Trump có thể không mất lợi thế vì nhiễm nCoV
Cách Tổng thống Mỹ đương nhiệm ứng xử khi nhiễm nCoV có thể ít tác động đến kết quả bầu cử vì nhiều vấn đề đã được định sẵn, theo các chuyên gia Mỹ.
Ngày 7/10, Trump quay trở lại Phòng Bầu dục làm việc, lần đầu sau khi trở về từ Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, Maryland. Ông nói việc nhiễm nCoV là “phước lành từ Chúa” bởi nó giúp ông nắm được mức độ hiệu quả của các loại thuốc thử nghiệm. Trump cho biết ông đã yêu cầu các bác sĩ dùng thuốc Regeneron, cho rằng sự hồi phục của ông là do tác dụng của thuốc. Ông hứa hẹn sẽ xúc tiến cung cấp miễn phí thuốc này cho người Mỹ, bày tỏ lạc quan trước triển vọng có vaccine trước ngày bầu cử.
Đánh giá về cách ứng xử của Trump khi bị nhiễm nCoV, giáo sư Judith Kelley, Hiệu trưởng trường Chính sách công Duke Sanford, Mỹ, cho rằng thái độ của ông với Covid-19 là nguy hiểm vì trái ngược với thông điệp của chính các chuyên gia của tổng thống.
Tổng thống Mỹ Trump tháo khẩu trang khi trở về Nhà Trắng từ bệnh viện hôm 6/10. Ảnh: Reuters.
Giữa tháng 8, Anthony Fauci, cố vấn về Covid-19 của Nhà Trắng, cảnh báo hàng loạt người Mỹ sẽ chết nếu nước này để nCoV lây lan nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Ông lưu ý Mỹ có nhiều người béo phì, huyết áp cao và bệnh tiểu đường, do đó nếu ai cũng nhiễm nCoV thì số người chết sẽ rất lớn.
Theo Kelley, việc Trump nói với công chúng “không để virus chi phối cuộc sống” thể hiện sự thiếu tôn trọng với hàng nghìn nhân viên y tế đang nỗ lực chặn dịch ở tuyến đầu. Hơn thế, bình luận của Trump được đưa ra dựa trên quỹ đạo hồi phục của ông, điều ông không cho rằng do có đặc quyền của một tổng thống. Người dân Mỹ bình thường sẽ không được tiếp cận dịch vụ y tế tương tự. Tính đến 8/10, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận hơn 7,7 triệu ca nhiễm và hơn 216.000 người chết.
“Mỹ cần xem xét nghiêm túc mức độ nghiêm trọng của virus này. Hàng triệu người đã mất người thân và đó là điều thực sự đáng sợ”, Kelly nói.
Video đang HOT
Miêu tả cách xử lý của Trump khi nhiễm nCoV là “đáng buồn”, giáo sư Mack Shelley, Khoa khoa học chính trị, Đại học bang Iowa, cho hay Tổng thống Mỹ không rút ra điều gì hữu ích từ trải nghiệm của bản thân. Trump dùng “cơ hội” này để củng cố các tuyên bố trước đây nhằm giảm bớt tác động của Covid-19. Trump còn sắp xếp cuộc trở về Nhà Trắng từ bệnh viện theo phong cách Hollywood khi xuất hiện ở ban công, gợi nhớ đến hình ảnh mạnh mẽ.
Phó giáo sư Joseph Uscinski, Đại học Miami, đánh giá dường như Trump đang “trình diễn” về tình trạng bệnh tình của mình, xuất hiện trước công chúng và chụp nhiều ảnh. Hành động của ông gây nguy hại cho chính bản thân và những người xung quanh.
“Bị nhiễm nCoV không phải là hình ảnh Trump muốn thể hiện trong chiến dịch tái tranh cử, vì thế ông làm mọi điều để thay đổi hình ảnh đó. Ông muốn chứng tỏ là người mạnh mẽ để có thể tái đắc cử”, Uscinski nói.
