Trump chạy đua ‘gỡ bom’ kinh tế
Hiệu ứng của gói cứu trợ kinh tế đang biến mất, trường học khó mở cửa lại, tất cả diễn ra ngay trước cuộc bầu cử quan trọng với Trump.
Các thống đốc đang cố gắng chế ngự làn sóng Covid-19 trỗi dậy khắp miền nam và miền tây nước Mỹ, nhằm ngăn nền kinh tế rơi vào “hố đen” suy thoái sâu hơn. Trong khi đó, các lãnh đạo tại quốc hội bắt đầu thảo luận về gói giải cứu kinh tế thứ tư, còn Tổng thống Donald Trump vẫn theo dõi tín hiệu từ thị trường chứng khoán, một trong những thước đo thành công ưa thích của ông.
Trump phải đối mặt với một loạt thách thức ngặt nghèo, giữa lúc mức tín nhiệm của ông đang giảm sút. Tuy nhiên, ông vẫn nhận được kết quả thăm dò tốt hơn đối thủ Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, trong lĩnh vực kinh tế. Theo cuộc khảo sát gần đây của WSJ/NBC News, 54% cử tri đồng ý với cách Trump xử lý vấn đề kinh tế, ngay cả khi mức tín nhiệm tổng thể của ông chỉ còn 42%.
“Nếu Tổng thống muốn quỹ đạo kinh tế đi lên vào đầu tháng 10, khi vòng bỏ phiếu sớm diễn ra, việc đưa ra quyết sách đúng đắn vào tháng 7 và tháng 8 vô cùng quan trọng”, Michael Strain, giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho hay.
Các trợ lý và đồng minh của Trump muốn nắm lợi thế tốt nhất có thể và họ cũng nhận thấy 6 tuần tới vô cùng quan trọng đối với nỗ lực đó.
Những trợ lý kinh tế hàng đầu của Trump cũng đang thảo luận với các nghị sĩ nhằm thúc đẩy cắt giảm thuế lương, cùng nhiều biện pháp khác để các nhà tuyển dụng tiếp tục nhận người lao động, bất chấp dấu hiệu kinh tế ảm đạm tại một số điểm nóng Covid-19.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 16/7. Ảnh: Reuters.
Số lượng trường học được mở cửa tính tới 7/9, ngày Lao động Mỹ, có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất, khiến chính quyền Trump phải gây áp lực lên các địa phương nhằm tìm cách tái mở cửa trường học, ngay cả khi những học khu lớn khắp cả nước đã công bố kế hoạch học trực tuyến.
“Bạn không thể có một nền kinh tế mở khi các trường học vẫn đóng cửa. Các nhà hoạch định chính sách địa phương dường như muốn hai điều trên, nhưng điều đó bất khả thi. Trong nhiều trường hợp, người lao động không thể đi làm nếu con họ ở nhà. Đối với những người làm việc tại nhà với trẻ em, năng suất sẽ bị giảm sút”, Strain giải thích.
Nhà Trắng và chiến dịch tranh cử của Trump gần đây quyết liệt theo đuổi mục tiêu tái mở cửa trường học, coi đây là thông điệp chủ chốt nhằm thu hút lá phiếu của những phụ nữ ở ngoại ô và những phụ huynh đang căng thẳng vì “mắc kẹt” với con ở nhà, bất chấp sự phản đối rộng rãi của các giáo viên và giới chức y tế.
Tuy nhiên, các cố vấn Nhà Trắng nhận thức được rằng Tổng thống không có nhiều công cụ để buộc các bang và học khu tái mở cửa ngoài việc gây sức ép bằng các quyết định hành chính, các nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Một trong những phương án thuyết phục mà các quan chức chính phủ cấp cao đưa ra là phân bổ lại ngân sách, hoặc cấp thêm tiền cho các học khu, hay dành một phần gói kích thích kinh tế sắp tới cho các địa phương để họ trang trải chi phí liên quan tới tái mở cửa trường học giữa đại dịch.
