Trong lành hồn Việt trên phim
Cùng với Bí thư tỉnh ủy, Người con của rồng, Long thành cầm giả ca, biên kịch Văn Lê, đạo diễn Đào Bá Sơn đã vượt qua hàng chục phim ứng viên khác để vinh dự nhận giải Cánh diều vàng vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.
Phim truyện Việt dã sử hiếm hoi
Điều đáng nói là theo dư luận báo chí thì Cánh đồng bất tận cũng là phim truyện nhựa dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình là một bộ phim “sẽ bất khả chiến bại”.
Thế nhưng đến phút chót, Long thành cầm giả ca – phim truyện nhựa dã sử, kịch bản Văn Lê, đạo diễn Đào Bá Sơn đã đoạt ngôi vị Quán quân. Liệu đây có thể được xem là một tín hiệu đáng mừng bước đầu khẳng định và đề cao yếu tố chuyên môn trong thẩm định tác phẩm nghệ thuật, chứ không chịu áp lực của truyền thông?
Tuy là phim dã sử nhưng việc tôn trọng những sự kiện lịch sử giai đoạn 1783 – 1813, cuối Lê, đầu Nguyễn không thể không tính đến. Sự thật lịch sử đó chủ yếu dựa vào một mối tình đã được “thơ hóa” trong một tác phẩm nghệ thuật của đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, nên đây là một bộ phim nghệ thuật dã sử theo đúng nghĩa.
Các nhà chép sử trước đây thường ít quan tâm đến tình cảm cá nhân của những người thuộc hạng “xướng ca vô loài”. Đây chính là lợi thế cho các tác phẩm nghệ thuật về lịch sử phát huy “đất dụng võ”. Đến nay, chưa ai dám chắc rằng Long thành cầm giả ca có bao nhiêu phần trăm là hư cấu nghệ thuật và bao nhiêu phần trăm là sự thật lịch sử. Nhân vật chính Tố Như (tên tự của Nguyễn Du) là một nhân vật lịch sử và văn hóa đã được nhiều thế hệ người Việt Nam và cả thế giới biết đến, nhưng người bạn tình của thi hào thì chỉ một mình ông biết mà thôi. Cái mà chúng ta có thể biết được về người con gái có tên Cầm cũng chỉ là một hình tượng nghệ thuật trong một bài thơ khá nổi tiếng có tên Long thành cầm giả ca của cụ Nguyễn Tiên Điền. Người con gái trong bài thơ nói trên và cả trong bộ phim cùng tên sau này không phải là một nhân vật lịch sử, mà là một hình tượng nghệ thuật do hư cấu mà nên.
Văn nhân và ca kỹ – hai loại người này về số phận lịch sử thường có những nét tương đồng nên rất dễ cảm thông cho nhau, đồng thời thân phận những con người nhỏ bé trước sự ba đào của lịch sử bao giờ cũng dễ tìm được sự đồng cảm của nhiều người. Tác giả kịch bản Văn Lê và đạo diễn Đào Bá Sơn tỏ ra có lý khi quyết định đưa hình ảnh một nhân vật lịch sử là danh nhân văn hóa lên màn ảnh rộng. Đấy là điểm mấu chốt đầu tiên khiến phimLong thành cầm giả ca được nhiều người đón đợi và quan tâm bàn luận.
Sự tôn vinh văn hóa Việt
Video đang HOT
Loại trừ tất cả những khiếm khuyết trong quá trình dàn dựng bộ phim về tính chuyên nghiệp của đạo diễn và diễn viên, về âm nhạc, ánh sáng, trường quay, về các yếu tố kỹ thuật, phục trang, lời thoại… thì bộ phim về một danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam, đại thi hào Nguyễn Du ít nhất phải thỏa mãn được tâm lý người Việt khi thưởng ngoạn.
Cái hồn Việt được toát lên ở không khí chung của toàn cảnh bộ phim và trong từng chi tiết mà các diễn viên thể hiện, trong tiết tấu nhạc nền và âm thanh, trong bối cảnh… Bởi lẽ, lịch sử dân tộc có lúc thăng, lúc trầm, có tiến, có thoái thì hà cớ gì lại chỉ phản ánh những màn binh đao khói lửa, đạn bom và súng gươm, đầu rơi máu chảy, những thiên anh hùng ca hào sảng đến chói lóa.
