Trump ký sắc lệnh gia hạn cứu trợ kinh tế do Covid-19
Trump ký các sắc lệnh hành pháp nhằm gia hạn hỗ trợ tài chính cho hàng chục triệu người Mỹ bị mất việc làm do Covid-19.
“Chúng ta đã có sắc lệnh và chúng ta sẽ cứu việc làm của người Mỹ, cấp viện trợ cho lao động Mỹ”, Tổng thống Donald Trump nói trong cuộc họp báo ở câu lạc bộ golf tại Bedminster, bang New Jersey, hôm 8/8 sau khi ký các sắc lệnh hành pháp.
Theo Trump, một trong các sắc lệnh then chốt sẽ cấp thêm 400 USD/tuần cho khoản trợ cấp thất nghiệp của người Mỹ, ít hơn so với mức 600 USD/tuần được thông qua trước đó.
“Đây là số tiền họ cần, họ muốn. Sắc lệnh này tạo động lực cho họ quay lại làm việc”, Trump nói, thêm rằng 25% trong số đó sẽ do các bang chi trả, những nơi ngân sách vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh gia hạn cứu trợ kinh tế trong cuộc họp báo ở New Jersey hôm 8/8. Ảnh: AFP.
Một sắc lệnh khác của Trump liên quan đến việc tạm dừng thu thuế tiền lương, khoản tiền được dùng để chi trả cho an sinh xã hội và các chương trình liên bang khác. Trump từng nhiều lần nêu ra đề xuất này nhưng bị nghị sĩ cả hai đảng bác bỏ. Ông nói rằng việc đình chỉ thu thuế sẽ chỉ áp dụng cho những người có thu nhập dưới 100.000 USD/năm.
Ngoài ra, các sắc lệnh của Trump cũng ngăn chặn khả năng người thuê nhà bị đuổi khỏi những căn nhà cho thuê được trợ cấp tài chính liên bang và gia hạn lãi suất 0% với các khoản vay dành cho sinh viên do liên bang trợ cấp.
Một số biện pháp trên có thể đối mặt thách thức pháp lý do Hiến pháp Mỹ trao quyền cho quốc hội về chi tiêu liên bang.
Các sắc lệnh hành pháp được Trump ký sau khi đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không đạt đồng thuận về gói kích thích mới. Đảng Dân chủ đề xuất gói kích thích 3.000 tỷ USD, nhưng đảng Cộng hòa đề xuất 1.000 tỷ USD. Đảng Cộng hòa cho rằng các khoản cứu trợ cao hơn không khuyến khích những người Mỹ thất nghiệp cố gắng trở lại làm việc.
Video đang HOT
Với tỷ lệ thất nghiệp hai con số, các doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động do quy định giãn cách xã hội và tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhiều người Mỹ phải sống dựa vào các biện pháp cứu trợ được quốc hội thông qua trước đó, nhưng hầu hết đã hết hạn vào tháng 7. Trump nói rằng việc ông không chờ quốc hội mà ký sắc lệnh hành pháp đồng nghĩa tiền cứu trợ sẽ được “phân phối nhanh chóng”.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 19,8 triệu người nhiễm và hơn 728.000 người tử vong. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 5,1 triệu ca nhiễm và hơn 165.000 ca tử vong.
Trump vấp 'tường thành' khi đề xuất hoãn bầu cử
Trump một lần nữa khiến chính trường Mỹ "nổi sóng" khi đề xuất hoãn bầu cử tổng thống tháng 11 do lo ngại Covid-19 và gian lận phiếu bầu.
"Hoãn bầu cử cho đến khi người dân có thể bỏ phiếu đúng cách, an toàn và đáng tin cậy thì sao nhỉ", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng Twitter ngày 30/7. "Với việc bỏ phiếu phổ thông qua thư (không phải bỏ phiếu vắng mặt, điều vốn tốt), năm 2020 sẽ là cuộc bầu cử sai trái và gian lận nhất trong lịch sử. Đây sẽ là nỗi xấu hổ lớn đối với nước Mỹ".
Đề xuất được ông chủ Nhà Trắng đưa ra ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo kinh tế Mỹ giảm 32,9% trong quý II. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ năm 1947.
Ý tưởng của Trump lập tức thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, đồng thời vấp phải làn sóng phản đối gay gắt chưa từng thấy từ phe Dân chủ, các lãnh đạo bảo thủ bên ngoài Nhà Trắng, các học giả pháp lý và nhà sử học. Ngay cả các thượng nghị sĩ phe Cộng hòa, trong đó có Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell, cũng lên tiếng bác đề xuất của Trump.
