Trục trặc xe lăn cho VĐV bóng bàn
Tại giải bóng bàn cho người khuyết tật, nhiều người không khỏi tủi lòng khi nhìn thấy 10 VĐV ngồi trên 10 chiếc xe lăn lộ cộ, đủ màu sắc và “phụ kiện”. Chú Vũ Đặng Chí (64 tuổi, đoàn Hà Nội) chỉ vào chiếc hộp gỗ cao chừng 15 cm trên yên xe giải thích: “Gắn cái này mới có thể ngồi được cao”.
Tò mò lại gần những chiếc xe lăn, mới thấy cái hộp gỗ không phải là “sáng chế” duy nhất trên chiếc xe từ thiện của VĐV này 11 năm nay.
Bên trên chiếc hộp gỗ được lót thêm một lớp đệm mút cũ, toàn bộ chiếc hộp được phủ một lớp vỏ may bằng vải bạt có khóa kéo để giặt sạch khi cần. Tất cả được chằng buộc với thân xe hoen gỉ bằng một sợi dây thun.
VĐV Vũ Đặng Chí (phải) và Lê Bình Yên bên hai chiếc xe gia cố thêm phụ kiện – Ảnh: Thúy Hằng
Phần hông xe bên phải được tháo ra để tay có thể tạt bóng linh động hơn. “Khi ưỡn lưng ra thì không thể vì chỗ sau lưng đã cố định. Còn khi nhoài người ra trước thì coi chừng ngã chúi đầu. Chú định chế ra một loại dây đai an toàn thắt ngang người nhưng không biết co giãn thế nào là vừa”, chú Chí diễn giải về chiếc xe có vẻ khác thường.
Kế bên chú Chí, người đồng đội Lê Bình Yên (55 tuổi) cùng giành HCV nội dung đôi nam hôm qua 24.7 còn ngồi trên một chiếc xe cũ kỹ hơn, do Nhật sản xuất khoảng từ 20 năm trước. Vải bọc lưng xe đã bạc phếch. Chỗ tay cầm cho người đẩy phía sau được tháo bản lề và bẻ gập xuống. “Mỗi khi nhoài ra sau và vung tay thì vướng vào nó. Thế là phải tháo để đánh”, chú Yên hóm hỉnh.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Vinh, HLV đội tuyển bóng bàn người khuyết tật Hà Nội, cho hay đoàn Hà Nội có 25 VĐV, trong số 15 người ngồi xe lăn thi đấu thì mới chỉ có 1 VĐV nữ được ưu tiên có một chiếc xe lăn dành cho VĐV bóng bàn chuẩn quốc tế. “Giá thành một chiếc xe rất lớn. Để mỗi người một chiếc xe chuyên nghiệp thì chắc chỉ trông chờ vào nhà tài trợ thôi”.
Video đang HOT
Đã có không ít VĐV khuyết tật từng ngã rất nhiều lần trên những chiếc xe tự chế khi đuổi theo trái bóng. Nhiều người dù đạt chuẩn để tham gia Para Games, Paralympic nhưng đành rút tên vì không tự tin vào những cái xe với hộp gỗ lủng lẳng này. “Mỗi một trái bóng mua mất 30.000, đánh vài tuần là hỏng, mặt vợt giá gần 1 triệu (2 tháng phải thay 1 lần), cốt vợt gần 3 triệu.
Thế mà phải rất tiết kiệm, lấy đâu ra mấy chục triệu mua xe đạt chuẩn. Thôi thì đành tự chế ra xe, miễn có thể chơi bóng được mà thôi”, VĐV Vũ Đặng Chí cười buồn bã.
Theo VNE
Gặp gia đình thần tượng của làng thể thao người khuyết tật
Sự xuất hiện của gia đình anh chị Phạm Hồng Thức và Hoàng Hồng Kiên đã làm lễ khai mạc Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2013 tại trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội xôm tụ, rộn ràng hơn hẳn.
Gia đình chị Hồng Kiên, anh Hồng Thức và cháu Phạm Hoàng Tuấn Anh
Gia đình chị Hoàng Hồng Kiên (33 tuổi) và anh Phạm Hồng Thức (38 tuổi), cả hai đều là VĐV bộ môn điền kinh của hội thể thao người khuyết tật Hà Nội.
Chị mặc áo phông đỏ và trang điểm rất xinh ngồi trên xe lăn. Anh mặc áo phông với hình ảnh lá cờ Việt Nam ngồi trên chiếc xe gắn máy cho người khuyết tật. Cậu con trai 4 tuổi khỏe mạnh, vô cùng láu lỉnh, thông minh lon ton chạy theo bố mẹ, trên tay là một bó hoa được các cô chú tặng VĐV khác tặng cho.
"Cháu để hoa tặng cho dì Hằng", Phạm Hoàng Tuấn Anh, tên cậu con trai của anh chị chỉ về phía đường đua điền kinh, nơi VĐV tên Hằng, một người em gái thân thiết của Hồng Kiên đang sắp sửa vào đường chạy.
