Trong nửa Thế kỷ qua, những chiếc Honda Super Cub đã gắn liền với người dân Việt như thế nào?
Không chỉ đơn thuần là một mẫu xe, các thế hệ Honda Super Cub đã gắn liền với lịch sử phát triển đất nước và đời sống của người dân Việt Nam.
Dù phải tới tận năm 2018 vừa qua, Honda Super Cub mới lần đầu tiên được phân phối chính hãng tại Việt Nam với phiên bản C125 nhưng từ trước đó, dòng xe này đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời của nhiều người Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở một phương tiện di chuyển thuần tuý, các đời Super Cub cũng là những “chứng nhân lịch sử”, gắn liền với sự phát triển của Đất nước và cuộc sống của người dân.
Dù được ra mắt lần đầu từ năm 1958 nhưng phải tới thập niên 60 – nửa đầu thập niên 70 của Thế kỷ XX, những chiếc Honda Super Cub mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam, bắt đầu từ các tỉnh thành phía Nam. Giống như nhiều dòng xe cổ khác cùng thời, chúng ban đầu được những người Mỹ đưa vào để phục vụ cho nhu cầu di chuyển hàng ngày. Sau đó với những ưu điểm như dễ sử dụng, dễ sửa chữa và độ tin cậy cao, chúng cũng dần trở nên phổ biến đối với người dân Việt.
Nếu nhìn vào những bức ảnh chụp lại đường phố Sài Gòn thời đó, có thể thấy những chiếc Super Cub phổ biến nhất là C50/C70 thế hệ thứ 2. Đời xe này thường được người dân gọi bằng cái tên dân dã là Honda Dame, xuất phát từ chữ “madame” (quý bà) trong tiếng Pháp do đây vốn là loại xe dành cho nữ giới. Trong khi đó, nam giới ở thời kỳ này lại bị hấp dẫn bởi những chiếc Honda SS50 (hay còn được người dân gọi là Honda 67).
Sau thời kỳ Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước, những chiếc Super Cub “dame” đã tiếp tục tới mọi miền Tổ Quốc. Khi ra tới ngoài Bắc, dòng xe này đã tiếp tục tạo ấn tượng mạnh với người dân khi đánh đúng vào tâm lý “ăn chắc mặc bền” trong thời bao cấp. Đây là nền tảng để các thế hệ Super Cub sau này tiếp tục thâm nhập vào Việt Nam. Ở giai đoạn khó khăn này, dù ít hơn nhưng chúng vẫn được nhập về nước ta.
Trong thời bao cấp, con đường chính để những chiếc Super Cub về tới nước ta đó là được những người đi học, đi làm ở nước ngoài gửi về. Thời kỳ này cũng là lúc mà nhiều đời Cub đa dạng hơn xuất hiện, dẫn tới các cách đặt tên khác nhau được người dân nghĩ ra cho chúng để phân biệt. Do các thế hệ Super Cub đều có chung tên gọi và tên mã số chỉ dung tích ở phía sau, người dân thường phân biệt chúng bằng năm bắt đầu nhập khẩu tại Việt Nam hay đặc điểm riêng của từng đời.
Đó là lý do dẫn tới những tên gọi như Cub 79 “đầu vênh máy cánh” hay “cánh én” (do bưởng máy có thêm các khe gió tạo thành hình chiếc cánh và phần đầu với tay lái cong từ vị trí đèn pha), Cub 81 “kim vàng giọt lệ” (bảng đồng hồ với kim màu vàng và đèn báo tốc độ tối đa như giọt nước), Cub 82 “đèn vuông, đít vuông”…
Khi tới cơm ăn áo mặc còn thiếu thốn và đa số người dân còn đi xe đạp, việc sở hữu một chiếc Super Cub vào thời bao cấp được coi là giấc mơ của nhiều người. Đó là lý do dẫn tới sự ra đời của nhiều câu thơ, ca dao được lưu truyền trong người dân, chẳng hạn như:
“Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ (xe đạp Peugeot)
Mặt rỗ đi lơ không bằng thằng gù đi Cub”
Khi Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới và bắt đầu mở cửa giao thương với các nước khác trên Thế giới, sự ưa chuộng Super Cub của người dân cũng đã dẫn tới việc các thương gia bắt đầu nhập dòng xe này dưới dạng xe cũ từ Nhật để đáp ứng nhu cầu. Những chiếc xe này thường được gọi là xe “Nhật bãi”, có chất lượng tốt nhưng giá rẻ do đa số được chủ nhân cũ bên Nhật bỏ đi khi nâng cấp lên đời xe mới.
Phải tới thập niên 90 của Thế kỷ XX, “cơn sốt” Super Cub mới bắt đầu hạ nhiệt khi những dòng xe đời mới hơn, thiết kế thời trang hơn của Honda như Dream II, Dream “lùn”, Astrea Grand… mới được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan hay Indonesia. Nhưng trên thực tế, những dòng xe này vẫn là Super Cub: Chiếc Dream II được bán ở Nhật với tên Super Cub 100 EX, trong khi Dream “lùn” hay Astrea Grand là Super Cub Custom 100.
