Trong khi mọi người đi du lịch để “sống ảo” thì người phụ nữ này lại có kiểu chụp ảnh “nằm chết thẳng cẳng” vì lý do bất ngờ
Nữ nghệ sĩ đã tới nhiều điểm du lịch nổi tiếng khắp thế giới để chụp ảnh nằm sấp giả chết với lý do phản đối một hành động được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.
Khi mạng xã hội trở thành thứ không-thể-thiếu trong cuộc sống hiện đại ngày nay thì chụp ảnh selfie đã trở thành trào lưu chưa bao giờ hết “hot”. Từ người trẻ đến người già, dù đi đến bất cứ nơi đâu, từ các khu du lịch đến tòa nhà cao chọc trời, từ phòng tắm cho tới nơi vừa xảy ra tai nạn, người ta liên tục cầm điện thoại trên tay để “ sống ảo” mà chẳng thèm quan tâm đến thực tế.
Nhận thấy rằng việc selfie đang là một “căn bệnh” đáng sợ và có thể để lại những hậu họa khôn lường, nữ nghệ sĩ người Anh, tên Stephanie Leigh Rose, đã nghĩ ra một phong cách chụp ảnh mới có tên Stefdies ( chụp ảnh giả chết) để phản đối việc ngày càng có nhiều người bị nghiện chụp ảnh tự sướng.
Tại những nơi mình đến, Stephanie nằm giả chết dưới đất vài phút và nhờ người chụp ảnh giúp.
Mỗi bức ảnh Stefdies là một khoảnh khắc tức thời trong cuộc sống, không có sự chuẩn bị trước. Stephanie không chuẩn bị hay dàn dựng bất cứ điều gì hoặc sử dụng đạo cụ, những hình ảnh của cô đều rất chân thật. Stephanie cho biết: “Những bức ảnh được chụp mà không hề sử dụng các thiết bị đặc biệt. Và việc giả chết xảy ra ở bất kỳ nơi nào tôi đến, một nơi đặc biệt hoặc nó khiến tôi cảm thấy cần phải hành động, tôi sẽ chụp Stefdies”.
“Khi cây gậy selfie đang “làm mưa làm gió”, chúng ta đã quên mất ý nghĩa của việc chụp hoặc trân trọng một bức ảnh. Chúng ta sống trong một nền văn hóa bị ám ảnh bởi thực tế ảo”.
Bất chấp việc nằm bệt dưới đất sẽ khiến quần áo bị bẩn, rách, Stephanie vẫn không ngần ngại chụp lại những bức ảnh ấn tượng của riêng mình. Cô kể đã có lúc miệng cô gần như chạm vào nước tiểu khi chụp ảnh giả chết trong nhà vệ sinh công cộng ở San Francisco, Mỹ nhưng cô vẫn không ngần ngại và coi đó là sự hy sinh cho nghệ thuật.
Stephanie không thể nhớ chính xác khi nào cô chụp bức ảnh Stefdies đầu tiên, nhưng nó vào khoảng 8 năm trước.
Cô nói: “Khi tôi đăng một số bức ảnh ban đầu này, tôi đã nhận được phản hồi đáng kinh ngạc từ bạn bè và cả những người lạ, người đi đường. Nó mang lại cho họ niềm vui, khiến cho ngày của họ tươi sáng hơn và mang lại cho họ một tiếng cười sảng khoái. Tôi nhận ra rằng tôi muốn tiếp tục đưa một cái gì đó tích cực vào thế giới, đồng thời sử dụng nghệ thuật để tổng hợp cảm xúc và suy nghĩ của tôi về sự vô thường của chúng ta trên trái đất này. Khẩu hiệu chính thức của Stefdies là để lại dấu ấn”.
Stephanie đã đặt chân đến rất nhiều địa điểm nổi tiếng trên thế giới như Tháp Eiffel, Nhà Thờ Đức Bà Paris, bảo tàng Louvre, cầu Cổng vàng…
Stephanie từng bị đuổi ra khỏi nhà thờ Đức Bà và bị cảnh sát ở Rome buộc phải xóa hình ảnh vì quá gần với một văn phòng chính trị quan trọng.
(Tổng hợp)
Theo Helino
Chàng trai đạp xe 2300km từ Bắc vào Nam: 'Vẫn còn nợ những địa danh lịch sử rất nhiều'
Trong khi các bạn bè cùng trang lứa dành nhiều quan tâm cho những địa điểm du lịch sang chảnh để check-in 'sống ảo' thì chàng trai Thanh Hóa này lại có niềm đam mê đặc biệt với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam.