Theo tài liệu lưu hành nội bộ của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, một năm học sinh không đến trường sẽ khiến thu nhập tương lai giảm 7-11%. Tài liệu này cũng chỉ ra việc trường học đóng cửa gây tổn hại các bà mẹ đơn thân, như công việc bấp bênh và lương giảm.
Một số trợ lý cấp cao đánh giá Nhà Trắng chú trọng vào các trường học quá muộn, sau khi dồn sự tập trung vào việc nối lại hoạt động cho nhà hàng, quán bar, doanh nghiệp nhỏ, mặc dù trường học nên là ưu tiên hàng đầu của họ. Giờ đây, Trump và đội ngũ trợ lý chuyển sang “mặt trận” này và dường như coi đây không phải là vấn đề liên quan đến Covid-19
Video đang HOT
“Tổng thống đã nói rất rõ ràng rằng ông ấy muốn tái mở cửa trường học. Ý ông ấy là hoạt động một cách đầy đủ, với những đứa trẻ đến trường hàng ngày. Khoa học không nên cản trở việc đó”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany phát biểu trong cuộc họp báo hôm 16/7.
Bà McEnany cho biết những nghiên cứu gần đây chứng minh nguy cơ trẻ em nguy kịch vì Covid-19 thấp hơn so với cúm mùa. Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế cảnh báo không ai nắm bắt đầy đủ về nguy cơ từ nCoV đối với trẻ em, kể từ khi trường học phần lớn bị đóng cửa kể từ tháng 3.
Giữa lúc cuộc tranh luận về việc mở cửa trường học chưa ngã ngũ, cuộc sống của hàng triệu gia đình tại Mỹ lại chuẩn bị rơi vào vô định, khi những lợi ích từ bảo hiểm thất nghiệp mở rộng sẽ hết hạn trong chưa đầy 10 ngày nữa.
Một số cố vấn ngoài chính phủ của Trump, như nhà kinh tế học Stephen Moore thuộc Quỹ Di sản, đã kêu gọi Nhà Trắng chấm dứt việc trợ cấp 600 USD/tuần cho những người Mỹ thất nghiệp, bởi chính sách này không phù hợp với mục tiêu khôi phục nền kinh tế.
“Chính phủ phải từ bỏ phương án đó và quay về với hệ thống trợ cấp thất nghiệp truyền thống. Không thể tiếp tục trả cho những người không làm việc. Kết quả bầu cử của Tổng thống phụ thuộc vào quyết định đúng đắn và tạo tiền đề cho sự phục hồi mạnh mẽ vào mùa thu. Ông ấy sẽ tái đắc cử nếu kinh tế phục hồi tốt, nhưng hiện nay điều đó chưa chắc chắn”, Moore cho hay.
Vài tuần gần đây, Trump công khai đưa ra các ý tưởng kinh tế, bao gồm hoàn thuế trực tiếp nhiều hơn, cung cấp bảo hiểm trách nhiệm cho người lao động và doanh nghiệp, dành ngân sách cho cơ sở hạ tầng, viện trợ chống Covid-19 cho những địa phương nhất định.
Nhà Trắng bày tỏ hy vọng gói viện trợ Covid-19 tiếp theo sẽ bao gồm hàng chục tỷ USD, để các giáo viên và học sinh có thể an toàn trở lại trường học. “Hàng triệu người Mỹ đang tiếp tục đối mặt với những thách thức từ việc đóng cửa kinh tế. Nhưng khi đất nước tái mở cửa, chính quyền Trump sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, khuyến khích doanh nghiệp trở lại hoạt động và tái tuyển dụng”, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere cho hay.
“Tổng thống đã xây dựng nền kinh tế toàn diện nhất trong lịch sử đất nước với thuế thấp, bãi bỏ nhiều quy định, thực hiện thương mại đối ứng và độc lập về năng lượng, tạo nền tảng vững chắc để trở nên vĩ đại. Ông ấy cũng sẽ lại làm như thế”, Deere nói.
Các quan chức kinh tế trong chính quyền Trump tự hào vì họ đã thúc đẩy Đạo luật CARES mà quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 3, bao gồm gói viện trợ hiệu quả cùng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn khủng hoảng kinh tế khi các lệnh phong tỏa mới có hiệu lực. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng không tăng cao như một số quan chức hàng đầu dự đoán.
