Trồng gừng dược liệu, dân “vùng đất khát” Cao Bằng khấm khá lên
Những năm gần đây, vùng cao Lục Khu (tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã có những bước chuyển mình rõ rệt, nhất là đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây không còn phải lo cái ăn từng bữa, lũ trẻ không phải bỏ học giữa chừng… nhờ bà con biết khai thác tiềm năng từ kinh tế vườn và rừng.
Vươn lên từ “vùng đất khát”
Với địa hình chia cắt bởi những dãy núi đá cao, thời tiết khắc nghiệt, vùng Lục Khu từng được mệnh danh là “vùng đất khát” của Cao Bằng. Thế nhưng, đó đã là câu chuyện của trước đây, còn Lục Khu hôm nay đã đổi thay rõ rệt nhờ cây gừng.
Anh Trương Văn Lần cùng con gái đang gom gừng cho vào bao trước khi xe ôtô của Công ty DACE đến nhận. Ảnh: M.N
Chúng tôi gặp hai bố con anh Trương Văn Lần – người dân tộc Nùng (ở xã Cải Viên, Hà Quảng) đang cặm cụi nhặt từng củ gừng bỏ vào bao. Anh Lần cho biết, đây là thành quả từ vụ gừng trồng dưới thung lũng núi đá. Thời tiết lúc này chỉ chừng 10 độ C, bao trọn nơi chúng tôi đang đứng là những dãy núi đá tai mèo sắc lẹm.
Anh Lần nói thêm: “Đồng bào chúng tôi ở đây còn khó khăn lắm, khô hạn quanh năm, đường sá đi lại khó khăn. May mắn là từ khi chuyển sang trồng cây gừng, gia đình tôi đã có thu nhập cao hơn trước. Cây gừng rất thích hợp với khí hậu ở đây nên cho củ tốt, vụ này nhà tôi có tiền tiêu tết rồi”.
Trước đây, cuộc sống của hầu hết người dân các xã vùng Lục Khu đều dựa vào chăn nuôi vài con gà, con lợn, diện tích đất canh tác rất ít vì xen lẫn với đá tai mèo, tình trạng thiếu nước diễn ra quanh năm nên để phát triển trồng trọt gặp rất nhiều khó khăn.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để phù hợp với địa hình và điều kiện thiên nhiên ở các xã của Lục Khu, năm 2016 chính quyền huyện Hà Quảng đã vận động người dân khai hoang để phát triển trồng trọt, trong đó ưu tiên phát triển trồng gừng làm cây mũi nhọn.
Cũng trong năm 2016, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường (Công ty DACE, trụ sở tại Hà Nội) thử nghiệm và đánh giá vùng đất Lục Khu rất phù hợp để trồng gừng hữu cơ. Sau giai đoạn đầu trồng thử nghiệm thành công, Công ty DACE đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang trồng gừng, dần dần đã thành lập các tổ hợp tác để trao đổi kỹ thuật, giúp đỡ nhau trong sản xuất.
Video đang HOT
Điển hình, năm 2018, tại huyện Hà Quảng có khoảng 1.000 hộ trồng 80ha gừng, tập trung tại 4 xã Cải Viên, Vân An, Nội Thôn, Lũng Nặm, với năng suất khoảng 20 tấn/ha. Với kinh nghiệm của bà con cộng với việc được kỹ sư nông nghiệp của Công ty DACE hướng dẫn, năng suất gừng củ ở đây không ngừng được tăng lên, năng suất năm 2019 đạt 25 – 30 tấn/ha. Với giá Công ty DACE thu mua tại nương rẫy của bà con là 13.000 đồng/kg, người dân đã có thu nhập khá hơn trước.
Gia đình anh Trương Văn Lần là một trong những hộ gia đình tham gia hợp tác trồng gừng hữu cơ và ký kết bao tiêu sản phẩm với Công ty DACE đầu tiên ở xã Cải Viên, đến nay gia đình anh có gần 3.000m2 trồng gừng hữu cơ, mỗi năm trừ chi phí, anh thu lãi 50 – 70 triệu đồng.
“Cây gừng rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại đây, quanh năm chẳng phải lo nguồn nước vì gừng thích hợp với điều kiện khô hạn, một năm chỉ bỏ phân chuồng một lần” – anh Lần chia sẻ.
