Trong tột cùng nỗi đau, chúng tôi học được cách yêu thương
Cô ấy nói cô ấy ân hận khi nhận ra cô ấy là một phần nguyên nhân khiến cho tôi lại lâm vào cảnh tù tội lần thứ hai. Sự ân hận đã khiến cô ấy thay đổi, Thúy nói với tôi: “Một ngày là chồng. Suốt đời là chồng. Anh cố gắng cải tạo, em và con sẽ đợi anh về”.
Đối với tôi, vợ như một ân nhân. Chúng tôi quen và cảm mến nhau trong trại giam, chúng tôi đã có một đám cưới hạnh phúc với một gia đình nhỏ. Đó sẽ là một cái kết đẹp cho một mối tình của hai kẻ tù tội, nếu như không vì một phút ghen tuông mà tôi mang dã tâm giết vợ. Vợ tôi không chết. Và điều kì diệu nhất là cô ấy đã tha thứ cho tôi, cho tôi có cơ hội sửa chữa để bảo vệ tình yêu và bảo vệ mái ấm của mình.
Ước mơ lứa đôi của một mối tình sau song sắt
Trước khi trở thành vợ chồng, cả tôi và vợ đều có một quá khứ lầm lỡ. Vợ tôi là La Thị Thúy, vào tù vì tội buôn bán ma túy, còn tôi thì phạm tội cướp tài sản. Chính vì thế, chuyện tình yêu của vợ chồng tôi có lẽ là hi hữu và đặc biệt hơn các đôi vợ chồng khác.
Tôi quen nhà tôi cũng chính ở trong trại giam Quyết Tiến này, trong lần đi tù trước đây. Tôi đi tù lần đầu khi còn trẻ con lắm. Quen và yêu vợ tôi trong trại giam, nên cô ấy là mối tình đầu của tôi, cũng là mối tình duy nhất của tôi cho đến lúc này. Tuy trong trại, phạm nhân nam và nữ đều được giam giữ riêng biệt, nhưng những buổi đi làm, chúng tôi vẫn cùng làm một lô, không được nói chuyện nhưng vẫn nhìn thấy nhau. Ở trong trại giam, tù nhân chúng tôi thiếu thốn tình cảm lắm, nên rất dễ yêu. Chỉ cần nhìn thấy nhau, cười với nhau một nụ cười là tối về có thể tương tư ngay. Chúng tôi quen nhau cũng đơn giản như thế. Nhìn thấy cô ấy làm việc ngoài ruộng, thấy mến mến, tôi hỏi bạn tù, xin địa chỉ cô ấy, thế là tôi viết thư làm quen, thư đi thư lại một thời gian thì chúng tôi yêu nhau. Tình yêu trong trại đơn giản lắm, không lãng mạn, không màu mè. Chúng tôi viết thư động viên nhau, tâm sự với nhau về hoàn cảnh, về số phận của mình. Thỉnh thoảng, để thể hiện sự quan tâm của mình, tôi gửi cô ấy gói mì tôm, lãng mạn hơn thì gửi tặng cô ấy những bức chân dung cô ấy mà tôi vẽ trong những lúc nhàn rỗi, vì tôi cũng có đôi chút năng khiếu vẽ vời.
Tôi đi tù vì tội cướp tài sản từ khi còn rất trẻ. Cuộc sống cũng đã thừa những cay đắng, thất bại, đủ để chai sạn và không còn nhìn đời với con mắt màu hồng, nên ban đầu tôi chỉ nghĩ là tìm một người phụ nữ để trút bầu tâm sự, cho những năm tháng trong tù bớt mệt mỏi, tù túng. Tôi hoàn toàn không xác định tương lai lâu dài, vì bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh tôi chắc cũng hiểu, những mối quan hệ thế này không có nền tảng vững chắc và thường không có một kết thúc có hậu. Năm 2005, cả hai chúng tôi đều được trả tự do. Những tình cảm tưởng thoáng qua trong trại giam đã gắn kết cuộc đời chúng tôi với nhau. Thúy hết án trước tôi 5 tháng. Lúc chia tay nhau trong trại giam, tôi đã nghĩ sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại nhau. Thế nhưng, tình yêu dành cho nhau đã giúp chúng tôi vượt qua thử thách đó. Ngày tôi ra trại, Thúy đi từ Yên Bái xuống đón tôi. Cuộc gặp vừa bất ngờ, vừa xúc động đã khiến trái tim người đàn ông trong tôi mềm ra như nước. Chúng tôi làm đám cưới chỉ sau đó chưa đầy 1 tháng, bắt đầu xây dựng tổ ấm của mình, cùng nhau mơ về một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai.
