Trong khi chờ ‘Mắt Biếc’, bộ phim ‘Tháng 5 để dành’ tốn 1000 ngày để sản xuất sẽ đưa bạn về với tuổi học trò
“ Tháng 5 để dành” sẽ là thước phim trong trẻo cho những ngày cuối cùng của năm học, thời khắc quý giá của các học sinh cuối cấp.
Sau Dành cho tháng 6 - một bộ phim tuổi học trò ra mắt vào năm 2012 do Huỳnh Anh đóng chính, đến lượt tháng Năm được đặt tên cho một tác phẩm thanh xuân vườn trường khác: Tháng 5 để dành. Nhắc đến giai đoạn này, nhiều người nghĩ ngay để những tiết học cuối cùng của năm học, thời khắc mọi người quyến luyến chia tay nhau. Đặc biệt, với những học sinh cuối cấp, khoảnh khắc này vô cùng quý giá vì có khi cả đời cũng khó lòng gặp lại. Bên cạnh bao bài vở ngổn ngang cho những kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, đây cũng là khi những cặp đôi nói lời yêu thương, chỉ sợ một mai, mỗi người mỗi ngả.
“Sân trường ngập nắng, áo em bay,
Ngẩn ngơ tôi đứng, hồn ngất ngây.
Xì xào gió khẽ vờn trên lá,
Hòa chung một khúc nhạc đắm say”.
Có lẽ, những ai thuộc lứa 8x hay 9x đời đầu đều không xa lạ với kiểu tỏ tình qua áng văn chương. Mặc dù chưa hé lộ gì nhiều ngoài bối cảnh học đường miền Bắc cộng thêm nội dung ngôn tình nhẹ nhàng, Tháng 5 để dành vẫn gây ấn tượng tốt bởi cái chất trong trẻo, thơ mộng vốn hiếm thấy ở dòng phim thương mại hiện đại.
Teaser phim “Tháng 5 để dành”.
Lấy cảm hứng từ tập hồi ức online đình đám trên cộng đồng Blog 360 – Ranh Giới của tác giả Rain8x (tên thật Hoàng Trung Hiếu), năm 2016, một ekip làm phim trẻ tuổi đã tìm cách chuyển thể câu chuyện đó lên màn ảnh rộng. Và sau hơn 1000 ngày vất vả, đứa con tinh thần của họ là Tháng 5 để dành đang hoàn thành khâu chuẩn bị cuối cùng để trình làng khán giả đại chúng.
Qua góc nhìn của Hiếu, chàng thanh niên đang bước vào độ tuổi dậy thì, Ranh Giới dẫn dắt bạn đọc dõi theo chuyến hành trình chứa đựng biết bao cung bậc cảm xúc xoay quanh tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu và cả tình người hồi đầu thập niên 2000. Đặc biệt, mối tình gà bông giữa cậu với Mai Ngọc đều được các fan đánh giá là “huyền thoại”, bởi nó lột tả quá sức chân thực lẫn tinh tế cái cảm giác tò mò, rạo rực ở một đứa con trai lúc mới biết yêu. Bên cạnh những suy nghĩ ngây thơ trong sáng, Hiếu còn phải đấu tranh quyết liệt nhằm chiến thắng thứ “bản năng đen tối” luôn chực chờ vấy bẩn tâm hồn mình.
Do đó, dẫu phải cạnh tranh khốc liệt trước hàng loạt tiểu thuyết ngôn tình hiện đại, câu chuyện đấy vẫn sở hữu cho riêng mình lượng độc giả trung thành đáng kể cùng kha khá cộng đồng, diễn đàn, hội nhóm hâm mộ trên mạng xã hội. Thậm chí từng có thời điểm, vì vấn đề cá nhân, Rain8x đã tạm bỏ dở đứa con tinh thần suốt gần 5 năm trời. Thế nhưng bất chấp điều đấy, đông đảo các fan gạo cội vẫn kiên nhẫn chờ đợi, liên tục kêu gọi anh ta tái xuất để hoàn tất Ranh Giới nói chung lẫn phiên bản điện ảnh Tháng 5 để dành nói riêng.
