Trọng dân – tư tưởng đặc sắc còn nguyên tính thời sự
“Việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu bảo khó cũng là khó, nhưng bảo dễ cũng không sai. Bởi không phải là những việc gì xa vời, mà chính từ những hành động cụ thể”.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng đã nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị quanh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị theo chuyên đề năm 2019.
Bác Hồ thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất những năm đầu khôi phục kinh tế (1956).
Tôn trọng dân bằng những việc làm thiết thực
“Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân” là một nội dung lớn trong chuyên đề học Bác năm 2019. Qua nghiên cứu, theo ông, có thể hiểu về vấn đề này như thế nào trong tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Chuyên đề học Bác năm 2019 là “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ở đây có 3 ý, nhưng thực chất là tạo ra mục tiêu thống nhất chung là tư tưởng “vì dân” của Bác Hồ. Chủ đề này rất phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng hiện nay và phù hợp với nguyện vọng, thực tế cuộc sống của Nhân dân.
Sinh thời Bác luôn luôn đánh giá đúng vai trò của Nhân dân trong tiến trình lịch sử, trong sự nghiệp cách mạng. Như năm 1942, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hỏi Bác: Sự nghiệp của chúng ta bắt đầu từ đâu? Bác đã trả lời, “bắt đầu từ dân”; “có dân sẽ có tất cả”. Những câu nói giản dị này đã đánh giá sự vĩ đại trong tầm nhìn của Bác về Nhân dân. Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã nói, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Chính quyền của ta là công bộc của dân, gánh việc chung cho dân, chứ không phải là người thống trị, cai trị dân. Đó là tư tưởng đặc sắc của Hồ Chí Minh. Đồng thời, còn thể hiện ở khía cạnh, mọi việc đều phải được bàn bạc, thảo luận với Nhân dân trước khi quyết định.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10/1947) Bác đã khẳng định nội dung này rất rõ. Vì sao phải làm như vậy? Theo Bác, bởi vì, nhiều khi người dân giải quyết vấn đề nhanh gọn, chóng vánh và hiệu quả mà có khi đoàn thể to tát, hay cán bộ lãnh đạo cấp cao ngồi nghĩ mãi không ra. Vì vậy, hãy thảo luận với dân để “gỡ” vấn đề. Tư tưởng của Bác Hồ còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
Nhìn vào thực tế hiện nay, có rất nhiều cán bộ gần dân, vì dân, những ngược lại cũng có không ít câu chuyện thể hiện rõ bệnh quan liêu, xa dân. Cá nhân ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Thực tiễn hiện nay cho thấy, đã có những sự chuyển động tích cực trong việc xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và thể hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân. Nhiều lãnh đạo đứng đầu các tỉnh, thành cũng đã trực tiếp đến nơi xảy ra vấn đề “ nóng”, bàn bạc, đối thoại thẳng thắn với người dân, tìm ra giải pháp, tháo gỡ. Đó chính là tôn trọng Nhân dân một cách thiết thực nhất.
Nhưng ngược lại tình trạng quan liêu cũng là một “nguy cơ” vẫn được nhắc đến. Trong quá trình lãnh đạo, Bác Hồ cũng luôn cảnh báo tình trạng này. Quan liêu, xa dân, rồi đến ngại tiếp xúc với dân, đặc biệt khi có chức có quyền. Từ đó, dẫn đến những thờ ơ, vô cảm với cuộc sống của dân. Để triệt tiêu tư tưởng cho rằng bản thân “có quyền”, “được quyền” với dân, tôi nghĩ, mọi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ, nhận thức đúng đắn về vai trò của Nhân dân. Như Bác đã nói, không được ở trên dân, mà phải hòa với dân, lo cho dân.
Hòa quyện trong từng chính sách, biện pháp
Video đang HOT
Từ thực tiễn đó, theo ông để học tập và làm theo tư tưởng của Bác về ý thức tôn trọng Nhân dân một cách tích cực trong tình hình hiện nay, cần lưu ý những vấn đề gì?
