Trồng nấm linh chi đỏ, nấm mối đen hữu cơ, mới 1 năm đã lãi “khủng”
Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ nấm ngày càng cao của người tiêu dùng, anh Phạm Văn Đồng (thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê, Gia Lai) đã quyết định đầu tư trồng nấm theo hướng hữu cơ để bán. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình trồng nấm của anh đã thành công, đem lại nguồn thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Cách đây vài năm, khi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, anh Đồng được tham quan nhiều mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao của nước bạn. Nhận thấy nguồn nguyên liệu cũng như điều kiện khí hậu ở quê mình cũng rất thích hợp để trồng nấm, anh ấp ủ ý tưởng sau này về nước sẽ bắt tay thực hiện.
Tháng 4/2018, sau khi bàn bạc với gia đình, anh mạnh dạn đầu tư trồng 2 loại nấm dược liệu là nấm mối đen và linh chi đỏ, đồng thời trồng nấm bào ngư làm thực phẩm. Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh.
Trồng nấm dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng đòi hỏi kỹ thuật rất khắt khe. Ảnh: V.T
Để hoàn thiện mô hình này, gia đình anh đã đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, nhà nuôi phôi, lò hấp, khu đóng gói… trên diện tích 350 m2. Đây là mô hình hoàn toàn khép kín, sử dụng hệ thống làm mát tự động để cân đối nhiệt độ và phun sương, đảm bảo nhiệt độ phòng luôn ở mức 26-28 độ C, thích hợp cho nấm sinh trưởng và phát triển, đạt năng suất, chất lượng cao.
Trước khi bắt tay vào làm, anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về 2 loại nấm mối đen và linh chi đỏ. Không chỉ vậy, để trang bị thêm kiến thức cho bản thân, anh còn đăng ký tham gia lớp tập huấn dài ngày về kỹ thuật trồng nấm do một công ty tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức, đồng thời tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều trại nấm lớn.
Video đang HOT
Tuy nhiên, thời gian đầu gia đình anh cũng trải qua không ít lần thất bại, mất cả trăm triệu đồng khi gặp sự cố về mặt kỹ thuật. Rút kinh nghiệm trong quá trình trồng nấm sau này, anh luôn chú trọng xử lý triệt để những mầm bệnh phát sinh, hạn chế tối đa mức độ xâm nhiễm từ bên ngoài.
Với giá nấm mối đen khoảng 300 ngàn đồng/kg, nấm linh chi đỏ 600 ngàn đồng/kg, nấm bào ngư 30 ngàn đồng/kg, trại nấm của gia đình anh Đồng cho thu lãi khoảng 600 triệu đồng mỗi năm
Anh Đồng cũng cho biết, chu kỳ nuôi trồng nấm theo phương pháp hữu cơ chỉ 6 tháng là cho thu hoạch nhưng đòi hỏi kỹ thuật rất khắt khe từ khâu làm phôi đến khâu nuôi trồng, phải đảm bảo sạch hoàn toàn. Do đó, sau khi thu hoạch nấm phải xử lý tốt khâu khử trùng môi trường cho đợt trồng tiếp theo. Anh cũng tự nghiên cứu làm phôi để vừa phục vụ sản xuất của gia đình, vừa cung cấp cho các hộ có nhu cầu với giá 15 ngàn đồng/bịch.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nấm trên địa bàn Gia Lai cũng như các tỉnh, thành khác rất lớn, gần như cung không đủ cầu. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, anh đã chọn sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo ra các sản phẩm nấm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
“Với giá nấm mối đen khoảng 300 ngàn đồng/kg, nấm linh chi đỏ 600 ngàn đồng/kg, nấm bào ngư 30 ngàn đồng/kg thì mỗi năm, trại nấm của gia đình tôi cho thu lãi khoảng 600 triệu đồng”, anh Đồng nhẩm tính.
Cũng theo anh Đồng, anh đã liên kết với Công ty TNHH một thành viên Nông trại Fuha ở TP. Hồ Chí Minh để bao tiêu toàn bộ sản phẩm nấm mối đen và nấm linh chi đỏ. Riêng sản phẩm nấm bào ngư, anh có mối tiêu thụ ổn định tại địa phương.
“Sắp tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích xưởng của gia đình mình thêm khoảng 100 m2 với kinh phí khoảng hơn 500 triệu đồng. Dự định là vậy nhưng gia đình tôi cũng gặp khó khi mà xưởng chỉ mới đi vào hoạt động ổn định trong thời gian ngắn, tiền lãi tích lũy chưa nhiều”-anh Đồng cho hay.
