Trồng thứ cây lạ trên đất quýt hồng, lãi 1,2 tỷ đồng mỗi năm
Sinh ra và lớn lên, gắn bó với nghề trồng quýt hồng đặc sản, nhưng hiện chị chị Nguyễn Thu Thủy, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp lại được nhiều người biết tới là tỷ phú trồng chùm ngây Ấn Độ. Từ chùm ngây, chị Thủy nghiên cứu làm ra nhiều sản phẩm như trà chùm ngây túi lọc, rượu chùm ngây .
17 năm chuyên canh quýt hồng trên 4 công đất nhà và cũng từng ấy thời gian chị Nguyễn Thu Thủy đã làm nghề mua bán trái cây vẫn cứ đau đáu nỗi trăn trở khi chính mình và nhiều nhà nhà vườn vẫn thường xuyên sử dụng phân bón hóa học. Việc này làm cây trái có năng suất cao nhưng nguy hại cũng không kém.
Năm 2010, chị Thủy chuyển sang trồng cam, quýt sạch trên 17.000m2 tại xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Năm 2014, trong một dịp rất tình cờ chị gặp một Tiến sỹ nông học người Hàn Quốc hiện đang công tại tại Malaysia. Tiến sỹ này đã đề xuất, gợi ý với chị Thủy là nên trồng cây chùm ngây thuần chủng có xuất xứ từ Ấn Độ và làm ra các sản phẩm tăng cường sức khỏe từ cây chùm ngây.
Vườn chùm ngây trồng theo hướng hữu cơ của gia đình chị Thủy,
Chị Thủy kể lại: “Trước giờ mình quen trồng cam, quýt đâu biết nhiều về loại cây rất lạ này. Nghe ổng nói, tôi đã tìm hiểu về cây chùm ngây trên nhiều trang mạng xã hội, trên các tư liệu và còn đến tỉnh An Giang-nơi trước đây có nhiều người đã từng trồng chùm ngây để thăm quan, học hỏi. Sau khi thấy đủ kiến thức và niềm tin về loại cây lạ này, tôi quyết định bén duyên với chúng…”.
Có một câu chuyện khiến chị Thủy theo đuổi với loại cây chùm ngây là khi người bạn đời bị tai biến mạch máu não rồi chuyển sang nhủn não, từ khi sử dụng hạt chùm ngây từ Ấn Độ gởi về điều trị theo phác đồ khá nghiêm ngặt thì sức khỏe của chồng chị tiến triển rất nhanh chóng. Đến thời điểm này, anh Huỳnh Văn Xuân, chồng chị Thủy đã đi lại bình thường, kể cả điều khiển xe máy và lao động giúp chị.
Theo lời kể của chị thì chùm ngây có khá nhiều nơi cung cấp giống khác nhau, nhiều nhất có nguồn gốc từ Trung Quốc (chủ yếu có mặt ở các tỉnh phía Bắc, một số tỉnh có núi đồi, trong đó có tỉnh An Giang, Kiên Giang). Tuy nhiên những giống nầy rất khó phát triển ở vùng đồng bằng. Cạnh đó, đa phần người trồng dùng phân hóa học để bón cho chùm ngây nên sản phẩm chưa có độ an toàn cao.
Chị Nguyễn Thu Thủy phấn khởi và tự tin với hướng khởi nghiệp của mình bên cây chùm ngây.
Chị Thủy chọn mua hạt chùm ngây có xuất xứ từ Ấn Độ về trồng trên toàn bộ diện tích của mình với cách chăm sóc rất đặc biệt. Riêng nguồn phân hữu cơ để bón cho 7.000 cây chùm ngây gồm trùn quế, phân gà, bò, vịt, heo, dơi… được chị pha chế thành dung dịch loãng với công thức riêng để bón cho chùm ngây.
Chị Thủy chia sẻ, trồng chùm ngây khoảng cách mỗi cây là 1 mét. Sau khoảng 18 tháng trồng là có thể thu hoạch lá non để chế biến trà chùm ngây. Điều rất đặc biệt là thời gian thu hoạch lá chỉ từ 7 đến 9 giờ sáng là thời điểm sương còn đọng trên lá chùm ngây là tốt nhất.
Lá hái chùm ngây xong phải chuyển ngay vào kho lạnh mà không phải rửa sạch bằng nước. Ban đầu chị chỉ phơi sấy lá chùm ngây bằng phương pháp thủ công, sau đó đã chuyển sang sấy bằng máy móc công nghiệp để có được sản phẩm lá chùm ngây sấy khô; trà chùm ngây túi lọc đảm bảo.
Video đang HOT
Theo chị Thủy, khi cây chùm ngây có độ tuổi từ 2 đến 3 năm thì bắt đầu cho trái, mỗi trái có độ dài khoảng 40 đến 50 cm, trong đó có từ 18 đến 22 hạt. Riêng củ cây chùm ngây sau 4 đến 5 năm là thu hoạch được; củ có dáng khá đẹp như cây sâm Hàn Quốc được chị thái mỏng hay ngâm rượu để bán cho người dùng.
