Trump gặp lãnh đạo thế giới đầu tiên sau khi đắc cử
Hai người gặp nhau tại New York trong một cuộc gặp “không chính thức”, CNN đưa tin.
Donald Trump và Shinzo Abe vừa gặp mặt “không chính thức” ngày hôm qua
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông đã có một “cuộc thảo luận rất thẳng thắn” vào ngày 17.11 với Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.
Hai người gặp nhau tại New York trong một cuộc gặp “không chính thức”, ông Abe nói với các phóng viên, vì Trump chưa nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Abe nhấn mạnh ông cảm thấy rõ Mỹ và Nhật Bản sẽ có thể duy trì một “mối quan hệ tin cậy” khi Trump làm tổng thống.
Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của Trump với một nguyên thủ quốc gia sau khi ông thắng cử tổng thống Mỹ vào tuần trước.
Ông Abe nói với các phóng viên: “Tôi rất vinh dự khi được gặp Tổng thống đắc cử trước các nhà lãnh đạo thế giới khác”.
“Liên minh Nhật-Mỹ là trục ngoại giao và an ninh của Nhật Bản. Liên minh này chỉ tồn tại khi chúng ta tin tưởng lẫn nhau”.
Video đang HOT
Ông Trump liên tục đề nghị Nhật Bản nên có nhiều trách nhiệm tài chính hơn với lực lượng quân sự Mỹ đóng quân tại Nhật
Trong suốt quá trình tranh cử của mình, ông Trump liên tục đề nghị Nhật Bản nên có nhiều trách nhiệm tài chính hơn với lực lượng quân sự Mỹ đóng quân tại Nhật.
Các thành viên trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của Trump đã nói với ông Abe không nên hiểu những lời nói trước đó của Trump theo nghĩa đen, phụ tá cao cấp của ông Abe cho biết.
Abe không nói rõ hai người có nhắc đến vấn đề quốc phòng hay sự bất đồng quan điểm của họ về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không. Tuy nhiên, ông Abe “tin rằng Trump là một nhà lãnh đạo tôi có thể tin tưởng”, theo Thủ tướng Nhật.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử và đội ngũ của ông đã không làm theo những nghi thức giao tiếp thông thường ở Washington DC.
Đội ngũ chuyển giao quyền lực của Trump hiện vẫn chưa liên lạc với Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao hay các cơ quan liên bang khác.
Hiện cũng chưa có thông tin rõ ràng về thứ tự các nhà lãnh đạo thế giới mà Trump sẽ gặp mặt, theo CNN. Đội ngũ của Trump mới chỉ đưa ra một danh sách những người Trump và Phó Tổng thống tương lai Mike Pence đã nói chuyện, nhưng không có chi tiết thêm.
Theo Trà My – CNN (Dân Việt)
Trump cần tận dụng cơ hội cuối để ký thỏa thuận TPP
Cựu quan chức ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc kêu gọi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tiếp tục "xoay trục" về châu Á và tận dụng "cơ hội cuối cùng" để đạt thỏa thuận thương mại TPP.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nói về chính sách kinh tế tại Detroit ngày 8.8.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), cựu bộ trưởng thương mại và Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Gary Locke hối thúc ông Trump đưa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào thực tiễn.
Trong khi Tổng thống Mỹ đắc cử chỉ mới tập trung vào vấn đề đối ngoại và việc thành lập nội các mới, ông Locke nói tỷ phú Mỹ cần tập hợp bên cạnh mình những cố vấn "chắc chắn và có kiến thức nhất" trong vấn đề Mỹ-Trung và "có thông tin chính xác trước khi hành động". Ông Locke từng là Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc giai đoạn 2011-2014.
Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ dấy lên mối lo ngại rằng Washington sẽ hạn chế sự hiện diện ở châu Á. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nói đồng minh Mỹ sẽ phải trả thêm tiền để binh sĩ Mỹ tiếp tục đóng quân. Tỷ phú Mỹ cũng nói sẽ rút khỏi TPP.
Ông Locke cảnh báo, Washington "sẽ mắc sai lầm nếu quay lưng với châu Á". "Tương lai thương mại và sáng kiến ngoại giao Mỹ là ở các quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương và ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương", ông Locke nói. "Rất nhiều thay đổi đang diễn ra tại khu vực này, từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho đến sự trỗi dậy của Nhật Bản, Hàn Quốc và các sáng kiến mới bắt nguồn từ Singapore".
Locke đã thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông Trung Quốc năm 2011 khi ông trở thành người Mỹ gốc Trung Quốc đầu tiên trong phái đoàn đến Bắc Kinh.
Cũng trong năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược "xoay trục" sang châu Á là một trong những sáng kiến ngoại giao mang tính trọng tâm.
Dù Bắc Kinh tỏ ra hoài nghi nhưng ông Locke cho rằng chiến lược này là chìa khóa để hợp tác chặt chẽ hơn với các nước châu Á, bao gồm cả Trung Quốc.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Gary Locke.
Ông Locke cũng hối thúc Tổng thống Mỹ đắc cử Trump tận dụng "cơ hội cuối" để thông qua TPP, vốn là trung tâm trong chiến lược "xoay trục".
"Rõ ràng, nếu Mỹ không tiến tới TPP thì nhiều quốc gia khác sẽ tự thành lập thỏa thuận thương mại riêng hoặc thỏa thuận trong khu vực", ông Locke nói. "Những tiêu chuẩn của thỏa thuận như vậy không thể sánh được với TPP".
Không phê chuẩn TPP cũng là sự bỏ lỡ cơ hội đáng tiếc, ông Locke nói. "Công nhân và công ty Mỹ vẫn sẽ phải đứng trước nhiều bất lợi".
Cựu quan chức ngoại giao Mỹ cảnh báo ông Trump về sự cô lập. "Tôi hy vọng ông ấy không tự cô lập nước Mỹ. Tôi hy vọng rằng ông Trump có thể phát triển thương mại quốc tế và thương mại một cách công bằng".
Ngoài việc muốn kéo Mỹ ra khỏi cái gọi là thỏa thuận thương mại không công bằng, ông Trump còn nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, khiến cho người Mỹ mất công ăn việc làm. Ông Trump còn tính đến chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Nhưng liệu những lời lẽ cứng rắn trong chiến dịch tranh cử có chuyển thành chính sách không thì vẫn còn là dấu hỏi lớn. Ông Locke hy vọng Tổng thống Mỹ đắc cử vẫn tiếp tục "tiến về phía trước" như quan hệ Mỹ-Trung ngày nay.
"Ông Trump có quan điểm khắt khe với Trung Quốc. Nhưng tôi hy vọng ông ấy có thể nói chuyện với nhà lãnh đạo Trung Quốc một cách thẳng thắn nhất, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau", ông Locke nói.
Theo Đăng Nguyễn - SCMP (Dân Việt)
Những quốc gia uống nhiều rượu nhất thế giới Tại Nga, trung bình một người uống 155 chai rượu vang một năm, nhưng đây không phải là quốc gia uống nhiều rượu nhất thế giới. Quốc gia nào tiêu thụ rượu nhiều nhất thế giới? Nhân dịp Tuần lễ Nhận thức về Rượu (bắt đầu từ ngày 14.11), tờ Telegraph của Anh đã tổng hợp lại một danh sách những quốc gia...