Trực thăng EC130 T2 của Airbus: Ngựa thồ ngành du lịch, y tế
Loại trực thăng gọn nhẹ EC130 T2 (nay đổi tên là H130) của tập đoàn Airbus được sử dụng rộng rãi trong ngành du lịch, thực thi pháp luật, vận chuyển, và đặc biệt là trong ngành y tế.
Theo tạp chí Vertical (Mỹ) ngày 26.9.2016, trung tâm y tế Enloe Medical Center (EMC) ở Chico, bang California (Mỹ) là khách hàng đầu tiên sử dụng loại trực thăng EC130 T2 của tập đoàn Airbus (nhánh trực thăng) để vận chuyển bệnh nhân và cấp cứu. Loại trực thăng này được đánh giá là rất cơ động, mạnh mẽ, có thể vận chuyển đến 7 hành khách; và động cơ rất êm, không tạo ra tiếng ồn nhiều như các loại trực thăng khác.
Airbus Helicopters cũng tiếp thị loại trực thăng EC130 T2 (đổi tên là H130 từ đầu năm 2016) đến nhiều nước trên thế giới, chủ yếu dùng trong lĩnh vực vận chuyển khách như du lịch trên không, taxi bay, tuần tra, và nhất là dùng làm trực thăng phục vụ chuyên chở bệnh nhân.
Điểm quan trọng được trung tâm y tế Enloe của Mỹ đánh giá cao từ loại trực thăng này là tiếng ồn phát ra thấp. Ông Marty Marshall, giám đốc Trung tâm y tế Enloe kể rằng khi trung tâm của ông cho hoạt động bãi đáp trực thăng trên nóc toà nhà giữa khu vực cực kỳ nhạy cảm về tiếng động, ông đã hứa với các láng giềng rằng khi có điều kiện sẽ mua loại trực thăng ít tiếng ồn nhất. Và đó chính là loại EC130 T2, giá khoảng 3,5 triệu USD của Airbus Helicopters (tên trước đây là Eurocopter).
Video đang HOT
Trực thăng EC130 T2 (H130) của trung tâm y tế Enloe Medical Center (EMC, Mỹ) – Ảnh: Vertical
Trực thăng EC130 T2 do tập đoàn Eurocopter (châu Âu, thành lập năm 1992) phát triển từ mẫu EC130 B4 có từ những năm 2000. Loại trực thăng gọn nhẹ EC130 B4 bay thử năm 1999, sản xuất từ 2001, kế thừa những kinh nghiệm của dòng trực thăng Ecureuil.
Năm 2012, tập đoàn Eurocopter cải tiến EC130 B4 thành loại EC130 T2 với 70% cấu tạo khung thân khác hẳn EC130 B4, trang bị động cơ Arriel 2D của hãng Turbomeca (Pháp), với cánh quạt chính có 3 lá.
EC130 T2 có hệ thống kiểm soát chống rung, điều hoà không khí tốt hơn, ca bin có tầm nhìn rộng hơn, tiếng ồn giảm và tiêu thụ nhiên liệu cũng giảm đến 14%.
EC130 T2 dài 10,68 m, tốc độ tối đa 287 km/giờ, trung bình 240 km/giờ, bay cao 3 km. Trực thăng này chỉ cần 1 phi công, chở tối đa 7 hành khách hoặc 1 tấn hàng.
Trong năm 2012, hãng Eurocopter nhận được đơn hàng 50 chiếc EC130 T2 từ tập đoàn du lịch trực thăng Mỹ Maverick Helicopters, và tính chung các đơn hàng mua trực thăng loại này lên 105 chiếc trong năm.
Tại châu Á, tháng 9.2015, hãng PhilJets (Philippines) ký hợp đồng mua 3 trực thăng EC130 T2 của Airbus để phục vụ du lịch.
Tháng 2.2016, nhà phát triển khu công nghiệp Jababeka (Indonesia) ký bản ghi nhớ mua 12 chiếc EC130 T2 (nay gọi là H130) để làm taxi bay nối Jakarta và Cikarang.
Eurocopter đổi tên thành Airbus Helicopters vào năm 2014, và từ 1.1.2016 các loại máy bay của Eurocopter cũng đổi tên theo, như EC130 T2 nay gọi là H130. Theo website của Airbus, tính đến năm 2014, có hơn 12.000 trực thăng của hãng được bán cho hơn 3.000 khách hàng ở 150 nước.
(Theo Thanh Niên)