Trồng thứ na ra trái lạ, thương lái cứ hỏi đã chín chưa
Năm 2016, các kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng thực hiện cấy ghép cành cây na Đài Loan vào gốc na dai bản địa (Quảng Ninh). Qua 4 năm thử nghiệm, theo dõi, cây na sinh trưởng và phát triển rất tốt và bước đầu được nhân rộng.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh, sau quá trình thực hiện quy trình ghép cành trên gốc na dai bản địa, đã cho ra những lứa na Đài Loan đạt chất lượng tốt.
Thịt quả na dày, khi chín na Đài Loan có mùi thơm đặc trưng, chất lượng ngon và có khả năng chịu vận chuyển tốt. Trọng lượng quả na Đài Loan trung bình đạt 500gr/quả, gấp đôi trọng lượng giống na dai ở địa phương. Năng suất na Đài Loan bình quân đạt từ 12-15 tấn/ha, trong khi giống na của Quảng Ninh chỉ đạt từ 10-11 tấn/ha.
Na Đài Loan thực hiện bằng phương pháp ghép cành trên gốc cây na của Quảng Ninh đạt chất lượng quả rất tốt.
Để xác định chất lượng của giống na Đài Loan, Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Ninh cũng đã gửi mẫu đi phân tích, chỉ số về độ ngọt của giống na này khi cấy ghép trên gốc na dai của địa phương đều từ 22-25, cao hơn so với các giống na của tỉnh.
Được biết, sau khi ghép thành công trên diện hẹp, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh mở rộng quy mô ghép giống na Đài Loan tại vườn na của hộ ông Vũ Văn Biềng, thôn Giếng Đá, xã Tiền An, TX Quảng Yên.
Kết quả cành ghép trên gốc na bản địa sau 20 ngày bật mầm và sinh trưởng, phát triển khỏe. Đến nay 300 gốc na dai trồng tại vườn nhà ông được ghép với giống na Đài Loan đều sinh trưởng ổn định.
Video đang HOT
Ông Vũ Văn Biềng cho biết: Nếu na địa phương loại chuẩn giá 100.000 đồng/kg thì na Đài Loan trên thị trường đang có giá từ 300.000-350.000 đồng/kg. Qua quá trình 1 năm ghép lai tạo giống Đài Loan này vào gốc cây na trồng trong vườn nhà, tôi thấy cây phát triển rất tốt. Cây na ghép trong năm đầu đã cho quả bói và có thể đạt tiêu chuẩn từ 7-10 quả/cây.
Na Đài Loan được phát triển theo phương pháp ghép cành trên gốc cây địa phương tại vườn nhà ông Vũ Văn Biềng, thôn Giếng Đá, xã Tiền An, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Theo cơ quan khuyến nông tỉnh, tại Quảng Ninh hiện có gần 1.200ha trồng na, sản lượng hàng năm đạt trên 14.000 tấn. Đây là 1 trong những cây ăn quả chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, những giống na đang trồng trong tỉnh có thời gian thu hoạch tập trung vào tháng 8-9 hàng năm, khả năng rải vụ thấp, nên luôn chịu áp lực về thị trường.
Một số diện tích na có hiện tượng giảm năng suất, chất lượng do trồng lâu năm. Do vậy việc nghiên cứu, phát triển giống na Đài Loan theo phương pháp ghép cành trên gốc cây na bản địa của tỉnh được coi là giải pháp tốt nhằm khắc phục tình trạng này.
Ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh cho biết: Nếu na trồng theo phương pháp truyền thống là từ cây con phát triển lên, thì phải mất từ 3-5 năm. Tuy nhiên, với phương pháp ghép cành na Đài Loan trên gốc na truyền thống thì chỉ đến hết năm thứ nhất đã cho quả bói và sang năm thứ 2 cây đã cho thu hoạch quả.
Việc chăm sóc na cũng tương tự như quy trình chăm sóc na địa phương. Như vậy, các hộ dân có thể tận dụng vườn cây cũ để cải tạo thành vườn cây mới có hiệu quả kinh tế cao hơn, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản, giảm chi phí đầu tư so với trồng mới.
Được biết, thời gian tới Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đề xuất với tỉnh để phát triển giống na Đài Loan theo phương pháp ghép cành, thay thế dần những giống na địa phương tại những vùng na tập trung. Đồng thời, sẽ thử nghiệm thêm tại một số địa bàn miền Đông của tỉnh.