Anh Lần nói thêm: “Ngày trước nhà tôi rất khó khăn, đứa con gái đầu đã phải nghỉ học vì gia đình nghèo quá. Giờ đây với thu nhập từ trồng gừng, cuộc sống gia đình đã ấm no hơn, hai đứa con sau của tôi đã được đến trường, tôi mừng lắm”.
“Sức sống mới” ở vùng biên
Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN, ông Lưu Trọng Hính – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hà Quảng cho biết: “Chỉ sau hơn 3 năm, đến nay vùng cao Lục Khu đã phát triển trên 200ha gừng trâu. Vụ gừng năm nay, năng suất đạt từ 25 – 30 tấn/ha, có những xã đạt 35 tấn/ha, trừ chi phí cho người dân còn lãi hàng trăm triệu đồng, cao gấp 6 lần trồng ngô”.
Anh Trương Văn Đại – người dân tộc Nùng ở xã Cải Viên cho biết, anh đã trồng gừng được 2 năm, năm đầu tiên đã cho thu lãi vài chục triệu đồng, một số gừng già anh để làm giống cho năm sau. Sang năm nay, do một số diện tích bị úng nước nên cây gừng bị thối củ. Tuy vậy, anh Đại vẫn quyết tâm mở rộng thêm diện tích trồng gừng. “Vụ tới tôi sẽ cẩn thận hơn về giống, đào rãnh thoát nước không để gừng bị thối như vụ này nữa. Tôi cũng sẽ chú ý hơn khâu làm đất, bón phân chuồng theo đúng hướng dẫn” – anh Đại nói.
Nói về chất lượng gừng ở Lục Khu, ông Trần Văn Hiếu – Giám đốc Công ty DACE cho biết: “Đây là vùng núi đá, không có mạch nước ngầm, quanh năm chỉ phụ thuộc vào nguồn nước mưa nhưng do thời tiết mát lạnh nên sáng sớm thường có nhiều sương, giúp cây gừng phát triển tốt. Nhờ thổ nhưỡng đặc biệt, được thời tiết ưu ái nên củ gừng ở Lục Khu có hương vị đặc biệt. Gừng sau khi thu mua của bà con sẽ được chuyển về nhà máy chế biến, chiết xuất tinh dầu và xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản…”.
Theo Danviet
Theo chân người Jrai lên rừng xanh, núi đỏ "săn" đặc sản kiến vàng
Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai được biết đến với rất nhiều món ẩm thực đặc trưng, mang đậm dấu ấn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Trong đó, đặc sản muối kiến vàng Krông Pa có lẽ là món ăn được khá nhiều người biết đến, nó có mặt trong mâm cơm của đồng bào từ bao đời nay. Để khám phá nét ẩm thực này, chúng tôi đã theo chân người dân địa phương bám rừng "săn kiến vàng".
Theo chân thợ săn kiến
Biết ý định của chúng tôi, ông Nay Mơ, dân tộc Jrai ở buôn Ngôm, xã Chư Drăng thợ săn kiến chuyên nghiệp cho hay: "Kiến vàng được mệnh danh là đặc sản của vùng này đấy. Các cô, cậu có muốn đi xem bắt kiến thì theo tôi". Nhận được lời mời, chúng tôi nhanh chóng nổ máy xe, bám theo xe ông Nay Mơ lên đường vào rừng.
Lớn lên ở vùng đất này, cùng với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng nên ông Nay Mơ am hiểu tường tận các ngõ ngách đường rừng và các loại đặc sản của vùng đất. Ông cho biết: Kiến ngon nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 vì lúc này kiến có trứng nên ăn rất béo. Đồng bào thường vào rừng bắt kiến chứ không bắt kiến ở vườn nhà. Vì ở rừng đảm bảo "vệ sinh", không sợ bị dính tạp chất.
Ông Nay Mơ cho chúng tôi chiêm ngưỡng một tổ kiến vàng mới được lấy từ trên cây xuống.
