Trump lên tiếng về thông tin Triều Tiên khôi phục bãi phóng tên lửa
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6.3 đã lên tiếng bình luận về thông tin Triều Tiên có dấu hiệu khôi phục bãi phóng tên lửa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Tôi sẽ rất thất vọng nếu điều đó xảy ra. Đó là báo cáo ban đầu và vẫn còn quá sớm để kết luận. Nhưng tôi sẽ rất, rất thất vọng về Chủ tịch Kim. Hãy chờ xem chuyện gì xảy ra. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này”, ông Trump nói trong một sự kiện ở Nhà Trắng.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm 5.3 đăng tải thông tin về việc Triều Tiên khôi phục bãi phóng tên lửa Sohae, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai.
Triều Tiên đã dỡ bỏ bãi phóng tên lửa, thử động cơ tên lửa hồi năm ngoái, sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un từng cam kết tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 9 năm ngoái sẽ đóng cửa Sohae và cho phép các chuyên gia quốc tế quan sát việc phá hủy cơ sở này.
Theo tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên đã lắp lại một phần mái che và cánh cửa tại bãi phóng tên lửa. Các hình ảnh vệ tinh do 38 North, dự án giám sát Triều Tiên tại Washington, thu thập cho thấy một số cấu trúc trên bệ phóng ở Sohae đã được xây dựng trong khoảng thời gian 16.2-2.3.
Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) cũng nhấn mạnh rằng, “Triều Tiên đang đẩy nhanh quá trình khôi phục bãi phóng tên lửa”.
Video đang HOT
Hồi năm ngoái, ông Trump đã tuyên bố trước công chúng rằng mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên đã không còn tồn tại. Ông Kim và ông Trump khi đó cũng thể hiện mối quan hệ thân mật với nhau.
Triều Tiên đã ngừng thử tên lửa, bom hạt nhân trong năm 2018, nhưng các chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng vẫn bí mật theo đuổi chương trình hạt nhân.
Theo Danviet
Xuống nước với Triều Tiên, Trump "bật đèn xanh" mời gọi Kim Jong-un
Để xúc tiến cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã gửi đi thông điệp sẵn sàng nhượng bộ Triều Tiên.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 15/11 cho biết, Mỹ sẽ không yêu cầu Triều Tiên cung cấp danh sách đầy đủ các địa điểm thử tên lửa và hạt nhân của nước này trước cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến vào đầu năm 2019.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: Time Magazine.
Mỹ và Triều Tiên đã rơi vào tình trạng bế bắc ngoại giao trong nhiều tuần qua liên quan đến việc bên nào sẽ đưa ra sự nhượng bộ trước. Tuy nhiên, với việc nới lỏng yêu cầu trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, Washington có thể sẽ là bên nhượng bộ trước.
Thay vì yêu cầu Triều Tiên cung cấp danh sách các địa điểm thử hạt nhân như điều kiện tiên quyết cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói với hãng tin NBS rằng, chính quyền Mỹ sẽ vẫn bám sát kế hoạch đóng cửa các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau.
"Tôi cho rằng, bắt buộc trong cuộc gặp Thượng đỉnh tới chúng ta cần đưa ra một kế hoạch để xác định tất cả các vũ khí hạt nhân, xác định tất cả các cơ sở phát triển hạt nhân của Triều Tiên, phải cho phép thanh sát các địa điểm đó và lên kế hoạch giải trừ vũ khí hạt nhân. Hiện giờ chúng ta cần phải nhìn thấy kết quả", ông Pence nói.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh, cách xử lý của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên sẽ mất nhiều thời gian, tuy nhiên, cuộc đối thoại song phương giữa hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng sẽ mang lại kết quả tích cực hơn so với việc thực thi các nỗ lực đa phương trước đây khi các cuộc đàm phán bị đình trệ do bất đồng giữa các bên. "Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra 4 vấn đề mấu chốt trong thỏa thuận song phương mà hai nhà lãnh đạo có ý định thi hành. Chúng tôi đang bám sát 4 vấn đề này", bà Heather Nauert nói.