Quay trở lại dự án Tháng 5 để dành, lấy bối cảnh “thị trấn yên bình nằm giữa vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ bao quanh là núi”, tác phẩm hứa hẹn sẽ đem tới làn gió mới mẻ cho dòng phim học đường Việt Nam. Hơn nữa, khi gợi nhắc giai đoạn cuối những năm 90 – đầu 2000, chắc chắn thế hệ 8-9x khó lòng quên được cái thời cấp 3 đầy nổi loạn trên ghế nhà trường. Không cắm mặt vào chiếc điện thoại tương tự mấy bạn trẻ hiện nay, các “bậc tiền bối” tìm kiếm niềm vui thông qua nhiều hoạt động cực kì lý thú: tổ chức đi dã ngoại, đá banh (ăn tiền), thả diều, thi làm báo tường hay táo bạo hơn như… leo tường cúp học.
Những năm gần đây, các tác phẩm xoay quanh chủ đề thanh xuân vườn trường được khán giả yêu thích và đón nhận. Vốn đắm chìm trong nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc – Trung Quốc, nơi được xem là “lão làng” với đề tài này, thì giờ, giới trẻ trong nước đã có thể xem những sản phẩm chất lượng “cộp mác Việt Nam” như Cô gái đến từ hôm qua, Tình đầu thơ ngây, Em chưa 18 hay sắp tới sẽ là Mắt Biếc – bộ phim điện ảnh được kỳ vọng bậc nhất. Vì lẽ đó, Tháng 5 để dành vừa chịu nhiều áp lực với tư cách là một dự án phim độc lập, nhưng đồng thời cũng phần nào thu hút khán giả trẻ thông qua câu chuyện tuổi học trò với nhiều ngây ngô vụng dại mà lại đáng nhớ làm sao.
Nói đến phim độc lập, khán giả phần nào cũng đã “làm quen” với khái niệm này thông qua thành công của Nhắm mắt thấy mùa hè, bộ phim không chỉ tạo nên cơn sốt mà còn làm bật lên nữ chính Phương Anh Đào để trở thành ngọc nữ mới của điện ảnh Việt. Còn với Tháng 5 để dành, cô nàng Minh Trang – nữ diễn viên từng xuất hiện trong phim SOLO với vai nữ chính, đóng cùng Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven, cũng có cơ hội để được biết đến nhiều hơn.
Ngoài ra, sự tươi mới của nam chính Xuân Hùng cũng thêm nhiều kỳ vọng cho người xem, cũng như các ekip làm phim, về một thế hệ diễn viên mới của màn ảnh Việt.
Hãy cùng SAOstar chờ đón Tháng 5 để dành vào ngày 24/05/2019 nhé.
Theo saostar
Vì sao Mắt Biếc là phim chuyển thể đáng mong đợi nhất của điện ảnh Việt năm nay?
Làng phim Việt đã có không ít tác phẩm chuyển thể, nhưng có lẽ Mắt Biếc xứng đáng được gọi là phim chuyển thể được trông đợi nhất vì sở hữu nguyên tác quá nổi tiếng.
Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ lâu đã là nguồn nguyên tác màu mỡ cho các nhà sản xuất chuyển thể thành phim. Những Kính Vạn Hoa, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh hay gần nhất là Cô Gái Đến Từ Hôm Qua đều cho thấy sức hút riêng. Nhưng có lẽ, trong số các phim chuyển thể từ văn chương Nguyễn Nhật Ánh nói riêng và cả chuyển thể văn học nói chung, Mắt Biếc được xếp vào hàng đáng mong đợi bậc nhất vì sở hữu nguyên tác đặc biệt, diễn viên triển vọng cùng một ê kíp có tiếng.
Nguyên tác Mắt Biếc: Chuyện tình buồn day dứt nhất dưới ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trước nay nổi tiếng viết văn cho tuổi mới lớn, hoặc là viết cho trẻ thơ nhưng mọi lứa tuổi đều có thể đọc được. Chỉ trong giai đoạn sáng tác những năm chín mươi của thế kỉ trước, nhà văn có những tác phẩm đặt nhân vật ở tuổi trưởng thành như Còn Chút Gì Để Nhớ hay Mắt Biếc. Mà Mắt Biếc, trong lòng nhiều độc giả, là tác phẩm đẹp nhất, buồn nhất và cũng thuộc hàng ấn tượng nhất trong văn nghiệp của nhà văn.
