Trồng loại cây ra quả có ruột đỏ hồng, dân ở đây thu trăm triệu
Nhờ chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ mà người dân xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm, hướng đến xây dựng hình ảnh đặc sản trong chương trình mỗi xã một sản phẩm của địa phương.
Đến xã Nam Hà bây giờ, không phải đi trên những con đường đất lầy lội nữa mà người dân đã thoải mái, thong dong trên những con đường nhựa, bê tông sạch sẽ. Hiện tại, bà con đã có hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, đó là trồng cây thanh long ruột đỏ.
Dẫn phóng viên đi trong khu vườn thanh long rộng 3.000m2, ông Nguyễn Văn Đoài (44 tuổi, ngụ tại thôn Hoàn Kiếm 3, xã Nam Hà) nhận định rằng, cây thanh long ruột đỏ dễ trồng, ít tốn công lao động, sớm cho thu hoạch lại có năng suất và giá trị kinh tế cao so với chăm sóc cây cà phê mà hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.
Theo người dân, trồng thanh long ruột đỏ có giá trị kinh kế cao hơn nhiều so với cây cà phê ở địa phương.
Ông Đoài cho biết, từ năm 2013, từ trồng cà phê cho đến bơ đều không có hiệu quả, qua sự hướng dẫn của địa phương về chuyển đổi giống cây trồng, ông Đoài đã quyết định phá 3 sào cà phê để trồng thanh long ruột đỏ.
“Với số vốn tích cóp được, gia đình tôi đã quyết định đầu tư trồng cây thanh long ruột đỏ. Sau khi tìm hiểu và học hỏi từ một số hộ gia đình đã trồng loại cây này trước đó, tôi nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên cây thanh long ruột đỏ phát triển mạnh mẽ. Chỉ sau hai năm, gia đình tôi đã được thu hoạch lứa quả bói đầu tiên”, ông Đoài nhớ lại.
Tiếp sau đó 1 năm nữa, ông Đoài đã được thu hoạch lứa thanh long thương phẩm. Lần này, chủ vườn đã thu được 15 tấn, bán với giá tại vườn khoảng 20.000 đồng/kg, gia đình ông Đoài thu về gần 300 triệu đồng. Chỉ riêng trong tháng 4 âm lịch vừa qua, lão nông này đã bán được hơn 100 triệu tiền thanh long.
Theo ông Đoài, trung bình cứ 1.000m2 thì ông thu về 100 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Hiện tại, các thương lái đã đến tận vườn của ông mua với giá 25.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Ông Đoài thu hoạch những quả thanh long chín trong vườn của mình.
Cũng giống như gia đình ông Đoài, anh Trần Văn Dũng (thôn Nam Hà, xã Nam Hà) cho biết, trước đây, tại địa phương không có ai trồng loại cây này. Tuy nhiên, cách đây 6 năm, một số gia đình đã lấy giống về địa phương để trồng thử, chủ yếu làm cảnh và thấy chúng phát triển tốt. Vì vậy, họ đã đầu tư trồng tại vườn. Theo các hộ dân ở đây, nếu đầu tư bài bản khoảng 1.000m2 thì họ sẽ phải bỏ ra chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng.
Đứng giữa vườn thanh long khoảng 2ha quả sai trĩu, anh Dũng chia sẻ: “Mỗi năm, 1 trụ thanh long của chúng tôi có thể cho thu khoảng 50kg quả/năm, tính ra mỗi ha cũng được hơn 50 tấn quả/năm. Với giá bán tại vườn dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg so với các loại cây trồng khác thì thanh long có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều”.
Mỗi năm, gia đình anh Dũng thu hoạch được khoảng 50kg quả/trụ.
Nói về những mô hình trồng thanh long tại địa phương, ông Tạ Quang Việt – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hà nhận định: “Tại địa phương hiện nay có hai giống thanh long được trồng đó là ruột đỏ và tím hồng. Ở các vùng nóng khác, từ khi ra hoa cho đến khi thu hoạch vào khoảng 30 ngày, tuy nhiên xã Nam Hà có khí hậu mát mẻ nên chu kỳ sinh trưởng của trái dài hơn, vì vậy kéo dài đến 45 ngày. Hiện nay, mỗi quả thanh long có trọng lượng khoảng 1kg, khi chín có màu đẹp, vị ngọt và lạ nên được các thương lái ưa chuộng”.
Trong khi đó, ông Tiêu Văn Bính – Chủ tịch UBND xã Nam Hà cho biết, hiện nay địa phương có khoảng 70ha thanh long ruột đỏ. Trong đó, có 30ha đang trong thời kỳ thu hoạch và 40ha chuẩn bị cho thu hoạch.
“Dù cà phê đang là cây trồng chủ lực nhưng một số diện tích già cỗi, cho năng suất thấp đã được người dân chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Do có chất lượng tốt và ổn định nên đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Hiện tại chúng tôi đã đăng ký với huyện Lâm Hà thanh long ruột đỏ là cây đặc sản của xã trong chương trình mỗi xã một sản phẩm”, ông Bính nói.
Theo Danviet
Ninh Bình: Thầy giáo bỏ nghề về quê "nghịch đất" trồng thanh long
Gác lại những năm tháng của một người thầy giáo trẻ, anh Mai Văn Công (sn 1987) ở xóm 6, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã quyết định xin thôi việc. Anh về quê nhà chuyên tâm thực hiện giấc mơ làm giàu từ trồng thanh long. Hiện, anh đã gây dựng được vườn thanh long ruột đỏ lên tới hơn 500 trụ, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng.