Video đang HOT
Chính vì vậy, ngoài những điểm mới như thiết kế vỏ mới mẻ, đồng hồ rộng và nhiều chức năng hơn, động cơ nâng công suất, hệ thống treo nâng cấp… chúng vẫn giữ nguyên thiết kế khung thép dập hàn sống giữa và gốc máy xi-lanh đơn nằm ngang quen thuộc của Super Cub. Ở giai đoạn này, vẫn chỉ có những người giàu hoặc phải cực kỳ chắt bóp mới mua được những chiếc Dream khi giá trị mỗi chiếc xe vào khoảng 3000 USD hoặc 8 cây vàng – một con số quá lớn vào thời điểm đầu đổi mới và đủ mua cả một mảnh đất vào thời kỳ đó.
Ở đầu bài viết, xedoisong.vn đã từng nói rằng C125 là thế hệ Super Cub đầu tiên được phân phối chính hãng tại Việt Nam. Tuy nhiên nói chính xác hơn, Super Cub C125 là chiếc xe Cub thực thụ, mang tên gọi Super Cub đầu tiên được phân phối chính hãng ở nước ta. Do về cơ bản là chiếc Dream II đổi tên gọi, tem và mặt nạ, Super Dream – mẫu xe đầu tiên được Honda Việt Nam sản xuất và phân phối cũng là Super Cub.
Và kể từ sau sự xuất hiện của Super Dream với giá rẻ hơn xe nhập cũng như mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, những chiếc Super Cub mới không còn ở vị trí “ngôi vương” như trước đây nữa và dần bị sử dụng thành xe thồ, xe chở hàng. Tuy nhiên ngay cả khi đã “hết thời”, nó vẫn tiếp tục đóng vai trò là “cần câu cơm” của hàng triệu người Việt. Ngoài ra với các ưu điểm của mình, Super Cub vẫn là dòng xe được những người trung – cao niên ưa chuộng.
Ngày nay, ngoài việc là phương tiện đi lại hàng ngày, Super Cub cũng đã trở thành đam mê, thú chơi của nhiều người. Hiện tại, Super Cub đang là một trong những mẫu xe có cộng đồng với số lượng người chơi đông đảo nhất Việt Nam. Với dung tích xi-lanh nhỏ chỉ 49cc ở một số phiên bản, nó cũng đã trở thành chiếc xe đầu tiên của nhiều bạn trẻ chưa đủ tuổi cấp bằng A1. Và từ đó, những chiếc Super Cub lại tiếp tục gắn bó hành trình cuộc đời của một thế hệ người Việt nữa…
Theo Nghe nhìn Việt Nam
Xao xuyến ngắm huyền thoại Honda Super Cub từ cổ tới kim
Các phiên bản Honda Super Cub dù là đồ cổ hay hiện đại nhất mỗi khi xuất hiện đều khiến không ít người hâm mộ thấy bồi hồi khó tả.
Chiếc Honda Super Cub C310 nhìn đẹp lung linh. Đây là dòng xe xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Mẫu xe được tút tát lại nhưng vẫn giữ nguyên nhiều chi tiết cổ điển.
Từng nét đẹp cho thấy Super Cub có lí do để trở thành huyền thoại.
Với không ít người Việt Nam thì Super Cub một thời được ví như kim vàng giọt lệ.
Phần đuôi xe.
Động cơ của Honda Super Cub được đánh giá rất bền bỉ lại siêu tiết kiệm xăng.
Một chiếc Super Cub khác đời 1959.
Còn đây là chiếc Super Cub đời 1960.
Chiếc xe được gìn giữ cẩn thận.
Ở Việt Nam, Super Cub một thời còn là biểu tượng của giới nhà giàu.
Để tậu được những chiếc Super Cub thì lúc đó người ta tính giá trị bằng vàng.
Đây là phiên bản Super Cub C125 mới nhất hiện nay. Xe có nhiều điểm cách tân, nhất là phần đầu xe.
Trước khi ra các mẫu xe máy, Honda đã trải qua một thời kỳ phát triển các mẫu xe đạp máy như thế này.
Honda Super Cub trở nên nổi tiếng và trở thành biểu tượng, lập kỷ lục là xe hai bánh bán chạy nhất toàn cầu.
Super Cub dù đến thời điểm hiện nay vẫn không từ bỏ triết lý thiết kế tối giản.
Một chiếc Super Cub C125 được độ đẹp lung linh.
Những mẫu xe Super Cub đổ điển được rất nhiều dân chơi xe sưu tập.
Super Cub là dòng xe đa năng.
Đơn giản nhưng hoạt động hiệu quả là những gì giúp Super Cub tồn tại lâu dài.
Mẫu xe này hiện vẫn được nhiều người sưu tầm và gìn giữ. Máy xe chạy rất bền.
Theo Danviet
Người Bình Thuận thay đổi kết cấu để Honda Super Cub "lùn tịt", thành phẩm khiến dân chơi "lác mắt" Để có thể lắp được cặp bánh kích thước nhỏ chỉ từ 6-8 inch cho chiếc Honda Super Cub, người thợ Bình Thuận đã phải thu nhỏ toàn bộ khung, khiến chiếc xe trở nên "tí hon". Trong giới chơi xe minibike tại Việt Nam, anh Thạch Nguyễn là một nhân vật khá nổi tiếng. Tới từ Bình Thuận và đam mê những...