Mắt Biếc kể ta nghe câu chuyện đời của Ngạn và Hà Lan, đôi bạn lớn lên cùng nhau ở làng Đo Đo, cùng qua tuổi thơ và bên nhau lúc thiếu thời, đến khi trưởng thành vẫn chẳng dứt duyên được. Ngạn là một chàng trai thôn quê trầm tính, si mê Hà Lan với đôi mắt biếc đượm đầy những trong veo và nét buồn thơ mộng. Vì Hà Lan, Ngạn thành thi sĩ, thành ca sĩ, thành vệ sĩ luôn ở bên những lúc cô cần. Nhưng đáng tiếc Hà Lan lại không cưỡng được những xa hoa chốn thị thành nên rơi vào bẫy tình với một gã sở khanh và bị phản bội, cho đến tận lúc ấy, tình yêu của Ngạn dành cho cô vẫn không chút suy suyển. Chỉ là, Ngạn yêu Hà Lan thầm lặng, anh làm một tri kỉ, một nơi cho Hà Lan nương tựa nhưng chưa từng đòi hỏi cô hồi đáp điều gì. Về sau, Ngạn lại chăm sóc và thân thiết với Trà Long, con gái Hà Lan, cô bé có đôi mắt của mẹ, lòng luôn hướng về Ngạn và làng Đo Đo. Nhưng kết cục, Ngạn lại rời đi, vì anh nhận ra suốt cuộc đời, đôi mắt biếc duy nhất ngự trị hồn anh, là đôi mắt của Hà Lan.
Cuộc đời Ngạn chỉ yêu nhất một đôi mắt biếc, đôi mắt của Hà Lan.
Xuyên suốt những trang viết của Mắt Biếc, day dứt tình yêu đơn phương của nhân vật Ngạn, một kiểu yêu nhẫn nhịn, lặng thầm và nên được tả bằng chữ "thương" bởi nó gần với tình cảm của người thân chứ không còn là tình yêu nam nữ đơn thuần. Mắt Biếc còn đại diện cho phong cách viết trau chuốt, đậm trữ tình và đọc như thơ của Nguyễn Nhật Ánh. Lật giở Mắt Biếc, phải nói rằng câu văn nào cũng đẹp, phân cảnh nào cũng đẹp, nhân vật nào cũng khiến người ta ấn tượng sâu sắc.
Văn phong buồn của Mắt Biếc như lời thủ thỉ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.
Cho nên, Mắt Biếc mới là tác phẩm độc giả vừa mong được chuyển thể, vừa "sợ" được chuyển thể vì không tin có diễn viên lột tả được hình tượng quá đẹp, cảm xúc quá dào dạt, suy tư quá sâu xa của các nhân vật.
Trúc Anh và Trần Nghĩa: Hai nhân tố bí ẩn đầy triển vọng
Vượt qua ba vòng tuyển chọn gắt gao với khoảng 1400 thí sinh dự tuyển, Nguyễn Trúc Anh và Trần Nghĩa lọt vào "mắt xanh" của đạo diễn Victor Vũ cùng ê kíp, hẳn nhiên phải có lí do của nó. Về năng lực, hai diễn viên đã có kinh nghiệm diễn xuất nhất định, lại phối hợp cùng nhau rất ăn ý lúc diễn thử khiến hội đồng tuyển chọn nhận định đây đích thực là Ngạn và Hà Lan họ cần tìm, nên tin rằng khán giả trước mắt có thể đặt kỳ vọng ở diễn xuất của hai nhân tố trẻ này.
Trúc Anh và Trần Nghĩa, hai nhân tố triển vọng của làng phim Việt.
Vì đây là Mắt Biếc, nên thần thái của hai diễn viên được khán giả đặc biệt quan tâm, nhất là đôi mắt: mắt Ngạn phải ấm áp si tình, và mắt Hà Lan phải "biếc". Cũng chính vì đôi mắt mà nhiều khán giả cho rằng Trúc Anh không giống với Hà Lan trong tưởng tượng của họ, bởi mắt Hà Lan phải buồn cơ, phải trong veo xúc cảm cơ, và còn chút mơ mộng nữa, chút thôn quê nữa. Hà Lan của Victor Vũ hơi hiện đại, đẹp thật đấy nhưng chưa "đạt chuẩn" hình tượng quá đẹp trong nguyên tác.
Nét đẹp của Trúc Anh bị một bộ phận khán giả cho là quá hiện đại so với hình tượng Hà Lan, và đôi mắt của cô chừng như chưa đủ "biếc".