Phim được mở đầu bằng hình ảnh một cô bé soi bóng dưới làn nước trong lành của giếng làng (do Nhật Kim Anh đóng), tạo nên cảm giác cho người xem đây là một làng quê hiền hòa, thanh bình. Mẹ của cô bé là một ca kỹ nên cô cũng theo nghề của mẹ. Cô bé được đưa lên Long thành, theo học tại lớp đàn hát của thầy Nguyễn và tại đây, cô được đổi tên là Cầm. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, thầy Nguyễn đã nhận ra ở Cầm một khí chất và tài năng hơn người. Tiếng đàn của Cầm toát lên vẻ thanh tao, cao quý mà không phải bất cứ một ca nương nào cũng có. Vào tuổi trăng tròn, Cầm may mắn được gặp và đem lòng cảm mến tân khoa Tố Như (do Quách Ngọc Ngoan đóng) khi anh trên đường trở về nhà. Cuộc gặp gỡ định mệnh khiến hai tâm hồn trở nên xao động. Dù đã có vợ và hai con ở quê nhà, nhưng Tố Như không thể làm ngơ trước tài sắc của Cầm.
Thế nhưng ở vào cái thời buổi đất nước loạn lạc, vua quan tranh giành quyền bính, giặc ngoại xâm uy hiếp nền thái bình dân tộc, khiến người dân lầm than, ly tán khắp muôn phương. Trong cơn ba đào ấy, chàng tân khoa Tố Như đã viết nên những vần thơ làm lay động lòng dân trăm họ về ca nương Cầm. Và câu chuyện tình đầy lãng mạn nhưng cũng vô cùng éo le giữa hai người bắt đầu nảy nở từ đấy.
Đạo diễn Đào Bá Sơn đã tập trung khai thác những yếu tố tâm lý, xúc cảm của con người được thể hiện qua câu chuyện tình ấy làm người xem rung động. Đồng thời phim đã tạo dựng được một không khí cổ kính, uy nghiêm, mang đậm hồn cốt Việt, mà đỉnh cao của nó chính là con người và miền đất kinh thành Thăng Long xưa.
Với nhiều cảnh quan đẹp từ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, phủ Thành Chương, cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, các chùa chiền ở kinh Bắc xưa, cố đô Huế… và một dàn diễn viên đẹp như người mẫu Quách Ngọc Ngoan, ca sĩ Nhật Kim Anh, diễn viên Bùi Bài Bình, Trần Lực… Long thành cầm giả ca đã phần nào thể hiện được nét văn hóa lâu đời của người Việt. Khán giả như được sống lại bầu không khí cổ xưa với những trò chơi dân gian quen thuộc, những câu thơ trữ tình hay những điệu hát chầu văn, ả đào, các bài đồng dao được điểm xuyết trong phim gợi lên không gian thân thuộc của người dân đất Bắc xa xưa. Hình ảnh giếng làng, cây đa quán dốc hay các nàng ca kỹ e ấp bên cây đàn nguyệt được tận dụng tối đa.
Có thể nói, Long thành cầm giả ca là một trong những phim dã sử hiếm hoi của Điện ảnh Việt Nam thể hiện được tính thuần Việt trong khâu mỹ thuật của bộ phim này.
Theo 2Sao
"Năm nay không có phim nào xứng đáng đoạt giải Vàng"
Khi được hỏi về giải Cánh Diều Vàng gây tranh cãi của Long Thành cầm giả ca, đạo diễn - NSƯT Thanh Vân, thành viên BGK đã trả lời: "Thẳng thắn nhìn nhận, năm nay không có phim nào đoạt giải Vàng, tôi đã đề nghị để trống giải Vàng, chỉ trao giải Bạc...".
Lễ trao giải Cánh Diều Vàng (CDV) 2010 đã tẻ nhạt khép lại nhưng dư chấn của các giải thưởng Diều Vàng, Diều Bạc vẫn để lại những tranh cãi mạnh mẽ. Quyết liệt nhất là những ý kiến phản biện trước Cánh Diều Vàng dành cho bộ phim Long Thành cầm giả ca của đạo diễn Đào Bá Sơn.
