Trump đắc cử, Tập Cận Bình tự tin tuyên bố: Trung Quốc là cơ hội của thế giới
Triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc rất xán lạn và sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội của thế giới, ông Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng định APEC ở Peru.
Trump đắc cử, Tập Cận Bình tự tin tuyên bố: Trung Quốc là cơ hội của thế giới
Cơ hội cho thế giới
Ngày 19/11, phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Peru, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, “toàn cầu cần xây dựng một nền kinh tế chung và cởi mở, trong đó, sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội của thế giới”.
Theo Đa chiều (Mỹ), việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phản đối thương mại hóa toàn cầu, đe họa hủy bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến tiến trình nhất thể hóa kinh tế thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đứng trước ngã tư đường.
Do đó, một số thành viên APEC hy vọng Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành đầu tàu của nền kinh tế thương mại toàn cầu.
Video đang HOT
“Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang ở bước phát triển quan trọng… Trung Quốc chủ trương xây dựng một mạng lưới thương mại hoàn chỉnh phủ sóng khắp khu vực… Cho nên cần duy trì thúc đẩy quá trình thiết lập Khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP)”, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị APEC ở Peru. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Theo thỏa thuận năm 2010 tại Nhật Bản, các nước APEC phải thực hiện các bước đi cụ thể để hình thành khu vực mậu dịch tự do này và Trung Quốc là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất.
Giới quan sát nhận định, FTAAP được coi là phương pháp và cách thức chủ yếu để Bắc Kinh đối phó lại TPP – hiệp định thương mại do Washington dẫn đầu.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – một hiệp định khác đối đầu trực diện với TPP được cho là con đường tất yếu phải đi qua của FTAAP.
Trên thực tế, RCEP cũng do Trung Quốc dẫn đầu với sự tham gia của các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản v.v…
“Tập Cận Bình đưa ra Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) phiên bản Trung Quốc và đặt Mỹ ở bên lề hiệp định. Do tương lai của TPP khá mờ mịt nên RCEP được coi là con đường khả thi duy nhất của FTAAP”, hãng tin BBC (Anh) bình luận.
Và sự thành công của Trung Quốc?
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đi nước cờ cuối cùng cho TPP tại hội nghị APEC ở Peru? (Ảnh: Reuters/VCG)
Trước đó, tờ Straits Times (Singapore) ngày 16/11 đưa ra dự đoán, trong bối cảnh TPP có thể bị hủy bỏ, Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm của hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru. Những sáng kiến như FTAAP và RCEP do Bắc Kinh đề xuất sẽ trở thành xu hướng địa chính trị và kinh tế quan trọng tại hội nghị.
Tờ Financial Times (Anh) cho rằng, Trump đắc cử Tổng thống Mỹ càng giúp Trung Quốc thuận lợi xúc tiến thành lập khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương.
The New York Times lại nhận định, tương lai bất trắc sau khi Trump đắc cử tạo áp lực đối với đồng minh cũng như đối thủ của Washington tại khu vực này: “Nếu Mỹ không có sự ủng hộ rõ ràng thì Trung Quốc càng trở nên hấp dẫn”.
Giới phân tích đánh giá, dù là RCEP hay FTAAP đều là nỗ lực của Trung Quốc trong tiến trình xây dựng trật tự thương mại mậu dịch tự do mới tại Châu Á – Thái Bình Dương.
Bắc Kinh là chủ thể thúc đẩy và ủng hộ RCEP, ủng hộ ASEAN nắm giữ vị trí trung tâm trong quá trình đàm phán RCEP nên nếu hiệp định này đạt được đột phá thì đó là tín hiệu tốt cho Trung Quốc.
(Theo Soha News)