Sản phẩm trà chùm ngây túi lọc của gia đình chị Thủy được địa phương chọn là 1 trong các sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.
Sản phẩm trà, lá, hạt, rượu, củ chùm ngây của cơ sở sản xuất Xuân Thủy đã được ngành y tế tỉnh Đồng Tháp kiểm định chất lượng và cấp giấy phép lưu hành. Tiếng lành đồn xa, các sản phẩm từ chùm ngây có tác dụng hỗ trợ điều trị các loại bệnh như huyết áp, tiểu đường, hồi phục thần kinh, hỗ trợ sức khỏe, tăng cường sinh lực… đã được nhiều người đón nhận.
Hiện nay cơ sở của chị Thủy có trên 20 công nhân làm việc thường xuyên với mức lương từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Thị trường tiêu thụ hiện nay của các sản phẩm chùm ngây Xuân Thủy là Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, TPHCM… và tại các siêu thị.
Với giá bán hiện nay là 350.000 đồng/kg rễ chùm ngây; 2.000 đồng/hạt chùm ngây; 3.000 đồng/túi lọc trà chùm ngây; 300.000 đến 500.000/chai rượu chùm ngây ( tùy thể tích), mỗi năm chị Thủy có nguồn lãi từ 1 đến 1,2 tỷ đồng sau khi trừ hết chi phí đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thắng, phó chủ tịch UBND xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết: ” Đây là loại cây mới, hiệu quả tại địa phương, Chúng tôi đã chọn chùm ngây của chị Thủy để làm sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của xã theo hướng chỉ đạo của tỉnh ” Mỗi xã, phường một sản phẩm-OCOP”.
Theo Danviet
Làm giàu khác người: Chồng nhũn não, vợ "bén duyên" với chùm ngây
Sự hồi phục của chồng sau tai biến nhũn não nhờ cây chùm ngây là khởi nguồn để chị Nguyễn Thu Thủy (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) học hỏi cách chế biến các sản phẩm từ chùm ngây và đem đến những sản phẩm tốt nhất ra thị trường.
Hôm chúng tôi đến nhà, chị Thu Thủy đi giao hàng, chồng chị- anh Huỳnh Văn Xuân- niềm nở pha trà đón khách. Anh châm bình trà chùm ngây mời khách và kể chuyện mình bị tai biến nhũn não vào năm 2012, phải nằm viện gần 5 tháng trời.
"Khi xuất viện về thì tôi còn liệt nửa bên người. Năm 2014, tôi đi lại còn khó khăn phải có sợi dây để cân bằng"- anh Xuân nói thêm- "may nhờ người bạn của vợ chồng tôi cho cây chùm ngây về uống trong 10 ngày thấy cơ thể khỏe hơn, bà xã thấy hiệu quả quá mới mua hạt giống trồng tại vườn nhà".
Hiện 17 công vườn nhà chị Thủy có hơn 6.500 gốc cây chùm ngây trồng xen gốc cam, quýt, bưởi có thể cho thu hoạch mỗi ngày.
Chính mình trải nghiệm từ cây chùm ngây
Chị Thủy vừa về tới nhà đã cười thật tươi, pha thêm nước cam mời khách. Chị chia sẻ: "Ban đầu, tôi cũng không dám tin là chùm ngây lại công hiệu với chồng tôi như vậy.
Sau thời gian sử dụng, thấy chùm ngây có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh cho chồng, tôi nảy ra ý tưởng: "Tại sao mình không làm ra một loại trà chùm ngây sạch, không hóa chất để phục vụ nhiều người có nhu cầu sử dụng?"
Nghĩ là làm, chị bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật canh tác loại cây này và đầu tư hơn 10 triệu đồng để mua hạt giống từ Ấn Độ về trồng tại vườn nhà.
"Chùm ngây ở Việt Nam cũng có- tại sao chị lại mua giống tận Ấn Độ?" Nghe chúng tôi hỏi, chị Thủy cười: "Nhiều người cũng thắc mắc, hỏi chị vậy đó.
Chùm ngây là loài cây có nguồn gốc từ Ấn Độ và hạt giống chùm ngây F1 sẽ tốt hơn bởi khi lấy giống từ hạt cây chùm ngây, người Ấn Độ chỉ lấy ở những cây đủ độ tuổi và chỉ lấy những hạt đầu tiên từ trên cuống xuống chớ không lấy hết và trồng cây giống này thì cây rất xanh tốt và không bị sâu ăn hay bám bụi".
Chị nhớ lại: "2kg hột chùm ngây đầu tiên được chuyển từ Ấn Độ về đã "úng không lên nổi một cây". Chị buồn nhưng không bỏ cuộc, tiếp tục mua thêm 2kg nữa.
Đồng thời, chị nhờ tư vấn và nghiên cứu kỹ cách gieo trồng loại cây này. Kết quả lần thứ 2, 40% hạt giống nảy mầm... Đến nay, vườn chùm ngây 17.000m2 với khoảng 6.500 cây xanh um, tươi tốt".