Đội ngũ cố vấn chính trị của Trump vẫn coi kinh tế là thông điệp tốt nhất cho Tổng thống vào mùa thu, bởi trước khi đại dịch bùng phát, ông đã giúp tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống thấp nhất trong lịch sử. Họ dự định xây dựng chiến dịch tranh cử xoay quanh ý tưởng này, tạo sự tương phản với các đề xuất kinh tế của Biden.
“Thông điệp đó cần được củng cố mỗi ngày để trở thành điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của cử tri. Theo phản xạ, mọi người sẽ không đổ lỗi cho Trump vì kinh tế lao dốc, mà lỗi ở Covid-19″, một quan chức giấu tên gần gũi với chiến dịch tranh cử của Trump cho hay.
Trump và Biden so găng trong "cơn đại khủng hoảng", lịch sử có lặp lại?
Cuộc bầu cử có thể diễn biến bất ngờ như cách dịch Covid-19 và phong trào "Black Live Matter" tác động đến nước Mỹ thời gian qua.
Nước Mỹ "lao đao" với 2 cuộc khủng hoảng
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang chịu tác động của 2 cuộc khủng hoảng: đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình chống hành vi bạo lực của cảnh sát, phân biệt chủng tộc.
Đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên tranh cử Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Reuters.
Dịch Covid-19 đã khiến hơn 2,6 triệu người Mỹ bị lây nhiễm và hơn 128.000 người tử vong, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, video về vụ bạo hành của cảnh sát dẫn đến cái chết của công dân da màu George Floyd đã làm dấy lên làn sóng biểu tình bạo loạn lớn nhất nước Mỹ kể từ những năm 1960.
Thuật ngữ "Black Live Matter" (tạm dịch là "Người da đen đáng được sống") chưa từng có tiền lệ đã được sử dụng rộng khắp để mô tả sự kiện này. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng chúng chỉ là phiên bản mới nhất của hai vấn đề lâu đời và phức tạp trong nền chính trị của Mỹ: sự bất đồng trong chính phủ và tình trạng phân biệt chủng tộc.
Khi chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, Tổng thống Trump đã trình bày những giải pháp có vẻ như dễ dàng để giải quyết 2 vấn đề này. Ông Trump tin tưởng sự nhạy bén trong kinh doanh của ông sẽ khắc phục những vấn đề mà các nhà chính trị khác khó giải quyết được, từ thâm hụt thương mại đến nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Trong 3 năm qua, Tổng thống Trump đã xây dựng một chiến lược tái tranh cử dựa trên viễn cảnh "chiến thắng", với lợi thế vượt trội là nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù có tỉ lệ ủng hộ tương đối thấp so với các Tổng thống tiền nhiệm, nhưng ông Trump đã ghi điểm một cách ấn tượng, trong đó phải kể đến việc vực dậy nền kinh tế, khắc phục hậu quả của siêu bão Maria năm 2017, tiếp đến là vượt qua cuộc điều tra luận tội do Đảng dân chủ khởi xướng.
Thảm kịch do siêu bão Maria gây ra có thể chìm vào quên lãng, nhưng dịch bệnh Covid-19 lại đặt ra các thách thức mới với quy mô lớn hơn nhiều. Chính quyền Tổng thống Trump đã hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến cách ứng phó dịch bệnh.
Bất chấp sự giàu có và các nguồn tài nguyên dồi dào, Mỹ vẫn phải "chịu thua" trước đại dịch. Tổng thống Trump từng cáo buộc các đối thủ đang phóng đại quy mô cuộc khủng hoảng để nhấn chìm cơ hội tái đắc cử của ông. Hiện giờ, ngay cả khi các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành xét nghiệm rộng rãi, ông Trump cho rằng xét nghiệm sẽ làm gia tăng số bệnh nhân Covid-19 và cho rằng tiến trình này nên thực hiện chậm lại.
