Trump bị nghi muốn ân xá trợ lý, phe Dân chủ chỉ trích
Phe Dân chủ cho rằng sẽ “cực kỳ hỗn loạn” nếu Donald Trump muốn ân xá các trợ lý liên quan cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Washington Post cuối ngày 20/7 đăng bài cho biết Tổng thống Donald Trump đang tham vấn các cố vấn về “quyền ân xá trợ lý, thành viên gia đình và thậm chí chính ông” trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách.
“Sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016 là hành động tấn công nền dân chủ của Mỹ. Ủy ban Tình báo Thượng viện và công tố viên đặc biệt Mueller đều đang điều tra khả năng có sự thông đồng giữa Nga với các cá nhân trong chiến dịch tranh cử của Trump”, Mark Warner quan chức đảng Dân chủ cấp cao nhất tại Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho biết.
Theo Warner, việc tổng thống có thể đang cân nhắc ân xá là “cực kỳ hỗn loạn”. Ân xá bất kỳ cá nhân nào, có thể liên quan đến cuộc điều tra, sẽ vi phạm các quy tắc cơ bản.
Nhà Trắng hiện chưa có bình luận.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với New York Times ngày 19/7, Tổng thống Trump cảnh báo Mueller rằng một số hoạt động tài chính của gia đình ông nên được loại bỏ khỏi cuộc điều tra do công tố viên này phụ trách.
Tình báo Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống để giúp ông Trump chiếm ưu thế trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton nhưng Moscow bác bỏ. Chính quyền Trump đang bị cả quốc hội và Cục Điều tra Liên bang (FBI) điều tra về khả năng chiến dịch tranh cử có liên hệ với Nga.
Vụ việc càng gây tranh cãi sau khi Donald Trump Jr., con trai ông Trump, hồi giữa tháng 7 công bố email cho thấy anh đã gặp một số người có liên hệ với chính phủ Nga năm 2016 với hy vọng có thông tin gây bất lợi cho Clinton.
Video đang HOT
Như Tâm
Theo VNE
Robert Mueller - 'cây ngay' điều tra mối liên hệ Trump và Nga
Cựu giám đốc FBI Robert Mueller, công tố viên đặc biệt điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thổng Mỹ, là người không bị lung lay trước áp lực chính trị.
Giữa đêm ngày 4/3/2004, Robert Mueller, khi đó đang giữ chức giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), lao như bay đến bệnh viện nơi Bộ trưởng Tư pháp John D. Ashcroft đang trị bệnh.
Sức khỏe của Bộ trưởng Tư pháp lúc đó yếu đến mức ông chỉ có thể cử động cổ và hấp háy môi. Và kế hoạch của tổng thống George W. Bush là cử hai viên trợ lý cấp cao đến phòng bệnh và "ép" ông Ashcroft ký vào quyết định mở lại chương trình nghe lén của chính phủ mà trước đó Bộ Tư pháp đã tuyên bố là bất hợp pháp.
Trong cuộc đối đầu kịch tính đó, Mueller đã kịp thời ngăn chặn ý định của tổng thống Bush và bảo vệ thành công quyền riêng tư của người dân Mỹ, theo BBC.
Mặc dù một nhiệm kỳ giám đốc FBI chỉ kéo dài 10 năm nhưng theo đề nghị của cựu tổng thống Barack Obama, Robert Mueller đã liên tục nắm giữ chức vụ này trong suốt 12 năm, kể từ 2001 đến 2013. Mueller, người đàn ông có một vợ và hai con gái, sau đó về hưu và làm việc cho một công ty luật tư nhân với tư cách cố vấn đặc biệt.
Vào ngày 17/5, thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein chính thức ra tuyên bố ông Robert Mueller, 73 tuổi, là người tiếp nhận cuộc điều tra của FBI về cáo buộc "Nga tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và các vấn đề liên quan".
Quyết định bổ nhiệm này đánh dấu sự trở lại của cựu giám đốc FBI lừng lẫy một thời.
"Lợi ích cộng đồng đòi hỏi tôi đặt cuộc điều tra này dưới thẩm quyền một cá nhân độc lập", ông Rosenstein nói trong một thông báo.