Khởi nghiệp trà chùm ngây
Chùm ngây có tên khoa học là Moringa oleifera hoặc tên khác là Thần Diệu, được người Hy Lạp, Ấn Độ, Ý sử dụng hàng trăm năm nay, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho cơ thể.
Loại cây này có xuất xứ vùng Nam Á và xuất hiện ở Việt Nam khá lâu, được người dân sử dụng để nấu canh trong các bữa ăn hàng ngày. Chùm ngây là loại cây có giá trị dinh dưỡng cao tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Không những thế, cây chùm ngây còn có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh như huyết áp, tiểu đường,... bởi trong chùm ngây có chứa hơn 92 khoáng chất, dưỡng chất.
Với đặc điểm sinh trưởng ngắn ngày, trồng khoảng 6 tháng thì cây chùm ngây có thể thu hoạch được nên hiện 17 công vườn nhà chị có hơn 6.500 gốc cây chùm ngây trồng xen gốc cam, quýt, bưởi có thể cho thu hoạch mỗi ngày.
Điều làm nên thành công của chị Thủy khi đưa cây chùm ngây ra thị trường là cái duyên được giúp đỡ của các kỹ sư trồng trọt và các chuyên gia về chế biến.
Những tháng sau đó, chị Thủy bắt đầu sản xuất trà chùm ngây bằng phương pháp phơi sấy thông thường. Song, khâu bảo quản rất vất vả vì lá cây dễ bị mốc.
Các sản phẩm từ cây chùm ngây của Cơ sở Xuân Thủy.
Chọn hướng đi lâu dài, chị Thủy học cách chế biến theo hướng đầu tư phòng sấy lạnh bằng sấy bóng đèn, sấy quạt (tách nước khỏi lá cành chùm ngây tạo khô tự nhiên vì vậy sản phẩm vẫn giữ được các chất dinh dưỡng thiết yếu).
Từ việc thay đổi cách thức sản xuất này, những sản phẩm đầu tiên như trà chùm ngây lá cành, trà chùm ngây túi lọc, bột chùm ngây rồi hạt chùm ngây, củ cây chùm ngây ngâm rượu... lần lượt ra đời.
Chị cho rằng: "Công dụng của cây chùm ngây hiệu quả quá, giúp hỗ trợ điều trị bệnh cho nhiều người dùng nên dù bỏ ra bạc tỷ lượm bạc cắc chị cũng thấy vui. Rồi người bệnh nào khó khăn quá, chị sẵn sàng tặng họ sản phẩm để hỗ trợ trong điều trị bệnh".
Phát triển từ giữa năm 2017, hiện sản phẩm "Trà chùm ngây Thiên Phước" của Cơ sở Xuân Thủy tuy đi vào ổn định sản xuất nhưng khâu tiếp cận thị trường còn khá yếu, chủ yếu qua truyền miệng.
Song, qua bạn bè giới thiệu, sản phẩm trà chùm ngây Thiên Phước giờ có nhiều khách hàng ở TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long,... tin dùng.
Đặc biệt, thông qua các chương trình hội chợ khởi nghiệp do tỉnh tổ chức, sản phẩm từ chùm ngây của chị được nhiều người biết và dùng nhiều hơn. Sắp tới, chị sẽ hoàn chỉnh các bao bì, nhãn mác phù hợp với thị trường để đưa sản phẩm vào Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh.
"Sản phẩm của mình dù đã có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng để người tiêu dùng tin tưởng thì hệ thống siêu thị là kênh hiệu quả và an toàn nhất hiện nay" - chị Thủy chia sẻ.
Các nghiên cứu cho thấy loại cây thân gỗ này có giá trị dinh dưỡng cao, là loại rau sạch, bởi lá cây không có độc tố và không nhiễm thuốc trừ sâu. Ngoài được dùng để chế biến các món ăn, nhiều bộ phận của cây có thể ứng dụng làm thuốc. Lá chứa rất nhiều sinh tố và khoáng chất: vitamin C nhiều hơn trái cam 7 lần; canxi nhiều hơn 4 lần và protein gấp 2 lần so với sữa; vitamin A gấp 4 lần so với cà rốt; kali gấp 3 lần chuối... Các bộ phận của cây như lá, rễ củ, hạt đều có thể hỗ trợ chữa trị nhiều bệnh.
Theo Quyên Huyền (Báo Vĩnh Long)
Vườn mãng cầu na hoàng hậu cho trái "siêu khổng lồ" ở miền Tây Ông Nguyễn Văn Năm (65 tuổi) ở ấp Phú Hưng, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành chuyển đổi cây trồng thành công với giống mãng cầu dai cho trái "khổng lồ" (hay còn gọi là na hoàng hậu). Với những điểm nổi bật trái to, thịt dai, ít hạt tạo nên sức hút với thị trường, hiện nay thương lái tìm đến tận...