Trump hai lần phớt lờ cảnh báo về nCoV
Trump hai lần bỏ qua đề xuất của trợ lý yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình minh bạch quá trình chống Covid-19 của Trung Quốc hồi tháng 1.
Một số cố vấn chính trị thân cận hồi tháng 1 đã hối thúc Tổng thống Mỹ Donald Trump có cách tiếp cận quyết liệt hơn với Trung Quốc, đề xuất thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra nguồn gốc nCoV và liệu Trung Quốc có phản ứng đủ mạnh để kiểm soát đợt bùng phát hay không, tờ WSJ hôm 6/5 dẫn lời các quan chức Nhà Trắng giấu tên.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ hai lần từ chối đề xuất của các cố vấn và không yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình minh bạch hơn về nguồn gốc và triệu chứng của nCoV. Trump cho rằng những lời chỉ trích như vậy có thể khiến “Bắc Kinh trở nên ít hữu ích hơn” trong cuộc chiến chống Covid-19.
Trump hồi tháng 1 đang tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ông hôm 24/1 ca ngợi trên Twitter rằng Trung Quốc “đang rất nỗ lực để khống chế virus” và “Mỹ đánh giá cao những cố gắng và sự minh bạch của họ”. “Thay mặt người dân Mỹ, tôi muốn cảm ơn Chủ tịch Tập”, ông viết.
Tổng thống Mỹ thời gian đó cũng đưa ra nhiều tuyên bố công khai tán dương phản ứng của Trung Quốc với dịch bệnh. “Quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc đang tốt đẹp chưa từng thấy”, ông viết trên Twitter hôm 15/1. Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 24/1, ông ca ngợi “quan hệ tuyệt vời” với ông Tập.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thị sát nhà máy khẩu trang ở Phoenix, Arizona, ngày 6/5. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
Khi Covid-19 lây lan mạnh, Mỹ muốn có thông tin về trình tự gene virus và đưa các chuyên gia của mình tới Trung Quốc lấy mẫu. Tiến sĩ Rick Bright, người bị miễn nhiệm khỏi vị trí giám đốc bộ phận nghiên cứu y sinh Bộ Y tế Mỹ, cho biết Bộ trưởng Alex Azar đã thất bại khi yêu cầu Trung Quốc chuyển mẫu nCoV cho Mỹ để nghiên cứu phát triển vaccine.
Trump chỉ bắt đầu chỉ trích Trung Quốc khi Covid-19 hoành hành ở Mỹ và gây tổn thất nặng nề về nhân mạng lẫn kinh tế. Tổng thống Mỹ từng gọi nCoV là “virus Trung Quốc” và đang thúc đẩy giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tuần trước, Trump cảnh báo có thể áp thuế để trừng phạt Trung Quốc vì đại dịch. Ông cũng nhiều lần tuyên bố rằng Covid-19 hoàn toàn có thể khống chế được ngay từ đầu nếu Trung Quốc hành động quyết liệt và minh bạch hơn.
Tranh cãi về nguồn gốc nCoV khiến quan hệ Mỹ-Trung gần đây trở nên căng thẳng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 6/4 chỉ trích Trung Quốc giấu dịch, nói nước này gây bất ổn kinh tế toàn cầu dù đã có cơ hội “ngăn chặn cái chết của hàng trăm nghìn người khắp thế giới”.
Trung Quốc nhiều lần bác cáo buộc nCoV có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm virus của nước này, đồng thời chỉ trích Mỹ bình luận “khó nghe” và “thiếu trung thực”.
“Tại sao khi các nhà khoa học chưa kết luận, Ngoại trưởng Pompeo lại tuyên bố virus đến từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán? Bằng chứng của ông ấy ở đâu? Hãy cho chúng tôi xem”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo ngày 7/5 tại Bắc Kinh.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3,9 triệu ca nhiễm, gần 271.000 người chết và hơn 1,3 triệu người đã hồi phục.
Ông Tập nhận cảnh báo nóng về xung đột quân sự tiềm tàng với Mỹ
Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc được cho là đã gửi tới Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo về sự gia tăng tình cảm chống Trung Quốc trên toàn thế giới do đại dịch Covid-19 và điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ, Reuters đưa tin.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump
Theo Sputnik, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng căng thẳng cho mối quan hệ vốn "cơm không lành, canh không ngọt" giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi chính quyền Trump "chĩa mũi giáo" về phía Trung Quốc, liên tục cáo buộc Bắc Kinh che giấu quy mô đại dịch, một tài liệu nội bộ của Bắc Kinh đã tiết lộ kịch bản xấu nhất sẽ như thế nào.
Tài liệu được trình lên Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng trước viết rằng, "tình cảm thù địch" đối với Trung Quốc do đại dịch Covid-19 đã tăng lên mức cao nhất kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Tài liệu được cho là xuất phát từ Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, một trong cơ quan tư vấn chính sách quốc tế lâu đời nhất của Trung Quốc và có liên kết với Bộ An ninh Nhà nước.
Theo Reuters, kịch bản xấu nhất được đề cập tới trong tài liệu bao gồm nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo kết luận rằng Mỹ xem sự gia tăng về kinh tế của Trung Quốc là một mối đe dọa đối với kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như là một thách thức đối với hệ thống chính trị, theo Reuters. Báo cáo gửi cho ông Tập nhấn mạnh rằng Mỹ đang cố gắng làm suy yếu Trung Quốc bằng cách làm suy yếu niềm tin của công chúng đối với Bắc Kinh.
Quan hệ Mỹ-Trung giữa đại dịch Covid-19
Chính quyền Trump đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh che đậy sự bùng phát của đại dịch, làm giả số liệu người chết và bị nhiễm bệnh cũng như cho rằng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán .
Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc và nhấn mạnh rằng, việc nước này xác nhận virus lây truyền từ người sang người cùng với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã cho Mỹ đủ thời gian để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng.
Chính phủ Trung Quốc cũng cáo buộc rằng những tuyên bố của chính quyền Trump là một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng dư luận khi Nhà Trắng bị đổ lỗi vì phản ứng chậm và yếu trước đại dịch khiến Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới.
Mỹ đề nghị giúp chống virus corona, Trung Quốc vẫn im lặng sau 6 tuần Lời đề nghị được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đưa ra ngay từ những ngày đầu trong cuộc chiến chống dịch virus corona chủng mới (Covid-19) tại Trung Quốc. Gần 6 tuần sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) lần đầu đề nghị hỗ trợ Trung Quốc ứng phó với dịch virus...