Khi vào tù, tôi còn trẻ tuổi, còn Thúy đã từng có một đời chồng và một đứa con gái riêng, với tôi, cô ấy là mối tình đầu. Tôi không nặng nề việc con chung, con riêng, và cũng bởi yêu nên tôi chẳng tính toán đến việc cô ấy đã từng có một đời chồng. Chính tôi đã chủ động đón đứa con riêng của vợ về nuôi mà không chút nề hà. Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp cháu L, con gái riêng của Thúy, cháu đã hỏi tôi: “Chú ơi, cháu có thể gọi chú là bố được không?”. Tôi, một người đàn ông 30 tuổi, kinh nghiệm sống thiếu thốn, đã tưởng có thể chết đi được vì hạnh phúc khi nghe tiếng gọi bố thiêng liêng đó. Từ giây phút đó, tôi coi đứa con riêng của vợ như con đẻ của mình, yêu thương nó với tình yêu của một người cha ruột, lòng thầm nhủ sẽ mang lại cho hai mẹ con một cuộc sống hạnh phúc.
Video đang HOT
Sự tha thứ kì diệu hồi sinh hạnh phúc
Ra tù, cả hai vợ chồng đều chẳng có của nả gì, nhưng nhờ gia đình giúp vốn làm ăn, nên chỉ sau gần một năm cần cù, chịu khó, tôi đã có thể dựng được một căn nhà gỗ khang trang và mua sắm tiện nghi trong nhà. Những tưởng cuộc sống sẽ cứ thế trôi đi trong yên bình. Nhưng sau thời gian đầu chung sống, chúng tôi bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn lớn. Là người mải mê làm ăn, tôi thường xuyên có những chuyến đi vắng nhà nhiều ngày. Tình cảm của hai vợ chồng cũng vì thế mà dần trở nên rạn nứt.
Vội vàng đi đến hôn nhân mà chưa tìm hiểu kĩ về nhau, nên khi bước vào cuộc sống vợ chồng, cái mà chúng tôi thiếu nhất là không thể tìm thấy ở nhau sự thông cảm, độ lượng. Thúy lớn hơn tôi 2 tuổi, lại đã từng có một đời chồng, nên về mọi mặt cô ấy đều từng trải hơn tôi. Sự từng trải của Thúy khiến tôi ghen tức, khi nghĩ trong mắt Thúy, mình chẳng khác nào một đứa trẻ. Tôi lúc nào cũng mang nặng trong lòng nỗi sợ hãi bị vợ coi thường mà đem lòng yêu người đàn ông khác. Nhất là khi sau những chuyến đi xa về, tôi nghe hàng xóm xì xào chuyện Thúy bồ bịch bên ngoài. Bán tín bán nghi, dù chưa có bằng chứng nào, nhưng chỉ cần nghĩ đến việc Thúy có người đàn ông khác bên ngoài là lòng tôi đã quặn lại, máu ghen lại sôi lên sùng sục. Cả hai vợ chồng đều nóng tính, nên những nghi ngờ khiến các cuộc cãi vã to tiếng trong nhà ngày một nhiều hơn.