Nhưng, khách quan mà nhận định, cả Trần Nghĩa và Trúc Anh đều có triển vọng rất lớn giúp Mắt Biếc "làm nên chuyện". Dễ thấy nhất, hai diễn viên ở độ tuổi khá "chín" để đảm nhận vai diễn Hà Lan và Ngạn, đứng cạnh nhau cũng tạo cảm giác rất tương xứng. Trần Nghĩa có được vẻ điềm đạm và chút buồn suy tư của thầy giáo Ngạn, còn Trúc Anh có được phong thái ngọt ngào e ấp của Hà Lan mà Ngạn say đắm. Chưa kể, với năng lực diễn xuất và tương tác đã được hội đồng lựa chọn kĩ càng, hai diễn viên hoàn toàn có thể chứng tỏ với khán giả rằng họ chính là Ngạn và Hà Lan bước ra từ Mắt Biếc!
Chỉ nhìn ảnh, ta đã thấy được triển vọng trong ánh mắt dịu dàng của Trần Nghĩa và thần thái có chút kiêu sa của Trúc Anh, hứa hẹn những màn tương tác cảm xúc.
Ê kíp sản xuất "có tâm" do đạo diễn Victor Vũ cầm trịch và sự hậu thuẫn truyền thông đến từ fan nguyên tác
Trong số những phim điện ảnh từng được chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh vẫn được nhắc nhớ nhiều nhất với câu chuyện đẹp nên thơ, bối cảnh tuyệt vời và nhạc phim đậm âm hưởng dân gian trẻ thơ. Người đứng sau thành công của tác phẩm điện ảnh này không ai khác ngoài đạo diễn Victor Vũ cùng ê kíp hùng hậu. Còn nhớ Cô Gái Đến Từ Hôm Qua đã không thể lặp lại cơn sốt năm trước vì chọn diễn viên không phù hợp, bối cảnh đôi chỗ lại khoa trương quá đà. Không ít khán giả đã từng nói, giả như Victor Vũ và những người từng có kinh nghiệm với Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, có thể nào Cô Gái Đến Từ Hôm Qua sẽ thành công hơn?!
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh đến nay vẫn là một trong những tác phẩm điện ảnh nên thơ nhất.
Trong khi đó Cô Gái Đến Từ Hôm Qua bị nhiều người nhận xét là không truyền tải được nguyên tác.
Năm nay, Mắt Biếc lại một lần nữa được Victor Vũ cầm trịch. Thay vì giao vai cho các tên tuổi quen thuộc, ê kíp quyết định tổ chức casting diện rộng để chọn ra Ngạn và Hà Lan thật mới, đây đã là điểm đặc sắc so với thị trường phim ảnh hiện tại. Chưa kể, chiến dịch truyền thông của Mắt Biếc cũng rất hiệu quả bởi thường xuyên giữ tương tác và nhất là hỏi ý kiến khán giả về việc chọn bối cảnh, chọn phân đoạn muốn lên phim. Những chi tiết này đều cho thấy ê kíp làm phim khá "có tâm" và mong muốn dựng nên một Mắt Biếc sát với kỳ vọng nhất. Cũng nhờ lực lượng fan nguyên tác đông đảo, dự án này có được sự hậu thuẫn truyền thông bằng miệng lớn từ khán giả.
Mắt Biếc có quá trình casting gắt gao để đảm bảo chất lượng.
Phim còn có chiến lược tương tác với khán giả tốt cùng lượng fan nguyên tác đông đảo.
Tạm kết
Như thế, Mắt Biếc hội tủ đủ các yếu tố để trở thành điểm nhấn tiếp theo của điện ảnh Việt Nam trong năm 2019 này. Với kỳ vọng cao từ khán giả, hẳn ê kíp và diễn viên đều cảm thấy vừa là động lực vừa là áp lực, hy vọng rằng chính lòng ký vọng cao đó sẽ thúc đẩy đoàn phim mang đến những thước phim chân thật nhất, cho người hâm mộ Mắt Biếc nói riêng và khán giả Việt nói chung được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật có tâm, có tầm.
Mắt Biếc dự kiến được bấm máy vào tháng 3 và sẽ công chiếu trong năm 2019.
Theo trí thức trẻ
Trước "Mắt biếc", tác phẩm nào của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng xuất hiện trên màn ảnh rộng? Các tác phẩm truyện dài, truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không chỉ là sách gối đầu giường của bao thế hệ thanh thiếu niên mà còn là "địa chỉ" quen thuộc để nhiều đạo diễn tìm đến khai thác cốt truyện trên màn ảnh rộng. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là...