Trồng ổi Trân Châu Đài Loan, 1 ngày thu 1-2 tạ trái, lái khuân sạch
Bà Ừng Thị Ngọc, chủ vườn ổi Ngọc với 1,5ha có 700 cây ổi Trân Châu Đài Loan ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Hiện, bình quân mỗi ngày bà Ngọc hái từ 1-2 tạ ổi, bán với giá 15.000-20.000 đồng/kg và luôn trong tình trạng lái khuân sạch, “cháy hàng”.
Giữa tuần, tôi nhận được điện thoại của một người quen ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhờ mua ổi Đắk Nông. Người đó còn dặn kỹ phải mua bằng được “ổi Ngọc” Đắk Glong, được bán tại một sạp trái cây uy tín ở trung tâm thị xã Gia Nghĩa. Tuy nhiên, khi tìm đến địa chỉ sạp trái cây này, chủ tiệm cho biết đang “cháy hàng” và vài ngày nữa mới có.
Vườn ổi của bà Ừng Thị Ngọc, ở thôn 8, xã Quảng Khê nổi tiếng thơm ngon là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Đắk Glong.
Lỡ nhận lời mua giúp và khá tò mò về “ổi Ngọc”, tôi quyết định tìm đến tận vườn ổi có tiếng vang xa như vậy. Từ thị xã Gia Nghĩa dọc theo quốc lộ 28 theo hướng về Lâm Đồng, đi qua xã Quảng Khê (trung tâm huyện Đắk Glong) chừng 5 km rồi rẽ trái theo hướng về trung tâm xã Đắk P’lao, chúng tôi tìm đến được vườn ổi Ngọc.
Giữa đồi núi trùng điệp ở thôn 8, xã Quảng Khê, một vườn ổi xanh mơn mởn chạy dài vun vút trước mắt. Cây nào cây nấy đều sai trĩu quả. Các trái có kích cỡ khác nhau nhưng điểm chung là các trái lớn đều được bao xốp bên trong, bọc ni lông bên ngoài và cột thun đen ở đầu cuống một cách cẩn thận.
Bà Ừng Thị Ngọc, chủ vườn ổi xuất hiện trước mắt chúng tôi trong một bộ trang phục khá diện. Thấy chúng tôi thắc mắc, bà Ngọc cười nói “Nông dân thời công nghệ mà chú!” rồi mời chúng tôi đi tham quan vườn. Vườn ổi của bà Ngọc bắt đầu trồng từ năm 2011 và toàn bộ là giống ổi Trân Châu Đài Loan. Hiện vườn ổi có diện tích 1,5 ha với 750 cây.
Ổi “sạch” tại vườn của bà Ừng Thị Ngọc được bọc cẩn thận
Nhanh tay chọn hái vài trái ổi chín trên cây mời khách, bà Ngọc khẳng định toàn bộ ổi trong vườn đều rất “sạch”. Bà Ngọc chia sẻ: Trong quá trình chăm sóc, chúng tôi áp dụng quy trình chăm sóc cây ổi Trân châu Đài Loan một cách chặt chẽ theo sự phát triển của trái, bảo đảm cách ly với các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Video đang HOT
Sau khi trái ổi to bằng ngón chân cái là bà Ngọc cho tiến hành bọc trái cẩn thận để trái không tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu bệnh. Hơn nữa, trái ổi cũng không bị các loại côn trùng tiếp xúc và làm hại nên đều và đẹp hơn. Đặc tính của loại ổi Trân châu Đài Loan này là ra trái quanh năm, trái tròn đẹp và có vị ngọt dịu rất đặc biệt nên “ăn là sẽ nhớ”.
Tiếng lành đồn xa, vườn ổi Trân Châu Đài Loan của bà Ngọc được rất nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến tận vườn đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, vườn ổi của bà Ngọc cho thu khoảng 1 – 2 tạ/ngày và giá bán trung bình 15.000 – 20.000 đồng/kg.
Điều đặc biệt là toàn bộ ổi đều được đặt hàng và thương lái đến tận vườn để thu mua. Ngoài ổi, bà Ngọc còn trồng dâu nuôi tằm trên diện tích 3,5 ha và trồng 2,6 ha cà phê, tiêu. Tất cả những loại cây trồng này đều đã cho thu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Cũng như gia đình bà Ngọc, nhiều hộ dân ở Đắk Glong cũng đã mạnh dạn đưa các giống ổi Trân Châu Đài Loan về trồng thuần, trồng đa cây trong vườn. Nhờ dày công chăm sóc, nhiều vườn ổi ở Đắk Glong đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân, giúp họ vươn lên làm giàu. Xa hơn nữa, những cây ổi đang giúp cho tên tuổi của một vùng đất nghèo như Đắk Glong được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.