Cao Minh
Rủ nhau nuôi gà ri Lạc Thuỷ da vàng, thơm thịt, hết lo đầu ra
Gà Lạc Thủy (Hoà Bình) là giống gà ri bản địa, chất lượng thịt thơm ngon và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu.
Giống gà này cho giá trị kinh tế cao, nhưng do trước đây bà con chăn nuôi nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm nên thị trường tiêu thụ không ổn định. Từ ngày một số hộ tham gia vào hợp tác xã, cùng nhau chăn nuôi có kế hoạch, việc tiêu thụ gà thuận lợi hơn hẳn.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hoà Bình, trên địa bàn huyện hiện đang có 2 HTX chuyên sản xuất, kinh doanh gà Lạc Thủy, 15 cơ sở ấp nở gà giống, 150 trang trại, gia trại và nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã, thị trấn. Hàng năm các hộ chăn nuôi và HTX cung cấp ra thị trường khoảng 10 triệu con gà giống, 500 tấn gà thương phẩm, mang lại thu nhập ổn định.
Anh Bùi Đông Giang - Giám đốc HTX gà Lạc Thuỷ, đồng thời cũng là hộ chăn nuôi gà quy mô hơn 10.000 con ở xã An Bình cho biết, hiện HTX có gần 20 hộ thành viên cùng nuôi gà ri Lạc Thủy. Giống gà này có trọng lượng vừa phải, gà mái trưởng thành nặng khoảng 1,5kg/con, gà trống trên dưới 2kg, chân nhỏ, da vàng, không những cho chất lượng thịt thơm, ngọt mà còn khá dễ nuôi.
Giá bán gà ri đặc sản Lạc Thuỷ trên thị trường trung bình từ 85.000-90.000 đồng/kg, lúc khan hiếm hoặc nhu cầu tăng cao, có thể đạt 100.000 đồng/kg.
Anh Bùi Đông Giang - Giám đốc HTX gà Lạc Thủy trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia về mô hình liên kết nuôi gà đảm bảo an toàn sinh học. (ảnh Minh Huệ)
"Giống gà ri Lạc Thuỷ này thích hợp với phương thức bán chăn thả, quy mô hộ gia đình và trang trại. Hiện tổng đàn gà của HTX đạt 30.000 con gồm cả gà đẻ và gà thịt, trung bình mỗi hộ thành viên nuôi vài nghìn con. Toàn bộ sản phẩm đều được HTX thu mua, trong đó giá gà giống 12.000 đồng/con, giá gà thịt mua theo giá thị trường. Bà con đều áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, HTX có phương án sản xuất theo đơn đặt hàng, sản xuất gối đầu không làm ăn ồ ạt nên không bao giờ bị dư thừa, ế ẩm"- anh Giang cho biết.
Nhờ áp dụng phương thức "mua chung, dùng chung, bán chung" nên giá thành chăn nuôi gà của bà con giảm xuống mức thấp nhất. Sau khi trừ chi phí, các thành viên có thể thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng/1.000 con/lứa.
Được biết, ngoài cung ứng gà ri thịt nguyên lông, HTX gà Lạc Thủy còn sơ chế ức gà, đùi gà rồi hút chân không bán cho các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh Hoà Bình và Hà Nội.
Ngoài ra, HTX còn cung ứng con giống cho bà con có nhu cầu. Riêng các trại gà bố mẹ, HTX đều áp dụng nuôi trong trại khép kín, cách biệt hoàn toàn với môi trường bên ngoài, có thể điều chỉnh được nhiệt độ, giờ cho gà ăn, uống, đảm bảo việc chọn tạo giống chuẩn...
Ông Dương Ngọc Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hoà Bình đánh giá: "Mô hình nuôi gà ri đặc sản của HTX gà Lạc Thủy áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường.
Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt chuỗi liên kết từ khâu chuồng trại đến tiêu thụ nên HTX đã gây dựng được thị trường riêng, đảm bảo lợi nhuận. Để nhân rộng mô hình, Trung tâm đang tích cực triển khai các lớp tập huấn, mô hình điển hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trong đó có chính sách hỗ trợ bà con về giống, vật tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi chăn nuôi gia cầm, bao tiêu sản phẩm".
Minh Huệ
Nhà nông miền Tây "mê" trồng lúa giống chất lượng Với việc triển khai dự án "Sản xuất giống lúa xuất khẩu giai đoan 2011 - 2020" và các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG), Viện Lúa ĐBSCL đã cùng nông dân trong vùng tổ chức sản xuất, cung ứng các giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng...