Trồng tầm vông, cây dại, Long “khùng” kiếm hơn 200 triệu đâu khó
Với 1,5ha trồng tre tầm vông, 500m2 trồng cây kiểng bonsai, 500m2 mặt bằng đúc chậu trồng cây kiểng, anh nông dân Nguyễn Viết Long ở ấp Phước Hữu, xã Long Phước, Thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.
Trồng tầm vông chỉ việc “đếm cây tính tiền”
Canh tác 1,6ha đất nông nghiệp, trước đây anh Nguyễn Viết Long đã trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, lạc, mì… Sau đó lại trồng nhiều loại cây ăn quả như: mãng cầu, chuối, đu đủ rồi đến tiêu, điều nhưng đều không có hiệu quả kinh tế vì đất canh tác của anh là loại đất cát pha sét có lẫn đá sỏi và độ dốc cao. Bón bao nhiêu phân cho đất đều theo nước chảy đi hết nên dần dần thành đất bạc màu, khô cằn.
Hiện anh Long có 1,5ha trồng tầm vông.
Nhận thấy không thể trồng các loại cây như trước đây, anh Long đã tìm tòi, nghiên cứu để tìm giống cây trồng thích hợp. Một lần đi đến Thị trấn Phước Hải thăm người bà con, anh thấy người dân nơi đây trồng và sử dụng rất nhiều cây tre (nhất là tre tầm vông) trong việc phơi thủy sản và làm nhà trại, lều quán…
Năm 2010, trong lúc mọi người đang cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả thì anh lại phá bỏ cây ăn quả để trồng tầm vông. Anh sử dụng tầm vông giống có sẵn trong đất nhà và mua lại của một số hộ dân xung quanh phá bỏ tầm vông để trồng cây ăn quả.
Lúc mới bắt đầu trồng tầm vông, ai thấy cũng bảo anh Long bị khùng vì người ta đang phá bỏ mà anh lại đem trồng. Không nản chí anh vẫn tiếp tục nhân giống và trồng hết 1,5ha đất.
Sau 3 năm chăm sóc tầm vông đã đâm măng và lớn thành khóm. Mỗi khóm tầm vông có từ 10 – 15 cây nhưng anh Long vẫn chưa thu hoạch mà tiếp tục chăm sóc. Đến cuối năm 2017, mỗi khóm tầm vông đã có 30 – 40 cây.
Trồng tầm vông, anh Long không phải lo đầu ra. Thương lái đến tận nơi hỏi mua với giá 40.000 đồng/cây, anh Long chỉ việc đếm cây tính tiền.
“Đầu năm 2018, tôi bắt đầu thu hoạch tầm vông. Với 250 khóm tầm vông, mỗi khóm cho khai thác trung bình 12 cây, mỗi cây thương lái mua với giá 40.000 đồng, tôi thu về 120 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí dọn thực bì và phân vi sinh hết 10 triệu đồng, còn lợi nhuận 110 triệu đồng”.
Anh Long phấn khởi nói: “Trồng tầm vông rất nhàn, chỉ tốn công chăm sóc lúc ban đầu. Giống tầm vông không kén đất và chịu hạn rất tốt, chi phí phân bón cũng rất ít. Đến mùa nắng thì dọn thực bì để phòng tránh cháy, đầu mùa mưa thì bón phân vi sinh để kích thích đâm măng. Còn việc bán tầm vông thì không cần phải lo. Từ đầu tháng 9 đến tháng 10, thương lái tìm đến tận nơi hỏi mua và đặt tiền cọc; đến tháng 11 tháng 12 thì bắt đầu khai thác. Mình chỉ việc đếm cây tính tiền còn việc khai thác là do thương lái đảm nhiệm”.
Biến cây hoang dại thành kiểng bonsai
Video đang HOT
Với đôi bàn tay khéo léo và chịu khó học tập kỹ thuật từ những lớp tập huấn trồng cây cảnh do Hội ND xã tổ chức, anh đã trồng và tạo dáng thành công nhiều chậu bonsai đẹp.
Không chỉ trồng tầm vông giỏi, với đôi bàn tay khéo léo của mình anh Long còn có biệt tài “biến” nhiều loài cây hoang dại thành cây kiểng có giá tiền triệu. Năm 2014, sau chuyến tham quan các mô hình trồng bonsai cho Hội ND xã tổ chức, trở về nhà thấy nhiều loại cây mọc hoang dã như: sanh, si, đa sộp, hoa giấy, cần thăng, mai rừng, lộc vừng… mọc theo lề đường, triền suối, bờ rào; anh Long đã đào lấy gốc mang về trồng trong vườn nhà và chăm sóc.