Giới quan sát cho rằng, đại dịch có thể gây ra nhiều rủi ro đối với cơ hội tái đắc cử của ông Trump, bởi hiếm có trường hợp Tổng thống đương nhiệm giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử giữa thời kỳ suy thoái. Nhà lãnh đạo Mỹ từng hy vọng vào sự phục hồi kinh tế nhanh chóng nhưng điều này có vẻ như bất khả thi trong bối cảnh số ca mắc tăng vọt do việc dỡ bỏ hạn chế và mở cửa trở lại được thực hiện quá nhanh.
Chưa hết, làn sóng biểu tình "Black Live Matter" sau cái chết của công dân da màu George Floyd đã làm tổn hại không chỉ triển vọng thắng cử của ông mà còn cả trật tự chính trị ông đang xây dựng.
Trong nhiều thập kỷ qua, phe bảo thủ đã sử dụng các cuộc biểu tình của người da màu để khiến những cử tri da trắng ôn hòa lo ngại. Ông Trump nhiều lần nhắc đến cụm từ "luật pháp và trật tự" - thuật ngữ từng được cựu Tổng thống Richard Nixon nói đến trong chiến dịch tranh cử năm 1968 khi nước Mỹ đang ở cao trào của sự bất ổn. Lập trường cứng rắn của ông Richard Nixon đối với những người biểu tình đã giúp ông chiến thắng và Tổng thống Trump mong đợi hiệu ứng tương tự như vậy.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, dư luận Mỹ lại thiên về ủng hộ quyền lợi của người da màu và các cuộc biểu tình đa sắc tộc đã bùng phát. Trong một số cuộc biểu tình, phần lớn người tham gia không phải là người Mỹ gốc Phi. Tổng thống Trump có vẻ "lúng túng" khi đối phó với làn sóng biểu tình mạnh mẽ. Ông yêu cầu điều động quân đội hỗ trợ giải tán các đám đông người biểu tình. Nhưng quyết định này đã bị Bộ Quốc phòng và nhiều nghị sỹ lưỡng đảng phản đối mạnh mẽ.
Cơ hội thuộc về ứng cử viên Joe Biden?
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden - ứng cử viên Tổng thống chính thức của đảng Dân chủ hiện nay được cho là có nhiều lợi thế hơn ông Trump. Ông Joe Biden cách xa Tổng thống Trump với tỷ số 50%-36% trong một cuộc thăm dò toàn quốc công bố ngày 24/6, do New York Times phối hợp với Siena Collage thực hiện.
Ông Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump về tỷ lệ ủng hộ. Ảnh: VOX.
Ông Biden hiện nhận được sự ủng hộ ngày càng gia tăng của những cử tri lớn tuổi, người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha. Khoảng cách giữa ứng cử viên Joe Biden và ông Trump đến thời điểm này lớn hơn nhiều so với mức mà bà Hillary Clinton có được trong 6 tháng đầu năm 2016.
Tuy nhiên, Joe Biden lại được biết đến là nhân vật ưa thích sự an toàn và quen thuộc. Ông lựa chọn tránh xa các đề xuất liên quan đến cải cách lực lượng cảnh sát và cũng chưa bao giờ tuyên bố ủng hộ chính sách "Medical for all" (tạm dịch là "Chăm sóc y tế cho mọi nhà"), mặc dù đây là những vẫn đề mà phe Dân chủ ủng hộ và tích cực thúc đẩy. Theo nhiều nhà quan sát, nếu trở thành Tổng thống, Joe Biden có thể sẽ không mang đến những thay đổi lâu dài mà đảng Dân chủ kỳ vọng.
Đây là lý do tại sao ông Trump và các đồng minh đã công kích Joe Biden là "Biden ngủ gật và già yếu". Tổng thống Trump đã cố gắng khuếch đại mối lo ngại về tuổi tác và sức khỏe tinh thần của ông Biden, cho rằng ông này dường như không thể nhớ được các phát ngôn. "Ông ấy không thể đặt 2 câu cạnh nhau. Ông ấy có lẽ sẽ trở thành Tổng thống chỉ bởi một số người không thích tôi", ông Trump nói.
