Trót “phải lòng” hoa lan, 8X xứ Lạng mở nhà vườn lãi 20 triệu/tháng
Vốn là người có niềm đam mê đặc biệt với hoa lan, anh Trần Mạnh Thắng (1983) đã không ngại băng qua những cung đường rừng nguy hiểm, mang về những loài lan rừng quý hiếm. Từ “trồng cho vui” thì giờ đây anh Thắng có cả 1 vườn lan, kinh doanh các loại lan cho thu nhập 15-20 triệu/ tháng.
Từ “chơi” cho vui
Gần 10 năm học nghề và gắn bó với công việc sửa chữa các thiết bị điện tử nhưng anh Trần Mạnh Thắng (xóm Dốc Mới 1, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) luôn có niềm đam mê đặc biệt với những nhánh lan rừng. Sân nhà treo những giỏ lan rừng luôn là nơi anh yêu thích và hàng ngày dành vào đó rất nhiều sự nâng niu, tỉ mẩn chăm sóc.
Anh Thắng cho biết: “Ngay từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê với lan rừng. Khi còn làm công việc sửa chữa, tôi cũng ao ước có được vườn lan rừng với đầy đủ các loại để được thỏa thích ngắm nghía, chiêm ngưỡng, nhưng hồi đó điều kiện kinh tế chưa cho phép”, anh Thắng tâm sự.
Vườn lan ra hoa đầy màu sắc của anh Thắng.
Chính từ niềm đam mê đặc biệt đó, năm 2013 anh Thắng đã bàn với gia đình bỏ công việc sửa chữa để tập trung sưu tầm các loại lan và ấp ủ xây dựng một nhà vườn đa dạng các loại hoa, phục vụ người chơi lan không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường tỉnh khác.
Anh Thắng thường xuyên kiểm tra, phun tưới những nhánh lan rừng trong khu vườn của mình.
Hiện, anh Thắng có 2 vườn lan với tổng diện tích 2.200m2 với hơn 6.000 giỏ lan của hơn 50 loài lan khác nhau. Trong đó có nhiều loài lan rừng quý như Nghinh Xuân, Phi Điệp… Đặc biệt, vườn nhà anh Thắng cũng có nhiều giỏ hoa đẹp và có giá trị cao như Phi Điệp 5 cánh trắng có giá lên tới 200 triệu đồng/giỏ.
Đến mở nhà vườn…
Qua học hỏi kiến thức từ sách báo và từ những người có kinh nghiệm, anh Thắng dần đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Theo anh Thắng, điều quan trọng nhất khi chơi lan rừng là phải tìm hiểu cặn kẽ môi trường sống của từng loại lan. Mỗi loài lan có một đặc tính khác nhau, môi trường, nhiệt độ thích nghi cũng khác nhau. Không thể đưa một loại lan đang sống ở độ cao hơn 1.000m trở về độ cao mấy trăm mét được. Vì vậy trước khi lấy một loại lan trên rừng về vườn nhà chăm sóc phải tìm hiểu môi trường sống của nó, nếu không cây sẽ lụi dần và chết hết.
Video đang HOT
Lan rừng là loài luôn được khách yêu thích, lựa chọn và khách hàng chủ yếu từ các tỉnh miền Nam
Ngoài lan rừng thì vườn nhà anh Thắng còn có thêm cả lan công nghiệp để phục vụ nhu cầu của người chơi lan.
Toàn bộ diện tích vườn lan của chàng trai trẻ đều được phủ màn lưới che chắn cẩn thận. Từ những loài lan bông nhỏ đến những loại lan bông to, phong lan, địa lan anh đều sưu tầm và “thuần hóa” trong vườn nhà.
“Trước đây tôi hay vào rừng săn tìm hoa lan, nhưng gần đây bận nhiều việc nên tôi không trực tiếp đi vào rừng tìm được nữa mà mua lại từ những người dân khai thác được. Tùy vào độ quý và đẹp mà các loại hoa có giá trị khác nhau. Đôi khi cả bó cũng chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng có khi chỉ một nhánh thôi cũng vài ba triệu đồng”, anh Thắng chia sẻ.