Long Thành cầm giả ca xoay quanh câu chuyện tình của đại thi hào Nguyễn Du và ca nương tên Cầm. Truyện phim được kể theo trình tự thời gian, từ khi Nguyễn Du được triều Nguyễn ân sủng, được làm quan, đến khi thời thế loạn lạc, nghĩa quân Tây Sơn nổi dậy lật đổ triều đình... Nguyễn Du đứng giữa những binh biến lịch sử trong sự dày vò, đau khổ, trong đó có những day dứt với mối tình cùng nàng Cầm. Đi qua những thăng trầm, đi qua những biến chuyển của thời đại, Nguyễn Du về già gặp lại nàng Cầm, đại thi hào không còn nhận ra mối tình cũ, một cô gái xinh đẹp nổi tiếng khắp kinh thành nay đã là một bà già cô đơn, nghèo khổ... Nghẹn ngào trước cuộc đời nàng Cầm, nghẹn ngào trước thời thế đổi thay, Nguyễn Du đã cảm tác viết nên bài thơ bất hủ, Long Thành cầm giả ca.
Chiến thắng của Long Thành cầm giả ca đã gây tranh cãi
Dựa vào bài thơ Long Thành cầm giả ca, tác giả Văn Lê đã viết nên một kịch bản phim. Giữa bối cảnh "thiếu và yếu" những kịch bản phim lịch sử, Long Thành cầm giả ca là một kịch bản giàu chất liệu để có thể xây dựng một phim nhựa hay. Tuy nhiên, đạo diễn Đào Bá Sơn đã không thể kể lại câu chuyện về cô gái chơi đàn cầm ở đất Long Thành một cách hấp dẫn, chỉnh chu, dù câu chuyện giàu chất liệu điện ảnh. Phim tuân thủ theo trình tự thời gian, các tình tiết "bị" khai thác dàn trải, không có điểm nhấn khiến nội dung phim trở nên dài dòng, lê thê, gần như... bất tận.
Long Thành cầm giả ca đã không đoạt giải về đạo diễn, không đoạt giải về diễn viên, không đoạt giải quay phim, không đoạt giải âm thanh (nhưng vẫn là bộ phim xuất sắc nhất)... là có lý do. Điểm cộng lớn nhất cho đạo diễn Đào Bá Sơn ở bộ phim nhựa này là ý tưởng đưa văn hóa truyền thống vào những cảnh quay. Phim có một số cảnh quay nhiều cảm xúc. Cảnh Cầm học chơi đàn là một ví dụ. Tuy nhiên, vì thiếu sự kết nối giữa các tình tiết, giữa các cảnh quay, nên phim bị rời rạc. Càng về sau, phim càng đuối, xem càng mệt mỏi... Đạo diễn đã không thể giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong phim, cũng như không thể làm hay hơn các nhân vật của mình.
Một cảnh trong phim
Diễn xuất nhạt của dàn diễn viên, trong đó có 2 diễn viên chính, Quách Ngọc Ngoan và Nhật Kim Anh càng khiến Long Thành cầm giả ca bị đuối. Quách Ngọc Ngoan đã không đủ sức, không đủ tầm để gánh vác một vai diễn có số phận và có diễn biến tâm lý phức tạp như vai đại thi hào Nguyễn Du. Chính vì còn quá nhiều hạn chế nên khi Cánh Diều Vàng xướng tên Long Thành cầm giả ca đã gây những tranh cãi.
Giải thưởng của Hội điện ảnh dường như chưa năm nào suôn sẻ, năm nào cũng gây những tranh cãi. Năm nay, CDV cho Long Thành cầm giả ca đã không thể trở thành một ngoại lệ.
