Trồng rau đổi đời: 1 công rau đất Sài thành lãi bằng 5 lần 1ha lúa
Từ khi bỏ cây lúa chuyển sang trồng rau công nghệ cao, nông dân TP.HCM đã có đời sống khấm khá hơn.
Làm đến 6ha đất lúa với máy cày, máy tuốt…, ông Ba Nghĩa (Nguyễn Văn Nghĩa, ấp 1, xã Tân Nhựt, Bình Chánh) vẫn nhất quyết chuyển sang trồng rau. Giải thích cho việc chuyển đổi cây trồng từ lúa qua rau, ông Ba Nghĩa cho biết đó là vì lợi nhuận. Lãi 1 công rau bằng 5 lần 1ha lúa.
Đổi đời nhờ rau…
Anh Phạm Minh Tâm với vườn rau ăn quả công nghệ cao. Ảnh: T.Đ
Thời điểm này, nông dân trồng lúa ở xã Tân Nhựt đã xuống giống. Thay vì trồng lúa, ông Ba Nghĩa lại xuống giống rau theo phương thức hữu cơ. Hiện ông đang trồng 8 loại rau ăn lá hữu cơ bán cho doanh nghiệp, gồm: Xà lách xanh, xà lách tím, rau muống, dền, cải ngọt, cải thìa, cải ngồng và mồng tơi. Trồng tới đâu, doanh nghiệp bao tiêu thu mua tới đó, đồng giá 25.000 đồng/kg.
Trên mảnh đất rộng 2.500m2, ông Ba Nghĩa cho làm nhà màng nhằm cách ly với những vườn cây, ruộng lúa xung quanh. Thay vì phải mua phân vi sinh, ông tự pha chế phân để bón rau. Hiện mỗi ngày ông bán cho doanh nghiệp hơn 50kg rau hữu cơ.
“Số rau này, doanh nghiệp không đưa vào hệ thống siêu thị mà bán cho cư dân các khu dân cư cao cấp như Phú Mỹ Hưng (quận 7) vì giá rau khá cao”- ông Ba Nghĩa cho biết.
Cũng theo ông Ba Nghĩa, 10 năm trước, ông đã trồng rau theo hướng công nghệ cao bán cho HTX Nông nghiệp Phước An. “Hiện tôi vẫn còn trồng rau an toàn bán cho HTX. Nhưng mục tiêu của tôi là chuyển hết diện tích đất sang làm rau hữu cơ”- ông chia sẻ.
Video đang HOT
Cũng như ông Ba Nghĩa, anh Phạm Chí Tâm (xã Thái Mỹ, Củ Chi) cũng bỏ lúa chuyển sang trồng rau theo hướng công nghệ cao. Hiện anh Tâm có đến 3ha đất canh tác rau ăn quả an toàn. Trên diện tích canh tác này anh cho trang bị hệ thống tự động tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và nhân công.
Theo Chí Tâm, mỗi năm anh canh tác được 3 vụ rau ăn quả VietGAP, gồm: Mướp hương, khổ qua, đậu đũa, dưa leo… Trung bình, mỗi ha anh thu 25 tấn/vụ. Số hàng này anh bán trực tiếp cho chợ đầu mối của TP.HCM. Doanh thu hàng năm canh tác rau ăn quả của anh khoảng gần 1 tỷ đồng, lợi nhuận cao gấp mấy lần trồng lúa.
Không còn đất lúa
Số liệu điều tra năm 2018 cho thấy, diện tích sản xuất lúa ở TP.HCM hơn 11.700ha, giảm hơn 6.100ha so với năm 2017. Theo Sở NNPTNT TP.HCM, thu nhập từ 1ha trồng lúa trên địa bàn thấp hơn nhiều so với các cây màu khác (như bắp giống) và thấp hơn rất nhiều lần so với trồng các loại rau, hoa.
