Trump đứng trước sức ép lớn khi rút Mỹ khỏi TPP
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chiến dịch thiết lập lại các thỏa thuận thương mại, bắt đầu bằng việc ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương ( TPP).
Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP.
“Những điều to lớn với công nhân Mỹ, đó là điều mà chúng ta vừa làm”, ông Trump nói với các phóng viên ngày 23.1 tại Phòng Bầu Dục, khi chính thức ký sắc lệnh.
Trump giữ lời hứa
Ông Trump chính thức rút Mỹ khỏi TPP, thỏa thuận có sự tham gia của 12 nước và là một trong những vấn đề đàm phán trọng tâm dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.
Chưa có những thay đổi tức thời sau bước đi này cùa ông Trump. Quốc hội Mỹ chưa thông qua TPP, dù Nhà Trắng của người tiền nhiệm Obama đã liên tục hối thúc.
Tuy nhiên, với việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận, ông Trump đã giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Đây cũng là dấu chấm hết cho một trong những di sản của Obama.
TPP có sự tham gia của Canada, Mexico, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Chile, Peru, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Brunei. Thỏa thuận cắt giảm thuế quan đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ và xuất khẩu sang các nước này.
Thỏa thuận bị chỉ trích là không trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến thao túng tiền tệ.
Sức ép lớn đối với Trump
Video đang HOT
Trước đó một ngày, ông Trump tuyên bố sẽ sớm đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức kiểm soát toàn bộ chính sách thương mại Mỹ, điều mà lâu nay ông chỉ trích chính quyền tiền nhiệm. Tỷ phú Mỹ cho thấy ông sẵn sàng đảo ngược mong muốn làm giảm rào cản thương mại và nền kinh tế toàn cầu liên kết với nhau.
Ông Trump đã giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử.
Nói cách khác, ông Trump hiện đang chịu sức ép lớn. Tỷ phú Mỹ đang đặt cược vào chiến lược buộc các nước khác phải chấp nhận chính sách của Mỹ. Điều mà những người tiền nhiệm như George H.W. Bush, Bill Clinton và Barack Obama đều không làm được.
Nhiệm vụ ông Trump đặt ra là không hề dễ dàng. Thượng Nghị sĩ Vermont Bernie Sanders nói sẵn sàng hợp tác với Trump, “nếu như tân Tổng thống Mỹ xây dựng chính sách mới, hướng đến người lao động thay vì các tập đoàn đa quốc gia”.
Ý nghĩa đối với toàn cầu hóa
Ông Trump tin rằng mình có thể đảo ngược xu hướng toàn cầu hóa diễn ra hàng chục năm qua, theo CNN.
Nhưng điều này cũng đem đến những hoài nghi. Các doanh nghiệp lớn đang phàn nàn rằng, ông Trump tác động đến khả năng tiếp cận một lượng lớn người tiêu dùng trên thế giới.
Đảng Cộng hòa vốn ủng hộ thương mại tự do, giờ đây bị giằng xé giữa một Tổng thống theo xu hướng bảo hộ và việc sản xuất sản phẩm giá rẻ. Hàng hóa được bán rẻ hơn ở Mỹ vì chúng được sản xuất ở nước ngoài. Các công ty Mỹ hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại, thu về hàng nghìn tỷ USD.
Một số thành viên đảng Cộng hòa bày tỏ sự lo ngại với bước đi của ông Trump. “Tôi không thấy lợi ích gì khi nước Mỹ thu mình vào trong chiếc vỏ”, Thượng nghị sĩ John Cornyn nói trên CNN.
Trump hủy bỏ TPP tác động ra sao?
Vì TPP chưa có hiệu ứng rõ rệt nên theo các nhà phân tích, sắc lệnh của ông Trump không có tác động ngay lập tức.
