Trồng rau rừng, ít chăm vẫn cứ xanh tốt, bán chạy như tôm tươi
Huyện Kon Plông ( Kon Tum) không chỉ nổi tiếng về các loại sâm như sâm đá, thả sâm dây mà gần đây còn nổi tiếng bởi các loại rau rừng thơm ngon bổ dưỡng. Từ những loài rau rừng hoang, người dân đã đem về trồng trong vườn, rẫy của nhà và bán chạy như tôm tươi.
Đến với rau rừng ( rau lủi) là một câu chuyện dài và bất ngờ với anh Phùng Thế Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Bảo Gia Việt. Bởi khi đặt chân đến Kon Plông, hướng của anh là cung cấp các chế phẩm sinh học xuất xứ từ Nhật Bản và phát triển cây ăn quả. Vậy mà, chỉ sau một thời gian ngắn, anh sử dụng gần hết quỹ đất (6/7ha) để đầu tư phát triển loại rau còn kén người ăn, chưa thịnh hành trên thị trường – rau rừng.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn rau bạt ngàn xanh tốt, anh Hùng cười, chia sẻ về cơ duyên: Ban đầu tôi không thích loại rau này, không hiểu sao, bây giờ lại có duyên với nó thế.
Cách đây khoảng 3 năm, nhìn bà con hay hái rau rừng ăn, anh cũng thử hái về trồng. Tuy nhiên, khác với nhiều người, anh thấy không mấy hấp dẫn.
Công nhân Công ty TNHH Bảo gia Việt chăm sóc rau rừng
Tình cờ trong nhiều lần đi công tác qua các tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… vào các bữa tiệc sang trọng, anh đều thấy đĩa rau rừng quen thuộc. Thậm chí, nhiều vị khách còn quyết tìm đến một số nhà hàng chỉ vì…”phải lòng” món rau rừng.
“Các nhà hàng, khách sạn bán được chắc chắn mình cũng sẽ bán được. Tại sao không phát triển thành thương hiệu rau rừng Măng Đen, tôi lóe lên ý nghĩ” – anh kể.
Ý tưởng táo bạo đó nhanh chóng được anh thực hiện. Từ đám rau nhỏ, anh sang hàng xóm mua 3kg giống về thử trồng xen vào vườn cam với ý nghĩ nếu thành công sẽ cắt bán, không thì trồng phủ để cỏ khỏi mọc.
Chẳng cần chăm bẵm nhiều, vườn rau cứ thế xanh tốt. Anh cắt, thử đem ra Hà Nội chào hàng. “Thoạt đầu họ không dám mua vì sợ mình không đủ số lượng để cung ứng đều. Sau quá trình thuyết phục, chứng minh có thể cung ứng đầy đủ, họ đã đồng ý đặt hàng” – anh Hùng nói.
Có đơn hàng ổn định, anh nghĩ đây là hướng đi đúng và bắt đầu nhân rộng từ 5 sào lên 5ha. Sau thị trường ở Hà Nội, anh tiếp tục nhận được đơn đặt hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Kon Tum… Để có đủ lượng rau cung ứng mỗi ngày, anh trồng hết 6ha rau rừng.
Với Duy – cử nhân Quản lý dự án, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đến với rau rừng cũng là một cơ duyên. Tháng 12/2017, trong một lần tình cờ lên Măng Đen chơi, Duy chuyển hướng, quyết định ở lại với ý tưởng trồng rau rừng.
“Lúc đó trên này đã có vài người trồng. Từ các nguồn tìm kiếm thông tin, nhận thấy loại rau này có tính bền vững, cho giá trị kinh tế cao nên em quyết tâm phát triển” – Duy chia sẻ.
Bập bẹ thử nghiệm, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cậu bạn trẻ luôn cố gắng. Từ 1-2 sào, Duy dần mở rộng lên 6 sào. Cùng với việc sản xuất, cậu bạn dần dần tìm đầu ra cho sản phẩm. “Đến bây giờ đầu ra tương đối ổn định. Em đang cố gắng đảm bảo đủ lượng hàng cung ứng” – Duy chia sẻ.