Tối hôm đó, sau nhiều lần bị tôi dằn vặt chuyện ngoại tình, Thúy tuyên bố sẽ bỏ tôi “để đi với người khác”. Đau đớn vì nghĩ mình bị vợ cắm sừng, lại sẵn có hơi men trong người, tôi đã dùng chiếc dùi đục bằng gỗ tấn công từ đằng sau khiến vợ tôi ngất đi rồi pha thuốc sâu vào nước ngọt bắt cô ấy cùng uống. Trong lúc tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đó là cách duy nhất để giữ vợ bên mình. Rất may, hàng xóm đã kịp thời đưa vợ chồng tôi đi cấp cứu. Tuy cả hai đều không chết, nhưng tôi bị bắt và bị TAND tỉnh Yên Bái xử 15 năm tù với tội danh “giết người”.
Bị tù 15 năm, nhưng tôi vẫn thấy phước phần của mình còn lớn lắm. May mà vợ tôi không chết, chứ nếu không một mình tôi chắc cũng không sống nổi. Hôm tòa xử, khi được hỏi, cô ấy một mực xin cho tôi được giảm án. Lúc tòa tuyên án 15 năm, cô ấy khóc ngất đi trong tay gia đình tôi. Chứng kiến những cảnh tượng đó, tôi cảm động lắm, biết ơn cô ấy vô cùng vì đã tha thứ cho hành động tội lỗi của tôi. Chỉ suýt chút nữa thôi, tôi đã gây ra một tội ác khiến tôi có thể phải ân hận suốt đời.
Ra tù chưa đầy 2 năm, tôi lại phải vào trai giam. Án tù lần này dài hơn lần trước. Những tưởng ghen tuông mù quáng đã khiến tôi không chỉ hủy hoại cuộc đời mình mà còn vĩnh viễn đánh mất luôn hạnh phúc gia đình. Nhưng bỗng nhiên có một ngày, Thúy đến trại thăm nuôi tôi. Lúc mới nhìn thấy vợ, điều đầu tiên tôi nghĩ là cô ấy đến để đề nghị chia tay. Nhưng Thúy không những không trách móc tôi mà cứ ngồi căn dặn, động viên tôi, nước mắt lưng tròng. Cô ấy nói cô ấy ân hận khi nhận ra cô ấy là một phần nguyên nhân khiến cho tôi lại lâm vào cảnh tù tội lần thứ hai. Sự ân hận đã khiến cô ấy thay đổi, Thúy nói với tôi: “Một ngày là chồng. Suốt đời là chồng. Anh cố gắng cải tạo, em và con sẽ đợi anh về”. Đến lúc đó, tôi mới nhận ra hai vợ chồng tôi đã thực sự tìm kiếm được sự thông cảm từ phía nhau.
Sau những rạn nứt, sóng gió, những kỉ niệm đau buồn khiến cả hai tổn thương, tình yêu giữa chúng tôi tưởng đã tan vỡ, giờ lại có cơ may được nối lại. Giờ đây giữa chúng tôi dường như chưa từng có những cuộc cãi vã, chưa từng có những vết thương lòng. Chúng tôi chỉ còn nhớ về nhau trong những kỉ niệm đẹp nhất. Có được sự động viên của vợ, quãng đường cải tạo của tôi dù còn dài những sẽ bớt mệt mỏi hơn. Ở trong trại giam, giờ tôi vẫn vẽ tranh, hết vẽ chân dung vợ lại vẽ chân dung con gái, rồi vẽ cảnh cả gia đình sum họp để gửi về làm quà cho vợ con tôi. Dù rất khó, nhưng tôi vẫn hi vọng có ngày được trở về sum họp gia đình. Đấy là nếu như cô ấy còn chờ đợi tôi, cho tôi cơ hội. Bằng không, nếu cô ấy không tha thứ, tôi sẽ chúc phúc cho cô ấy, cầu cho cô ấy tìm được một người đàn ông khác tốt hơn tôi, yêu thương cô ấy hơn tôi. Sau một lần đổ vỡ và thất bại, nếu được dành cho thêm một cơ hội, tôi chắc chắn sẽ biết trân trọng hạnh phúc của mình.