" Chưa bao giờ trong lịch sử Mỹ, kể cả thời điểm chiến tranh, suy thoái và Nội chiến, chúng ta không tổ chức bầu cử liên bang theo đúng lịch trình. Chúng ta sẽ tìm ra cách để tiếp tục thực hiện điều đó vào ngày 3/11 tới", McConnell nói trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình WNKY.
Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 4/4. Ảnh: AP.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào cuối ngày 30/7, Trump lại tự đảo ngược đề xuất trước đó của ông. "Tôi muốn tổ chức bầu cử và trông đợi kết quả còn nhiều hơn các bạn. Tôi không muốn trì hoãn, tôi muốn có bầu cử, nhưng tôi không muốn chờ đến ba tháng và phát hiện nhiều phiếu bầu đã thất lạc và kết quả bỏ phiếu trở thành vô nghĩa", Trump nói.
Trump dẫn một số thông tin trên truyền thông về nguy cơ phiếu bầu qua thư bị chậm hoặc thất lạc, cho rằng có thể mất nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí là hàng năm để giải quyết. "Liệu tôi có muốn thay đổi ngày bầu cử không? Không, nhưng tôi cũng không muốn thấy một cuộc bầu cử gian lận", ông nói thêm.
Các tuyên bố bất ngờ và thay đổi liên tục của Trump khiến chính các trợ lý của ông bất ngờ. Một số người cho biết họ chưa từng tiến hành bất kỳ cuộc thảo luận nội bộ nào về vấn đề này. "Ông ấy chỉ đùa thôi", một trợ lý giấu tên nói.
Tuy nhiên, dù thật hay đùa, theo Hiến pháp Mỹ, Trump không có quyền can thiệp vào kế hoạch bầu cử, vốn thuộc quyền định đoạt của lưỡng viện quốc hội.
Điều II trong Hiến pháp Mỹ đã trao quyền cho quốc hội được quyết định "thời gian, địa điểm và cách thức" của cuộc bầu cử, trong khi các bang chịu trách nhiệm kiểm soát bầu cử sơ bộ. Một điều luật liên bang năm 1845 nêu rõ ngày bầu cử tổng thống sẽ được ấn định vào thứ 3 đầu tiên sau thứ 2 đầu tiên của tháng 11.
Ngoài ra, Tu chính án 20 trong Hiến pháp Mỹ cũng quy định Tổng thống và Phó tổng thống sẽ kết thúc nhiệm kỳ 4 năm của mình vào ngày 20/1, dù bầu cử có được tổ chức hay không.
"Tổng thống không có quyền thay đổi ngày bầu cử", Richard L. Hasen, giáo sư ngành luật tại Đại học California ở Irvine, khẳng định. "Đây là một tuyên bố khác của Tổng thống Trump làm xói mòn niềm tin của cử tri và làm suy yếu tính hợp pháp của hình thức bỏ phiếu qua thư, dù không có bằng chứng".
Theo Viện Dữ liệu Bầu cử Công nghệ Massachusetts, hình thức bỏ phiếu qua thư bắt nguồn từ thời Nội chiến Mỹ, khi các binh sĩ được trao cơ hội bầu cử từ trên chiến trường. Các bang Mỹ bắt đầu mở rộng hình thức bỏ phiếu vắng mặt này vào cuối thập niên 1800 để tạo điều kiện cho các cử tri ở xa nhà hoặc bị ốm vào ngày bầu cử.
Ngày nay, mọi bang của Mỹ đều có một bộ phận cử tri bỏ phiếu qua thư, cho phép họ gửi phiếu bầu của mình bằng đường bưu điện, với các quy định không giống nhau ở từng bang. Một số bang cho phép toàn bộ cử tri đăng ký nhận phiếu bầu qua thư, trong khi vài bang yêu cầu phải có lý do chính đáng để thực hiện phương thức bầu cử này. Một số bang chỉ cần chữ ký của cử tri để lá phiếu hợp lệ, trong khi các bang khác đòi hỏi phải có cả chữ ký của nhân chứng hoặc công chứng viên.
Nhà sử học Michael Beschloss cho biết trong lịch sử, chưa từng có tổng thống Mỹ nào từng cố tìm cách hoãn bầu cử. Ý tưởng này từng được đề xuất cho tổng thống Abraham Lincoln năm 1864 khi Mỹ chìm trong Nội chiến và cho tổng thống Franklin D. Roosevelt năm 1942, thời điểm diễn ra Thế chiến II.