Đặc biệt, người đi săn kiến cũng có những nguyên tắc như, tránh làm ảnh hưởng đến cây cối trong rừng để kiến không bị động bỏ đi, hay không xây tổ. "Mình cũng không biết dân làng biết ăn kiến từ lúc nào. Chắc là từ thời xưa, người ta cơ cực quá, rồi sáng chế ra món này. Người ta thích ăn vì nó có vị chua chua, ngậy ngậy. Thường người dân bắt kiến ở rừng vì chúng sạch sẽ và không dính bụi bẩn".
Chạy xe khoảng 5km, đến gần khu vực suối Uar ông Mơ dừng lại quan sát và thông tin sẽ bắt kiến ở đây, khu vực này còn nhiều kiến vì chưa ai bắt. Dứt lời, ông nhanh chóng rảo bước luồn qua các bụi cây rậm rạp để tìm tổ kiến.
Đôi chân ông bước nhanh thoăn thoắt, dẫn đường phát mấy cành bụi rậm để chúng tôi theo. Dừng lại ở gốc cây to, ông ngoảnh lại ra hiệu cho chúng tôi dừng lại, chờ ông leo lên cây bắt kiến. Với cách thể hiện của một thợ săn mồi, thao tác nhanh, chỉ với một con dao rựa và kỹ năng đu mình trên cây, ông đã nhanh chóng tóm gọn tổ kiến bỏ chúng vào bao rồi cột chặt.
Lấy xong tổ kiến, ông nhảy xuống rồi hé miệng bao cho chúng tôi xem. Ông Mơ cho biết: "Còn vài tổ trên cao, nhưng nếu muốn bắt phải chặt cành cây, nên thôi, mình đi bắt ở cây khác". Cứ như thế, cho đến khi chiếc bao đầy ắp tổ kiến vàng, thợ săn mới chịu nghỉ. Ra khỏi rừng thì cũng vừa lúc ông mặt trời đứng bóng.
Đặc sản Tây Nguyên
"Để làm được món ăn từ kiến vàng qua nhiều công đoạn lắm, không đơn giản bắt về là có ăn đâu nhé. Loài kiến nay đốt rất đau và ngứa lâu, không cẩn thận kiến đốt khắp người ngứa ngáy cả tuần chứ chẳng chơi", ông Mơ nói.
Mở nắp bao kiến ra, ông Mơ lấy một tổ kiến còn nguyên vẹn diễn tả cho chúng tôi thấy cách tách kiến ra khỏi tổ. Tùy vào mục đích, có người dùng kiến để nấu canh chua, làm gia vị chế biến món ăn. Còn với kiến vàng phơi khô thì có người giã chung với ớt làm muối.
Muối kiến được người dân nơi đây giã chung với ớt và thêm gia vị tạo thành một món đặc sản nổi tiếng của vùng chảo lửa Krông Pa.
Anh Rơ Căm Sáu, 23 tuổi, dân tộc Jrai ở buôn Chai, xã Chư Drăng chia sẻ: "Mình chỉ đi bắt kiến về cho gia đình ăn thôi, về nấu canh chua hoặc làm muối để lên rẫy ăn cơm. Đối với người Jrai ở đây, bữa cơm nào cũng có món muối kiến. Muối kiến cũng là đặc sản vùng này đấy, nhiều người trong làng đi bắt bán cho người ta để chế biến thành muối ăn bò một nắng nổi tiếng Krông Pa.
Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa cho biết: kiến vàng không có độc nên đồng bào nơi đây thường lên rừng bắt kiến về ăn. Có người còn đi bắt kiến mang bán cho các cơ sở chế biến đặc sản bò một nắng.
Tại vùng đất Krông Pa, muối kiến không chỉ là thứ gia vị dân dã có mặt trên gác bếp, trong mâm cơm của mỗi gia đình của đồng bào DTTS. Từ một thức chấm dân dã được đồng bào sáng chế ra trong những ngày đói khổ, giờ đã trở thành món quà địa phương, mang đậm nét vùng miền trong lòng mỗi vị khách ghé thăm Tây Nguyên.
Theo Thùy Dung (Báo Dân tộc)
Lào Cai: Chống rét cho đàn gia súc Trước tình hình giá rét diễn biến phức tạp và kéo dài, các địa phương trong tỉnh Lào Cai đang đồng loạt đẩy mạnh các biện pháp chống rét cho đàn gia súc nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con nông dân. Người dân tránh chăn thả gia súc vào những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 13 độ...