Ông Trương Thanh Hoài, quyền Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê đánh giá: “Mô hình trồng nấm dược liệu của hộ anh Phạm Văn Đồng được đầu tư rất bài bản theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Mô hình này có tính đột phá, mở ra hướng đi mới cho nông dân trên địa bàn khi địa phương đang vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích hồ tiêu bị chết. Bên cạnh mang lại nguồn thu cho gia đình, mô hình còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương với mức lương ổn định”.
Theo Vũ Thảo (Báo Gia Lai)
Độc đáo: Trồng dâu, nuôi tằm trên vùng "nghĩa trang" hồ tiêu
Nhằm cứu nông dân "thủ phủ" hồ tiêu, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê (Gia Lai) đã triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm bằng kỹ thuật và giống mới.
Ông Lê Sỹ Quý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết, nhiều năm nay, nông dân trồng tiêu trên địa bàn đang đối mặt với tình trạng tiêu chết hàng loạt, việc tìm cây trồng thay thế hết sức khó khăn.
Tháng 8/2018, trung tâm phối hợp với UBND xã Al Bá chọn 6 hộ để triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm trên đất hồ tiêu chết. Khi đưa tằm vào nuôi thí điểm, chỉ sau 15 ngày, tằm cho lứa kén đầu tiên, đạt chất lượng rất tốt, đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Bà con đang hi vọng đây là mô hình mở ra hướng đi mới trong điều kiện giá cà phê xuống thấp, do hồ tiêu chết vì dịch bệnh.
Người dân kiểm tra chất lượng kén tằm. Ảnh: K.N
Một trong những hộ tham gia thí điểm thành công là chị Nguyễn Thị Hường (thôn Tứ Kỳ Bắc, xã Al Bá, huyện Chư Sê). Trước đây, gia đình chị trồng hồ tiêu, cà phê, về sau vườn cây bị chết hết do dịch bệnh và mất giá, kinh tế gia đình rất khó khăn. Cuối năm 2018, trong lúc đang bế tắc, chị được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đầu tư giống, tập huấn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.
"Cứ hơn nửa tháng, gia đình tôi thu được 39kg kén, với giá bán 125.000 đồng/kg, thu được gần 5 triệu đồng. Tôi thấy trồng dâu nuôi tằm có vốn đầu tư thấp, nhưng lại cho thu nhập khá ổn định, thời gian mỗi chu kỳ rất ngắn, nên sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất" - chị Hường nói.
Cũng như chị Hường, sau khi hồ tiêu bị chết, nhiều nông dân loay hoay tìm cây trồng thay thế, nhưng do tự mày mò, chạy theo phong trào, nên "tránh vỏ dưa, đạp vỏ dừa". Khi tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm, ai cũng phấn khởi vì kết quả rõ ràng.
Cũng theo ông Quý, từ thực tế thí điểm, nghề nuôi tằm có độ rủi ro thấp do chỉ đầu tư khoảng 1 triệu đồng/hộp giống, thời gian nuôi đến thu hoạch chỉ khoảng 15 ngày. Ước tính mỗi sào (1.000m2) dâu tốt có thể đảm bảo lượng thức ăn nuôi 1 hộp tằm, 1 hộp tằm sẽ cho 50kg kén, lợi nhuận thu được cao gấp 4 lần so với trồng các loại cây trồng truyền thống.
Do vậy, sắp tới, trung tâm sẽ đề nghị UBND huyện đầu tư mở rộng vùng quy hoạch trồng dâu, nhân rộng ra các xã khác để có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vườn tiêu chết, vườn cà phê già cỗi nhằm giúp người dân có nguồn thu nhập khá hơn.
Đối với người dân "thủ phủ" hồ tiêu, nghề trồng dâu nuôi tằm tuy mới mẻ, nhưng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng là yêu cầu cấp thiết để khôi phục kinh tế. Theo Phòng NNPTNT huyện Chư Sê, trước tình trạng hồ tiêu bị dịch bệnh và mất giá, huyện đã nỗ lực tìm kiếm các loại cây trồng thay thế. Kết quả có một số cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt là có giá trị cao và đầu ra ổn định, trong đó có mô hình trồng dâu nuôi tằm.
Theo Danviet
Những "miền đất hứa" của lao động Việt trong năm 2019 Thời gian qua, ngoài những thị trường xuất khẩu lao động truyền thống như: Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, nhiều thị trường trọng điểm mới đang nổi lên như một "vùng đất hứa" với lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Úc. Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước...