Trump lần đầu vượt Clinton trong khảo sát kể từ tháng 5
Donald Trump lần đầu tiên kể từ tháng 5 được cử tri tiềm năng ủng hộ nhiều hơn so với đối thủ Hillary Clinton.
Hillary Clinton (trái) và Donald Trump. Ảnh: LA Times.
Kết quả khảo sát ABC News/Washington Post công bố hôm nay cho thấy 46% cử tri tiềm năng ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, 45% đứng về phía Hillary Clinton, đảng Dân chủ.
Khảo sát diễn ra từ ngày 27 đến 30/10. Trong khoảng thời gian này có sự kiện James Comey, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo phát hiện những email mới có thể liên quan đến cuộc điều tra bê bối email của bà Clinton trước đó.
Kết quả khảo sát còn cho thấy tỷ lệ cử tri tiềm năng nhiệt tình với Clinton giảm 7%, dường như phản ánh tranh cãi về việc bà dùng email cá nhân khi còn là ngoại trưởng Mỹ, AFP dẫn lời Gary Langer, người khảo sát ý kiến, nói. Tỷ lệ này đối với Trump vẫn ổn định từ ngày 27/10.
Khi tổng hợp kết quả khảo sát kéo dài cả tuần trước, bà Clinton lại dẫn trước Trump với tỷ lệ ủng hộ từ cử tri tiềm năng là 46% và 45%, theo ABC News.
Khoảng cách dẫn trước theo cả hai cách tính đều rất sít sao. Trump dẫn trước 1% là điều đáng chú ý bởi lần gần nhất ông vượt qua ứng viên đảng Dân chủ là vào tháng 5, vượt Clinton 2%. Khi đó, Trump đã trở thành ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa còn Clinton vẫn đang cạnh tranh với đối thủ cùng đảng Bernie Sanders.
Khảo sát không phản ánh kết quả cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong năm 2012, Mitt Romney dẫn trước Barack Obama trong khảo sát cách ngày bỏ phiếu một tuần nhưng ông vẫn thua cuộc.
Video đang HOT
Như Tâm
Theo VNE
Kết quả thăm dò có thể phản ánh sai lệch tương quan Clinton - Trump
Do đặc điểm xã hội và tâm lý cử tri, kết quả các cuộc thăm dò dư luận có thể không phản ánh thực lực giữa hai ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: AP
Kết quả nhiều cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đang dẫn trước đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa với cách biệt khá sít sao. Tuy nhiên, trên thực tế, các con số khảo sát này có thể không phản ánh đúng tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho hai ứng viên, theoReuters.
Cliff Zukin, giáo sư chính trị thuộc Đại học Rutgers, New Jersey nhận định rằng, trước hết, số lượng cử tri đi bầu trong những kỳ bầu cử gần đây là khoảng 60%, nhưng với thực tế là cả bà Clinton và ông Trump không mấy được ưa thích như năm nay, tỷ lệ này có thể sẽ thấp hơn 52%, và rất khó để đoán được nhóm cử tri nào sẽ ở nhà.
"Rất khó để dự đoán đúng số lượng và thành phần cử tri sẽ đi bỏ phiếu tại mỗi kỳ bầu cử. Với kỳ bầu cử năm nay, điều này càng khó khăn hơn bao giờ hết", giáo sư Zukin khẳng định.
Thứ hai, theo các nhà xã hội học, kết quả những cuộc thăm dò dư luận có thể làm suy giảm khả năng giành chiến thắng của ứng viên đang chiếm ưu thế, bằng cách khiến cho những người ủng hộ tự tin hơn vào kết quả và do đó, ít đi bỏ phiếu hơn.
Nếu điều này khiến số lượng cử tri ủng hộ ông Trump đi bỏ phiếu nhiều hơn so với những người ủng hộ bà Clinton thì kết quả cuộc bầu cử ngày 8/11 tới đây chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ.
"Nếu các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Clinton đang dẫn trước chỉ hai điểm, thì con số này chỉ nằm trong mức sai số, có thể cho phép ông Trump lật ngược thế cờ và giành chiến thắng. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiều cuộc thăm dò có uy tín đều cho thấy bà Clinton đang chiếm ưu thế khá cách biệt, thì kết quả đó có thể tin tưởng", Douglas Schwartz, giám đốc cơ quan thăm dò dư luận thuộc Đại học Quinnipiac nhận định.