Theo VNE
Chuyện đời lạc lối của người tù từng có tiền đồ xán lạn
Trong những đêm triền miên không ngủ được trong song sắt, tôi tự hỏi mình hàng nghìn lần về cái lý do đã khiến tôi rơi vào con đường lầm lỡ, tù tội. Nhưng chưa bao giờ tôi trả lời được câu hỏi đó một cách đích đáng, ngoại trừ một điều mà tôi luôn biết, tôi đã đi lạc bước ở một đoạn đường nào đó trên con đường đời bằng phẳng mà số phận đã dành cho tôi.
LTS: Giá như không ăn chơi đua đòi, Phạm Ngọc Lân hẳn đã có một cuộc sống hạnh phúc và một tương lai rực rỡ. Giá như không sa chân vào con đường tội lỗi của cái chết trắng, hẳn giờ này Lân có thể trải qua những ngày tháng bình yên bên vợ con chứ không phải ngồi một mình đối diện với bốn bức tường trại giam. Có rất nhiều từ "giá như" mà phạm nhân mang án chung thân Phạm Ngọc Lân từng thốt lên trong những năm tháng ở tù, nhưng tất cả sự nuôi tiếc đó đều đã quá muộn màng chỉ bởi những nông nổi của một thời tuổi trẻ.
Vấp ngã trên con đường bằng
Tôi là Phạm Ngọc Lân, đã gần 40 tuổi, án chung thân vì tội buôn bán ma túy. Tôi đã từng là sinh viên Đại học Ngoại thương, bố mẹ đều là giảng viên của những trường đại học có tiếng của Hà Nội. Có lẽ nhiều người sẽ tự hỏi, điều gì đã đẩy tôi vào con đường tội lỗi này, điều gì đã khiến một kẻ có xuất thân gia giáo, được ăn học đầy đủ như tôi, trở thành một tội phạm buôn ma túy với bản án chung thân chưa biết ngày về? Trong những đêm triền miên không ngủ được trong song sắt, tôi cũng tự hỏi mình hàng nghìn lần về cái lý do đã khiến tôi rơi vào con đường lầm lỡ, tù tội. Nhưng chưa bao giờ tôi trả lời được câu hỏi đó một cách đích đáng, ngoại trừ một điều mà tôi luôn biết, tôi đã đi lạc bước ở một đoạn đường nào đó trên con đường đời bằng phẳng mà số phận đã dành cho tôi.
Tôi là con trai cả trong một gia đình có 2 anh em trai, cha mẹ đều là giảng viên của những trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Là con trai Hà Nội, bố mẹ lại là những người có học thức, kinh tế khá giả, nên tôi đã sống một cuộc đời êm ả suốt những năm tháng tuổi thơ, tuyệt nhiên không hề biết thế nào là mưa nắng, vất vả, là đói khổ, cực nhọc. Như những gia đình gia giáo khác của đất Hà thành, cha mẹ tôi - những người thuộc tầng lớp trí thức của xã hội đã cho tôi được học hành đủ đầy, và hi vọng tôi sẽ trở thành niềm tự hào của cha mẹ. Ngày tôi đỗ đại học và trở thành sinh viên của trường Đại học Ngoại thương, một trong những trường đại học danh giá nhất của Hà Nội, dù không nói ra, nhưng tôi đọc được sự tự hào trong ánh mắt người cha nhân từ của mình.
Mọi người nhận xét tôi của ngày xưa là một chàng trai thông minh, nhạy bén và năng động trong cuộc sống. Tôi đã từng là niềm tự hào của cha mẹ khi đã tự nỗ lực mở được một công ty riêng chuyên về thiết kế nội thất ở giữa đất Thủ đô. Những năm đó là những năm đánh dấu sự nở rộ của các công ty thiết kế nội thất. Công ty của tôi nhanh chóng ăn nên làm ra mà không phải mất quá nhiều toan tính. Tôi trở thành một doanh nhân trẻ thành đạt, giàu có khi vẫn đang ngồi trên giảng đường đại học. Tôi đã nghe rất nhiều người từng trải và thành đạt trong cuộc sống nói rằng, thành đạt quá sớm đôi khi chưa phải là điều hay, bởi nó dễ khiến người ta lầm đường lạc lối. Và có lẽ tôi chính là người thấm thía nhất điều đó. Bởi cái giá của sự thành công khi mới ngấp nghé tuổi 20 đã khiến tôi phải trả một cái giá đắt cho suốt cuộc đời sau này.
