Trong mắt Thủ tướng Lý Hiển Long: Nhìn ra sao về sự trỗi dậy của Trung Quốc?
Nhà lãnh đạo của Singapore đã có một nhận định sâu sắc về những thay đổi của thế giới hiện nay, đặc biệt các mối tương quan của Trung Quốc và Nhật Bản trong khu vực và thế giới.
Thiếu nữ Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm ở Quảng trường Thiên An Môn nhân ngày Quốc khánh 1-10 – Ảnh: Reuters
Tại Hội thảo quốc tế Nikkei về Tương lai châu Á (Tokyo) vừa tổ chức, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có một phát biểu ấn tượng đánh giá về tình hình thế giới nói chung và châu Á nói riêng hiện nay. Sau đây là một số nội dung được báo Straits Times ghi nhận.
Châu Á có những vấn đề cần xem xét
Chúng ta đang ngồi với nhau tại đây vào một thời điểm của những thay đổi lớn và sự bất định. Bảy năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều nền kinh tế vẫn chưa hồi phục được. Tiền lương thì dậm chân tại chỗ. Người lao động lo lắng về công ăn chuyện làm. Những người theo chủ nghĩa bảo hộ, chống dân nhập cư, chống toàn cầu hóa… đang chiếm ưu thế.
Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với nhiều vấn đề mang tính nền tảng, từ làn sóng người nhập cư, phong trào chống EU cho đến Brexit. Trong khi đó, Mỹ đang ở giữa một kỳ bầu cử tổng thống đầy rắc rối và khác thường. Chủ nghĩa khủng bố là cơn đau đầu đối với nhiều quốc gia.
So với phần còn lại của thế giới, châu Á đang chuyển động không đến nỗi tệ. Khu vực này năng động, có nhiều cơ hội cho làm ăn, từ các dịch vụ phục vụ tầng lớp trung lưu ngày càng đông cho đến nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ bản. Nhưng châu Á cũng có những vấn đề riêng.
Thay đổi lớn nhất ở châu Á, và cả thế giới, đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng trung bình hơn 10%/năm trong hơn 30 năm qua, mảng ngoại thương theo đó cũng trở nên khổng lồ.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của gần như tất cả các nước ASEAN, và cả Nhật Bản. Cuối năm 2015, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã vượt quá dòng vốn ngoại đổ vào trong nước.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã và đang tác động đến cả thế giới, và tôi muốn giải thích ba điểm về điều này.
Trung Quốc không nên “xáo tung” trật tự thế giới
Thứ nhất, sự đi lên của Trung Quốc nhìn chung là một cái lợi lớn. Trung Quốc đang ổn định, phát triển và ngày càng hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi nghèo đói.
Người tiêu dùng khắp thế giới được hưởng lợi nhờ nguồn hàng xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc: quần áo, điện thoại thông minh, đồ dùng gia dụng… Doanh nghiệp khắp nơi quan tâm đến thị trường khổng lồ của Trung Quốc với hy vọng bán được hàng hóa từ máy bay, bảo hiểm sức khỏe cho đến dịch vụ y tế.
Thành công của Trung Quốc, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa họ và các nước khác đã đóng góp rất nhiều cho sự phồn thịnh của châu Á và thế giới.
Thứ hai, sự trỗi dậy của Trung Quốc đòi hỏi mỗi quốc gia phải thực hiện những thay đổi lớn. Cần thiết phải có sự kiềm chế và trí khôn từ tất cả các bên.
Bản thân Trung Quốc phải thay đổi cho xứng với vai trò mới trong thế giới, dám đứng ra nhận lãnh trách nhiệm trong tư cách một cường quốc đang lên. Trung Quốc đã làm được một số việc, có thể kể đến đóng góp ngày càng tăng cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, phê chuẩn sớm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu…
Video đang HOT
Nhưng song song đó, Trung Quốc cần phải lưu ý về nỗi lo tự nhiên mà sự trỗi dậy quá nhanh của họ gây ra đối với láng giềng và các cường quốc khác. Họ cần phải hành động làm sao để thể hiện được cam kết xây dựng mối quan hệ cùng có lợi với các nước khác.