Lịch sử có lặp lại?
Dù cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận, nhưng chuyên gia bầu cử của đảng Cộng hòa Whit Ayres nhận định, mọi thứ có thể diễn biến theo chiều hướng bất ngờ giống như cách đại dịch Covid-19 và phong trào "Black Live Matter" tác động đến xã hội Mỹ trong thời gian qua.
"Trong lĩnh vực chính trị, 4 tháng có thể tương đương vài năm ánh sáng" ông Whit Ayres nói. Trước đó, nhiều người đã đặt câu hỏi về chất lượng của các cuộc thăm dò dư luận, lo ngại khả năng lặp lại sai lầm như cuộc bầu cử năm 2016.
Bằng việc tránh trở thành tâm điểm sự chú ý, ông Biden đang thành công khi biến cuộc bầu cử thành cuộc trưng cầu ý dân đối với Tổng thống Trump. Nhưng một số người ủng hộ ông Trump tin rằng, ứng viên đảng Dân chủ này sẽ khó duy trì chiến lược đó cho đến tháng 11 tới.
Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John Barrasso nói: "Joe Biden vẫn ở trong "nơi trú ẩn an toàn". Nhưng một khi ông ấy ra ngoài, những sai lầm của ông ấy có thể được phơi bày và mọi người sẽ thấy sự lựa chọn thực sự".
Theo Thượng nghị sỹ này, vẫn còn nhiều thời gian để ông Trump lấy lại sự ủng hộ của cử tri. Yếu tố có lợi đầu tiên đối với nhà lãnh đạo Mỹ là các cử tri vẫn tỏ ra tin tưởng vào khả năng khôi phục kinh tế của ông hơn so với ứng cử viên Joe Biden, dù tỉ lệ thất nghiệp đã tăng từ 3,5% trong tháng 2 lên đến 13,3% ở thời điểm này. Một lợi thế khác phải kể đến là sự ủng hộ của các cử tri Cộng hòa đối với ông Trump vẫn mạnh mẽ hơn sự ủng hộ của cử tri Dân chủ dối với ông Biden. Tổng thống Trump đã thông báo điều này với các thượng nghị sỹ Cộng hòa để xoa dịu sự lo ngại của họ.
Tim Miller, cựu trợ lý của Thống đốc Cộng hòa Florida Jeb Bush, nhận định ông Trump vẫn có thể giành được nhiều sự ủng hộ hơn từ các cử tri da trắng ở một số bang dao động.
Còn Patti Solis Doyle, cựu chánh văn phòng quản lý chiến dịch của của ông Biden và bà Clinton năm 2008 nhắc nhở đảng Dân chủ rằng, cuộc bầu cử sẽ được quyết định ở một vài hạt tại 6 hoặc 7 bang dao động.
"Gửi những thành viên của đảng Dân chủ - những người không cho rằng đây là một cuộc đua sát nút, hãy để họ trở lại ngày 8/11/2016 khi sự bất ngờ trở thành nỗi kinh hoàng. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là giữ bình tĩnh, lờ đi các cuộc thăm dò dư luận dù chúng khả quan đến mức nào".
Hiện giờ, các con mắt đang đổ dồn về những bang dao động như Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Florida và Bắc Carolina, cùng những bang đầy tính cạnh tranh như Arizona và Minnesota. Các cuộc thăm dò dư luận cho biết, ông Biden dẫn trước ông Trump ở những bang này, nhưng với khoảng cách hẹp hơn và dễ biến động hơn./.
Trump ký sắc lệnh cải tổ lực lượng cảnh sát Tổng thống Trump ký sắc lệnh khuyến khích các sở cảnh sát thực hiện những tiêu chuẩn mới nhất về sử dụng vũ lực, cải thiện chia sẻ thông tin. Mở đầu lễ ký sắc lệnh ở Nhà Trắng ngày 16/6, Tổng thống Donald Trump chia sẻ cảm thông với gia đình những nạn nhân phải chịu bạo lực từ cảnh sát, tuyên...