Tuy nhiên, Lincoln khi đó bác ý tưởng hoãn bầu cử vì "cuộc nổi dậy ở miền Nam", bởi nó đồng nghĩa "hệ thống của chúng tôi đã bị đánh bại". Trong khi đó, Roosevelt cho rằng hoãn bầu cử khi đang chiến đấu với phát xít có nghĩa "chính chúng tôi đã trở thành phát xít", theo Beschloss.
Một trong số những người chỉ trích gay gắt nhất đối với đề xuất của Trump là Steven G. Calabrese, đồng sáng lập Hiệp hội Liên bang Bảo thủ. Trong bài bình luận trên NYTimes hôm 30/7, Calabrese gọi ý tưởng này là "phát xít" và "là cơ sở để xem xét bãi nhiệm Tổng thống ngay lập tức".
Trump vốn nhận được ủng hộ trung thành nhất từ những người bảo thủ và gần như toàn bộ nghị sĩ Cộng hòa, cũng như Hiệp hội Liên bang Bảo thủ. Tuy nhiên, nền tảng ủng hộ đó đã bị "chao đảo" sau đề xuất bất ngờ của Trump hôm 30/7, khi nhiều thành viên Cộng hòa cảnh báo Tổng thống dường như phớt lờ giới hạn quyền lực của ông.
"Bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 3/11/2020. Tổng thống làm ơn đừng cố xáo trộn điều này. Đó là một ý tưởng tai hại", Ari Fleischer, thành viên đảng Cộng hòa và từng là thư ký báo chí của tổng thống George W. Bush, nói.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã đăng Twitter nhấn mạnh quốc hội được trao quyền để ấn định ngày bầu cử, trong khi ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden nói với người ủng hộ tại buổi gây quỹ trực tuyến hôm 30/7 rằng Trump đang cố đánh lạc hướng dư luận khỏi chỉ trích vì vắng mặt ở lễ tang của nghị sĩ John Lewis, người được xem như anh hùng đấu tranh nhằm chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Phe Dân chủ cũng cho rằng đây là bằng chứng mới nhất thể hiện ông chủ Nhà Trắng muốn làm suy yếu niềm tin vào các thể chế Mỹ và chuyển hướng chú ý khỏi cách xử lý đại dịch của chính quyền.
Đề xuất mới của Trump đã khiến nước Mỹ "nổi sóng" giữa lúc đại dịch vẫn hoành hành ở quốc gia này. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 4,6 triệu ca nhiễm và gần 155.000 ca tử vong. Đại dịch đã vượt kiểm soát tại nhiều khu vực của Mỹ, gồm các bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo như Florida và Texas. Một số bang phải hoãn bỏ phiếu hoặc mở ít điểm bỏ phiếu hơn trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu năm nay.
Nhiều cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy Trump đang "thất thế" trong cuộc đua vào Nhà Trắng so với Biden. Theo kết quả cuộc thăm dò do Washington Post và ABC thực hiện, 55% số cử tri đã đăng ký ủng hộ Biden, trong khi tỷ lệ này dành cho Trump là 40%.
Trump trước đó cố gắng "gỡ điểm" trước Covid-19 khi thay đổi quan điểm về mối nguy đại dịch và vai trò của khẩu trang, nhằm thu hút lá phiếu cử tri. Tuy nhiên, những tuyên bố bất nhất của Trump về nhiều vấn đề, từ đại dịch tới bầu cử, khiến ông có thể tự làm mờ triển vọng tranh cử vào tháng 11 tới.
Bầu cử tổng thống có thể không bị hoãn như đề xuất của Trump, nhưng giới chuyên gia và quan sát ngày càng lo ngại về nguy cơ rối loạn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, khi các hành vi "không theo khuôn phép" của Trump cùng với những thách thức chưa từng có của việc bỏ phiếu giữa Covid-19 có thể đẩy nước Mỹ vào khủng hoảng.
"Khả năng xảy ra khủng hoảng hậu bầu cử chưa từng thấy ở nước Mỹ là khá lớn", Larry Diamond, chuyên gia về các thể chế dân chủ tại Viện Hoover, tổ chức nghiên cứu bảo thủ ở Stanford, California, Mỹ, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN.
Chồng và con thẩm phán Mỹ bị bắn Con trai của thẩm phán liên bang New Jersey bị bắn chết và chồng bà bị thương nặng sau khi bị một tay súng tấn công tại nhà riêng. Sự việc xảy ra tối 19/7 tại nhà riêng của thẩm phán Esther Salas, 51 tuổi, ở New Brunswick, bang New Jersey. Một tay súng cải trang thành tài xế giao hàng FedEx, gọi...