- Để vận dụng tư tưởng ý thức tôn trọng Nhân dân hiện nay, trước hết, cần thực hiện đúng và tốt các quy định của “tin dân, hiểu dân, gần dân”, đồng thời cần nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng”. Phải tìm hiểu xem người dân đang mong muốn điều gì; cuộc sống của người dân ra sao. Muốn hiểu dân thì phải gần dân, không quan liêu, ngồi bàn giấy dự thảo các chỉ thị, nghị quyết. Cần phải xuống cơ sở, hòa mình với người dân, lắng nghe ý kiến của dân, chống xa dân. Gần dân rồi phải bàn bạc, thảo luận với dân. Bác Hồ đã căn dặn điều này trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: Nghị quyết gì mà người dân cho là không đúng, thì phải để họ đề nghị sửa chữa. Phải căn cứ vào đề nghị của người dân rồi mới tính toán các yếu tố khác để có những quyết sách hợp lòng dân, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, theo tôi, phải gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và những văn bản mới của Đảng, tạo ra một sức mạnh tổng hợp đồng bộ trong thực tế. Các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; quy định về trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy… vừa được ban hành, cũng chính là những nội dung góp phần xây dựng, thực thi ý thức tôn trọng Nhân dân. Như “tiếp dân”, ý nghĩa không đơn thuần chỉ nằm ở hai chữ ấy, mà còn chứa đựng nhiều nội dung như trao đổi, lắng nghe, bàn bạc với dân; những vấn đề dân nêu ra, phải tìm ra cách giải quyết… Theo tôi nghĩ, nếu việc tôn trọng Nhân dân hòa quyện được vào từng chính sách, từng biện pháp, chủ trương cụ thể của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sẽ tạo ra chuyển biến về chất trong đời sống xã hội, giảm đi những tiêu cực.
Còn với cá nhân mỗi người, làm sao để việc học Bác thực sự trở thành ý thức tự thân, thưa ông?
- Tôi nghĩ trước hết phải lưu ý ngay từ việc quán triệt, tuyên truyền, cần thấu đáo và chú ý đến bộ phận cán bộ thường xuyên tiếp xúc với dân. Từ chuyển biến về nhận thức, rồi đến chuyển biến trong hành động. Tự mỗi người phải có ý thức trách nhiệm trước các vấn đề này.
Đừng nghĩ tôn trọng Nhân dân, vì dân là vấn đề gì to lớn và chỉ là việc của cán bộ cấp lãnh đạo, mà cả trong công việc của mỗi công chức, nhân viên bình thường cũng thể hiện rất rõ. Như khi người dân đến cơ quan hành chính làm thủ tục, được cán bộ nơi đó ân cần giải thích, hướng dẫn, đó chính là thể hiện tư tưởng tôn trọng Nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinhtedothi
Hai cựu bộ trưởng bị bắt giam: Bài học răn đe quan tham đương chức
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đánh giá việc bắt giam 2 cựu bộ trưởng một lần nữa cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, đồng thời giáo dục, răn đe những người còn đương chức.
Ngày 23/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam để điều tra với hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan.
Trả lời phỏng vấn VTC News, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc bắt giam 2 cựu bộ trưởng một lần nữa cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: T. Vương)
- Ông đánh giá thế nào việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam hai cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn?
Theo tôi, việc bắt giam hai cựu Bộ trưởng TT&TT lại một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, biểu hiện suy thoái, biểu hiện thiếu trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên nắm chức vụ trong hệ thống chính trị.
Việc xử lý này vẫn theo quy trình, trước hết là xử lý về mặt Đảng, xử lý theo kỷ luật của Đảng. Sau khi đã xử lý kỷ luật Đảng, nếu vi phạm pháp luật của Nhà nước thì phải xử lý theo pháp luật. Đó là yêu cầu tất yếu trong điều kiện Đảng cầm quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Cho nên theo tôi quyết định khởi tố, bắt giam, xem xét trách nhiệm hình sự là rất cần thiết để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, kỷ cương phép nước.
Mặc dù đã nghỉ rồi nhưng nếu xem xét lại tất cả những quá trình công tác mà vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước của nhân dân thì phải xử lý thôi, không có gì phải suy nghĩ cả. Theo tôi đấy là thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước hiện nay.
