Trồng sâm dây, người Xê Đăng giúp nhau vượt khó, đổi đời
Măng Ri là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) có 100% người dân đều là người dân tộc Xê Đăng.
Vì có độ cao trên 1.200m, một số nơi cao đến gần 2.000m so với mực nước biển, khí hậu mát lạnh quanh năm nên khá thuận lợi cho việc phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là sâm dây và sâm Ngọc Linh…
Giờ đây, về Tu Mơ Rông, đi đâu chúng tôi cũng nghe người dân bàn tán chuyện trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh. Không ít hộ gia đình tại địa phương đã thoát khỏi cảnh nghèo và làm giàu từ sâm. Điển hình như chị Y Hlạng, Y Bắp, A Hình…
Làm giàu từ cây sâm quý
Nói đến chị Y Hlạng, làng Pu Tá xã Măng Ri thì ai cũng biết, bởi chị làm giàu bằng chính cây trồng mang đặc hữu của mảnh đất Tu Mơ Rông – đó là sâm dây. Song song làm rẫy, trồng mì, trồng lúa, Y Hlạng chủ yếu tập trung vào phát triển cây sâm dây.
Chị Y Hlạng cho biết: “Năm 1990 sau khi học xong lớp 9, mình về công tác tại xã Măng Ri làm bên mảng Chi hội Phụ nữ và Phó bí thư chi bộ. Đến năm 1993, làng Pu Tá bị cháy, cuộc sống người dân càng trở nên khó khăn. Sau nhiều lần thuyết phục, dân làng cũng đồng ý theo mình xuống chỗ ở mới…”.
Chị Y Hlạng bên cây sâm dây đang cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Trần Hiền
Sau khi cả làng đồng ý dời xuống chỗ ở mới, chị Y Hlạng cùng dân làng dẫn nước suối từ trên núi chảy theo các con kênh tạo thành những ô ruộng bậc thang để giữ nước, giúp bà con canh tác được hai vụ lúa. Từ cuộc sống săn bắt, hái lượm chỉ một thời gian ngắn sau đó người dân làng Pu Tá đã biết trồng lúa và lên rừng thu hái lá dược liệu làm thuốc.
Thời điểm ấy, những loại sâm quý như: Sâm dây Ngọc Linh, sâm củ Ngọc Linh, ngũ vị tử, hà thủ ô… đã được người dân thu hái sau đó bán về TP.Kon Tum…
Nhận thấy giá trị từ cây sâm dây và không muốn người dân phụ thuộc vào cuộc sống săn bắt hái lượm nên chị Hlạng đã lên rừng đưa loại sâm này về trồng thử nghiệm. Sau khi những vạt sâm dây phát triển tươi tốt chị bắt đầu vận động người dân trong làng “sống chung” với loại sâm này.
Năm 2009 chị Hlạng trồng 1ha cây sâm dây. Đến năm 2012, chị thu được 1,5 tạ sâm tươi. Ở đây, sâm tươi được bán với giá từ 70.000 – 100.000 đồng/kg, còn sâm khô tùy từng thời điểm trung bình từ 350.000 – 500.000 đồng/kg.
Video đang HOT
“Cứ mỗi 1ha trồng sâm dây có thể thu hoạch từ 2,5 – 3 tạ củ sâm tươi. Đất này không trồng cây nào, nuôi con gì bằng trồng cây sâm dây. Trồng sâm cho nhiều tiền phải cao gấp 4 – 5 lần so với trồng lúa, trồng cà phê mà công chăm sóc lại nhàn hơn. Nhận thấy hiệu quả từ sâm dây nên đến thời điểm hiện tại xã 100% người dân đã biết trồng sâm dây với tổng diện tích khoảng 30ha…” – chị Hlạng tiết lộ.
Khi người dân ở xã Măng Ri bắt đầu trồng sâm dây với số lượng lớn thì chị Hlạng lại đứng ra thu mua sâm giúp bà con dân bản. Trong những năm qua, chị Hlạng đã 2 lần vinh dự được Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen bởi thành tích lao động sản xuất và tấm gương hỗ trợ cộng đồng.
Phát huy tiềm năng lớn từ cây dược liệu
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch xã Măng Ri cho biết: “Sau khi nhận thấy tiềm năng của cây dược liệu, chị Y Hlạng thường xuyên tuyên truyền cho phụ nữ xã và giúp dân xây dựng mô hình trồng cây dược liệu, đặc biệt trồng cây sâm dây. Những năm gần đây, khi bà con đã biết trồng và chăm sóc dược liệu, chị đã đứng ra thu mua các sản phẩm nông sản, dược liệu cho bà con, qua đó góp phần phát triển nghề trồng dược liệu quý tại địa phương…”.