Theo Lê Phước (Báo Đắk Nông)
Đắk Nông: Đánh bạc với loài chim tiền tỷ, xây nhà cao mới chịu ở
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình không ngần ngại đầu tư tiền tỷ xây dựng nhà nuôi yến... Tuy nhiên, qua những người trong cuộc cho thấy, nuôi yến cũng giống như tham gia "canh bạc" với chim trời mà phần thắng thua phụ thuộc nhiều vào yếu tố may, rủi.
Trên thị trường, 1 kg tổ chim yến có giá từ 25-30 triệu đồng. Vì vậy, việc xây nhà nuôi chim yến đang được nhiều người xem là nghề "hái ra tiền".
Thời gian qua, trên toàn tỉnh, từ thành thị cho đến nông thôn xuất hiện hàng chục ngôi nhà nuôi chim yến. Bên cạnh những hộ gia đình tận dụng tầng 2, tầng 3 của ngôi nhà để nuôi yến thì cũng có những gia đình bỏ tiền tỷ để xây dựng những căn nhà 2 đến 3 tầng chuyên biệt để nuôi yến.
Nghề nuôi chim yến chứa đựng rủi ro khá cao.
Nở rộ phong trào nuôi chim yến
Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến, ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong nhiều năm qua chỉ quen sản xuất cà phê, hồ tiêu. Thời gian gần đây, thấy nhiều người ở địa phương xây nhà nuôi chim yến nên gia đình chị đã thuê một số người nuôi chim yến lâu năm ở tỉnh Phú Yên lên khảo sát. Sau khi nhóm người nuôi yến ở tỉnh Phú Yên bật loa có tiếng chim yến kêu thì có mấy cặp bay về.
Những người này khẳng định khu vực này có thể đầu tư xây nhà nuôi yến. Được sự tư vấn, chị Tuyến cùng gia đình đã nâng cấp ngôi nhà 2 tầng mà gia đình mình đang ở lên thành 4 tầng. Trong đó, 2 tầng trên cùng gia đình chị Tuyến thiết kế dành riêng cho việc nuôi chim yến.
Chị Tuyến chia sẻ: "Đầu tiên, gia đình tôi bỏ ra hơn 200 triệu để xây dựng thêm tầng 3 và tầng 4 với diện tích rộng khoảng 300 m2. Sau đó, phần thiết kế bên trong như giá gỗ, hệ thống loa "dụ" chim, vòi phun nước tạo độ ẩm... có giá 1,2 triệu đồng/m2. Tính chung, gia đình tôi đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng để xây nhà dụ chim yến về".
Tương tự, ông Nguyễn Duy Lương, ở xã Đắk R'moan, thị xã Gia Nghĩa cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi yến. Ông Lương cho biết: "Thấy nhiều người nuôi yến thành công nên gia đình tôi cũng dành một ít vốn để xây dựng khoảng 200 m2 nhà nuôi chim yến. Tính tất cả chi phí đầu tư như xây dựng, chi phí chuyển giao công nghệ, tiền mua thiết bị âm thanh, chất dẫn dụ... đã tiêu tốn của gia đình tôi gần 500 triệu đồng".
Qua tìm hiểu cho thấy, không riêng gì gia đình chị Tuyến, ông Lương, hiện nay trên toàn tỉnh Đắk Nông đã có hàng trăm hộ dân đầu tư tiền của vào việc xây nhà nuôi yến.
"Được ăn cả, ngã về không"
Người xây nhà nuôi chim yến chỉ tốn tiền đầu tư ban đầu, còn lại mọi chi phí khác như: giống, thức ăn... đều không phải mua, hoàn toàn nhờ "lộc trời ban". Những gia đình nuôi yến thành công mỗi năm có thể thu về hàng chục kg tổ yến, doanh thu hàng trăm triệu đồng cho đến tiền tỷ là điều hết sức bình thường. Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của việc nuôi chim yến, thế nhưng, không phải cứ bỏ tiền xây nhà nuôi chim yến là thành công. Nghề xây nhà nuôi chim yến có độ rủi ro khá cao...