Các nhóm lao động, một số đã gặp ông Trump tại Nhà Trắng hôm thứ Hai, chắc chắn sẽ ăn mừng bước đi này. Họ từng phàn nàn về việc các công ty Mỹ chuyển dịch nhà máy sản xuất sang các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ mất khả năng tiếp cận các thị trường mới tiềm năng, dù các nhà sản xuất ôtô Mỹ hy vọng sẽ được giảm thuế ở châu Á.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tuần trước.
“Quyết định này sẽ ngăn cản cơ hội quảng bá hàng xuất khẩu Mỹ, giảm hàng rào thuế quan, mở thị trường mới, bảo vệ các phát minh và sáng chế của Mỹ”, Thượng Nghị sĩ Arizona John McCain nói.
Cơ hội của Trung Quốc
Trung Quốc không tham gia TPP nên nước này chưa có những động thái rõ ràng với quyết định của ông Trump, theo CNN.
Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy khả năng sẵn sàng thay thế Mỹ, mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
“Chúng ta cần theo đuổi cam kết mở rộng thương mại tự do và đầu tư thông qua việc cởi mở và nói không với chủ nghĩa bảo hộ”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Bỉ) vào tuần trước.
Người tiền nhiệm Obama từng coi TPP là cách để Mỹ ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. 11 quốc gia còn lại hiện sẽ tìm cách để xây dựng lại TPP. Bộ trưởng thương mại của các nước này đã thể hiện cam kết tiếp tục duy trì TPP, nhưng việc Mỹ rút lui sẽ mở đường để các cường quốc theo đuổi thỏa thuận khác.
Theo Danviet
Các nước châu Á tìm cách cứu TPP
Úc và New Zealand hôm 24-1 hy vọng sẽ cứu vãn TPP bằng cách khuyến khích Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác tham gia thỏa thuận thương mại này.
Động thái trên của Úc và New Zealand theo sau quyết định Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump ngày 23-1 (giờ địa phương) đã ký sắc lệnh rút Washington khỏi TPP, một bước đi mang tính tượng trưng vì Quốc hội Mỹ cũng chưa từng thông qua thoả thuận này.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết ông đã thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng New Zealand Bill English và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về khả năng tiến hành các cuộc đàm phán TPP mà không có Mỹ.
"Mỹ rút khỏi TPP là một mất mát lớn, không còn nghi ngờ gì về điều đó" - ông Turnbull nói với các phóng viên tại Canberra hôm 24-1. "Nhưng chúng tôi không muốn từ bỏ. Chắc chắn có một cơ hội để Trung Quốc tham gia TPP".
Trước đó, Bắc Kinh đề nghị thành lập khối thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) đối trọng với TPP.
Tổng thống Obama chủ trì cuộc họp với các nhà lãnh đạo TPP ở Peru ngày 19-11-2016. Ảnh: REUTERS
Để thông qua TPP, cần phải có sự phê chuẩn của ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% tổng sản phẩm nội địa của các quốc gia thành viên. Úc đang có ý giúp Trung Quốc - nước xuất khẩu hàng đầu thế giới - tham gia một thỏa thuận sửa đổi.
"Tôi biết chắc chắn Indonesia quan tâm và sẽ có một cơ hội cho Trung Quốc nếu chúng tôi có thể tái dựng TPP" - Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo hy vọng. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara nhấn mạnh: "Quan điểm "Thương mại tự do là nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế" của chúng tôi vẫn sẽ không thay đổi".
Khi được hỏi liệu Nhật Bản sẽ tiến hành đàm phán một hiệp định thương mại song phương với Mỹ trong thời gian tới, Bộ trưởng Ishihara cho biết Tokyo vẫn chưa chắc chắn rằng các quan chức thương mại Washington có muốn đàm phán một hiệp định như vậy hay không.
(Theo Người Lao Động)
Nước Mỹ ra sao khi Trump kiên quyết rút khỏi TPP? Một trong những hành động đầu tiên ở Nhà Trắng của Trump là giữ đúng cam kết với cử tri Mỹ bằng việc ký quyết định hành pháp để rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quyết định này thể hiện quan điểm của Trump trong các chính sách thương mại, đồng thời đi ngược lại hàng thập kỷ...