Chị Huệ Anh (vợ anh Thắng) giới thiệu, tư vấn về các loại hoa cho khách hàng đến xem tại vườn.
Anh Thắng chia sẻ: “Tôi rất thích những loài lan lọng, những loài lan bông nhỏ tuy không sặc sỡ như những loài lan bông to nhưng ngược lại mùi rất thơm, bông lâu tàn. Điều đặc biệt ở loài lan rừng là thiếu nước không chết nhưng dư nước sẽ chết ngay, nó có thể chịu hạn nhưng lại không thể chịu được ẩm, mốc…”.
Những giỏ lan rừng hoa tím đẹp lung linh trong vườn lan Quốc Khánh.
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Thắng cho hay: “Sau bao năm 2 vợ chồng tích góp, mới đây tôi cũng vừa mới khai trương vườn lan Quốc Khánh. Có thời điểm, vợ tôi phải bán hoa nhờ trước cửa nhà dân thì giờ đây 2 vợ chồng đã có 1 điểm bán, 1 khu vườn của riêng mình. Tôi cũng đang ấp ủ nhiều dự định phát triển nhiều hơn nữa các loại lan quý hiếm. Khi đó ai cũng có thể chơi lan, bảo tồn và phát triển những loài lan quý, loài lan sẽ không bị cạn kiệt mà ngày càng phát triển hơn”.
Những cánh hoa lan phi điệp khoe sắc trong vườn.
Hiện tại, ngoài việc sưu tầm, trồng và chăm sóc các loại lan, anh Thắng còn kinh doanh thêm các mặt hàng thuốc, phân bón, vật tư ngành lan, đồng thời mở rộng kinh doanh buôn bán gỗ lũa, lan công nghiệp, nhờ đó mỗi tháng anh bỏ túi từ 15-20 triệu đồng.
Theo Danviet
"Chống gậy" cho vườn quả vàng đặc sản, "mỏi" tay thu tiền dịp Tết
Càng vào những ngày cận kề Tết nguyên đán 2019, anh Nông Văn Lâm, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) lại càng tất bật với công việc cắt hái cam tại vườn bán cho các thương lái đi tiêu thụ trong dịp Tết. Nhờ vườn cam này, mỗi năm anh Lâm thu 300-400 triệu đồng.
Vào vườn cam đường Canh của anh Nông Văn Lâm, nhiều người không khỏi choáng ngợp trước hình ảnh cam sai trĩu rủ xuống đất, sáng đỏ cả một vùng đồi.
Vườn cam canh sai trĩu quả rủ xuống đất của gia đình anh Lâm.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh Lâm luôn hiểu nỗi vất vả của công việc đồng áng, ruộng vườn nên sau khi lập gia đình anh luôn muốn tìm hướng đi mới cho bản thân.
"Năm 2012, trong một lần tình cờ qua nhà bạn ở huyện Lục Ngạn (Chũ) tỉnh Bắc Giang chơi thì thấy người dân ở tỉnh bạn có nhà cao cửa rộng, đời sống khấm khá. Hỏi ra mới biết các hộ dân đều đang phát triển cây cam đường Canh cho hiệu quả kinh tế cao. Sau đó về tôi có mày mò nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật và hỏi han những người có kinh nghiệm về giống cây ăn quả mới này," Anh Lâm nói.
Anh Lâm phải "chống gậy" cho cây vì quả căng mọng, sai trĩu cành.
Anh Lâm cho biết, trước kia bãi đồi dốc sau nhà là cây dại và cây bạch đàn thì giờ đây hàng nghìn gốc cam đường Canh chín vàng, đỏ rực phủ kín khu đồi. "Tôi bàn với vợ con, đánh liều phá hết khu đồi bạch đàn để trồng thử 2.000 gốc cam đường canh và hơn 200 gốc cam vinh. Thiên hạ có câu: Có chí làm quan, có gan làm giàu, giờ mình không phải là giàu nhưng cuộc sống cũng khấm khá hơn là vì "bí quá làm liều", anh Lâm cười đùa.