Ông Nguyễn Duy Lương, ở xã Đắk R'moan thừa nhận, đến thời điểm này gia đình ông đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà nuôi chim yến nhưng chưa thể khẳng định đến bao giờ mới có thể thu hồi được nguồn vốn đầu tư ban đầu.
Theo ông Lương, hơn 1 năm nay, cả ngày lẫn đêm lúc nào gia đình cũng phát âm thanh mời gọi chim yến về ở. Thế nhưng, đến thời điểm này, nhà nuôi yến của gia đình ông mới chỉ có khoảng 60 cặp yến vào sinh sống, tổ yến thu về cũng chưa đủ dùng trong gia đình. Gia đình ông Lương hi vọng vài năm tới, sẽ có nhiều chim yến đến đây sinh sống và làm tổ mới tính đến chuyện thu hồi vốn.
Ông Lương phân trần: "Để chim yến về ở đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài việc nắm chắc kỹ thuật nuôi chim yến thì người nuôi cũng cần thêm yếu tố may mắn, chứ không cũng rất dễ mất trắng vì nhà nuôi yến không thể sử dụng vào việc khác".
Nhiều hộ gia đình từ phố thị đến nông thôn cải tạo nhà cửa đang sinh sống để nuôi chim yến
Ông Trần Văn Cường, ở thôn Châu Thành, xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) được xem là hộ gia đình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thành công với nghề nuôi chim yến cho biết, mỗi năm ông thu về khoảng 40 kg tổ yến với trị giá gần 1 tỷ đồng.
Theo ông Cường, nghề nuôi chim yến đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, có hiểu biết nhất định về các đặc điểm sinh học của chim yến. Trong quá trình nuôi yến, người nuôi tiếp tục chỉnh sửa cho nhà yến hoàn thiện, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của loại chim này. Mặt khác, để dẫn dụ được chim yến, trước hết phải xem nơi mình ở có nằm trên đường yến bay ngang qua hay vùng kiếm ăn của chúng hay không, rồi mới đầu tư xây nhà nuôi.
Khi xây nhà nuôi chim yến, người xây phải tính toán chiều cao nhất định để không vướng khoảng không cho chim bay lượn; gỗ sử dụng cho chim đậu phải phù hợp với yếu tố sinh học của chim. Trong quá trình chăn nuôi, ngoài các yếu tố như thiết kế nhà nuôi, kỹ thuật tạo mùi... thì yếu tố quan trọng nhất để dẫn dụ được yến là kỹ thuật âm thanh. Vì vậy, những người mới bắt đầu nuôi cần phải tìm hiểu kỹ và thuê những người có kỹ thuật, kinh nghiệm hướng dẫn thì cơ hội thành công sẽ cao hơn.
Qua thực tế cho thấy, nhiều người nuôi chim yến ở Đắk Nông mặc dù không hiểu rõ bản chất, quy luật sinh sống của đàn yến nhưng vẫn thuê người ở các tỉnh Khánh Hòa, Vũng Tàu, Ninh Thuận... chuyển giao công nghệ xây nhà nuôi yến. Do quá kỳ vọng vào lợi nhuận đem lại, nhiều hộ dân không có đủ vốn đã đi vay mượn hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà nuôi chim yến.
Những người có kinh nghiệm nuôi yến cho biết, ít nhất phải sau 2 năm từ khi bắt đầu đưa nhà yến vào hoạt động thì người nuôi mới bắt đầu có thu hoạch. Vì thế, những người nào trước khi nuôi chim yến cần tính toán kỹ đến vấn đề tài chính. Bởi đây là nghề mà thành công gần như phụ thuộc vào việc yến có tập trung về làm tổ hay không. Nếu may mắn, thuận lợi, chim yến về làm tổ nhiều thì hiệu quả kinh tế rất cao. Ngược lại nghề này nếu thất bại sẽ khiến cho người nuôi lâm vào phá sản, nợ nần.
Theo Phan Tuấn (Báo Đắk Nông)
Nuôi loài lợn ăn tạp, thả bán hoang dã, lời mỗi năm 300 triệu đồng Anh Phạm Văn Sáu ở thôn 2, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) thường xuyên duy trì đàn heo rừng lai nuôi bán hoang dã hương đặc sản, mỗi năm lời 300 triệu đồng. Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình chăn nuôi heo rừng lai phát triển, nhân rộng. Mô hình này có...