Hai nhân vật chính chưa thành công của Long Thành cầm giả ca
Ở cuộc họp báo đầu tiên về lễ trao giải CDV 2010, khi ban tổ chức công bố danh sách 13 thành viên Ban giám khảo chấm phim truyện nhựa, nhiều người đã lấy làm mừng khi thấy trong danh sách ấy những cái tên trẻ như diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (không quá trẻ)... Người ta đã hy vọng những cái tên ấy có thể mang đến những suy nghĩ mới, những cái nhìn mới hơn vào giải thưởng Cánh Diều năm nay. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
Đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng khi được hỏi về Cánh Diều Vàng chọn cách trả lời rằng: "Giải thưởng đã trao xong rồi, là việc đã qua rồi, tôi không muốn nhắc lại và không muốn bàn cãi thêm" (!). Đạo diễn trẻ của BGK thể loại phim truyện nhựa chỉ gửi gắm một số ý kiến góp ý với ban tổ chức Cánh Diều rằng: " Giải thưởng nên mở rộng hơn, nên có giải Cánh Diều cho những người làm phục trang, hóa trang, ánh sáng... Đây là giải của hội nghề nghiệp nên tính nghề nghiệp phải được đề cao. Thứ 2, từ năm sau, theo tôi nên loại bớt những bộ phim quá yếu kém về mặt chất lượng ngay từ đầu để BGK đỡ phải xem. Có 5 phim hoặc 3 phim để chọn ra 1 phim tốt nhất cũng được. Đừng để BGK phải xem những bộ phim... nhảm nhí, cho dù, bộ phim nhảm nhí ấy đã được làm một cách nghiêm túc!".
Và cuối cùng, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng có nói, sau lễ trao giải một ngày, sau khi các đoàn làm phim đã ăn mừng chiến thắng xong, BTC và những người đoạt giải nên có một cuộc họp báo nghiêm túc để tất cả các phóng viên có thể đặt câu hỏi về hệ thống giải thưởng vừa được trao, hỏi đáp một cách thẳng thắn và sòng phẳng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về những tranh cãi quanh giải Cánh Diều Vàng dành cho bộ phim Long Thành cầm giả ca, đạo diễn- NSƯT Thanh Vân thừa nhận: "Nhìn một cách thẳng thắn, năm nay không có bộ phim nhựa nào xứng đáng đoạt giải Vàng. Chính tôi đã đề nghị, nên để trống giải Vàng, chỉ trao giải Cánh Diều Bạc. Tuy nhiên, lại có những ý kiến khác, trái ngược tôi. Mọi người cho rằng, nên ủng hộ, nên khuyến khích một bộ phim lịch sử khi điện ảnh Việt đang thiếu thốn đủ thứ. Có 13 thành viên BGK làm việc, chúng tôi đã trao đổi rất nhiều, nhưng đó chỉ là trao đổi. Sau đó, mỗi người sẽ có những con số riêng chấm điểm cho từng bộ phim. Kết quả cuối cùng là kết quả của những con số".
Theo đạo diễn Thanh Vân, "tìm ra một bộ phim đoạt giải Vàng năm nay là một bài toán khó với BGK", nhưng cuối cùng, BGK vẫn chọn cách "ép bạc thành vàng"...
Hệ thống giải CDV 2010 để lại nhiều thắc mắc khác. Việc trao CDV nam diễn viên chính xuất sắc cho Đình Toàn, trong khi anh tham gia Khát vọng Thăng Long với một vai thứ chính, vai nam chính thuộc về Quách Ngọc Ngoan (vai Lý Công Uẩn), được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng giải thích: "Tên phim là Khát vọng Thăng Long, nhưng xem cả bộ phim không thấy khát vọng Thăng Long đâu cả, chỉ thấy khát vọng quyền lực. Nội dung phim chỉ xoay quanh cuộc chiến tranh giành ngôi báu của anh em nhà Lê, không nhắc gì đến khát vọng của nhân vật Lý Công Uẩn, chính vì thế, Lê Long Đĩnh mới là nhân vật chính chứ không phải là Lý Công Uẩn. Trao giải nam chính cho Đình Toàn là chính xác". Trong danh sách nhà sản xuất gửi Cánh đồng bất tận dự thi, nhà sản xuất để tên diễn viên Lan Ngọc tranh giải ở hạng mục nữ diễn viên phụ. Khi xem phim, BGK đã thống nhất chấm Lan Ngọc ở giải nữ chính, bởi cốt truyện của phim được kể lại theo lời kể của Nương (Lan Ngọc).
Theo Dân Trí
Từ Oscar nghĩ về Cánh diều Diễn ra cách nhau không đầy 2 tuần lễ, cùng được truyền hình trực tiếp, một là Oscar "xịn", một được mệnh danh là "Oscar Việt Nam" do có nhiều tương đồng về các nguyên tắc trao giải, dù biết sự so sánh nào cũng khập khiễng nhưng khó mà không nghĩ Cánh diều là giải thưởng về nghề của Hội Điện ảnh...