Khi những loài cây dại anh nhặt về trồng bén rễ, anh Long cho vào trồng trong chậu để tạo dáng. Đến nay, anh Long có gần một trăm chậu bonsai đã tạo dáng. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, anh đã xuất bán 20 chậu bonsai, thu về được 40 triệu đồng.
Trong quá trình trồng kiểng bonsai, nhận thấy chậu kiểng mua ngoài thị trường chất lượng không cao, sớm bị hư hỏng, không đủ thời gian để chăm sóc và tạo dáng cây kiểng, anh Long đã mày mò tìm hiểu kỹ thuật đúc chậu. Sau 1 năm học hỏi anh đã đúc được chậu kiểng bằng ximăng cốt thép để phục vụ cho việc trồng kiểng bonsai của mình.
Với công việc đúc chậu kiểng, anh Long đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.
Do chậu kiểng của anh sản xuất bền chắc, mẫu mã đẹp nên nhiều người trồng cây cảnh tìm đế đặt hàng. Với công việc đúc chậu kiểng anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động đúc chậu với thu nhập mỗi người 420.000 đồng/người/ngày và 3 lao động phổ thông với thu nhập 300.000 đồng/người/ngày. Năm 2018, anh đã sản xuất và cung cấp cho người trồng cây cảnh 1.500 chậu các loại, trừ hết chi phí đầu tư còn thu lãi thêm 60 triệu đồng.
Chia sẻ thêm kỹ thuật trồng tầm vông, anh Long cho biết, lúc đầu tầm vông giống được anh giâm vào bầu đất để trong bóng râm và tưới nước. Sau 30 ngày thì tầm vông bắt đầu đâm chồi. Sau đâm chồi 15 ngày thì có thể mang ra trồng.
“Tre tầm vông rất dễ sống. Người trồng nên nhân giống vào khoảng tháng 2, tháng 03 âm lịch và trồng vào đầu mùa mưa thì tỷ lệ sống khoảng 90%. Khi giâm gốc tre phải sử dụng rể lục bình hoặc sơ dừa trộn với đất làm giá thể. Khi trồng thì đào hố 40cm x 40cm, sâu 50cm, nếu có phân chuồng hoặc lá cây, cỏ, rơm mục bỏ vào hố thì càng tốt. Về khoảng cách trồng nên để cây cách cây 2m, hàng cách hàng 3m” – anh Long thông tin.
Theo Danviet
Làm giàu ở nông thôn: Đổi đời nhờ loài cây ra quả đỏ thơm lừng
Thất bại nhưng không nản chí, năm 2007 ông lại dẫn một đoàn dân bản gồm 12 người đi xe máy theo đúng lộ trình năm trước để tiếp tục hành trình gian khổ hơn 200km lấy giống thảo quả về. Lần này ông cẩn thận tìm những vạt đất ẩm ướt ven suối để gieo hạt rồi lại phủ lá khô lên giữ ẩm cho vườn ươm. Kết quả là hạt mọc được 70%. Ông là Giàng A Chu, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Đối với người dân tộc Mông ở Hang Chú - xã xa xôi, khó khăn nhất của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La thì cái nghèo, cái đói cứ quẩn quanh như mây khói không bao giờ tan.
Trước đây, họ chỉ gửi ước ao giàu có qua những bức ảnh ghép đầu của mình với quần áo, nhà cửa, xe cộ của người dưới xuôi. Có một già làng đã thay đổi dần điều ấy khi cái giàu đang thực sự lan rộng ở bản...
Đi tìm con đường thoát giàu ảo
Ông là Giàng A Chu - nguyên Chủ tịch xã, giờ là một già làng ở Pa Cư Sáng A. Năm 1972 khi đã 15 tuổi ông được cử đi học ở Trường đào tạo cán bộ dân tộc Mèo (Mông) ở huyện Thuận Châu, hồi ấy vẫn thuộc khu tự trị Tây Bắc. 18 tuổi ông về nhà lấy vợ rồi nhờ có chữ mà được cử làm Chủ tịch xã.
Làm Chủ tịch xã vùng cao hồi ấy rất khổ bởi mỗi lần họp phải đi bộ 2 ngày liền qua con đường độc đạo nhỏ như một sợi chỉ chạy vắt qua bao núi cao, đèo sâu, bao vực thẳm điệp trùng mới ra được đến thị trấn huyện, nơi bước chân của người Mông bước trên đất bằng mà cảm giác vẫn chênh vênh như bước trên đá núi.