Phát biểu của ông Pence được đưa ra vài ngày sau khi các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược (CSIS) nhận định Triều Tiên vẫn đang tiếp tục chương trình tên lửa đạn đạo và họ đã xác định được một số căn cứ nhỏ chưa được công bố của Bình Nhưỡng. Dựa trên những hình ảnh từ vệ tinh, báo cáo của CSIS đã chỉ ra 13 trong số 20 cơ sở tên lửa của Triều Tiên, chủ yếu nằm rải rác khắp các vùng núi xa xôi của nước này. Báo cáo cáo buộc Bình Nhưỡng che giấu thông tin về chúng.
Tuy nhiên ngày 13/11, Tổng thống Trump đã lên tiếng bênh vực Triều Tiên. Lãnh đạo Nhà Trắng khẳng định, chính quyền của ông đã biết về những cơ sở nói trên. Ông cho rằng, các bức ảnh vệ tinh không cung cấp thông tin gì mới và "không có điều gì bất thường đang xảy ra".
Theo các chuyên gia phân tích, phản ứng của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với báo cáo của CSIS, trong đó yêu cầu nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực hiện đúng các cam kết mà ông đưa ra, gồm phi hạt nhân hoàn toàn và loại bỏ chương trình tên lửa đạn đạo, cho thấy có sự thiếu liên kết giữa hai phía.
Mỹ sẵn sàng nhượng bộ
Tổng thống Donald Trump luôn khẳng định rằng ông "rất hài lòng với cách giải quyết vấn đề Triều Tiên", song các nguồn tin ngoại giao thân cận với cuộc đàm phán lại đưa ra cách nhìn nhận khác, mô tả tình huống mà ở đó tiến trình thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đang bị chậm lại do bất đồng về nới lỏng các biện pháp trừng phạt và mâu thuẫn cá nhân giữa các nhà đàm phán cấp chuyên viên.
Một nguồn thạo tin cho biết, quan điểm của Triều Tiên là "Mỹ cần phải hành động trước khi Triều Tiên thực hiện biện pháp tiếp theo". Đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Trump vẫn lạc quan về khả năng giành được mục tiêu phi hạt nhân hóa, ngay cả khi việc này đòi hỏi phía Mỹ phải linh hoạt khi đưa ra những yêu cầu nhất định nhằm xây dựng sự tin tưởng giữa hai phía.
Ông Bruce Bennett - nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao và chuyên gia về Triều Tiên tại viện nghiên cứu RAND Corp nhận định: "Chắc chắn chính quyền ông Trump đang làm mọi thứ có thể, trong khả năng của mình để khiến Triều Tiên tin tưởng họ. Tuy nhiên, những tuyên bố từ phía Triều Tiên và những gì họ đang nói lại hoàn toàn đối lập. Có vẻ như ông Kim Jong-un đang cố gắng đóng vai trò là một nhà thương thuyết cứng rắn và gây sức ép nhiều nhất có thể".
Ông Adam Mount, một chuyên gia cấp cao tại Liên đoàn các nhà Khoa học Mỹ khẳng định, tuyên bố của Phó Tổng thống Mike Pence cho thấy Mỹ đang nỗ lực tính toán để vượt qua sự bế tắc đó. Mặc dù việc nhượng bộ không phải là điều Mỹ mong muốn nhưng gạt sang một bên yêu cầu cung cấp danh sách các bãi thử hạt nhân Triều Tiên là động thái tốt nhất". Theo nhận định của chuyên gia này, yêu cầu nêu trên của Mỹ sẽ có ít hiệu quả trong việc giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ phía Triều Tiên, vì thế gạt đi yêu cầu này sẽ thêm động lực cho đối thoại.