Củ sâm tươi thường được bán với giá từ 70.000 – 100.000 đồng/kg. Ảnh: Trần Hiền
Có thể kể tới chị Y Bắp ở thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông), cũng là một tấm gương điển hình vươn lên từ hai bàn tay trắng nhờ trồng cây sâm dây và sâm Ngọc Linh. Điều chúng tôi không ngờ tới là việc chị khởi nghiệp số tiền vay ít ỏi của Hội Nông dân với 3 triệu đồng.
Gia đình chị Y Bắp vốn nghèo, mẹ mất sớm, mới học lớp 6 chị phải nghỉ học để về phụ gia đình làm rẫy. Lập gia đình (năm 1995), hai vợ chồng chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, bởi gia đình chồng cũng nghèo như gia đình chị. Không cam chịu đói nghèo, hai vợ chồng chị lăn lộn suốt ngày lao động cật lực trên nương trên rẫy. Sau 20 năm phát triển, gia đình chị có cả chục héc ta cây công nghiệp gồm cà phê, bời lời.
Vài năm trở lại đây, khi sâm dây có giá, chị bắt đầu đầu tư trồng loại cây này. Chị tận dụng mọi diện tích đất trống để phát triển sâm dây xen trong cây cà phê, bời lời. Tính đến nay, Y Bắp có vài sào sâm dây trồng xen trong ba khu rẫy.
Không chỉ trồng sâm dây, hiện tại chị Y Bắp cũng đã đầu tư trồng cả nghìn cây sâm Ngọc Linh, hiện đang sinh trưởng tốt. Khi sâm Ngọc Linh cho thu hoạch, nguồn thu nhập khủng đầy hứa hẹn đang chờ đón gia đình chị Y Bắp.
Chuyện làm giàu, làm giàu ở nông thôn từ sâm của đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông hiện nay không còn là chuyện lạ. Bởi, đồng bào nơi đây trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây khá nhiều. Hiện tại có đến 80% số hộ dân ở Tu Mơ Rông trồng sâm dây và có hàng trăm hộ đã và đang phát triển sâm Ngọc Linh. Với giá sâm dây và sâm Ngọc Linh (mỗi kg rẻ nhất cũng khoảng 100 triệu đồng) thì trong vài năm tới, đồng bào Xơ Đăng nơi đây sẽ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ sâm.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”
Theo Danviet
Trồng sâm "đại bổ", dân Tu Mơ Rông thoát nghèo
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã tạo mọi điều kiện, giải ngân nguồn vốn kịp thời cho hộ nghèo, đối tượng chính sách, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Ưu tiên vốn vay cho hộ nghèo
Tu Mơ Rông là huyện nghèo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, nhu cầu vốn để đầu tư phát triển sản xuất của các hộ gia đình trên địa bàn là rất lớn. Xác định rõ điều này, trong những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông chủ động phối hợp UBND các xã, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn triển khai các biện pháp đưa chính sách tín dụng ưu đãi xuống cơ sở thông qua hình thức nhận ủy thác vay vốn.
Vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều hộ nghèo ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) thoát nghèo, làm giàu nhờ đầu tư trồng sâm. Ảnh: Phúc Nguyên
Trong đó, Ngân hàng CSXH huyện chú trọng, ưu tiên các nguồn vốn chính sách tín dụng cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và những hộ cận nghèo, ở vùng khó khăn tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tính đến nay, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đạt hơn 173 tỷ đồng, với hơn 6.700 khách hàng còn dư nợ thông qua 137 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, cho vay chương trình hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 100 tỷ đồng. Đa số các hộ vay vốn tập trung đầu tư vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng cây dược liệu trong đó có các loại sâm.
Ông Trương Quang Tri - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông cho biết, trong những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện luôn bám sát chỉ đạo của Ngân hàng CSXH tỉnh, của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tu Mơ Rông tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.
Hàng tháng, qua 11 điểm giao dịch tại xã, chúng tôi cử cán bộ xuống tận xã tổ chức giao dịch, tuyên truyền, cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tiến hành giải ngân, cho vay, thu nợ... Điều đó vừa tiết kiệm chi phí đi lại cho bà con vừa tạo được mối đoàn kết với cơ sở, với người vay...