'Không phải bất cứ phương tiện nào khác mà là xe đạp'
Việc các bạn trẻ yêu thích trải nghiệm, cùng nhau đi khám phá những địa điểm thú vị trên khắp Việt Nam đã không còn xa lạ gì. Tuy nhiên đạp xe một mình từ Hà Nội tới Kiên Giang chỉ với khoảng 3 triệu đồng như anh chàng này thì có lẽ chưa có nhiều người dám thử.
Khi nhắc đến du lịch chắc chắn nhiều người sẽ chọn cho mình phương tiện di chuyển là máy bay, ô tô, tàu hỏa... để dễ dàng đi lại. Thế nhưng, đối với Trịnh Ngọc Châu(SN 1997) đến từ Hậu Lộc, Thanh Hóa, chiếc xe đạp lại là người bạn đồng hành trong suốt quãng đường vượt 2300km từ Bắc vào Nam.
Chiếc xe đạp là bạn đồng hành của Châu suốt chặng đường từ Bắc vào Nam.
Đạp xe xuyên Việt là mơ ước ấp ủ từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường của Châu, nhưng vẫn chưa có cơ hội thực hiện bởi nhiều lí do như bận học, bận đi làm. Cho nên, để kỉ niệm cho cột mốc quan trọng - tuổi 20, chàng trai này đã quyết định dành thời gian đi du lịch dọc miền tổ quốc một mình bằng xe đạp.
Chia sẻ về lí do tại sao không chọn bất cứ phương tiện nào khác ngoài xe đạp, Ngọc Châu nói: 'Xe đạp là phương tiện thân thuộc nhất với mình, gắn bó suốt từ bé đến lớn. Chiếc xe mình đi cũng là xe dùng suốt cấp 2 và cấp 3, cả 2 năm đại học nữa. Cho nên mình rất yêu quý nó. Với mình, đi bằng sức bản thân mới thực sự là đi. Đi bộ sẽ quá lâu, nên mình chọn xe đạp. Và nó cũng sẽ trở thành một dịp cho mình rèn luyện, cả về thể lực lẫn bản lĩnh tinh thần'.
Vốn có niềm yêu thích tìm hiểu những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nên Châu đã tự mình nghiên cứu rồi vạch ra một số địa điểm cần phải đến trong chuyến đi của mình. Chuyến đi của Ngọc Châu dài 21 ngày, trong đó có 18 ngày đạp xe, 3 ngày nghỉ ngơi và đi chơi ở các thành phố lớn.
Trong hơn 3 triệu đồng chi phí cho chuyến đi, Châu sửa xe hết khoảng 400.000 đồng còn lại chủ yếu là tiền ăn. Việc ngủ nghỉ thì cậu linh động xin ngủ nhờ nhà dân, không xin ngủ nhờ được thì ngủ homestay hoặc nhà nghỉ. Có những lúc Châu xin ngủ cả trong chùa Linh Ứng, nhà thờ Phù Mỹ và Ủy ban nhân dân xã.
Trịnh Ngọc Châu hiện đang là sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế Quốc dân.
'Sau này mình có dự định đi khắp mọi nơi trên thế giới để tìm hiểu lịch sử, văn hóa các nước. Nhưng trước khi đi đây đi đó thì mình muốn khám phá hết vẻ đẹp đất nước Việt Nam.' - Châu bộc bạch.
Vượt 2300km trong 21 ngày đêm để khám phá những di tích lịch sử
Tổng chiều dài của chuyến đi khoảng 2300km. Châu bắt đầu xuất phát từ Hà Nội, đêm đầu tiên dừng ở Hạ Long, Quảng Ninh. Đêm thứ 2 ở thành phố Thái Bình, sau đó là Hậu Lộc- Thanh Hóa, Diễn Châu - Nghệ An, Kỳ Anh - Hà Tĩnh, Lệ Thủy - Quảng Bình, Cam Lộ - Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ - Quảng Nam, Phù Mỹ - Bình Định, Sông Cầu - Phú Yên, Nha Trang - Khánh Hòa, Hàm Thuận - Bắc Bình Thuận, Long Khánh - Đồng Nai, Bình Dương Thành phố Hồ Chí Minh, Tháp Mười - Đồng Tháp, Rạch Giá - Kiên Giang. Điểm cuối Châu dừng chân là Phú Quốc, cậu đã đi tàu thủy ra đảo.