Ông Chu (ngoài cùng bên trái) vận động dân bản theo nếp sống văn minh
Quê ông bốn phía đều chạm núi, ngửa mặt lên là chạm mây, 100% dân thuộc diện hộ nghèo, cái đói cứ bủa vây bản trên, bản dưới như một lời nguyền truyền kiếp. Tiếng là Chủ tịch xã nhưng ông cũng nghèo như ai, vừa công tác xã hội vừa phải đi cày để nuôi đại gia đình đông tới 11 nhân khẩu.
Mấy năm về trước, có cánh thợ ảnh ngoài thị trấn vào tận bản chào hàng dịch vụ chụp ghép đầu người Mông với quần áo, nhà cửa, xe cộ đẹp đẽ của người dưới xuôi. Mỗi tấm ảnh bé con con 20x30cm giá 150.000 đồng.
Vì nghèo khổ quá nên ai cũng muốn có một bức ảnh ghép đầu của mình với nhà cao cửa rộng, xe cộ, quần áo đẹp của người khác để ngắm cho quên đi cái nghèo, cái khổ trước mắt.
Ghép đầu của người Mông vào quần áo, nhà cửa, xe cộ đẹp đẽ của người dưới xuôi, cánh thợ ảnh ngoài thị trấn đã thu bộn tiền khi đánh đúng tâm lý của đồng bào là thích giàu ảo, giàu trong tưởng tượng để quên đi cái nghèo khổ, khó khăn trong thực tại.
Năm 2005 một lần Bí thư Tỉnh ủy Sơn La lúc đó là Thào Xuân Sùng lên chúc Tết ở bản, ông nhận định nơi này có thể trồng thảo quả được, sau này sẽ tìm cách để cho dân bản giống. Chờ đã lâu mà chưa thấy dự án về, nghe người ta nói bên huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai người Mông đã biết cách trồng thảo quả làm giàu nên năm 2006 ông Chu đã quyết chí đi một phen xem sao.
Bắt đầu từ 5h sáng, với hành trình đưa xe máy lên thuyền vượt sông Đà ngược theo hướng thành phố Sơn La rồi đi qua huyện Quỳnh Nhai vắt sang huyện Than Uyên cuối cùng hơn 6h chiều ông cũng đến được huyện Văn Bàn sau khi vượt hơn 200km đường núi và một lần thủng xăm phải dắt bộ hàng cây số mới tới được chỗ vá.
Ông Chu bên rừng thảo quả
Đói khát, mệt lả nhưng khi nhìn thấy nương thảo quả với từng chùm, từng chùm lúc lỉu, đỏ mọng dưới gốc ông mừng muốn khóc. Ông quỳ xuống bốc một nắm đất xem đất nơi này có giống đất ở quê mình không rồi lại leo lên núi xem độ cao có giống ở quê mình không, con suối, con khe, cái cây, cái cối có giống ở quê mình không: "Từ cây trẻ đến cây già đều giống với cây ở rừng núi Hang Chú quê mình nên tôi tin là cây thảo quả cũng phù hợp khi trồng tại bản mình".
Vậy là vét nốt số tiền trong túi có được ông mua 15kg giống thảo quả về chia cho dân bản 10kg còn mình ươm 5kg, nuôi mộng làm giàu. Dù đã cuốc đất, làm cỏ rất kỹ trước khi gieo nhưng do thiếu kinh nghiệm, ươm ở đúng chỗ khô quá nên chỉ có khoảng 20% hạt chịu nẩy mầm.
Thất bại nhưng không nản chí, năm 2007 ông lại dẫn một đoàn dân bản gồm 12 người đi xe máy theo đúng lộ trình năm trước để tiếp tục hành trình gian khổ hơn 200km lấy giống thảo quả về. Lần này ông cẩn thận tìm những vạt đất ẩm ướt ven suối để gieo hạt rồi lại phủ lá khô lên giữ ẩm cho vườn ươm. Kết quả là hạt mọc được 70%.
Mày cứ trồng trước, được tiền tao mới theo
Khi ông đi vận động dân rằng: "Bản mình nương ngô không có, ruộng cũng ít nên không ra tiền nhưng đất rừng còn nhiều, các dòng họ theo tôi đi trồng thảo quả sẽ giàu" thì nhiều nhà lắc đầu.
