Trồng đậu đỏ “khoán trắng” cho… trời
So với các loại cây trồng khác, trồng đậu đỏ “khoán trắng” cho trời! Không làm cỏ, bón phân, phun thuốc, đậu đỏ lại dễ sống trên đất nghèo kiệt.
Trưa nắng, bà Trần Thị Liên ở thôn Hảo Danh, xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu, Phú Yên) ra rẫy sau nhà đập đậu đỏ trong tâm trạng phấn khởi. Bà Liên cho biết đầu vụ người mua đã đến nhà trả 29.000 đồng/kg, năm ngoái chỉ 26.000 đồng. Gần một tuần bà đã thu hoạch được 2,5 tạ, còn trên 3 tạ nữa chưa thu.
Nông dân thu hoạch đậu đỏ.
Video đang HOT
Còn ông Nguyễn Văn Bảy cũng ở thôn Hảo Danh, chở bao đậu đỏ trên xe gắn máy về phơi trước sân nhà, cho hay: “Năm nay được mùa đậu đỏ. Vùng này nhà nào cũng trồng đậu đỏ xen keo lai. Cây keo lai trồng năm trước đến năm sau cao ngang đầu người thì trỉa đậu đỏ đỏ xen vào giữa hai hàng keo. Cây keo làm chái cho dây đậu đỏ vươn cao. Đậu đỏ càng bò cao thì trái càng sai. Cây keo lai trồng đến đâu, đậu đỏ “bò” đến đó”.
Trên đỉnh dốc Vườn Táo, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), ông Ma Đưng đang đập đậu đỏ cho hay, tháng giêng là tháng nông nhàn, nhờ có đậu đỏ mà người dân có tiền trang trải. Như rẫy nhà ông trồng keo thu hoạch hồi tháng 2 năm ngoái, đến tháng 8 keo nứt chồi lên cao, ông trỉa đậu đỏ thêm vào, vậy mà trái sai vắt cục.
Dọc theo trụt quốc lộ 19C, từ xã Sơn Định qua xã Sơn Hội rồi xuống xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), hai bên đường, trời nắng nông dân tranh thủ thu hoạch đậu đỏ. Ông Ma Liền ở xã Sơn Phước trầm trồ: “Thường lá cây keo lai có chất dầu khi rụng xuống cỏ cũng không sống nổi, vậy mà trỉa đậu đỏ vào vẫn phát triển bò lên cao. Có người trỉa đậu đỏ tắp vào hàng rào, bờ bụi rồi nó tự leo lên cao ra trái. Đây là năm thứ 3 liên tiếp vùng này “trúng” mùa đậu đỏ”.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh có 2.240ha đậu các loại, trong đó đậu đỏ gần 1.800ha. Thời gian qua nắng hạn làm cho cây trồng thiếu nước tưới, đặc biệt là khu vực miền núi. Sở khuyến cáo bà con nên luân canh cây họ đậu cũng như cây trồng khác, áp dụng KHKT để từng bước ổn định năng suất mang lại giá trị kinh tế cao. Đậu đỏ là cây trồng dễ sống không kén đất, có giá trị dinh dưỡng cao, người dân miền núi còn làm thức ăn hằng ngày.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, năm 2016 toàn huyện trồng 650ha đậu đỏ, năng suất ước 8 tạ/ha, sản lượng 520 tấn.
Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho biết, tháng 7, 8 (âm lịch), khi trời mưa, nông dân tiến hành xuống giống bằng cách trỉa hoặc vãi hạt rồi cày lấp, đậu tự vươn lên mà không tốn công chăm sóc, làm cỏ và khoảng tháng 2 năm sau là thu hoạch. Mấy năm gần đây, tại các xã miền núi, đậu đỏ còn là cây trồng lấp khoảng trống ở những vùng đất trồng sắn, mía bị chết, không thể trồng dặm.
Đậu đỏ mang lại giá trị kinh tế cao, diện tích tăng cao do nông dân trỉa xen vào rẫy keo. Đậu đỏ là cây trồng truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số các xã Đức Bình Tây, Ea Bia, Ea Trol, Ea Lâm, Ea Ly. Theo nhiều nông dân ở các huyện miền núi, đậu đỏ dễ trồng, không kén đất vì vậy được trồng trên các vùng gò đồi bị xói mòn.
Trong 3 năm qua, giá đậu đỏ luôn ổn định ở mức cao và được tư thương đến tận nhà đặt hàng thu mua nên bà con tận dụng diện tích gò đồi bỏ hoang, triền dốc đất xấu để trồng. Chỉ tính riêng năm nay huyện Sông Hinh có gần 700ha đậu đỏ.
Đậu đỏ không chỉ thích nghi trên vùng núi mà lấn xuống các xã ven biển. Vùng đất trên núi Mu Rùa, núi Đất Bằng của xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) là đất đá dăm, sạn cốm chai cứng, nếu trồng đậu xanh cao không quá gang tay người lớn, nhưng trồng đậu đỏ mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Trương Văn Tiến ở xã An Ninh Đông cho hay, vùng này vào thời điểm tháng 11, tháng Chạp âm lịch thường xuất hiện sương muối cũng là thời điểm đậu đỏ ra hoa, thế nhưng đậu vẫn cho ra trái.
Đám đậu đỏ nhà ông ở lưng chừng núi Mu Rùa. Khi có mưa ông vãi giống rồi cày lấp, sau đó “khoán trắng” cho trời đến khi ra trái không tốn một công chăm sóc, một đồng tiền phân, thuốc. Vụ này ông kiếm gần 3 triệu đồng tiền bán đậu đỏ, trên núi đó có người trồng nhiều kiếm 5 – 6 triệu đồng.
Theo La Hai (Nông Nghiệp Việt Nam)