'Nếu kể đến địa điểm lịch sử đầu tiên mình đi qua trong hành trình thì đó chính là cầu Long Biên. Đối với mình cây cầu này chính là biểu tượng của Hà Nội, nó là cầu sắt hiện đại hàng đầu Đông Nam Á vào thời bấy giờ do một kĩ sư người Pháp thiết kế. Từ đó, cầu Long biên luôn là một đầu mối giao thông quan trọng để vận chuyển hàng hóa, con người từ ngoài Hà Nội đến các tỉnh phía Nam. Đây cũng là một trong những nơi hứng chịu nhiều đạn bom chiến tranh nhất. Ngay từ lần đầu được đặt chân đến cây cầu này mình đã có những cảm xúc thật đặc biệt, như thể là bao nhiêu kí ức một thời xưa được tái hiện lại.' - Chàng trai bày tỏ.
Địa điểm tiếp theo mang tinh lịch sử mà Châu đặt chân tới đó là cầu Hàm Rồng, sông Mã. Đây cũng chính là cây cầu quê hương Thanh Hóa của Châu. Mặc dù có rất nhiều con đường có thể đi nhưng vì quá yêu cây cầu này nên Châu đã quyết định phải đi qua đây. Hiện tại cây cầu đã được sửa chữa hiện đại để giao thông di chuyển dễ dàng, nếu muốn tìm lại hình bóng cầu Hàm Rồng ngày xưa thời chống Pháp chống Mỹ thì chỉ còn biểu hiện qua kết cấu những thanh dầm. Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng bởi nó là cầu đường sắt duy nhất đi qua sông Mã.
Cầu Hàm Rồng sông Mã quê hương của Trịnh Ngọc Châu
'Thời chiến tranh, máy bay Mỹ bắn phá nơi đây rất ác liệt, nhưng điểm đặc biệt của cầu là có hai ngọn núi Rồng và Ngọc ở hai bên che chắn bom, nên cầu rất khó bị đánh bom trúng. Năm 1972, Mỹ áp dụng bom điều khiển bằng laser đã đánh trúng cây cầu này và đã làm tê liệt hoàn toàn cầu Hàm Rồng. Cây cầu này cũng là cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ sáng tác những bài ca về quê hương Thanh Hóa, như bài Hò sông Mã.' - Châu kể bằng một giọng rất tự hào.
Khi đạp xe đến cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Châu đã rất sung sướng, bởi nơi đây chính là vĩ tuyến 17, biểu tượng chia cắt hai miền sau hiệp định Giơnevơ. Trong trí tưởng tượng của Châu, hình dáng của Việt Nam như chiếc đòn gánh hai đầu đất nước. Đến được sông Bến Hải cũng chính là đã đi được một nửa chặng đường, bắt đầu gặp được một phần bên kia của tổ quốc. Từ lúc đến cầu Hiền Lương, cậu vui hơn hẳn và cảm thấy hành trình ý nghĩa hơn rất nhiều. Trong túi lúc này có một chiếc bánh cu đơ mua từ Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cậu đã ngồi ăn chiếc bánh ngay tại cầu Hiền Lương 'Cảm giác ăn bánh cu đơ tại sông Bến Hải ngon hơn hẳn' - Châu cười.
Cầu Hiền Lương, địa danh lịch sử nổi tiếng - vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền đất nước.
Đi đến đâu Châu cũng lưu lại những bức ảnh ý nghĩa.
Theo lời kể của Châu, điểm tiếp theo trong hành trình xuyên Việt chính là xứ Huế, đối với cậu, Huế luôn là một nàng thơ với vẻ đẹp đằm thắm của sông Hương, cầu Trường Tiền. Cậu đã đến thăm cố đô Huế và chụp rất nhiều ảnh lưu niệm. Ngay phía ngoài kinh thành có đặt một khẩu pháo thần công, Châu rất vui vì được nhìn thấy hình ảnh khẩu pháo năm xưa Tôn Thất Thuyết dùng để đánh giặc.
Cậu còn ghé thăm bán đảo Sơn Trà để có thể tận mắt chứng kiến địa danh ngày xưa lần đầu quân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Ban đêm đứng trên bán đảo Sơn Trà nhìn từ trên cao xuống có thể thu được toàn bộ khung cảnh của thành phố vào mắt.
Niềm vui của Châu là được khám phá thêm nhiều địa danh của tổ quốc.
