Trump hoàn trả gần 123 triệu USD cho cử tri
Chiến dịch của Trump hoàn trả 10,7% tiền quyên góp cho cuộc đua vào Nhà Trắng do nhiều cử tri bị thu số tiền nhiều hơn dự kiến.
Các quỹ hoạt động chính trị của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoàn trả khoảng 122,7 triệu USD tiền quyên góp tranh cử, tương đương 10,7% khoản tiền mà ông từng vận động thành công qua nền tảng WinRed. Phần lớn số tiền được hoàn trả liên quan tới những khoản đóng góp định kỳ, do nhiều cử tri ủng hộ Trump gửi số tiền nhiều hơn dự kiến.
Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Florida ngày 28/2. Ảnh: Reuters.
Trong giai đoạn nước rút bầu cử Mỹ năm 2020, nền tảng WinRed mặc định người ủng hộ Trump sẽ đồng ý tiếp tục quyên góp định kỳ qua tài khoản ngân hàng, tăng gấp đôi số tiền hoặc chấp thuận các khoản quyên góp khác. Người ủng hộ phải đọc qua hàng loạt tài liệu thỏa thuận để hủy chọn những khoản góp tiền bổ sung. Không ít người đã bỏ sót chi tiết này và phải góp nhiều hơn dự kiến.
Video đang HOT
Các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng cho biết giải quyết khiếu nại lừa đảo liên quan đến WinRed đang chiếm một phần không nhỏ khối lượng công việc hàng ngày.
Jason Miller, người phát ngôn của Trump, khẳng định chỉ khoảng 0,87% giao dịch qua WinRed bị khiếu nại thẻ tín dụng. “Chiến dịch của chúng tôi được xây nên bởi những người Mỹ cần cù. Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là trân trọng những khoản đầu tư này”, Miller cho biết.
Ngoài ra, WinRed còn cáo buộc chiến thuật lựa chọn mặc định cho người dùng từng được triển khai trên nền tảng ActBlue của đảng Dân chủ. Một số ủy ban vận động tranh cử quốc hội Mỹ cũng áp dụng tính năng này.
Nghị sĩ Cộng hòa đòi để nghị viện bang định đoạt bầu cử tổng thống
Nghị sĩ Cộng hòa tại Arizona trình dự luật cho phép nghị viện bang đảo ngược chứng nhận bầu cử và tự quyết định kết quả bầu tổng thống.
Hạ nghị sĩ Shawnna Bolick, lãnh đạo Ủy ban Cách thức và Phương tiện tại Hạ viện bang Arizona, hôm 29/1 đề xuất dự luật HB 2720, cho phép các nghị sĩ bác bỏ chứng nhận phiếu bầu của tổng thư ký bang và đảo ngược kết quả các cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai.
Dự luật đồng nghĩa nghị viện bang, hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, sẽ có quyền thu hồi kết quả đã được chứng nhận của một cuộc bầu cử tổng thống, đồng thời tự chỉ định đại cử tri đại diện cho bang mình.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Shawnna Bolick tuyên thệ tại tòa nhà nghị viện bang Arizona hôm 11/1. Ảnh: AP .
Bolick không đưa ra bất cứ khiếu nại nào về quy trình bầu cử của Arizona khi bà được bầu lại và hạ viện bang vào tháng 11. Tuy nhiên, sau khi cựu tổng thống Donald Trump thất cử, bà lại tìm cách ngăn các đại cử tri bỏ phiếu cho người thắng cuộc là Tổng thống Joe Biden, dù tổng thư ký bang Arizona đã xác nhận kết quả.
Bolick cũng lan truyền thuyết âm mưu thiếu căn cứ rằng các lá phiếu đã bị vô hiệu hóa vì nhân viên bầu cử đưa cho cử tri đảng Cộng hòa bút lông thay vì bút bi, dù đây cũng chính là những lá phiếu đã bầu cho bà.
Dự luật HB 2720 quy định nghị viện bang Arizona "có thể thu hồi chứng nhận của tổng thư ký bang đối với phiếu đại cử tri trong bầu cử tổng thống". Tuy nhiên, dự luật sẽ không cho nghị viện bang quyền đảo ngược kết quả bầu nghị sĩ bang, mà chỉ ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống.
Laurie Roberts, một nhà bình luận của đảng Cộng hòa tại Arizona, lưu ý rằng dự luật sẽ "cho phép cơ quan lập pháp bỏ qua kết quả bầu cử tổng thống của bang và chọn người chiến thắng cho riêng mình, cho đến thời điểm tổng thống đắc cử bước lên bục và đặt tay lên Kinh thánh" để tuyên thệ nhậm chức.
Bolick từng vướng bê bối vì không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bầu cử. Năm ngoái, Tòa án Tối cao Arizona phán quyết Bolick vi phạm luật của bang khi không tiết lộ địa chỉ nhà thực của mình trong đơn gửi quan chức bầu cử.
Hiện chưa rõ nghị viện bang Arizona có bỏ phiếu thông qua dự luật của Bolick hay không. Nghị sĩ Dân chủ Ruben Gallego gọi đây là dự luật "giết chết đảng Dân chủ" ở Arizona và cam kết sẽ thu thập đủ chữ ký cử tri để tổ chức trưng cầu dân ý và bãi bỏ dự luật nếu nó được nghị viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua.
Thẩm phán Mỹ yêu cầu rà soát phiếu bầu qua thư Một thẩm phán yêu cầu Dịch vụ Bưu chính Mỹ rà soát các cơ sở xử lý phiếu bầu qua thư nhằm đảm bảo không có phiếu nào bị sót. Theo lệnh của thẩm phán liên bang tại Washington Emmet Sullivan, giới chức bưu chính Mỹ cần hoàn thành quá trình kiểm tra trước 15h ngày 3/11 (3h ngày 4/11 giờ Hà Nội),...