Là người đầu tiên đưa giống cam Canh về trồng tại địa phương nên mới đầu bao giờ cũng đầy gian nan và khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên cây chậm lớn, hay bị bệnh vàng lá và thối rễ. "Thời gian đó nhìn vườn cây bị hỏng bởi sâu, bệnh nhìn xót lắm, bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ hết vào đấy. Nhưng làm rồi rút kinh nghiệm dần dần, từ đó tôi mới có vườn cam Canh như bây giờ," anh Lâm cho hay
Để cam ngon, vàng đẹp mắt, phục vụ khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán, khâu chăm sóc rất quan trọng.
Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của các chủ vườn đã trồng, chăm sóc thành công cây cam Canh trên đất đồi Lục Ngạn (Bắc Giang), qua các lớp tập huấn kết hợp với việc đúc rút kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, anh Lâm đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc cây cam đường Canh ở trên đất đồi. Anh sư dung kỹ thuật khoanh gốc, bón phân hợp lý đã giúp cho cam đơm hoa, kết trái sai trĩu cành. Không những vậy, mẫu mã và chất lượng quả cam khi được trồng chăm sóc tốt trên đất đồi lại cho vị ngọt và thơm ngon hơn so với ở miền xuôi.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng cam Canh của anh Lâm, đây là loại cây ăn quả khó tính nên người trồng phải chăm sóc rất tỉ mỉ, cần phải áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Trước khi trồng phải đào hố rộng rồi bón thúc phân chuồng, phân hữu cơ... Khâu quan trọng nhất để cây cam Canh ra được hoa, kết trái nhiều, người trồng phải nắm bắt, theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết.
Những trái cam chín mọng, màu vàng cam thơm ngon luôn được thương lái trong tỉnh và các tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh... lựa chọn
Anh Lâm chia sẻ: "Sau mỗi vụ thu hoạch quả vào dịp Tết, tôi phải cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành khỏe mạnh để năm sau cây cho quả tiếp và tiếp tục bón phân thúc phân phân hữu cơ, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau một thời gian dài nuôi quả".
Hiện tại khu đồi hơn 2ha của gia đình anh Lâm đang có hơn 1.500 gốc cam Canh đang cho thu hoạch và hơn 200 gốc cam Vinh. Cây nào cây nấy đều sai trĩu quả, anh phải chống gậy cho cây cam Canh chứ không thì gãy cành. Nhiều người "trót lạc" vào vườn cam Canh của anh Lâm là chẳng muốn ra. Ngoài ra, gia đình anh còn phát triển vài trăm gốc na trồng trên núi đá đem lại thu nhập đáng kể.
Dự kiến gia đình anh Lâm sẽ thu hơn 10 tấn cam đường canh trong vụ này.
Do điều kiện thời tiết của từng năm nên sản lượng cam mỗi năm không giống nhau. Đỉnh điểm, có năm vườn cam cho sản lượng 20 tấn, thu về 400 - 500 triệu đồng/năm.
Hiện tại, cam Vinh gia đình anh Lâm đã thu hoạch xong và được 3-4 tấn quả. Còn cam Canh đang cho thu hoạch, hằng ngày phải thuê gần 10 nhân công cắt hái cho kịp xe của thương lái. Từ khi chuyển sang trồng cam Canh, cam Vinh, đến giờ cuộc sống kinh tế gia đình anh đã dư giả và có của ăn của để. Hiện tại 1kg cam Canh, anh Lâm bán tại vườn với giá đổ xô dao động từ 25.000- 30.000đồng/kg, ước tính sẽ mang lại vài trăm triệu đồng.
Theo Danviet
Gái đảm miền biên viễn ươm cây giống xuất bán khắp các nơi Từ nhiều năm nay, vườn ươm cung cấp giống cây trồng lâm nghiệp của chị Nguyễn Thị Thủy (Lạng Sơn) trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều nông dân, khách hàng là chủ vườn cây, người buôn cây giống. Không những thế, chị còn được nhiều người biết đến bởi nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu. Đến tham quan mô...