Thứ trưởng Tư pháp nhấn mạnh mục đích của việc bổ nhiệm Robert Mueller vào cương vị đặc biệt này là để "phanh phui những liên hệ và/hoặc hợp tác", nếu có, giữa chính phủ Nga và đội ngũ tranh cử của ông Trump.
Kết quả điều tra của ông Mueller cùng các cộng sự, bao gồm khoảng 20 đặc vụ FBI và hai công tố viên do chính ông chỉ định, sẽ có ảnh hưởng lớn vị trí Tổng thổng của ông Donald Trump.
"Bob Mueller là sự lựa chọn đúng đắn nhất bởi vì ông ấy không bị chính trị chi phối. Là người thượng tôn pháp luật, ông ấy chỉ làm việc dựa trên bằng chứng cho dù bằng chứng ấy dẫn tới những tác động chính trị như thế nào", John Pistole, cựu phó giám đốc FBI, nói về quyết định bổ nhiệm của Bộ Tư Pháp Mỹ.
Cựu quân nhân, cựu luật sư
Robert Mueller trở thành vị giám đốc thứ 6 của FBI vào ngày 4/9/2001.
Ông sinh ra ở New York nhưng lớn lên ở Philadelphia, bang Pennsylvania.
Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học Princeton, sau đó, học lên thạc sĩ về Quan hệ Quốc tế tại đại học New York.
Từng phục vụ trong quân đội ba năm, Robert Mueller là một cựu sĩ quan thủy quân lục chiến được trao huân chương Purple Heart cao quý.
Sau khi giải ngũ, ông theo đuổi ngành luật và tốt nghiệp trường Luật Virginia năm 1973.
Trước khi giữ chức giám đốc FBI, ông có 12 năm kinh nghiệm làm một công tố viên chuyên điều tra các vụ án hình sự liên quan đến gian lận tài chính, khủng bố và ma túy.
Ông được coi là người có công tiến hành cải tổ ngoạn mục cơ quan điều tra liên bang FBI.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Ashcroft nói Muller là hiện thân của "sự chính trực", đã giúp củng cố uy tín của FBI trong những thời khắc lịch sử khó khăn.
Còn cựu bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Michael Chertoff ca ngợi ông là "người tạo ra sự đột phá lớn nhất kể từ thời Edgar Hoover". J. Edgar Hoover là giám đốc đầu tiên của FBI và là người nắm quyền lãnh đạo cơ quan này trong suốt 50 năm.
"Mueller là sự lựa chọn đúng đắn nhất bởi vì ông ấy không bị chính trị chi phối", một cựu phó giám đốc FBI nói. Ảnh: Reuters
Robert Muller được bổ nhiệm lãnh đạo Cơ quan Điều tra Liên Bang chỉ một tuần trước vụ khủng bố 11/9/2001 gây chấn động nước Mỹ.
Sau vụ khủng bố khiến gần 3.000 người thiệt mạng, dưới sự dẫn dắt của ông, FBI đã hoàn toàn lột xác từ một cơ quan chỉ đơn thuần thực thi pháp luật thành một tổ chức thu thập, phân tích và hành động dựa trên thông tin tình báo.
"Đạo đức nghề nghiệp của Mueller rất cao. Ông ấy có thể ở lại văn phòng tới 11h giờ đêm và có mặt lúc 6h sáng hôm sau để sẵn sàng làm việc", Washington Post dẫn lời Thomas J. Pickard, đồng nghiệp cũ của ông Mueller, cho biết.
"Giống như một người lính, ông ấy không bao giờ lơ là nhiệm vụ. Không có nhiều người chính trực và vững vàng trước áp lực như Mueller", cựu Tổng thống Obama nói về Robert Mueller khi đề nghị quốc hội gia hạn nhiệm kỳ làm Giám đốc FBI của Robert Mueller.
An Hồng
Theo VNE
Trump nói cuộc điều tra Nga khiến nước Mỹ 'tổn thương' Ông Trump hôm qua nói quyết định bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt giám sát cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ "khiến đất nước tổn thương nghiêm trọng". Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Bloomberg "Tôi tin rằng nó sẽ khiến đất nước chúng ta tổn thương nghiêm trọng bởi nó cho thấy chúng ta là một quốc...