Thống kê cho thấy, bình quân hoa, cây cảnh đem lại lợi nhuận hơn 1,4 tỷ đồng/ha; cá cảnh là 485 triệu đồng/ha… Sản xuất lúa mang lại giá trị thấp nhất trong các loại hình sản xuất, thấp hơn từ 2-4 lần so với 1ha rau và 1ha trồng cỏ, từ 25-35 lần so với 1ha trồng hoa nền và hoa lan, từ 1,5-5 lần so với 1ha cây ăn quả…
Để đảm bảo mục tiêu về nâng cao thu nhập cho nông dân, thực hiện tốt chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, TP.HCM sẽ xem xét và có lộ trình chuyển đổi đất lúa không những cho việc trồng các loại cây, mà còn cho cả các đối tượng là vật nuôi chủ lực và nuôi trồng thủy sản có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao.
Theo “Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025″ vừa trình UBND thành phố, Sở NNPTNT đưa ra phương án, đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa trên địa bàn chỉ còn 3.000ha, chuyển 8.732ha cho các mục đích khác. Trong đó, tại huyện Củ Chi còn 2.650ha, bố trí sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn 12 xã; huyện Bình Chánh còn 350ha, toàn bộ được sản xuất lúa chất lượng cao và tập trung ở xã Tân Nhựt. Và đến năm 2025, diện tích sản xuất lúa sẽ không còn.
Theo ông Ba Nghĩa, thành phố cần phải giải phóng đất lúa để nông dân chuyển đổi sản xuất cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có giá trị cao để tăng thu nhập, thoát nghèo, làm giàu. Được vậy, nông thôn mới thành phố mới căn cơ và bền vững.
Theo Danviet
"Thủ phủ" ngành hoa lan "đau đầu" vì lệ thuộc vào giống nhập khẩu
Tuy đã có những bước phát triển đáng kể nhưng ngành hoa lan TP.HCM vẫn còn khá yếu kém trong công tác giống. Nhiều giống lan hiện nay trên thị trường đều phải nhập khẩu khẩu từ nước ngoài.
Những thành tựu bước đầu
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, đến nay diện tích hoa - cây kiểng của TP.HCM đạt gần 2.400ha, tăng 4,1% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích trồng hoa lan là 375ha, tăng 4,5% so cùng kỳ. Hiện đã có một vườn lan ở huyện Củ Chi xuất khẩu được lan cắt cành ra nước ngoài.
Các giống được sản xuất trong nước hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người trồng và thị trường tiêu thụ. Ảnh: Nguyên Vỹ
Vài năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ cao trong lai tạo và sản xuất giống lan thường được thực hiện tập trung ở Trung tâm Công nghệ sinh học (TTCNSH - trực thuộc Sở NNPTNT). Tại đây, các dòng lan dendrobium, mokara, ngọc điểm, vũ nữ... được chú ý sưu tập bảo tồn nguồn gen, chọn tạo các giống có năng suất cao, phẩm chất tốt, ứng dụng nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân nhanh giống cây trồng.
Cùng với đó là việc ứng dụng quy trình công nghệ cao trong canh tác. Hiện TTCNSH đã sưu tập được 365 giống lan các loại. Đây là nguồn vật liệu có giá trị phục vụ cho sản xuất và lai tạo giống lan mới.
Hiện TTCNSH tiếp tục lưu trữ và bảo tồn invitro 30 giống lan lai mới, 58 giống lan dendrobium và 5 giống lan hồ điệp, 3 giống lan mokara phục vụ sản xuất thương mại, đồng thời nhân giống invitro được 160.000 cây các loại. TTCNSH cũng đã lên kế hoạch nghiên cứu ứng dụng đèn LED trong nhân giống invitro một giống lan dendrobium.