Kể cả người em ruột Giàng A Cu cũng bảo: "Để mày trồng lên được, bán được tiền thì nhà tao mới trồng". Chỉ có 30 hộ theo ông thử nghiệm trồng thảo quả. Lúc đầu diện tích thảo quả của ông có 5ha và một vài ha của các nhà khác rồi dần dà cả bản Pa Cư Sáng A với hơn 90 hộ người Mông họ Giàng thuộc các chi họ, thờ các ma khác nhau đều đua nhau trồng cả...Mỗi dịp đi đám ma, đám cưới ở các bản gặp ai ông cũng hỏi: "Có trồng thảo quả chưa? Nếu có đất mà chưa có giống, chưa biết kỹ thuật thì về nhà tôi".
Một vài người tin, theo ông về nhà được mời cơm, đãi rượu, được chỉ bảo tận tình từ kỹ thuật đến cấp luôn giống cho với giá rẻ.
Những chùm thảo quả mới thu hoạch
Trồng thảo quả 1 năm 2 lần phải đi phát cỏ, mất 3 năm tức đúng 6 lần phát cỏ thì cây cho quả và phải sang năm thứ 5, sau 10 lần phát cỏ mới cho quả nhiều. Mùa đông năm 2015 khi cây thảo quả trên rừng đã bắt đầu cho quả bói hứa hẹn có tiền thì ông Chu phải đưa bố đi bệnh viện huyện chữa bệnh, 2 tuần sau mới về đến nhà.
Lúc ấy một đợt băng giá khắc nghiệt đã ập đến, tuyết phủ trắng mái nhà, tuyết vít ngọn cây, cành cây trĩu xuống, gãy răng rắc chẳng khác gì trận cuồng phong. Vội chạy lên rừng xem thảo quả thì thấy cây chết hàng loạt như bị luộc chín. Không có khói mà mắt ông bỗng cay xè, nước mắt chảy ra dàn dụa.
Trong mấy năm trồng thảo quả ông đã phải bán hết cả đàn trâu để lấy vốn mong đổi đời nhưng giờ kết quả lại ra thế này? Nước mắt ông chảy ra ở trên rừng về đến nhà đã vội khô vì phải giấu vợ, giấu con. Muộn phiền khiến cho suốt 3 ngày liền cái tay của ông không buồn cầm bát cơm lên để ăn, cầm chén rượu lên để uống.
Ông Chu đang hỏi thăm một người đi lấy củi
"Ông trời không ủng hộ mình, mất bao công sức chăm sóc mấy năm ròng mà chẳng có thu hoạch gì cả". Ông nghĩ thế bởi đinh ninh rằng đám thảo quả đã chết hết nhưng 2 tháng sau, trong một buổi đi rừng bỗng thấy từ dưới những gốc cây khô nhú lên những cái mầm bụ bẫm như ngón tay của trẻ con. Mừng trong bụng không để cho người khác biết, ông chạy về bản báo tin: "Lên rừng mà xem thảo quả của nhà mình có mọc lại không còn nhà tôi đã mọc lại rồi đấy".
Bán tín bán nghi nhưng mọi người vẫn lên rừng thăm thì quả thật thấy thảo quả đã mọc lại, vụ sau thì lác đác cho thu. Năm 2017 ông hái 2,5 tấn thảo quả bán được hơn 60 triệu đồng, năm 2018 ông hái hơn 7 tấn thảo quả bán được gần 200 triệu đồng. Ở bản ông nhà nào ít cũng thu được 30 triệu, nhà trung bình thu được từ 40 - 50 triệu đồng trở lên. Từ nghèo đói, con đường tiến lên giàu có đang ở ngay trước mắt mọi người - điều trước đây dù cho nằm mơ giữa ban ngày họ cũng không dám nghĩ tới.
"Có thảo quả là có quần áo mới, xe máy, ti vi mới, sửa sang được nhà cửa. Tết này gia đình nào có lợn thì mổ còn không nuôi được vẫn có tiền để mua thịt về ăn, không phải nhịn như trước nữa". Ông Chu vừa cười vừa nói như vậy khi dẫn tôi leo núi lên thăm những vườn thảo quả mọc dưới những cánh rừng lúc nào cũng lờ mờ mây khói của Hang Chú.
Theo Dương Đình Tường (Báo NNVN)
Làm giàu ở nông thôn: Ở nơi này, dân đổi đời nhờ trồng sâm Trồng các loại sâm quý-đó là cách làm giàu ở nông thôn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Tu Mơ Rông là "thủ phủ" của dược liệu. Nơi đây nổi tiếng với nhiều loại dược liệu quý như sâm dây, sâm Ngọc Linh...Sống trên "đất thuốc, đất sâm", người dân Tu Mơ Rông đang tận dụng lợi thế đó để thoát nghèo,...