Trồng thứ mít lạ không hạt trên đồi hoang, ai ngờ kiếm bộn tiền
Trên nền đất đồi bạc màu, cằn cỗi tưởng chừng bỏ đi, anh Nguyễn Văn Út ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly ( huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã tìm cho mình hướng đi riêng bằng loại cây trồng mới chưa từng có ở địa phương, đó là mít không hạt và đã mang lại hiệu quả.
Mít không hạt xuất hiện ở nước ta từ nhiều năm nay, tuy nhiên trên địa bàn huyện Sông Hinh và các địa phương lân cận vẫn chưa có nhiều hộ trồng. Với diện tích khoảng 3ha đất đồi cằn cỗi, anh Nguyễn Văn Út đã thử trồng nhiều loại cây nhưng không mang lại hiệu quả.
Mô hình trồng mít không hạt của anh Nguyễn Văn Út ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh). Ảnh: VĂN THÙY.
Cách đây 5 năm, bằng quyết tâm của mình, anh Út đã lặn lội vào Cần Thơ (nơi sản xuất ra giống mít không hạt) để tìm hiểu và mua giống. Không có nhiều tiền, anh Út đặt mua 180 cây mang về, vừa trồng vừa rút kinh nghiệm. Đến nay, tại vườn của anh đã có khoảng 160 cây ra trái và cho thu hoạch vụ thứ hai.
Riêng vụ năm nay, anh Út thu được hơn 560 trái, trung bình mỗi trái nặng 8kg, giá bán bình quân khoảng 50.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Út cho biết: “Mít không hạt của vườn nhà tôi trồng có hương vị thơm ngon, the ngọt, không nhựa, đặc ruột, ăn được cả xơ lẫn múi. Mít không hạt rất sai trái, ăn rất ngon, tuy nhiên loài mít này có nhược điểm là trái không đẹp, thường mắc eo. Khi mít chín đến đâu thì có người đặt mua đến đó; riêng vụ năm nay, gia đình tôi thu được trên 220 triệu đồng”.
Video đang HOT
Theo anh Út, mít không hạt không tốn nhiều công chăm sóc, chưa xuất hiện sâu bệnh hại, không cần quá nhiều nước tưới. Thực tế từ khi trồng đến nay, anh Út chỉ tưới giai đoạn đầu xuống giống và lúc ra trái non nếu đúng thời điểm nắng hạn.
Nói về kinh nghiệm trồng mít, anh Út khuyến cáo không nên khoan lỗ mà nên đào hố sâu khoảng 70cm sau đó trộn phân chuồng và phân lân cho xuống hố để tạo độ xốp. Khoảng cách trồng cũng không nên quá thưa gây lãng phí đất, tốt nhất là hàng cách hàng và cây cách cây 5m nhằm hạn chế chiều cao của cây khoảng 4-4,5m để dễ dàng cho việc chăm sóc, thu hoạch…
Ông Võ Tấn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ly, cho hay: “Những năm gần đây, nông dân xã Ea Ly đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái như bơ, sầu riêng, cam, quýt, xoài, bưởi… mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Riêng cây mít không hạt, đến nay ở xã Ea Ly mới chỉ có hộ anh Nguyễn Văn Út trồng…”.
Theo ông Bảy, qua 2 vụ, cây mít không hạt đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và có nhiều ưu điểm như khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và đặc biệt là không kén đất như các cây ăn quả khác. Điều này đã chứng minh thực tế tại hộ anh Út, với nền đất pha cát hoang hóa mà mít vẫn sai trái.
Với đặc tính lá dày, khả năng chịu hạn tốt, thích nghi với đất đồi dốc, bạc màu nên cây mít không hạt hơn hẳn một số loại cây trồng khác.
Đến thăm vườn mít của anh Út, ông Phạm Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh rất tâm đắc: Mít không hạt đã mở ra một triển vọng mới cho việc phát triển kinh tế nông hộ, đa dạng hóa cây trồng trên đất bạc màu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sông Hinh là địa phương có nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, đây là một trong những mô hình tốt để Hội Nông dân huyện nhân rộng trong thời gian sắp tới.
Theo Văn Thùy (Báo Phú Yên)
Bình Dương: Trồng giống mít lá bàng, cứ 1 cây cho ra 80-120 trái/năm
Với 1,3 ha mít Thái lá bàng, mỗi năm gia đình anh Bùi Văn Tuân, ngụ ấp Tân Bình, xã An Thái, huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) có doanh thu 400 triệu đồng.