Bây giờ đã đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ phải tùy mức độ xem xét vi phạm đến đâu để xử lý cho phù hợp với yêu cầu khách quan, giữ nguyên pháp luật của Nhà nước.
- Nhìn những hình ảnh tiều tụy, gây sốc của hai cựu bộ trưởng bị bắt giam được Bộ Công an công bố hôm nay, những cán bộ, đảng viên còn đang đương chức có nhìn vào đó để thấy được bài học cho mình, thưa ông?
Những xử lý như thế này sẽ có những tác động rất tích cực, tất nhiên là không ai mong muốn xử lý cán bộ, đảng viên của mình cả. Tuy nhiên, nếu cán bộ, đảng viên mà sai phạm, nhất là những cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý mà lại có những vi phạm như vậy thì phải xử lý.
Việc xử lý này có tác động giáo dục, răn đe phòng ngừa những người còn đang giữ các cương vị; giáo dục các cán bộ, đảng viên trong toàn bộ hệ thống chính trị phải tu dưỡng, rèn luyện mình tốt hơn. Tránh việc khi mà có chức có quyền lại lạm dụng, lợi dụng để mà thực hiện những lợi ích riêng của mình.
Việc đó là hoàn toàn phù hợp và nó lại khẳng định lại quan điểm của Đảng ta mấy năm nay thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII là không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, kể cả với những người đã nghỉ hưu, những người không còn giữ chức vụ nữa nhưng mà nếu có vi phạm thì vẫn sẽ bị xem xét.
Theo tôi điều đó thể hiện sự nghiêm minh và chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đến cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đầu tranh đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.
Đây cũng là sự tiếp nối trong công tác đấu tranh phồng chống tham những như ta đã tổng kết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến bây giờ, trong hơn 2 năm đã xử lý tới hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Điều đó cũng là thể hiện sự nghiêm minh trong việc thực hiện kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Ông tin tưởng thế nào với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta hiện nay?
Tôi hy vọng qua những xử lý như thế này, những vi phạm dần dần được phòng ngừa, được ngăn chặn và đẩy lùi một cách kịp thời để không còn phải xử lý những con người ở những cương vị cao, lẽ ra là rất được tin cậy như vậy.
Bị can Nguyễn Bắc Son.
Hy vọng sắp tới, cuộc đấu tranh chống suy thoái, chống lãng phí sẽ tiếp tục có hiệu quả. Và ở đây còn gắn với trách nhiệm nữa, trách nhiệm trong quản lý, cán bộ lãnh đạo quản lý ngoài những phẩm chất đạo đức còn là trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước và nhân dân, để củng cố tốt hơn.
Không ai muốn cán bộ cao cấp phải bị xử lý, nhưng anh đã gây nên tội thì phải chịu trách nhiệm, đó là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Xử lý để tự sửa mình và sống cho tử tế, đúng đắn hơn.
Tổng Bí thư hay nhắc về việc thông qua xử lý kỷ luật này để mà cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe. Và tôi nhớ mãi câu của Bác Hồ từng nói năm 1945 đó là: "nói ra những tiêu cực này để mà những người nào đã phạm thì phải kiên quyết sửa chữa, và nếu không sửa chữa thì Chính phủ sẽ không dung thứ.. còn những ai không phạm phải những lầm lỗi ấy thì biết mà tránh đi", tôi cho cái "biết mà tránh đi" ấy là rất quan trọng, để nó đừng xảy ra.
Còn nó đã xảy ra rồi thì yêu cầu khách quan phải xử lý để giữ nghiêm kỷ cương phép nước.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2011-2016.
Hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố với những vi phạm trong thương vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu...
(thực hiện)
XUÂN TRƯỜNG
Theo VTC News
Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam với việc trưng bày, tuyên truyền về Đại tướng Võ Nguyên Giáp Trân trọng giới thiệu bài tham luận của Trung tá, ThS. Mai Thị Ngọc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam "Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam với việc trưng bày, tuyên truyền về Đại tướng Võ Nguyên Giáp" tại Hội thảo "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hoá dân tộc" do Trung tâm Nghiên cứu...