"Triều Tiên đã gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng họ chưa sẵn sàng giải giáp kho vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng, nhưng Bình Nhưỡng đã nhất trí hạn chế năng lực hạt nhân. Do vậy, thay vì thực hiện những bước đi mang tính biểu tượng, Mỹ nên tập trung vào các biện pháp thực tiễn để hạn chế mối đe dọa từ phía Triều Tiên, đặc biệt là đồng ý giới hạn các lò phản ứng hạt nhân, các vụ thử tên lửa và những hoạt động quân sự của Triều Tiên", ông Adam Mount nói với CNN.
Nhà phân tích này cũng cho biết, các chuyên gia từ chính quyền ông Trump hiểu rằng họ không thể xúc tiến một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 nếu không có một chương trình nghị sự cụ thể hoặc lộ trình cho các cuộc tiếp xúc cấp chuyên viên trong thời gian tới".
Mong manh triển vọng về Thượng đỉnh lần 2
Triều Tiên thường viện dẫn lý do nước này không thể cung cấp chi tiết toàn diện về các địa điểm thử hạt nhân và tên lửa bởi vì những địa điểm đó sẽ có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công trong trường hợp căng thẳng leo thang thành xung đột vũ trang. Có một sự đồng thuận rộng rãi trong số chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ khó có khả năng chuyển giao cho Mỹ danh sách đầy đủ các địa điểm thử hạt nhân và tên lửa.
"Phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm tranh luận về việc bàn giao danh sách này. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là mỗi khi chính quyền Tổng thống Trump đưa ra một yêu cầu phi thực tế và sau đó từ bỏ yêu cầu đó thì họ đã tự làm giảm uy tín của mình và động lực đàm phán", chuyên gia Adam Mount nói.
Trong khi việc từ bỏ yêu cầu về danh sách bãi thử hạt nhân và tên lửa có thể giúp khởi động các cuộc đàm phán Mỹ-Triều bị đình trệ, một số người cho rằng, chính quyền ông Trump có thể tiếp tục nhượng bộ Kim Jong-un bằng cách xúc tiến cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ 2 mà không cần vạch ra kế hoạch cụ thể về cách thức cuộc gặp này sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán cấp chuyên viên như thế nào.
Tuy nhiên, nhà quan sát Lisa Collins tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế lại nhìn nhận vấn đề này theo cách khác. Bà cho rằng "thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên không thể đi tới đâu nếu không có các cuộc đàm phán cấp chuyên viên bởi đó mới là điều cốt lõi quyết định thành công". "Rất khó để xác minh danh sách các địa điểm thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nếu không có sự tham gia của các chuyên gia về vũ khí hạt nhân. Liệu Tổng thống Donald Trump có tự vẽ ra danh sách các địa điểm đó hay không? Liệu ông có thực sự biết rõ một số địa điểm trong danh sách hay không? Tôi thấy rất hoài nghi".
Còn chuyên gia Bruce Bennett thì đánh giá, chính quyền ông Trump đang chứng minh họ sẵn sàng để ngỏ khả năng đạt được sự đồng thuận ở một mức độ nào đó, mà sẽ khuyến khích Triều Tiên khởi động lại đàm phán cấp chuyên viên. Nếu Triều Tiên phản đối, các quan chức có quan điểm cứng rắn trong chính phủ Mỹ sẽ coi đây là bằng chứng thuyết phục Tổng thống Trump về ý định thực sự của Triều Tiên.
"Nếu Triều Tiên không đồng ý đối thoại cấp chuyên viên thì đây là tín hiệu rõ ràng gửi tới Tổng thống Donald Trump rằng họ không xem xét vấn đề một cách nghiêm túc". Thông điệp này cũng có thể coi là sự xúc phạm cá nhân đối với Tổng thống Trump và khiến ông cân nhắc có nên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 hay không./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN Tổng hợp
Triều Tiên bị nghi "giấu" 20 cơ sở tên lửa bí mật, ông Trump bênh vực Tổng thống Donald Trump ngày 13/11 nói rằng Mỹ đã biết trước về các cơ sở tên lửa bí mật mà Triều Tiên bị nghi che giấu trong lúc tiến hành các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington. Tổng thống Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ở Singapore hồi tháng 6. (Ảnh: AFP)...