Và trong khi Trung Quốc muốn thay đổi các khuôn khổ và luật lệ sẵn có, họ cần bảo đảm không lật tung trật tự thế giới đã hình thành, vốn cũng mang lợi ích lại cho chính họ.
Binh sĩ hải quân Trung Quốc chào đoàn tàu của Nga sau đợt tập trận chung ở Biển Đông giữa tháng 9 vừa qua – Ảnh: Reuters
Các nước nhỏ láng giềng cần làm gì?
Đối với các nước nhỏ, họ cần phải cân nhắc, tính toán đến chính sách và lợi ích của một cường quốc đang lên như Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nước nhỏ cũng có thể hưởng lợi từ các cơ hội mới trong giao thương và hợp tác kinh tế với Trung Quốc, ví dụ như các dự án của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) và sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, vốn sẽ giải quyết nhu cầu khát hạ tầng và kết nối của châu Á.
Về phần các cường quốc, họ cần tạo điều kiện cho những lợi ích chính đáng của một Trung Quốc đang đi lên. Trung Quốc muốn có thêm ảnh hưởng đối với phát triển toàn cầu như bất cứ cường quốc nào khác.
Đổi lại, họ sẽ phải tăng cường đóng góp cho hợp tác quốc tế theo khả năng, tài nguyên và lợi ích nếu như muốn có thêm tiếng nói trong các tổ chức như Liên Hiệp Quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay ngân hàng thế giới (WB).
Những nguyện vọng này cần phải được công nhận và cân nhắc nghiêm túc bởi các cường quốc khác.
Một thay đổi lớn như vậy trong cân bằng chiến lược sẽ không xảy ra một cách dễ dàng. Chúng ta sẽ chứng kiến rạn nứt và tranh cãi thường xuyên, đặc biệt giữa các nước láng giềng vì tất cả đều có lợi ích quốc gia riêng. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc dính đến các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông và Hoa Đông.
Nhưng tất cả các bên đều có chung lợi ích trong việc đạt được một trật tự và cân bằng mới, đồng thời hạn chế xung đột. Vì nếu các quốc gia không thể hợp tác với nhau, chúng ta không chỉ mất đi cơ hội phát triển cùng nhau, mà còn đặt tất cả thành quả đã đạt được trước nguy cơ biến mất.
Chốt lại, một môi trường bên ngoài ổn định hoàn toàn là lợi ích của Trung Quốc. Sự thịnh vượng của Trung Quốc cũng tùy thuộc vào các quốc gia khác.
Dù có diện tích lớn, Trung Quốc không bao giờ có thể tự cung tự cấp tất cả mọi thứ. Một thân một mình, bỏ qua thị trường thế giới, công nghệ tiên tiến và nguồn đầu tư đa quốc gia, Trung Quốc sẽ không giàu có như bây giờ. Hơn nữa, sự ổn định và nền hòa bình sẽ cho phép Trung Quốc tập trung vào các thách thức trong nước, vốn cũng không phải là ít.
Trung Quốc cũng có lắm thách thức nội tại
Thứ ba, về phần Trung Quốc, chúng ta nên nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc chưa và sẽ không bao giờ hoàn toàn bình lặng. Họ có nhiều thách thức nội bộ nghiêm trọng, nhiều thách thức diễn ra cùng lúc sẽ càng trở nên phức tạp và khó vượt qua.
Nền tảng kinh tế của Trung Quốc đã mở rộng rất nhiều, nhưng với tầm mức cao hiện tại, tốc độ tăng trưởng không khỏi bị chậm lại.