Thời tôi vừa đi học, vừa mở công ty riêng, việc kiếm được đồng tiền quá dễ dàng đã khiến tôi - một cậu sinh viên đại học bắt đầu có ý nghĩ coi thường tri thức. Tôi tự tin rằng, dù không có tấm bằng đại học như cha mẹ mong muốn, kì vọng, thì tôi vẫn có thể trở thành một người thành đạt, giàu có và được xã hội trọng vọng. Tôi bỏ học giữa chừng để có thể có nhiều thời gian đầu tư cho kinh doanh, bất chấp nỗi thất vọng tràn trề hiện lên trong đôi mắt người cha già khi thấy đứa con trai cả của mình đang từ bỏ truyền thống gia đình.
Tôi lấy vợ sớm và đã có 2 đứa con kháu khỉnh. Nhưng trở nên giàu có khi còn quá trê, tôi đã dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy của những chơi bời xa xỉ. Tôi kết bạn với một nhóm bạn giàu có, thích ăn chơi, thường xuyên ra vào những tụ điểm của dân chơi Hà thành và ném những đồng tiền mình kiếm được vào những cuộc chơi thâu đêm, suốt sáng không một chút mảy may ân hận, day dứt. Trong những cuộc chơi đó, tôi bắt đầu biết đến ma túy để rồi nhanh chóng trở thành nô lệ của cái chết trắng. Đó là lúc cuộc đời của tôi bắt đầu với những sai lầm, vấp ngã và tiếc nuối.
Dính vào ma túy, tôi dần dần bỏ bê công việc làm ăn đang thuận lợi của mình. Số tiền tôi kiếm được cũng nhanh chóng tiêu tan theo những cơn thèm thuốc. Ngày phát hiện ra con trai mình nghiện ma túy, cha tôi không tức giận, cũng không chửi mắng. Nhưng khi ấy, tôi nhìn thấy trong đôi mắt cha dường như có bão. Từ nhỏ đến lớn, cha tôi chưa từng quát mắng, đánh chửi tôi. Ông giáo dục con cái như cách ông vẫn giáo dục những người học trò của mình: dịu dàng và mềm mỏng. Biết tôi dính vào ma túy, ông hết lòng động viên con đi cai nghiện để làm lại cuộc đời. Nhưng ý chí kém cỏi của tôi đã không đủ để giúp tôi thoát khỏi cám dỗ của ma túy.
Những day dứt muộn màng sau song sắt
Chỉ trong vòng vài năm, người ta đã không còn nhận ra tôi - với hình ảnh một thanh niên thành đạt, giỏi giang, mà thay vào đó là một con nghiện da tái, môi thâm và thường xuyên thiếu tiền để thỏa mãn những cơn nghiện của mình. Cần tiền để mua thuốc, nghe bạn bè xui, tôi lên Sơn La tìm mối cung cấp ma túy với dự định mang về Hà Nội tiêu thụ. Và trong một lần vận chuyển ma túy, tôi bị bắt với 4 bánh heroin tang vật.
Những ngày nằm trong trại tạm giam trên Sơn La, tôi đã nghĩ rằng, với 4 bánh heroin đó, tôi gần như đã cầm chắc trong tay bản án tử hình. Cái án ma túy treo lơ lửng trên đầu đã khiến cuộc sống hôn nhân của vợ chồng tôi tan vỡ, để lại 2 đứa con nhỏ dại, bơ vơ phải về sống nhờ sự che chở của ông bà. Lúc còn nằm ở trại tạm giam, có lần tôi được 2 đứa con đến thăm. 2 đứa trẻ ngây thơ, trong sáng chưa nhận thức được thế nào là phạm pháp, là tù tội. Chúng cứ khóc vì không hiểu vì sao bố đi lâu thế mà không chịu về nhà. Đến lúc hết giờ thăm gặp, chúng cứ nằng nặc ôm lấy chân bố, đòi bằng được bố về cùng. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi khóc, lần đầu tiên, trong cương vị của một người làm cha, tôi cảm nhận sự thiêng liêng của tình phụ tử và cảm nhận được nỗi đau đớn, xót xa khi không làm tròn bổn phận với những đứa con máu mủ một thịt của mình.