Giáo sư Robert Alexander, chuyên gia về khoa học chính trị, Đại học Bắc Ohio nhận định thái độ của Trump với bệnh tình có thể “hấp dẫn” với những người ủng hộ trung thành của ông, nhưng dường như nhiều người Mỹ không vui. Bên cạnh đó, màn thể hiện của Trump trong tranh luận đầu tiên với đối thủ Biden của đảng Dân chủ hôm 29/9 không được dư luận đánh giá cao. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ Trump giảmso với Biden. Hôm 6/10, kết quả thăm dò cho thấy cách biệt trong tỷ lệ ủng hộ giữa Biden và Trump tăng từ 5 lên 21 điểm sau khi Tổng thống nhiễm nCoV. Trước đó, Trump cũng có kết quả tương tự trong các cuộc thăm dò sau tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống.
Theo Alexander, các sự kiện gần đây khiến Trump bị Biden “bỏ xa” trong khi ông cần tăng tốc giành lợi thế trong tháng cuối của cuộc tranh cử. Do đó, Trump sẽ phải tạo được đột phá mới có thể tái đắc cử .
Một bất lợi khác của Trump, theo Shelley là việc đa số nhân viên Nhà Trắng và một số lãnh đạo của đảng Cộng hòa nhiễm nCoV hoặc bị cách ly sẽ làm hạn chế các hoạt động trong chiến dịch tranh cử của Trump. Hiện 34 nhân viên Nhà Trắng và những người có liên quan khác được cho là đã nhiễm nCoV, ít nhất 10 tướng Mỹ, trong đó có nhiều chỉ huy quân chủng, phải tự cách ly sau khi phó tư lệnh tuần duyên dương tính.
Tổng thống Mỹ có kế hoạch vận động tranh cử trở lại bắt đầu từ ngày 12/10, hơn một tuần sau khi ông thông báo dương tính với virus. Ông dự kiến đến các bang chiến trường Florida và Michigan sau cuộc tranh luận lần thứ hai với ứng viên tổng thống Dân chủ Joe Biden như lịch trình, theo The Hill.
Khi ngày bầu cử không còn xa, giáo sư Shelley cho biết Trump đang tiếp tục lôi kéo người ủng hộ cánh hữu ở quy mô hạn hẹp và những người sống ở nông thôn và thị trấn nhỏ. Trong khi đó khu vực nông thôn ở nhiều bang, đang cảm nhận tác động rõ rệt của Covid-19. Tại Iowa, một bang ủng hộ Trump, ngày 7/10 chính quyền công bố số người nhập viện do nhiễm nCOV ở mức cao chưa từng có, hơn 440. Trong vòng 24h, bang có thêm hơn 900 ca nhiễm mới và thêm 15 ca tử vong. Tổng thống đang mất đi người ủng hộ ở các bang chủ chốt, từng giúp ông giành chiến thắng năm 2016. Ông cũng khó có thể giành được cử tri ở các bang lớn từng bỏ phiếu cho Clinton cách đây 4 năm. Vì thế Trump phải “chơi phòng thủ” ở hầu hết mọi nơi.
Trong nội bộ, Shelly cho rằng Trump không nhận được ủng hộ của nhiều thành viên đảng Cộng hòa ở quốc hội, sau khi ông tuyên bố đình chỉ các cuộc đàm phán về kích cầu mới đến sau bầu cử. Quyết định của Trump khiến chứng khoán Phố Wall lao dốc, đồng thời đảo ngược những tiến bộ gần đây sau khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và bà Pelosi tái khởi động đàm phán tuần trước giúp chấm dứt tình trạng đình trệ kéo dài.
Tuy nhiên, phó giáo sư Uscinski đánh giá những gì Trump thực hiện hiện nay có thể có tác động hạn chế đến bầu cử vì có nhiều điều đã được định sẵn. Ông cho rằng hầu hết các cử tri Mỹ đã có quyết định từ lâu về việc ủng hộ ai trong số hai ứng viên. Trên thực tế, nhiều người đã bỏ phiếu.