Nhưng dù có yêu mến địa danh nào đến mấy, thì rồi chúng ta vẫn phải tiếp tục hành trình. Đi qua Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Vùng đất nào cũng để lại trong Châu những dấu ấn sâu đậm. Thành phố Hồ Chí Minh là điểm dừng nghỉ tiếp theo của Châu, cậu được một người bạn đón và đưa đi thăm thú quanh thành phố, đến những địa điểm nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, Bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập.
'Lúc mình đến thì trời đã tối nên không được vào trong dinh tham quan nữa, mình cứ tiếc nuối và ôm cái cổng sắt của dinh mãi. Trước khi đến đây mình đã tưởng tượng ra cảnh ngày 30/4/1975 chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, bộ đội ta giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới trong gió. Hình ảnh này mình đã tưởng tượng từ khi còn đi học, ngồi trên ghế nhà trường. Nên khi đứng ở đó mình thực sự xúc động'.
Ngày hôm sau Châu đã quay lại đây để chụp hình làm kỉ niệm.
Clip: Trịnh Ngọc Châu kể về hành trình đạp xe xuyên Việt của mình
'Quần áo giặt xong phơi luôn ở giỏ xe, chiều khô cất balo, tối tắm lại mặc'
Kể về những khó khăn trong quá trình đạp xe khám phá các địa danh lịch sử, Châu cho biết rằng chuyện xin ngủ thực ra cũng rất phức tạp. Phần nhiều người dân cho cậu ngủ nhờ nhưng ái ngại, có tâm lý đề phòng. Nhưng sau khi cậu đi thì mọi người đều nhận ra cậu là người tốt và dễ mến. Có một số hôm Châu xin mãi không tìm được chỗ ngủ nên đã ngủ nhà nghỉ.
Quần áo chống nắng thì khoảng 5 hôm Châu giặt một lần. Những ngày trời râm mát là cậu mặc quần đùi áo cộc. Đồ giặt xong chưa kịp khô, sáng lên đường mắc luôn lên giỏ xe. Nắng gió làm khô áo, chiều cậu cất đồ vào balo, tối tắm rửa lại mặc. Sau chuyến đi dãi nắng dầm mưa này, khi trở về nhà Châu đen đi rất nhiều.
Những khó khăn trong chuyến đi giúp Châu đã trưởng thành và mạnh mẽ hơn.
Quãng đường theo cậu khó khăn nhất đó là đoạn đi từ Hội An đến Tam Kỳ, toàn cát và nắng, không cây không nhà nên hơi hoang mang vì không biết xin ngủ ở đâu. Sau đó đến nắng và gió ngược, cả cát trắng ở Bình Thuận. Nhìn thì đẹp mắt nhưng di chuyển trên cát rất khó khăn, mang dép cao su mà đặt chân xuống cát vẫn còn bỏng rát.
Đoạn đường mạo hiểm nhất là đạp xe trong mưa lúc trời tối, đổ đèo ở Quảng Bình, đổ đèo Hải Vân và Đèo Cả, bóp phanh không ngừng vì sợ xe ô tô. Khi đã đi qua đèo, Châu lại xuống xe dắt bộ, ngửi trong không khí có mùi khét lẹt của bộ phanh. Có những lúc mệt, đói, chỉ có một mình Châu cũng cảm thấy hơi nản, nhưng rồi niềm yêu thích xê dịch, đam mê tìm hiểu đã tiếp thêm cho cậu sức mạnh để vững bước trên hành trình.
Những cảnh đẹp của đất nước mà Châu đã lưu lại.
Chia sẻ những kỉ niệm đẹp nhất trong chuyến đi xuyên Việt, Châu nói rằng thích nhất phong cảnh ở biển Trung Lương, Cát Hải, Phù Cát thuộc Phú Yên. Trên đường đi, cậu gặp nhóm bạn tham gia chương trình đạp xe xuyên Việt ở Huế, cùng nhau đi từ Huế đến Đà Nẵng, cùng nhau vượt Hải Vân Quan, tắm đầm Lập An, lượn chơi Đà Nẵng 1 ngày. Gặp nhóm bạn sinh viên Công giáo đi hành hương xuyên Việt cũng bằng xe đạp, lại ghép đội 1 ngày. Cùng nấu cơm, hấp ghẹ, tắm biển Sa Huỳnh. ' Gặp những người quái quái giống mình, liều giống mình vậy vui lắm' - Châu kể.