Số phận hay nói đúng hơn là pháp luật đã dành cho tôi một ân huệ. Tôi thoát khỏi bản án tử hình và bước vào 4 bức tường trại giam với bản án chung thân chưa biết ngày về. Tránh được bản án tử hình có nghĩa là dù gì vẫn còn ngày trở về, nhưng đổi lại, tôi phải đối mặt với những bản án lương tâm triền miên từ ngày này sang ngày khác. Thỉnh thoảng, nhận được thư con gửi lên, tôi nhói lòng với những dòng chữ non nớt nhưng tội tình của con. Con tôi đã đủ lớn để hiểu bố chúng đang rơi vào cảnh tù tội. Chúng cũng đủ lớn để biết xấu hổ trước ánh mắt soi mói và những lời chọc ghẹo của bạn bè. Mỗi lần nhận được thư con, tôi đều khóc, càng thương con bao nhiêu thì lại càng thấy giận mình bấy nhiêu.
Từ sau khi tôi đi tù, mọi gánh nặng gia đình đều đổ lên vai cha mẹ tôi. Cả đời chăm lo cho con cái với hi vọng con cái thành tài, đến tuổi gần đất xa trời, cha tôi không ngờ mình lại phải tiếp tục nuôi con tù tội. Cha tôi gần như suy sụp hoàn toàn sau khi tôi bị bắt. Ông già sọp đi, đôi mắt gần như mù lòa. Có lần cha tôi lặn lội từ Hà Nội lên trại giam thăm tôi. Đến lúc tôi đứng trước mặt cha, ông vẫn không hề nhìn ra tôi, không hề nhận ra đứa con trai tội lỗi của mình. Chỉ đến khi tôi cất tiếng gọi: "Cha ơi", ông mới mỉm cười: "Lân đó phải không con". Khi ấy, tôi chỉ biết quay mặt đi, cố ngăn lại những giọt nước mắt tuôn dài trên má.
Nỗi đau về đứa con lầm lỡ đã khiến cha tôi ngày càng ốm yếu để rồi qua đời sau 4 năm chứng kiến tôi rơi vào vòng lao lý. Ngày cha mất, là con trai cả, nhưng tôi không thể có mặt để nhìn cha lần cuối, không thể làm tròn chữ hiếu cuối cùng với người cha hiền lành và bất hạnh của mình. Suốt nhiều đêm sau đó, tôi chỉ biết nằm trong trại giam và khóc. Nhưng những giọt nước mắt cũng chẳng giúp tôi quên đi được lỗi lầm và những đau đớn mà tôi đã gây ra cho những người thân yêu nhất của mình.
Tôi đã dấn thân vào con đường tội lỗi, vào những sai lầm của tuổi trẻ mà không hề có một chút e sợ, lo lắng. Những năm tháng trong tù, tôi đã không biết bao nhiêu lần nghĩ đến hai từ "giá như...", để rồi lại mơ màng hình dung về cuộc sống hạnh phúc mà tôi có thể có được nếu không vấp phải những lầm lỡ trong cuộc sống. Nhưng tất cả những câu "giá như..." đều đã quá muộn màng. Và điều duy nhất tôi có thể làm chỉ là để không bao giờ phải nói thêm bất cứ một câu "giá như..." nào đó nữa trong cuộc đời mình.
Theo VNE
Xóa nợ cho nhau "... một ngày nọ cô bạn gái cũ bế đứa trẻ kháu khỉnh đến nhà. Nó đích thị con anh khiến anh cũng vô cùng choáng váng...". Em làm cùng cô của anh, cô hay cười và thương em hiền lành, trong khi công ty mọi người đã yên vị với mái ấm mà em mãi vẫn cứ lẻ loi. Rồi cô thương...