Trụ sở nghìn tỷ Đà Nẵng: Nhiều câu hỏi quanh chủ trương “sốc”
Việc quy trách nhiệm cụ thể cho công tác chỉ đạo và triển khai việc xây dựng tòa nhà này cũng là vấn đề phải được làm rõ để rút kinh nghiệm chung, không phải chỉ cho một tòa nhà và cho riêng Đà Nẵng…
Ảnh minh họa.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/8, kỳ họp thứ 2, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Văn Trường, Phó chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng thừa nhận Trung tâm hành chính của TP mới được khánh thành 2 năm, nhưng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ông cũng thừa nhận lãnh đạo TP đang có ý định xây một trụ sở mới nhưng chưa ấn định thời gian và còn phải lấy ý kiến nhân dân. Việc di dời trụ sở có nằm trong chương trình hành động của Thành ủy.
Chủ tọa phiên họp ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, không đồng ý cho hội nghị chất vấn thêm và nói rằng, việc di chuyển Trung tâm hành chính có đặt ra trong chương trình hành động của Thành uỷ nhưng còn phải lựa chọn kỹ chứ chưa ai quyết. Việc này phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, nếu việc di dời đem lại hiệu quả tốt hơn mới làm.
Trung tâm hành chính Đà Nẵng ở đường Trần Phú hiện nay từng được lãnh đạo Thành phố kỳ vọng khi đưa vào sử dụng sẽ chấm dứt sự manh mún, luộm thuộm của công chức, tiết kiệm được nhiều thứ, trong đó có xe công, từng bước chấm dứt tình trạng lãng phí công. Tòa nhà được xây dựng với kinh phí gần 2.000 tỷ đồng, trên khu đất rộng hơn 23.000 m2, cao 37 tầng và tổng diện tích sử dụng 65.234 m2, là nơi làm việc của 1.600 cán bộ, công chức 23 sở, ngành. Mỗi tháng phí vận hành và cải tạo môi trường bên trong tòa nhà này tới hàng tỷ đồng…
Về kiến trúc và thiết kế, có một số ý kiến chuyên môn cho rằng toà nhà thiết kế nặng về biểu tượng (hình ngọn Hải đăng) giống như Toà nhà tài chính Bitexco của TP HCM cũng đang đối diện với những vấn đề tương tự bởi kiểu kiến trúc hình nón của nó. Tòa nhà đã coi nhẹ các nguyên tắc kiến trúc nhiệt đới và thời tiết địa phương, không có vườn cây, những khoảng không, khoảng thông tầng hút gió…
Tuy vậy, xung quanh lý do nóng và thiếu ô-xy mà Đà Nẵng đưa ra để di dời các cơ quan hành chính khỏi tòa nhà này và ý định xin ý kiến người dân “quyết hộ” có cho di dời hay không, thì dư luận cũng đặt ra một loạt câu hỏi: Liệu sự di rời đó thực sự chỉ vì lý do đó hay còn lý do nào khác? Tại sao trước đó không đưa việc xin ý kiến người dân, nhất là giới chuyên môn trong đánh giá, thẩm định, phản biện xã hội, nay cần di dời mới hỏi dân? Ngoài ra, dư luận cũng thấy có sự chưa ổn khi chủ tọa cắt không cho các đại biểu nhân dân địa phương được thực hiện quyền chất vấn thêm về chủ trương mà họ coi là” sốc” này.
Thực tế cho thấy, cần tiếp tục làm rõ thêm nhiều vấn đề xung quanh tòa nhà này, gồm: Việc mời chuyên gia vào đánh giá lại một cách nghiêm túc và đưa ra những luận cứ khoa học xác đáng, đề xuất những biện pháp thông minh và tiết kiệm để cải thiện những nhược điểm nêu trên của tòa nhà.