Dễ trồng, năng suất cao
Anh Tuân bắt đầu trồng mít từ năm 2007. Lúc đó, anh quyết định chặt bỏ 1,3 ha điều để chuyển sang trồng mít. Đây là loại cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, rễ cọc ăn sâu, rễ phân bổ rộng và dày nên khả năng chịu hạn rất tốt, hơn nữa có chu kỳ sinh trưởng lâu năm.
Bên cạnh đó, chi phí trồng, chăm sóc loại mít này tương đối thấp, khoảng 60 triệu đồng/ha, với 400 cây. Sau 2 năm rưỡi xuống giống, mít cho trái đầu mùa (trái bói), sau 3 năm đã có thể thu hoạch bán cho khách hàng.
Anh Tuân bên vườn mít của gia đình Ảnh: HOÀI PHƯƠNG.
Cũng trồng mít nhưng có một số hộ dân trồng giống khác trên địa bàn đến nay vườn mít đã cằn cỗi, nhiều cây chết. Còn với giống mít lá bàng, tỷ lệ cây chết chỉ khoảng 20%. Đây còn là loại cây phát triển nhanh, rất sai trái, cây trưởng thành có 80 - 120 trái/cây. Bình thường mỗi trái mít nặng 6 - 12kg, nếu đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật trái có thể nặng 14 - 15kg, thậm chí có trái nặng 25 - 26kg.
Vườn mít của gia đình anh mỗi năm thu hoạch trung bình 80 tấn. Cứ 10 ngày anh thu hoạch một lần; chu kỳ thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng rưỡi. Để bảo đảm sức chịu đựng cho cây, mỗi năm anh để mít ra trái 2 - 3 vụ.
Theo anh Tuân, cây mít lá bàng có nhiều ưu điểm, như ngoài việc ra trái quanh năm, chịu hạn tốt, loại mít này dễ sống, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh; có thể trồng trên các loại đất. Đặc biệt, vào mùa khô loại mít này đạt năng suất 90 - 98 tấn/ha. Múi của loại mít này có vị ngọt đậm, giòn, thơm nên được thị trường ưa chuộng.
Đầu ra ổn định
Tuy nhiên, dù loại mít này ít sâu bệnh nhưng người trồng cũng không nên chủ quan, vì một số bệnh có thể xuất hiện như bệnh thối quả, bệnh ruồi vàng chích hút, cùng nấm hồng. Bệnh nấm hồng hay ruồi vàng người trồng có thể phòng trị được nhưng bệnh thối nhũn quả rất khó chịu. Bệnh này thường xuất hiện vào mùa mưa, khi độ ẩm trong không khí cao.
Anh Tuân chia sẻ, mít càng ngọt thì càng thu hút nhiều loại sâu hại, côn trùng tìm đến. Cho nên, khi mít có trái người trồng phải theo dõi từng cây xem sâu đẻ trứng chỗ nào rồi dùng thuốc sinh học xịt ngay, không để chúng phát triển. Khi xịt phải trộn thêm hỗn hợp chất bám dính để hạn chế sự di chuyển của sâu bệnh. Riêng vườn của gia đình, anh áp dụng quy trình sạch, sử dụng các chế phẩm sinh học không độc hại để phun xịt nên sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về đầu ra cho mít, anh Tuân rất an tâm vì thương lái ký kết thu mua lâu dài. Họ còn ra tận vườn cây tự thu hoạch trái. Có những thời điểm anh không đủ mít để bán. Hiện giá mít anh bán ổn định ở mức 6.000 - 7.000 đồng/kg, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Ngoài 1,3 ha mít lá bàng, anh Tuân cũng vừa xuống giống thêm 2 ha nữa. Tuy vậy, theo anh, bất cứ sản phẩm nào cũng có giới hạn của nó. Nếu người dân ồ ạt chạy theo nhu cầu trước mắt để trồng mít lá bàng thì sẽ đến lúc trái ế ẩm, như mít Thái, mít nghệ đã từng xảy ra. Điều quan trọng nhất vẫn đầu ra cho sản phẩm, nhất là cung phải hài hòa với cầu.
Ông Trần Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thái, cho biết anh Bùi Văn Tuân là một trong những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài sản xuất, kinh doanh trên diện tích đất của gia đình, anh còn thu mua mủ cao su tiểu điền trên địa bàn. Anh đã giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động, với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Theo Hoài Phương (Báo Bình Dương)
Những thước đất sâu nặng nghĩa tình Giữa lúc giá đất thị trường tăng cao, không ít trường hợp khởi kiện ra tòa chỉ vì tranh nhau tấc đất đánh mất tình làng nghĩa xóm, anh em... thì hai gia đình nông dân ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh (Phú Yên) tình nguyện hiến tặng gần 25.000m2 đất để chính quyền địa phương xây dựng...