'Đi ăn dọc đường toàn được ưu ái. Dân họ biết mình đạp xe xuyên Việt, họ thích cái chí của mình, nên mời cơm, mời mỳ bò, mời ăn chè miễn phí các kiểu. Gắn bó thì ở đâu đi qua cũng thấy quen, thấy nhớ cả thôi. Đều là đất nước mình.' - Châu bồi hồi nhớ lại.
'Đã đi nhưng vẫn còn nợ những địa điểm lịch sử rất nhiều'
Cho dù rất yêu thích các địa danh lịch sử nhưng vì có nhiều lí do cá nhân nên Ngọc Châu chưa thể ghé thăm hết những nơi này. Trong quá trình đạp xe cậu đã chọn đường quốc lộ 1A, những đường gần biển để thuận tiện di chuyển chứ không chọn đường mòn Hồ Chí Minh vì nó khá vắng vẻ, trắc trở. Cho nên Châu rất tiếc vì chưa có cơ hội ghé thăm thành cổ Quảng Trị, ngã ba Đồng Lộc, hay một số địa danh nổi tiếng khác: 'Mình đã đi nhưng vẫn còn nợ những địa điểm lịch sử rất nhiều'.
'Mình vẫn chưa lên Tây Bắc, vẫn chưa đi hết các tỉnh miền Tây, chưa ghé qua các địa điểm lịch sử khác vì mệt, vì một số lí do cá nhân, vì để hành trình trở nên nhanh hơn cho nên mình đã không đi hết được. Đó là điều khiến mình tiếc nuối nhất'.
Đối với những tỉnh từ Nghệ An đổ vào thì đây là lần đầu tiên Châu được đặt chân tới. Khi đến mỗi vùng miền Châu đều coi mỗi nơi như một cuộc gặp gỡ giữa những con người. Mỗi chuyến đi như vậy đều để lại một kỉ niệm riêng, dấu ấn riêng mà chẳng đâu so sánh được. Trong tiến trình phát triển của đất nước thì hành trình của Ngọc Châu chỉ là một hành trình nhỏ bé, tuy nhiên nó giúp cậu trưởng thành, mạnh mẽ và tiếp thu được nhiều kiến thức lịch sử văn hóa hơn.
Khi được hỏi đi mệt và vất vả như vậy thì Châu có đi nữa lại không, Châu chỉ cười: 'Mình sẽ vẫn đi tiếp. Đi rồi mới biết Việt Nam mình đẹp thế nào'.
Khám phá các địa danh lịch sử là niềm đam mê của chàng trai Thanh Hóa.
Clip: Châu bày tỏ sự nuối tiếc khi chưa được đi hết các địa điểm lịch sử
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, 9x Thanh Hóa cho biết cậu đang ấp ủ rất nhiều ước mơ, dự định. Sắp tới, Trịnh Ngọc Châu đang lên kế hoạch cho những chuyến đi tiếp theo, sau khi đi hết Việt Nam sẽ đi khám phá các nước trên thế giới.
Đất nước Việt Nam xinh tươi và dài rộng này còn biết bao nhiêu địa điểm mà chúng ta chưa một lần đặt chân? Đôi khi chẳng cần tới những nơi 'biển xanh, cát trắng, nắng vàng' mới là du lịch mà chỉ cần được đi, được khám phá thì bất cứ đâu cũng có thể mang đến cho chúng ta những niềm vui riêng biệt.
Kì nghỉ lễ 30/4 sắp đến rồi, hãy cùng gia đình, người thân đến tham quan những địa danh anh hùng - những nơi ông cha ta đã dày công tạo dựng qua hàng nghìn năm lịch sử, để thấm thía những hy sinh lớn lao thế hệ trước dành cho thế hệ sau. Chắc chắn sau chuyến đi này bạn sẽ trở nên chín chắn trưởng thành hơn và yêu mến thêm đất nước Việt Nam rất nhiều đấy!
Theo baodatviet
Câu chuyện bảng cấm dốc nhà bò Đà Lạt với nhiều tranh cãi đáng suy ngẫm, lỗi thật sự nằm ở đâu? Vừa qua, du khách Đà Lạt và hội sống ảo đã có một phen hết hồn với lệnh cấm chụp hình, quay phim ở dốc nhà bò. Mặc dù đã được admin của Ghiền Đà Lạt tìm hiểu và đính chính lại thông tin nhưng câu chuyện đằng sau chiếc bảng cấm này lại khiến chúng ta phải suy ngẫm thật nhiều. Bảng...