Những thách thức hiện tại của họ rất cấp bách: lương thấp; mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu đã đạt tới giới hạn; hậu quả môi trường quá lớn; nhu cầu cải thiện hành chính công; dân số già tăng nhanh…
Biển người chờ lên xe lửa ở Vũ Hán trong dịp Trung Thu vừa qua. Trung Quốc cũng có đầy vấn đế nội tại xã hội – Ảnh: Reuters
Thực trạng này đòi hỏi Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề cơ bản như tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách xã hội, nền chính trị… Tất cả những thứ đó đều phải trả giá và có rủi ro cao.
Vì vậy, chúng ta không thể suy diễn mọi thứ từ giai đoạn phát triển 30 năm qua của Trung Quốc và cho rằng 30 năm tiếp theo mọi thứ vẫn như cũ.
Thay vào đó, chúng ta cần nhìn Trung Quốc như một nền kinh tế thành công nhưng cũng đầy những thử thách và khiếm khuyết như bất cứ ai. Dự báo của họ rất hứa hẹn, nhưng con đường tiếp tục đến thành công không còn bằng phẳng nữa.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc một cách thực tế đã nhìn nhận Trung Quốc đã đi vào một “chuẩn mực mới”. Họ rõ ràng ý thức về những thử thách phía trước cũng như quyết tâm thực hiện những cải cách cần thiết để phát triển.
Chúng ta hy vọng Trung Quốc sẽ thành công. Điều này bởi vì một Trung Quốc ổn định và thịnh vượng, có ý thức về vai trò và trách nhiệm, hướng theo con đường “phát triển hòa bình”, sẽ rất có lợi cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.
Kỳ tới: Chờ đợi gì từ Nhật Bản?
Theo Tuổi Trẻ
Mỹ lo lắng trước sự trỗi dậy của Nga
Theo Tạp chí The National Interest, Mỹ cần xem xét phương hướng chiến lược mới để đối phó với năng lực tác chiến điện tử của Nga đang trỗi dậy.
Mỹ cần xem xét lại
Tạp chí này cho biết, sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã ngừng phát triển nghiên cứu các phương tiện chiến tranh điện tử và hiện Washington cần xem xét lại vấn đề này một cách nghiêm túc.
The National Interest dẫn lời Tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu, Tướng Philip Breedlove nêu lên hai lý do dẫn tới khoảng cách trong tiềm năng tác chiến điện tử của Moskva và Washington:
Thứ nhất, 20 năm trước, Nga và Mỹ là đối tác và người Mỹ đã không chú tâm tới các nghiên cứu của Nga. Thứ hai, trong những năm gần đây, Mỹ chủ yếu chiến đấu với các lực lượng phiến quân như Taliban hoặc al-Qaeda và Washington hầu như không nắm vững phương tiện tác chiến điện tử.
Chính vì vậy, Washington hiện sở hữu các hệ thống chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD), nhưng cơ chế làm việc trong khuôn khổ chiến lược này chưa được quân đội Mỹ nghiên cứu đầy đủ.
Máy bay đối kháng điện tử EA-18G Growler (bên trên).
Trong khi đó, Nga theo dõi giới quân sự Mỹ từ thời chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và đã học hỏi được rất nhiều. Moskva đã đầu tư vào các phương tiện phát hiện yếu điểm của quân đội Mỹ, The National Interest thừa nhận thực tế đáng lo ngại.
Trước khi The National Interest đưa ra nhận định này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work đã thừa nhận Washington đang mất dần lợi thế vào tay Moscow trong lĩnh vực tác chiến điện tử.
Tạp chí Armyrecognition dẫn thông cáo báo chí của Bộ quốc phòng Nga cho biết, Quân đội Nga sẽ đưa vào hoạt động khoảng 20 loại hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới trong thời gian sắp tới và đây chỉ là một phần trong chương trình mua sắm quốc phòng của Nga trong năm 2015.
Trong đó có ít nhất 10 loại hệ thống tác chiến điện tử đã hoàn tất quá trình phát triển và đã được Bộ quốc phòng Nga đặt hàng. Các hệ thống tác chiến điện tử mới này bao gồm: Krasukha-2, Murmansk-BN, Borisoglebsk-2, Krasukha-S4 và Svet-KU.