Một yếu tố khác tác động tới kết quả các cuộc thăm dò dư luận là sự phổ biến của điện thoại di động. Theo số liệu của ủy ban Truyền thông Liên bang năm 2016, số lượng người Mỹ chỉ sử dụng điện thoại di động mà không dùng điện thoại cố định đã tăng gấp đôi so với năm 2010, chiếm 50% dân số nước này.
Điều này khiến các cơ quan thăm dò gặp nhiều khó khăn và tốn kém hơn trong việc đảm bảo tính ngẫu nhiên, một điều kiện bắt buộc đối với tất cả cuộc thăm dò. Bởi luật pháp Mỹ cấm việc tiến hành phỏng vấn tự động qua điện thoại di động và thực tế không có danh bạ toàn quốc cho loại điện thoại này.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trung tâm nghiên cứu Pew ước tính, việc khảo sát qua điện thoại di động tốn kém hơn qua điện thoại cố định từ 30-50%. Điều này khiến cho nhiều cuộc thăm dò bị thu hẹp quy mô hơn trước rất nhiều và có thể dẫn đến những sai số lớn.
Ngoài ra, nhiều người được khảo sát qua điện thoại thường có xu hướng từ chối đưa ra ý kiến. Một cơ quan thăm dò dư luận mới đây cho biết chỉ kết nối được với khoảng 10% số người mà họ cố gắng liên lạc, thấp hơn nhiều con số 80% so với một vài thập kỷ trước.
Tuy nhiên, giám đốc phụ trách nghiên cứu thăm dò Courtney Kennedy của Pew cho rằng, xét về mặt dữ liệu, chất lượng mới là điều quan trọng nhất. Nhiều người chấp thuận tham gia khảo sát là những người trẻ và có quan điểm khác nhau.
Cuối cùng, đối với những cuộc thăm dò trực tuyến như Reuters/Ipsos, các hãng thăm dò có thể tiếp cận được với nhiều người hơn, với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, đa số người tham gia loại hình thăm dò này đều là tự nguyện, do đó không thể đảm bảo tính ngẫu nhiên bắt buộc.
Để khắc phục những chỉ số sai lệch trong loại hình thăm dò trực tuyến, các hãng thăm dò thường phải thêm bớt số liệu và nhiều khi lựa chọn cả những nhóm người không đáp ứng các tiêu chuẩn để trở thành cử tri.
Ví dụ, nếu tỷ lệ cử tri nam tham gia trả lời thăm dò thấp hơn tỷ lệ nam giới trong cơ cấu dân số Mỹ, nhà tổ chức thăm dò buộc phải điều chỉnh số liệu, hoặc cố gắng tìm thêm người tham gia thăm dò.
Theo bình luận viên Scott Malone, các cuộc thăm dò đều có khả năng mang lại kết quả sai lệch. Điều này được chứng minh qua các sự kiện quốc tế gần đây, điển hình như trường hợp trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình tại Colombia trong tháng 10.
Các cuộc thăm dò dư luận trước bỏ phiếu đều cho rằng số cử tri bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận sẽ chiếm tỷ lệ áp đảo. Tuy nhiên, sau khi hầu hết số phiếu đã được kiểm, giới chức nước này cho biết có tới 50,2% cử tri phản đối và chỉ có 49,8% ủng hộ.
"Việc đưa ra dự đoán lúc này rất khó khăn bởi Trump đã thu hút được nhiều cử tri ủng hộ, những người luôn bỏ phiếu thất thường hoặc có thể sẽ không tham gia bỏ phiếu", Scott Malone nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Chuyên gia Mỹ: 'Công bố điều tra thêm email của Hillary Clinton là bất công' Chuyên gia cho rằng việc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố điều tra thêm các email của Hillary Clinton là "không công bằng", nhưng khó "hạ gục" được bà trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Hillary Clinton. Ảnh: Reuters "Việc Giám đốc FBI Comey tuyên bố công khai điều tra email mới là không công bằng, vì nó có thể...