Theo ông Trần Thanh Sơn - Trưởng phòng Công nghệ sinh học Sở NNPTNT, TP.HCM hiện có khoảng 20 tổ chức nuôi cấy mô thực vật. Đây là lực lượng có đóng góp quan trọng, cung cấp khoảng 16 triệu cây giống cấy mô/năm (chủ yếu là giống hoa lan) để phục vụ mở rộng sản xuất hoa kiểng trên địa bàn thành phố và các tỉnh.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng tích cực thực hiện công tác nhân rộng mô hình và chuyển giao ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan. Các đơn vị trực thuộc Sở NNPTNT và Khu Nông nghiệp công nghệ cao đã triển khai 358 mô hình thực nghiệm, trình diễn; chuyển giao cho nông dân khoảng 3 triệu cây lan giống các loại, cùng với kỹ thuật trồng và phòng trừ sâu bệnh hại nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.
Còn nhiều hạn chế
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Sơn cũng nhìn nhận, công tác nghiên cứu, lai tạo, sản xuất giống chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường về chủng loại và số lượng. Hiện thành phố vẫn nhập nội một lượng lớn giống lan từ nước ngoài như Thái Lan, Đài Loan.
Ông Mai Quốc Thái - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại thành phố cho rằng, TP.HCM được xem là nơi sản xuất và tiêu thụ hoa lan lớn nhất nước. Tuy nhiên, ngoài thị trường hoa lan hiện nay chưa thấy bóng dáng lan Việt Nam đâu cả. Có chăng chỉ là lan rừng với số lượng ít.
Trở ngại lớn nhất, theo ông Thái là nằm ở khâu ươm từ cây cấy mô ra cây giống để nhà vườn trồng. Hiện không có mấy người làm được khâu này. Trước giờ, TTCNSH cũng chỉ mới đưa giống cấy mô đến một số người trồng người trồng hạn chế. Dù có kết quả, nhưng lan không ra được thị trường.
Để góp phần giúp cho giống lan Việt nói chung và của TP.HCM sớm chiếm lĩnh thị trường trong nước, ông Thái đề nghị khâu sản xuất giống cần lấy thị trường làm gốc. Phải có nhiều giống chất lượng, cho lai tạo ra thật nhiều giống mới để thị trường tuyển chọn. Giống nào tồn tại được thì nhân mạnh; giống nào kém thế thì giữ trong phòng thí nghiệm hoặc vườn giữ giống.
Ông Thái nhấn mạnh, với những giống nào tồn tại được thì nên đưa ra thị trường miễn phí. Cần liên kết các cơ sở cấy mô tư nhân và nhân nhanh, đưa một lượng lớn ra thị trường. "Các giống mới này mà tồn tại được trên 4 năm coi như đã thành công bước đầu. Khi chúng ta có chừng 10 - 20 giống như vậy, mới được xem là thắng lợi hoàn toàn. Quá trình này cần khoảng vài chục năm nên nếu không làm sớm, chúng ta còn mãi chạy theo các nước" - ông Thái nói.
Để đạt được mục tiêu nay, ông Thái đồng thời đề nghị các bước thực hiện cụ thể. Đầu tiên, các giống cấy mô cấy mô nên giao cho những người có thể ương trồng được với giá thật rẻ hoặc cho không, để họ trồng ra cây thành phẩm cung cấp cho thị trường. Khi đó, TTCNSH sẽ theo dõi và liên tục cung cấp giống cấy mô cho họ trong vài mùa.
Tiếp theo, các giống đã được thị trường chấp nhận sẽ được giao cho các cơ sở cấy mô của tư nhân để nhận lại số lượng lớn mà không cần lấy bản quyền. Khi đã có số lượng lớn hàng triệu cây thì bán ra cho những người trồng lan.
Theo Danviet
Thâm nhập làng nuôi heo có nguy cơ nhiễm dịch tả cao nhất Sài Gòn Thức ăn thừa đang trở thành nguy cơ cực lớn làm lây nhiễm dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Trong khi TP.HCM vẫn có khoảng 250 hộ nuôi heo bằng thức ăn thừa thì huyện Bình Chánh chiếm đến 2/3 trong số này. Trước đó, ổ DTHCP đầu tiên xuất hiện ở hộ chăn nuôi heo đầu tiên tại quận 9 được xác...