Video đang HOT
Xây dựng thương hiệu rau rừng Măng Đen
Trong khi mọi người tìm hướng đi bền vững từ các loại rau củ thịnh hành trên thị trường, anh Phùng Thế Hùng vẫn giữ hướng phát triển rau rừng. “Đây là hướng phát triển bền vững. Không dừng lại ở việc bán, cung cấp, hiện tôi đang cố gắng xây dựng thương hiệu rau rừng Măng Đen. Với tôi, câu chuyện về rau rừng vẫn còn dài phía trước” – anh khẳng định.
Đặc trưng khí hậu lạnh, mưa nhiều, rau rừng ở Măng Đen có thời gian sinh trưởng và phát triển dài hơn so với những nơi khác. Thế nhưng, ngược lại, rau rừng nơi này rất được khách hàng ưa chuộng bởi lá dày, đậm vị, ngon, giòn.
“Nhiều khách hàng sau khi thưởng thức rau rừng Măng Đen đã so sánh và đặt hàng nhiều hơn. Mỗi ngày tôi nhập bình quân 150kg, có ngày nhập đến 300kg cho các đầu mối. Với mức giá 25 ngàn đồng/kg, thu nhập từ rau rừng khá ổn”- anh Hùng cho biết.
Rau rừng Măng Đen với đặc trưng lá dày, đậm màu, ngon giòn nên được khách hàng ưa chuộng
Theo lời anh Hùng, thông thường, cứ sau 20 ngày, 1 luống rau có thể cho thu hoạch. “Ngoài việc cung cấp hàng rau rừng tươi, sau này nếu có quỹ đất nhân rộng, tôi có hướng sấy khô lạnh để bảo quản tốt hơn, lâu hơn mà vẫn đảm bảo độ ngon, giòn cho rau”- anh Hùng chia sẻ.
Việc chăm bón rau rừng khá dễ dàng, nhưng thực tế độ PH trong đất thấp, khí hậu lạnh, mưa nhiều, rau không tránh khỏi sâu bệnh. Tuy nhiên, hướng đến xây dựng thương hiệu rau rừng Măng Đen ngon, đặc trưng, không hóa chất, ngoài việc kén chọn phân bón hữu cơ để cân bằng dinh dưỡng cho đất, anh Hùng chỉ sử dụng hỗn hợp ớt, tỏi, gừng… phun lên rau để diệt sâu bọ.
Còn Duy cũng khẳng định sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ. “Khách hàng ưa chuộng rau rừng không chỉ vì ngon mà còn vì sạch, an toàn. Chính vì vậy, em sản xuất theo hướng VietGAP, không sử dụng hóa chất” – Duy chia sẻ.
Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng rau nhập đi, Duy chú trọng vào chăm sóc. Duy không hái rau khi quá non hay quá già mà tập trung hái đúng thời điểm. Đặc biệt, để phòng trừ sâu bệnh, sau khoảng thời gian canh tác, Duy để đất trống, cải tạo lại và luân canh trồng hợp lý.
Tỉ mẩn trong cách chăm, cách trồng, hiện nay, mỗi ngày Duy bán ra thị trường từ 80-100kg rau rừng cho các đầu mối ở Quảng Bình, Bình Định, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…
Phát triển rau rừng dù còn khó khăn nhưng là hướng đi đúng cho bản thân, tháng 3/2018, Duy đăng ký thành lập Công ty TNHH Moai Măng Đen chuyên sản xuất, cung ứng rau rừng. Và cũng như anh Hùng, không dừng lại tại diện tích nhỏ, Duy cho biết, nếu có quỹ đất, sẽ tiếp tục nhân rộng và phát triển hơn, cố gắng tạo dựng thương hiệu từ loại cây đặc trưng này.
Theo Liễu Hạnh-Hoài Tiến (Báo Kon Tum)
Trồng 15 loài rau rừng, hái quanh năm, bán chạy như tôm tươi
Ông Lê Văn Dĩ, ngụ ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) đã tìm kiếm và mang một số loại rau rừng về trồng thử tại nhà. Đến nay, vườn rau rừng của gia đình ông Dĩ đã có khoảng 15 loại rau trên diện tích 0,7 ha, hái quanh năm, lúc nào cũng bán chạy như tôm tươi...