Trước đó, Quân đội Nga cũng đã bắt đầu đưa vào trang bị số lượng hạn chế các tổ hợp tác chiến điện tử mặt đất tiên tiến như Borisoglebsk-2V hay Moskva-1 cho một số lữ đoàn bộ binh cơ giới.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga luôn xếp thứ hai sau Mỹ về lĩnh vực này. Tuy nhiên trong thời gian gần đây khả năng trinh sát và tác chiến điện tử của Nga đang được nâng cao rất mạnh thì Mỹ lại có dấu hiệu thụt lùi, sau khi dốc toàn lực đấu với các đối thủ "dưới cơ" như Iraq, Lybia hay tổ chức khủng bố IS.
Hồi tháng 3/2015, Mỹ đã thành lập Ủy ban Tác chiến điện tử, do Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua bán vũ khí Frank Kendall và phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân - Đô đốc James Winnefeld lãnh đạo.
Theo thông báo của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work, Uỷ ban này sẽ tìm cách giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giữ vững lợi thế trong lĩnh vực tác chiến điện tử. "Chúng tôi vẫn đang dẫn đầu, nhưng tôi nghĩ rằng vị thế này đang dần mai một một cách nhanh chóng", ông Work nói.
Vào năm 2014, Hội đồng khoa học quốc phòng Hoa Kỳ đã đề nghị phân bổ thêm 2 tỉ USD trong ngân sách quốc phòng nhằm tăng cường khả năng tác chiến điện tử. Vấn đề này đã trở nên cấp bách sau khi hàng loạt điểm yếu của các hệ thống vũ khí Mỹ bị phanh phui.
Ví dụ như loại máy bay hiện đại bậc nhất của Mỹ là F-35 có chi phí phát triển lên tới 400 tỉ USD, nhưng rất dễ biến thành "bia bay" nếu không được hỗ trợ bởi máy bay tác chiến điện tử F-18 Growler. Hay tàu tác chiến ven bờ lớp Freedom của Mỹ có những lỗ hổng bảo mật an ninh mạng máy tính rất lớn.
Hay trong vụ việc máy bay Su-24 Nga áp chế hoàn toàn hệ thống radar cảnh báo sớm và điều khiển vũ khí trên khu trục hạm Aegis lớp Arleigh Burke số hiệu DDG-75 USS Donald Cook trên biển Đen tháng 4/2014, chiếc cường kích này được cho là đã sử dụng hệ thống tác chiến điện tử Khibiny tối tân của Nga.
Trước đó, Nga cũng đã sử dụng tổ hợp tác chiến điện tử 1L222 Avtobaza bắt sống một chiếc máy bay trinh sát không người lái MQ-5B của Mỹ. Thiết bị tác chiến điện tử của Nga đã cắt đường truyền thông tin điều khiển và cướp quyền kiểm soát, ép một chiếc của Mỹ hạ cánh xuống bán đảo Crimea.
Máy bay Tu-214R Nga hoạt động tại Syria.
Tăng cường trang bị
Theo một số nguồn tin, hiện Nga đang phát triển hàng loạt hệ thống trinh sát và tác chiến điện tử mới cơ động dưới mặt đất và mang theo máy bay, hoặc lắp đặt trên các chiến hạm.
Các hệ thống mặt đất có Krasukha-2 và Krasukha-4 của Tập đoàn công nghệ điện tử - radio của Nga (KRET). Tổ hợp Krasukha-4 được nâng cấp mạnh trên cơ sở Krasukha-2, là trạm dải tần rộng gây nhiễu âm thanh mạnh, module đa năng đặt trên mặt đất gây nhiễu dùng để bảo vệ các công trình, mục tiêu cố định.
Theo_Báo Đất Việt
Tướng Mỹ: IS trỗi dậy từ chiến tranh Iraq Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA), ông Michael Flynn thừa nhận, nếu không có chiến tranh Iraq, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ không tồn tại. Trong bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Der Spiegel ngày 29-11, cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Afghanistan và Iraq nói rằng, nếu không...