Covid-19 nếu ông xử lý cuộc khủng hoảng thành công như Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Cáo buộc nguồn gốc dịch Covid-19 từ Trung Quốc: Chiến thuật của ông Trump? Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cáo buộc Trung Quốc che đậy thông tin dịch bệnh và chuẩn bị các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, cho đến nay Mỹ vẫn chưa đưa ra bằng chứng chứng minh cho những luận điểm của mình. Một số chuyên gia nhận định, chính quyền của Tổng thống...