Trồng sâm Ngọc Linh theo công nghệ mới hoàn toàn khả thi
Áp dụng khoa học công nghệ vào trồng sâm Ngọc Linh dưới mái che ở Lâm Đồng bước đầu đã đem lại kết quả tốt – cây cho năng suất và chất lượng cao.
Ngày 16/8, tại thành phố Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hiệp hội Sâm Hàn Quốc và Công ty cổ phần Sâm Việt tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển Sâm Việt Nam.
Thông tin hội thảo cho thấy, sâm Ngọc Linh Việt Nam vốn chỉ có thể trồng dưới tán rừng Ngọc Linh, nay có thể trồng theo công nghệ cao trong vườn có mái che nhân tạo cho năng suất và chất lượng cao, với giá hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Các cây sâm Ngọc Linh được gieo bằng hạt được trồng tại Lâm Đồng.
Việc thử nghiệm trồng Sâm Ngọc Linh bằng hạt trên đất bằng với mái che nhân tạo tại tỉnh Lâm Đồng trong 5 năm qua (2014-2019) cho thấy, trồng sâm Việt Nam theo công nghệ mới hoàn toàn khả thi.
Cây sâm trồng từ hạt có tỷ lệ nảy mầm, ra hoa, kết quả, năng suất cao. Đặc biệt, cây sâm trồng tại Lâm Đồng có rễ và thân rễ phát triển tốt, có hàm lượng saponin vượt yêu cầu của Dược Điển Việt Nam. Hạt thu hái từ cây sâm 3 tuổi trở lên khi gieo trở lại có tỷ lệ nảy mầm hơn 80% và cho cây sâm phát triển tốt.
Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức-Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Tôn Đức Thắng – một trong những nhà khoa học trực tiếp trồng Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Lâm Đồng cho biết, kết quả trồng cây sâm tại tỉnh Lâm Đồng theo công nghệ mới có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của sâm Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên cây sâm được trồng đại trà trên cánh đồng phẳng với mái che nhân tạo. Cũng là lần đầu tiên cây sâm được di thực thành công đến Lâm Đồng là nơi có độ cao thấp hơn, khí hậu có nhiệt độ trung bình cao hơn và cách xa vùng sâm bản địa Ngọc Linh.
Video đang HOT
“Sự thành công trồng sâm ở Lâm Đồng mở ra triển vọng ở nhiều địa phương cho đất nước ta. Từ Lâm Đồng trở lên với độ cao và nhiệt độ như vậy thì đều có thể trồng sâm. Đặc biệt Lâm Đồng nếu tận dụng được cơ hội này phát triển trồng sâm theo công nghệ mới thì sản lượng sẽ tăng lên rất nhanh. Và triển vọng Lâm Đồng sẽ trở thành một trung tâm sâm Việt Nam trong tương lai” – Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức nói.
Các đại biểu tham gia Hội thảo quốc tế về phát triển Sâm Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm S-Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc cây sâm Ngọc Linh phát triển tốt tại Lâm Đồng không chỉ xác lập kỷ lục mới về sự phân bố trồng trọt xa nhất về phía Nam của cây sâm mà còn giúp tạo ra nguồn sâm có giá trị với năng suất và chất lượng cao. Từ đó, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội, du lịch và bảo vệ moi trường của tỉnh Lâm Đồng.
“Qua kết quả nghiên cứu sâm Việt nam cho thấy, cây sâm sinh trưởng rất nhanh. Đồng thời các hàm lượng saponin tổng thể không kém so với vùng nguyên sản. Do đó trong thời gian tới, tỉnh sẽ giao cho Sở Khoa học-Công nghệ cùng các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu và chuẩn hóa quy trình canh tác theo hướng công nghệ cao. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp cận quy trình để từng bước chuyển giao phát triển sản xuất quy mô lớn trong thời gian tới tại tỉnh Lâm Đồng” – Tiến sĩ Phạm S cho biết
Với những kết quả đạt được trong việc di thực cây sâm Ngọc Linh về trồng thành công tại tỉnh Lâm Đồng, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tin tưởng, cây sâm sẽ sớm trở thành một trong những cây phát triển kinh tế chủ lực của tỉnh Lâm Đồng. Từ đó nhân dân sẽ có cơ hội được sử dụng các sản phẩm từ sâm với giá hợp lý để chăm sóc sức khỏe và sâm Việt Nam sẽ sớm trở thành mặt hàng xuất khẩu.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã hình thành nhiều nhiệm vụ cả khoa học nghiên cứu và khuyến nông để hỗ trợ địa phương, các doanh nghiệp trong vấn đề phát triển cây dược liệu nói chung và cây sâm nói riêng.
“Tôi tin rằng là với kết quả ban đầu rất khả quan cùng cách làm bài bản và sự tâm huyết của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, đặc biệt sự giúp đỡ và ủng hộ của các chuyên gia, các tổ chức Hàn Quốc với quyết tâm của tỉnh Lâm Đồng, tôi tin rằng là từ tiếp cận ý tưởng công nghệ cao trong phát triển sâm Việt sẽ trở thành hiện thực và có kết quả tốt” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ tin tưởng.