Phát triển sâm dây tại Tu Mơ Rông. Ảnh: H.N
"Qua việc giao dịch tại xã, chúng tôi cũng tranh thủ tiếp thu ý kiến của chính quyền địa phương cơ sở và nguyện vọng của người dân nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Ngoài ra, chúng tôi kết hợp với các tổ chức nhận ủy thác thường xuyên tiến hành kiểm tra việc sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn của người vay" - ông Trương Quang Tri chia sẻ.
Theo ông Trương Quang Tri, những năm gần đây, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân vay vốn, sử dụng nguồn vốn để phát triển các loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông cũng quan tâm ưu tiên cho các hộ nghèo vay vốn tập trung đầu tư vào phát triển các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương như sâm dây, sâm Ngọc Linh và sâm đương quy...
Nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã góp phần tăng số hộ thoát nghèo trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông qua từng năm, cụ thể năm 2016 có 365 hộ thoát nghèo, năm 2017 có 401 hộ thoát nghèo...
Khá, giàu nhờ trồng sâm
Để hiểu rõ hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách, chúng tôi về xã Ngọc Lây - một trong những xã có số hộ dân vay vốn Ngân hàng CSXH lớn.
Theo chân cán bộ xã, chúng tôi tìm đến gia đình chị Y Blút ở thôn Tu Bung (xã Ngọc Lây) và được chị cho biết, đầu năm 2016, chị vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện. Có vốn, chị đầu tư vào trồng 4 sào sâm dây và 2 sào sâm đương quy. Sau 2 năm, đến nay, ngoài việc trả xong số tiền vay trên, gia đình chị còn có chút tích lũy. Nhờ đó, gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định hơn, đời sống đỡ vất vả, khó khăn hơn xưa.
Gia đình anh A Mốc (thôn Măng Rương 1, xã Ngọc Lây) cũng vay vốn của Ngân hàng CSXH để đầu tư vào sản xuất và đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Trước đây, kinh tế gia đình A Mốc chỉ dựa vào nương rẫy, trồng mì, hiệu quả không cao. Được tổ tiết kiệm của thôn bình xét tín chấp cho vay 50 triệu từ Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông, gia đình A Mốc đã đầu tư vào trồng cà phê đến nay cho thu hoạch. Nguồn vốn còn lại anh mua trồng 2 sào sâm đương quy và sâm dây. Mỗi năm gia đình anh cũng thu về vài chục triệu đồng tiền lãi.
"Năm vừa qua, riêng từ đương quy, gia đình tôi cũng thu được 30 triệu, cộng thêm đó là hơn 1.500 cây cà phê thu được hơn 4 tấn cũng được vài chục triệu. Đó là chưa kể thu từ sâm dây. Nhờ vốn từ Ngân hàng CSXH huyện mà đến nay cuộc sống gia đình tôi đã có nhiều đổi thay, đời sống ổn định và thoát khỏi hộ nghèo" - A Mốc bộc bạch với tôi.
Ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết: Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn xã trên 10 tỷ. Hiện có 2 tổ chức chính trị xã hội của địa phương nhận ủy thác là Hội Nông dân và Hội Phụ nữ, quản lý 11 tổ tiết kiệm và vay với tổng số hộ vay khoảng hơn 350 hộ.
Từ nguồn vốn trên, qua kiểm tra, theo dõi, các hộ dân vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, chủ yếu đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; trong đó chủ yếu người dân đầu tư trồng cà phê, các loại cây dược liệu. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự mang lại hiệu quả, giúp người dân có tiền đầu tư vào mua giống cây trồng phát triển sản xuất và qua đó góp phần nâng cao thu nhập, đẩy nhanh tiến độ xóa nghèo bền vững...
Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng CSXH huyện đã được các hộ dân trên địa bàn Tu Mơ Rông sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp người dân thoát nghèo bền vững, đời sống ngày càng nâng cao ...
Theo Danviet
Nhầm tưởng sâm quý Ngọc Linh, dòng người đổ vào vườn quốc gia săn lùng Hàng trăm người dân tộc Mông ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông đã xâm nhập trái phép Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà và một số vùng rừng lân cận để săn lùng loại cây mà họ tưởng đó là sâm Ngọc Linh. Một đoàn người tìm sâm bị chặn lại ở cửa rừng Vườn quốc gia Ngày 21/11, nguồn...