Dữ liệu của Dự án Bầu cử Mỹ ngày 6/10 cho thấy số người bỏ phiếu sớm bầu tổng thống năm nay đã vượt mốc 4 triệu, cao hơn 50 lần so với 75.000 người vào cùng thời điểm năm 2016. Sự thay đổi này là do nhiều bang áp dụng rộng rãi phương thức bỏ phiếu sớm qua thư ở nhiều bang nhằm đảm bảo an toàn giữa đại dịch Covid-19.
Giáo sư Kelley cũng cho rằng cách Trump ứng phó khi bị nhiễm bệnh có thể khiến ít cử tri thay đổi. Dù có những người không tán thành, Trump vẫn có người ủng hộ nhiệt tình khi ông được coi là một vị tổng tư lệnh có thể “đánh bại nCoV”. Ông sẽ xúc tiến kế hoạch tranh cử khi cảm thấy có thể, bất chấp lời khuyên của các chuyên gia y tế.
“Khó có thể dự đoán chiến dịch tranh cử của Trump”, Kelley nói.
Đại tướng Mỹ nhiễm nCoV
Đại tướng Gary Thomas, phó tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ, dương tính với nCoV chỉ vài ngày sau khi phó tư lệnh Tuần duyên nhiễm virus.
"Phó tư lệnh Gary Thomas xuất hiện triệu chứng nhẹ và đang tự cách ly tại nhà", thủy quân lục chiến Mỹ ra thông cáo cho biết hôm 8/10. Đây là ca nhiễm nCoV thứ hai trong dàn lãnh đạo quân đội Mỹ chỉ trong một tuần, cho thấy nguy cơ cao với những quan chức quân sự hàng đầu từng họp chung với họ tại Lầu Năm Góc.
Tướng Thomas hồi năm 2018. Ảnh: USMC.
Gần như toàn bộ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ phải tự cách ly từ ngày 6/10, sau khi phó tư lệnh Tuần duyên Charles Ray xét nghiệm dương tính với nCoV.
Ngoài tướng Thomas, danh sách các chỉ huy cấp cao phải cách ly gồm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley, Phó chủ tịch Hội đồng John Hyten, tư lệnh lục quân James McConville, tư lệnh hải quân Michael Gilday, tư lệnh không quân C.Q. Brown, chỉ huy Bộ tư lệnh Không gian mạng và giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Paul Nakasone, tư lệnh Quân chủng Vũ trụ Jay Raymond, tư lệnh Vệ binh Quốc gia Daniel Hokanson.
"Hiện tại chúng tôi chưa ghi nhận thêm kết quả dương tính nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) về tự cách ly và truy vết tiếp xúc", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nói.
CDC khuyến cáo những người dương tính nCoV cần cách ly ít nhất 10 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, trong khi các trường hợp tiếp xúc gần phải tự cách ly trong hai tuần.
Hàng loạt quan chức Nhà Trắng cũng được xác nhận nhiễm nCoV kể từ khi Tổng thống Donald Trump và phu nhân thông báo dương tính nCoV hôm 1/10. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 7,8 triệu ca nhiễm và gần 218.000 người chết.
Nhà Trắng tuyên bố số ca nhiễm ngày càng tăng trong các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng và Washington không làm gián đoạn hoạt động của chính phủ Mỹ, trong khi các nghị sĩ bày tỏ lo ngại.
"Đối thủ luôn tìm cách khai thác điểm yếu của chúng ta", nghị sĩ Adam Smith, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, nói. "Dù quân đội vẫn có thể hoạt động khi các lãnh đạo phải cách ly, hậu quả về an ninh quốc gia do các hành động bất cẩn của Tổng thống gây ra là không thể xem thường".
Trump nói có thể nhiễm nCoV từ gia đình lính Mỹ tử trận Trump cho rằng ông có thể đã nhiễm nCoV tại một sự kiện Nhà Trắng vinh danh gia đình của các quân nhân tử trận. "Tôi đã gặp rất nhiều người. Có lúc tôi đứng với nhóm các gia đình Sao Vàng", Tổng thống Donald Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox Business hôm 8/10, đề cập tới gia đình của các...