Theo VOV
Giàu nhất vùng, tỷ phú Cadong trồng 10ha sâm Ngọc Linh trên rừng
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2 Nguyễn Văn Lượng đã mạnh dạn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Cũng nhờ trồng sâm Ngọc Linh mà gia đình anh Lượng từng bước thoát nghèo và vươn lên trở thành một trong những nông dân tỷ phú của xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).
Hiện anh Lượng có 10ha sâm Ngọc Linh trồng trong rừng sâu.
Từ cậu bé mồ côi trở thành tỷ phú
Vừa qua, đoàn công tác của Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam đã có chuyến đi kiểm tra thực tế các hộ vay vốn trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My - vùng đất trồng sâm quý nổi tiếng. Điều đặc biệt ấn tượng đối với chúng tôi là người Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn được mệnh danh là tỷ phú giữa đại ngàn Ngọc Linh, ông là Nguyễn Văn Lượng, người dân tộc Cadong.
Ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) có nhiều hộ nông dân vay vốn Ngân hàng CSXH trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: Hùng Lam
Ông Lượng sinh ra và lớn lên trên đỉnh núi Ngọc Linh quanh năm sương mù bao phủ, gió lạnh, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nên phải tự mình bươn chải, kiếm sống. Năm 15 tuổi ông đã biết đi tìm củ sâm trong rừng về bán và chọn giống sâm để trồng. Lấy ngắn nuôi dài, sau gần 30 năm gắn bó với cây sâm Ngọc Linh, đến nay ông đã có một vườn sâm với diện tích trên 10ha. Hàng năm thu nhập từ bán củ và giống sâm ông đã thu về hàng chục tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn sâm của gia đình, dừng chân tại cây sâm cổ, ông Lượng chia sẻ, cây sâm này đã có người trả mua với giá 250 triệu đồng nhưng ông không bán vì đó là nguồn cây giống tốt nhất, nếu bán hạt giống thì hàng năm sẽ thu về trên 50 triệu đồng. Hiện nay, mỗi năm ông trồng mới khoảng 150.000 cây sâm con. Theo tính toán sau 5 năm nữa mỗi mùa sâm gia đình ông dự kiến thu tới cả trăm tỷ đồng.
Nguyễn Văn Lượng (trái) vui vẻ giới thiệu khu vườn ươm cây giống sâm Ngọc Linh của gia đình ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Nhớ lại chặng đường khởi nghiệp, ông Lượng chia sẻ, năm 2005 ông được Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My cho vay 30 triệu đồng. Đây là khoản tiền rất quý giá với ông lúc đó. Từ số tiền này ông mua thêm giống sâm và thuê nhân công mở rộng vườn sâm của gia đình.
Nhờ cần cù, miệt mài trong lao động cộng với niềm đam mê về phát triển cây sâm, hiện ông đã có vườn sâm có thể nói lớn nhất cả nước. Để chăm sóc, quản lý và phát triển vườn sâm hiện nay, có 36 hộ đồng bào trong thôn tham gia làm công và bảo vệ. Đây là những hộ nghèo của xã được Ngân hàng CSXH cho vay để trồng sâm; ông Lượng trả tiền công và hỗ trợ cây giống.
Tổ trưởng năng động
Sau khi có kinh tế ổn định, ông Lượng vẫn tham gia vay vốn tại Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doạnh tại vùng khó khăn và được bà con tín nhiệm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.
Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông Nguyễn Văn Lượng làm Tổ trưởng có 29 hộ vay, với tổng dư nợ 1,2 tỷ đồng. Các hộ vay trong tổ trả lãi đều hàng tháng và có số dư tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH trên 3 triệu đồng/hộ. Riêng ông Lượng đã có số dư tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH huyện lên đến 2 tỷ đồng. Ông nói, tiền thu từ bán sâm trong thời gian tới sẽ tiếp tục gửi thêm để Ngân hàng CSXH dùng số tiền đó cho những hộ khác có khó khăn hơn để làm ăn.
Trong việc sinh hoạt tổ, ông Lượng thường nhắc nhở bà con phải siêng năng làm ăn để được khấm khá. Nếu có hộ nào không chấp hành ông sẽ giảm trừ số tiền công và giảm số cây sâm được thưởng hàng năm. Chính cách quản lý "rất riêng" này của ông Lượng đã giúp cho nhiều hộ dân vay vốn Ngân hàng CSXH tham gia vào việc trồng và phát triển cây sâm rất hiệu quả. Nhiều tổ viên trong tổ do ông quản lý nay đã thoát hẳn nghèo, vươn lên khá giả nhờ trồng sâm.
Theo Danviet
Lạ Tuyên Quang: Cả làng bỏ việc vào rừng đào củ đắt như vàng 9999 Người dân ở xã Sinh Long và Khâu Tinh (Na Hang, Tuyên Quang) đổ xô vào rừng bới đất lật đá tìm loại củ có giá từ 40 triệu đến 300 triệu đồng/kg. Suốt từ cuối năm ngoái đến nay, người dân hai xã Khâu Tinh và Sinh Long (Na Hang, Tuyên Quang), bỏ cả ruộng nương, đồng áng, kéo hết vào rừng,...