Làm giàu trên mảnh đất quê hương là giấc mơ của nhiều người, nhưng không phải ai cũng đủ quyết tâm và đôi khi cần cả chút "máu liều", nhất là đối với những người đang có công việc ổn định và anh Công là một ví dụ điển hình. Sau gần 3 năm gắn bó với bảng đen và phấn trắng, thầy giáo trẻ Mai Văn Công ở xóm 6, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh bất ngờ từ bỏ công việc dạy học của mình để về quê làm bạn với cây cối.
Phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đến tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Công đúng vào dịp vườn cây xanh ra quả đỏ chuẩn bị thu hoạch. Bên cạnh những quả thanh đỏ chín căng mọng, anh Mai Văn Công hồ hởi giới thiệu cho những vị khách về những thành công bước đầu của mình trong nghề trồng thành long trên mảnh đất vốn chỉ quen với cây lúa.
Thầy giáo trẻ Mai Văn Công (sn 1987) ở xóm 6, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã quyết định xin thôi việc dạy học về nhà trồng thanh long ruột đỏ.
Anh Công cho biết, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chuyên ngành Hóa - Sinh, anh háo hức trở về quê hương và bắt đầu với những ngày tháng miệt mài trên bục giảng. Công việc giảng dạy của một người thầy có lẽ sẽ gắn với anh Công cho đến hết tuổi nghỉ hưu nếu như anh không tình cở biết đến cây thanh long ruột đỏ.
"Trong một lần đến nhà một người bạn chơi thì tình cờ biết đến cây thanh long ruột đỏ, thấy nó lạ lạ nên tôi xin mấy cành về trồng thử. Gọi là trồng chơi, nhưng thấy mấy khóm thanh long đó phát triển tốt cho nhiều trái và chất lượng quả không thua kém ở nơi khác. Lúc đó tôi nghĩ nếu trồng hết thanh long ruột đỏ trên cả vườn nhà mình thì sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao. Nghĩ là làm, tôi bàn với bố mẹ và quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích gần 7.000m2 đất vườn, đất ruộng sang trồng thanh long", anh Công nhớ lại.
Để tập trung vào xây dựng mô hình trồng thanh long, giữa năm 2014, anh Công quyết định gác lại nghiệp trồng người, rời bỏ công việc của một thầy giáo để dành hết thời gian cho cây thanh long. Anh bỏ ra hơn 100 triệu đồng để mua sắt, đá, xi măng về đổ hơn 500 trụ bê tông và mua hơn 500 cây thanh long ruột đỏ giống. Sau hơn 1 năm chăm sóc thì vườn bắt đầu bói quả và từ năm thứ 2 trở đi cho sản lượng quả ổn định từ 4- 5 tấn/năm.
Từ vườn thanh long anh Mai Văn Công có nguồn thu nhập lên đến hơn một trăm triệu đồng/năm.
"Từ năm thứ 2 trở đi thì sản lượng thu hoạch ổn định, với hơn 500 trụ thanh long trung bình mỗi năm tôi thu được hơn 5 tấn quả, giá bán dao động khoảng từ 18.000- 20.000 đồng/kg, có nhiều thời điểm bán được giá trên dưới 25 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí cũng lãi được hơn 100 triệu đồng", anh Công tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Nhằm tăng hiệu quả kinh tế tối đa, anh Mai Văn Công tận dụng cỏ dại mọc xen kẽ tại vườn thanh long để nuôi đàn cá trắm dưới ao. Theo anh Công nhờ cách làm này mà một công anh được cả 2 việc, vườn thanh long vừa sạch cỏ vừa có cỏ cho cá ăn. "Mỗi năm riêng từ tiền bán cá trắm cỏ cũng được thêm mấy chục triệu đồng, mình làm nông nghiệp mà thu được thêm khoản nào là tốt khoản ý", anh Công chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về kinh nghiệm trồng thanh long, kỹ thuật trồng thanh long, anh Mai Văn Công cho biết, trồng thanh long ruột đỏ khá dễ, chi phí đầu tư ban đầu lại thấp, nhanh thu hồi vốn và có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với thanh long ruột trắng. Sau khi trồng khoảng 2 năm là bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 5 cho đến tháng 10, trung bình mỗi tháng thu được khoảng 2 lứa quả.
Sau khi trồng khoảng 2 năm là cây thanh long ruột đỏ bắt đầu cho thu hoạch quả, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 5 cho đến tháng 10, trung bình mỗi tháng thu được khoảng 2 lứa.
"Trong các loại cây ăn quả thì trồng cây thanh long là dễ trồng, dễ chăm sóc nhất, chỉ vào vụ quả mới phải chăm sóc và cách chăm sóc cũng khá đơn giản, không cầu kì như các loại cây ăn quả khác nên thời gian còn lại làm được việc khác bình thường", anh Công vui vẻ nói thêm.
Từ bỏ một công việc ổn định, ăn mặc bảnh bao tươm tất để về nhà "đánh vật" với đồng ruộng cây cối là điều không hề dễ dàng, thế nhưng chàng trai sinh năm 1987 Mai Văn Công vẫn kiên định với con đường "gập ghềnh" mà mình đã lựa chọn. Dù vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn phía trước nhưng thời gian tới, anh Mai Văn Công tin tưởng sẽ tìm cách để phát triển mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Dự định của anh là sẽ tiếp tục thuê đất để mở rộng mô hình trồng thanh long và trồng thêm các loại cây ăn quả khác như na, mít,...
Theo Danviet
Vườn trồng xen 3-4 tầng cây chia lửa với nỗi buồn cà phê thấp rề rề Giá cà phê liên tục đi xuống đến mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Ở thủ phủ cà phê Tây Nguyên, người nông dân thấp thỏm lắng nghe từng ngày, nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu vui. Tuy vậy, mùa thu hoạch bơ, sầu riêng... đang đến, giúp bà con dịu bớt nỗi lo lắng, tiếp tục gắn bó với vườn...