Có thể nói, món bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc từ lâu đã "nổi danh" đối với du khách trong và ngoài nước. Nhưng món ăn đặc sản ấy chỉ thật sự "đúng chất" khi được ăn kèm với các loại rau rừng. Từng loại rau rừng có đặc tính và mùi vị riêng như lá cóc có vị chua chua, lá mặt trăng có mùi nồng nhẹ hay mùi chát chát của rau chùm mồi...
Một góc vườn rau rừng nhà ông Lê Văn Dĩ, ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Ảnh: Báo Tây Ninh.
Lâu nay, nhắc đến Tây Ninh, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sự hùng vĩ của núi Bà Đen, kiến trúc độc đáo của Toà thánh Tây Ninh- thánh địa của tôn giáo Cao Đài hay những món đặc sản làm nao lòng du khách như bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương... Nhưng không chỉ có thế, có lẽ ít ai lại biết đến một món đặc sản khác đang nổi lên gần đây của vùng đất "độc - lạ", này đó chính là rau rừng.
SỰ KẾT HỢP GIỮA "HƯƠNG" VÀ "VỊ"
Có thể nói, món bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc từ lâu đã "nổi danh" đối với du khách trong và ngoài nước. Nhưng món ăn đặc sản ấy chỉ thật sự "đúng chất" khi được ăn kèm với các loại rau rừng. Từng loại rau rừng có đặc tính và mùi vị riêng như lá cóc có vị chua chua, lá mặt trăng có mùi nồng nhẹ hay mùi chát chát của rau chùm mồi... Những mùi vị khác biệt đến thế, nhưng khi kết hợp với nhau để rồi ăn kèm với bánh tráng phơi sương và thịt heo lát mỏng, lại tạo ra một sự hoà quyện đến kỳ lạ.
Đúng như tên gọi dân dã của mình, rau rừng là tập hợp nhiều loại cây mọc hoang dã ở ven sông, rạch như: quế vị, trâm ổi, lá cách, mặt trăng, trâm sắn, lá chiếc, sơn máu, bí bái, chùm mồi... được người dân tìm kiếm và hái về để ăn kèm với bánh canh, bánh xèo, bánh tráng, làm tăng sự đậm đà và độc đáo của bữa ăn.
Rau rừng không thể thiếu trong nhiều món ăn đặc sản ở Tây Ninh, bản thân rau rừng cũng trở thành thương hiệu đặc sản của vùng đất này. Ảnh: IT.
Các loại rau rừng còn là bài thuốc dân gian để phòng và chữa trị rất nhiều loại bệnh. Với quan niệm "ăn rau rừng, không bổ bề ngang, cũng bổ bề dọc", hiện nay, rau rừng ngày càng được nhiều người dân yêu thích và sử dụng thường xuyên trong các bữa ăn.
Từ ý tưởng đưa các loại rau rừng về trồng để phục vụ bữa ăn trong gia đình và cung cấp cho các quán ăn trong huyện, ông Lê Văn Dĩ (ngụ ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) đã tìm kiếm và mang một số loại rau rừng về trồng thử tại nhà. Đến nay, vườn rau rừng của gia đình ông Dĩ đã có khoảng 15 loại rau trên diện tích 0,7 ha, mang về thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Theo ông Lê Văn Dĩ, trồng rau rừng nhẹ công chăm sóc, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà rau rừng vẫn xanh tốt.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng các loại rau rừng ngày càng tăng, trong khi số lượng rau hái tự nhiên ngày càng giảm, ông Dĩ quyết định bứng những gốc cây dại này về trồng trong vườn của gia đình. Và chỉ sau hai tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch.
Theo ông Dĩ, rau rừng đa phần là những loại cây hoang dã, chịu được môi trường khắc nghiệt, ít gặp sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ít bón phân mà cây vẫn sinh trưởng khá tốt. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch trên dưới 20kg rau rừng, với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg.