Video đang HOT
Phương án di dời cần được xây dựng dựa trên đánh giá, luận chứng khoa học, khách quan trong tổng thể kế hoạch cả di dời và duy trì hoạt động các cơ quan nhà nước và cả phương án xử lý tòa nhà có tính biểu tượng của Thành phố này. Đập đi hay bán lại một công trình vừa mang biểu tượng chính trị cao, vừa phải dùng Ngân sách nhà nước (NSNN), tiền thuế của dân chắc chắn không thể đơn giản như một tòa nhà thương mại thông thường, có tiền và muốn là xong.
Đặc biệt, cần tiến hành việc đánh giá lại quy trình xây dựng tòa nhà, từ hình thành chủ trương, đấu thầu thiết kế và thông qua thiết kế, tổ chức triển khai xây dựng và tiếp tục kiểm định hiệu quả hoạt động của tòa nhà như một khâu trong chuỗi khâu quy trình đầu tư và giám sát đầu tư xây dựng bằng nguồn NSNN theo quy định hiện hành;
Đồng thời, việc quy trách nhiệm cụ thể cho công tác chỉ đạo và triển khai việc xây dựng tòa nhà này cũng là vấn đề phải được làm rõ để rút kinh nghiệm chung, không phải chỉ cho một tòa nhà và cho riêng Đà Nẵng…
Xây dựng một công trình biểu tượng đã khó; xóa bỏ một biểu tượng dù là công trình xây dựng cũng không dễ hơn. Một công trình mang biểu tượng chính trị càng cần có nhiều phương án thiết kế và giải pháp xử lý có chất lượng cao để tăng sự lựa chọn tối ưu. Thực tế đã, đang và sẽ còn luôn cho thấy, chủ trương đúng, nhưng cũng cần tôn trọng sự minh bạch và chuyên môn cao để chủ trương được thực hiện có hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt, thực hiện công khai, minh bạch hóa và tôn trọng các ý kiến phản biện xã hội, chất vấn của đại biểu nhân dân để tăng chất lượng bản quy hoạch và thiết kế, thực hiện tiết kiệm từ khâu quy hoạch và thiết kế phải được đặt lên hàng đầu trong thiết kiệm đầu tư công. Hơn nữa, kiểm toán các hoạt động đầu tư công cũng cần được thực hiện ngay từ khâu này.
Theo VietnamNet
Cải thiện đời sống nhân dân chứ đừng "đua nhau" xây trụ sở nghìn tỷ
Trao đổi với Dân trí bên hành lang Quốc hội sáng nay 10/11, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, khẳng định ưu tiên số 1 trong lúc này là tất cả đầu tư của nhà nước phải như "nguồn vốn mồi" thu hút nguồn vốn trong xã hội; đầu tư của nhà nước phải thực sự đóng vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống nhân dân chứ không phải "đua nhau" xây dựng trụ sở nghìn tỷ.
Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (Ảnh: Thế Kha).
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc các địa phương "đua nhau" lập đề án xây dựng trụ sở hành chính hoành tráng, có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong thời điểm nợ công tăng cao, ngân sách đang gặp nhiều khó khăn?
Ông Bùi Đức Thụ: Tình hình cân đối ngân sách nhà nước trong những năm gần đây và kể cả một vài năm tới rất căng thẳng, áp lực tăng chi rất lớn, chi trả nợ nhiều, chi đầu tư cũng lớn, chi thường xuyên cho thực hiện các chế độ chính sách đã ban hành cũng rất lớn. Trong khi đó khả năng thu của chúng ta có hạn.
Vì vậy duy trì cân đối ngân sách nhà nước theo hướng giảm bội chi, giảm nợ công là một trong những nhiệm vụ cấp bách và hết sức căng thẳng. Nghị quyết Quốc hội trong những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2016 này, kiên quyết thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết, cấp bách.
Những khoản chi lãng phí, kém hiệu quả như xây dựng trụ sở, tượng đài, hay chi khánh tiết, lễ hội, quản lý sử dụng xe công, mua sắm ô tô và tất cả những khoản nào chưa cần thiết đều phải giãn.