"Tôi sinh mổ cháu Tuấn Anh 4 năm trước nên sức khỏe có yếu đi. Thành tích những năm gần đây chỉ HCB thôi, nhưng cậu nhóc này đã là một huy chương đặc biệt rồi", chị Hồng Kiên tự hào ôm con trai vào lòng.
Món quà vô giá mà thượng đế ban tặng cho cặp vợ chồng duyên trời định này chính là động lực để hai vợ chồng vượt lên những khó khăn trong cuộc sống khi cả hai cùng là người khuyết tật.
9 năm về trước, năm 2004, làng thể thao người khuyết tật Hà Nội như vỡ òa trong xúc động khi biết tin chị Hoàng Hồng Kiên, người phụ nữ quê gốc Lạng Sơn với đôi chân không thể di chuyển được tìm thấy một nửa đích thực của mình.
Người đó không ai khác chính là anh Phạm Hồng Thức, một VĐV khuyết tật của bộ môn điền kinh Hà Nội, không có đôi chân, nhưng rinh về liên tiếp những HCV nội dung đua xe 400 m.
Tuổi thơ chị Kiên là những chuỗi ngày chán nản, bi quan khi chị luôn bị giằng xé bởi suy nghĩ mình sẽ làm gì khi đôi chân không lành lặn, liệu chị có trở thành người vô dụng?
Năm 21 tuổi, chị quyết định từ Lạng Sơn xuống Hà Đông (Hà Nội) làm việc trong một xưởng sản xuất chổi đót. Chị tự mưu sinh bằng đôi bàn tay đan chổi, chẻ tăm.
Năm 2003, chị tình cờ đến trung tâm thể thao người khuyết tật Khúc Hạo nhận xe lăn được tặng, bất ngờ gặp những người thầy đang huấn luyện tại trung tâm. Mọi người thấy chị khỏe mạnh bèn gợi ý vào thi đấu thử. Chị Kiên liều lĩnh, vào trung tâm tập luyện điền kinh, nội dung đua xe.
Ngay cuối năm đó, tham gia Para Games tổ chức tại Việt Nam, chị Kiên rinh về một lúc 4 HCV, 1HCB.
Từ đó chị nổi danh khắp cả nước với liên tiếp những HCV khắp các kỳ Para Games, Paralympic từ năm 2003 đến năm 2009.
Thể thao cho chị tìm lại được ý nghĩa trong cuộc đời này. Chị cũng không ngờ rằng, thể thao còn ban cho chị một người chồng tuyệt vời và một cậu con trai khỏe mạnh, thông minh, bé Phạm Hoàng Tuấn Anh nay đã tròn 4 tuổi.
"Ngày mai chồng tôi sẽ thi đấu điền kinh, đua xe 400 m, tôi tin anh ấy sẽ phá kỷ lục như bao nhiêu lần trước. Tôi chưa rõ lịch nhưng có thể sẽ thi ném lao vào ngày kia. Chúng tôi sẽ cố gắng đều được HCV", chị Kiên nhìn sang chồng, giọng đầy tự hào.
Anh Hồng Thức lái xe đưa con trai vào khu bơi lội để cu cậu có thể nhìn những cô chú cũng khuyết tật như bố mẹ nhưng lặn ngụp dưới nước rất tài tình. Quay lại sân điền kinh ngay đó, anh đưa cho vợ một chai nước ngọt, giục chị uống nhanh cho đỡ khát. Khoảnh khắc ấy đơn giản thôi nhưng khiến tất thảy chúng tôi thấy cay cay sống mũi.
"Vợ chồng anh chị là thần tượng của tất cả anh em ở đây. Chúng tôi ngưỡng mộ anh chị, thấy mình có động lực hơn để sống và thi đấu", Phạm Quốc Trung (38 tuổi, quê Sơn La), người liên tiếp đoạt HCV, HCB qua các kỳ Paragames, vô địch quốc gia, vô địch châu Á không giấu cảm xúc khi nói về gia đình chị Kiên.
Trong cung điền kinh Mỹ Đình chiều 24.7, gần 1.000 VĐV khuyết tật đến từ khắp các tỉnh thành tham gia giải thể thao cho người khuyết tật bước vào những nội dung thi đấu của các bộ môn bơi lội, cờ vua, bóng bàn, điền kinh, cầu lông, cử tạ. Người đã có những tấm HCV, HCB, người không giành huy chương, nhưng chúng tôi đều cảm nhận được sự lạc quan, tin yêu của mỗi đôi mắt khi nói về những ngày tập luyện sắp tới.
Theo VNE
Radwanska lên tiếng về vụ ảnh khỏa thân Tay vợt số 1 của Ba Lan đã có những trải lòng sau khi bức ảnh khỏa thân của cô bị dư luận phản đối ở quê nhà. Radwanska cho rằng những bức ảnh như thế hoàn toàn vì mục đích nghệ thuật Như đã biết cách đây không lâu, tay vợt nữ số 4 thế giới đã trút bỏ xiêm y để...