Đưa rau rừng về trồng tại vườn nhà là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả của người nông dân xứ Trảng. Đây cũng là cách để đưa rau rừng và món bánh tráng phơi sương thành thương hiệu đặc sản phục vụ du khách đến với núi Bà Đen nói riêng và đến với Tây Ninh nói chung.
Từ chỗ chỉ là món ăn dân dã, bình dị, đến nay, bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc ăn kèm với rau rừng đã trở thành món ăn được đông đảo du khách đến Tây Ninh tìm kiếm và thưởng thức.
NÂNG TẦM THƯƠNG HIỆU RAU RỪNG
Sau quá trình trồng thử, nhận thấy các giống rau rừng vẫn có thể phát triển thuận lợi trong vườn nhà, ông Dĩ đã tiến hành chiết cành để nhân giống, mở rộng hơn quy mô vườn rau, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dân trong và ngoài tỉnh.
Đồng thời, được sự vận động của Hội Nông dân xã Gia Lộc và hướng dẫn kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng, ông Dĩ đã cùng 5 hộ gia đình trong ấp thành lập Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát, do ông làm tổ trưởng. Hiện nay, với diện tích gần 1,8 ha, Tổ hợp tác đang trồng khoảng 15 loại rau rừng khác nhau, cung ứng cho thị trường.
Món đặc sản Tây Ninh bánh tráng cuốn thịt luộc không thể thiếu rau rừng.
Việc thành lập Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát là một trong những bước đi đúng hướng của người nông dân Lê Văn Dĩ. Đây không những là mô hình phát triển kinh tế mang về thu nhập ổn định cho các thành viên, mà còn là cách để người dân giữ gìn và phát triển đặc sản của vùng đất Tây Ninh, trước tình trạng rau rừng đang dần cạn kiệt.
Những người nông dân của Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát lại càng vững vàng hơn trên con đường làm vang danh thương hiệu rau rừng trên mảnh đất Tây Ninh, khi Tổ được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. "Cuối cùng, những cố gắng của tôi và các hộ thành viên trong Tổ hợp tác cũng được ghi nhận. Hy vọng, với bước tiến này, chúng tôi có thể phát triển, nhân rộng mô hình rau rừng để phục vụ du khách đến tham quan và thưởng thức đặc sản vùng đất Tây Ninh", ông Dĩ vui vẻ chia sẻ.
Nhiều hộ dân ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới hiện đại để trồng rau rừng. Rau rừng Tây Ninh giờ đây đã "hiên ngang" có mặt tại các siêu thị lớn. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.
Là người trồng và thu mua rau của Tổ đem giao cho các quán ăn, nhà hàng tại TP. HCM, chị Lê Thị Thanh Thuý, thành viên Tổ hợp tác vui mừng nói: "Sản phẩm rau rừng của Tổ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn, làm cho người dùng an tâm và tin tưởng hơn. Hiện nay, Tổ đã ký hợp đồng bán rau rừng cho nhiều đơn vị, có mặt ở một số siêu thị tại Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh. Sắp tới, thương hiệu rau rừng chắc chắn sẽ ngày càng phát triển và vươn xa hơn nữa".
Ông Trương Tấn Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng đánh giá, so với các loại cây trồng khác, rau rừng cho thu nhập ổn định và khá cao. Đây là hướng chuyển đổi cây trồng hiệu quả, cần được nhân rộng. Trong thời gian tới, huyện sẽ vận động người dân thuộc các xã An Hoà, Phước Chỉ, Phước Lưu và các hộ dân sống gần lưu vực sông Vàm Cỏ Đông mở rộng vùng sản xuất rau rừng của huyện với tổng diện tích khoảng 15 ha.
Theo M.D-P.T (Báo Tây Ninh)
Nỗi đau mang tên lá ngón Trong vòng 4 năm, bà Hồ Thị Ne (1959, trú nóc Măng Lưng, xã Trà Cang, H. Nam Trà My, Quảng Nam) mất đi 4 người con. Trong đó 3 người chết do ăn lá ngón, 1 người chết do treo cổ tự vẫn. Những cái "chết xấu" và nỗi đau mang tên lá ngón hầu như năm nào cũng xảy ra tại...