Gần đây nhiều tỉnh có đề xuất xây dựng trung tâm hành chính rất lớn. Qua xem xét những đề án đó, có dự án lên tới một vài nghìn tỷ đồng. Tôi cho rằng hơn lúc nào hết, trong lúc kinh tế, ngân sách khó khăn như hiện nay, phải quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm. Nhu cầu lớn nhưng phải ưu tiên những cái phục vụ trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phục vụ đời sống nhân dân.
Tôi được biết các dự án xây dựng trung tâm hành chính đó theo phân cấp thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, nhưng qua xem xét các dự án đầu tư xây dựng trung tâm hành chính, nhiều tỉnh ngân sách địa phương chỉ có một phần, còn phần lớn nguồn vốn đầu tư ở một số tỉnh là xin trợ cấp từ ngân sách trung ương. Trong điều kiện như vậy tôi đề nghị phải xem xét cân nhắc thận trọng, mặc dù những dự án này do địa phương lập, thuộc thẩm quyền của địa phương và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng sự chấp thuận của Thủ tướng là chấp thuận về chủ trương đầu tư trong dài hạn. Ví dụ Hải Phòng đã duyệt cách đây 6 năm rồi, chủ trương là đầu tư đến 2020, tầm nhìn 2030, điều này có nghĩa là không phải làm ngay.
Lý do mà các địa phương đưa ra để xin phép xây dựng trụ sở hoành tráng là trụ sở làm việc hiện tại đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu làm việc hoặc địa phương có thể đổi đất lấy hạ tầng, bán trụ sở cũ lấy tiền xây trụ sở mới, theo ông có hợp lý, thuyết phục?
Theo Luật Quản lý đầu tư công và trước luật này Thủ tướng đã ra Chỉ thị 1792 yêu cầu khi khởi công dự án mới phải có nguồn vốn đảm bảo, nhưng đó chỉ là một điều kiện. Việc quyết định đầu tư một dự án lớn phải căn cứ vào hiệu quả và tính cấp bách của vấn đề.
Đất nước chúng ta kém phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém, nhu cầu đầu tư rất lớn. Trong bối cảnh đó nguồn lực tài chính hạn chế, đặc biệt nợ công cao, bội chi ngân sách lớn thì cần phải sắp xếp thứ tự ưu tiên. Tôi cho rằng ưu tiên số 1 lúc này là tất cả đầu tư của nhà nước phải như "nguồn vốn mồi" thu hút nguồn vốn trong xã hội, đầu tư của nhà nước phải thực sự đóng vài trò thúc đẩy kinh tế phát triển, giúp đời sống cải thiện và từ đó ngân sách được cải thiện.
Dư luận đang cho rằng xây dựng trụ sở hoành tráng làm gì khi tư duy quản lý, cải cách hành chính chưa có nhiều đột phá, thay đổi?
Tôi cho rằng hai vấn đề đó có liên quan nhưng có sự khác nhau. Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề khác, đầu tư ưu tiên xây dựng cái không cần thiết là khác.
Về đầu tư phải thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, đầu tư vào đâu phải cho "ra tấm ra món", thúc đẩy phát triển, ổn định đời sống nhân dân.
Còn về cải cách hành chính phải thấy rằng những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và có những đột phá trong các lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... Nhưng phải nhìn nhận rằng thủ tục hành chính hiện nay còn hết sức rườm rà, nhiều quy định chưa thật minh bạch.
Nhiều đại biểu Quốc hội như ông Lê Nam (Thanh Hóa), ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai),... đã đề nghị Chính phủ phải có đánh giá, tổng kết lại việc đầu tư xây dựng tượng đài, trụ sở làm việc hoành tráng trên cả nước thời gian qua để báo cáo Quốc hội. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Mấy năm gần đây, khắc phụ tình trạng đầu tư dàn trải, tăng cường đầu tư quản lý theo Luật Đầu tư công, hạn chế dự án đầu tư vốn lớn đã được quy định trong các nghị quyết của Quốc hội, thể chế hóa trong các luật. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu.
Tại sao luật, nghị quyết đã có nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại, chưa được ngăn chặn? Ở đây là tổ chức thực hiện thôi và tổ chức thực hiện thì có trách nhiệm của người đứng đầu.
Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)
Theo Dantri