Trong cơn đau, tôi vẫn thấy mẹ chồng gào khóc quỳ xuống để van lạy
Trong cơn đau, tôi vẫn nhìn thấy mẹ chồng tôi gào khóc, quỳ xuống van lạy bác sĩ. Lời bà văng vẳng khắp hành lang bệnh viện, đánh mạnh vào trái tim tôi.
Khi các bác sĩ đẩy tôi vào phòng cấp cứu, tôi vẫn nhìn thấy mẹ chồng tôi khóc lóc, quỳ xuống van xin bác sĩ cứu tôi. (Ảnh minh họa)
Tôi về làm dâu từ năm 2010, tính đến thời điểm này đã là 5 năm, đủ thời gian để hiểu hết những người trong gia đình chồng. Bố chồng tôi vẫn công tác ở phường, mẹ chồng bán hàng khô ở một kiot trong chợ gần nhà. Tôi và chồng là nhân viên văn phòng cùng công ty nhưng khác bộ phận, em chồng làm marketing của một công ty bánh kẹo.
Cuộc sống của gia đình chúng tôi rất bình thường. Tất cả mọi người chỉ gặp mặt nhau vào giờ cơm tối, còn bình thường, sáng ra vợ chồng tôi đi làm từ sớm. Tối tôi trở về nấu cơm, trong khi chồng sẽ giặt giũ, dọn dẹp. Mẹ chồng ăn xong sẽ rửa bát giúp tôi, để tôi có thời gian dành cho con cái (vợ chồng tôi có một bé gái đã 3 tuổi).
Cuộc sống vô cùng êm đềm, bố mẹ chồng đối xử với tôi khá bình thường. Còn tôi cũng làm trọn nghĩa vụ con cái trong nhà. Thỉnh thoảng tôi sẽ mua cho bố mẹ chồng cái này cái nọ, hoặc cho tiền em chồng đi du lịch. Trong họ hàng có việc gì quan trọng, tôi đều hỏi ý kiến bố mẹ chồng rồi làm theo.
Sống như vậy, nhưng thực sự trong thâm tâm, tôi vẫn chưa bao giờ coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ. Chưa bao giờ tôi thật tâm lo cho ông bà mỗi khi trái gió trở trời. Chưa bao giờ tôi lưu tâm xem tại sao nay bố chồng ăn ít, đêm qua mẹ chồng có ngủ được không. Có chăng chỉ là tặng ông bà mỗi người chiếc áo ấm gọi là sắp đến ngày rét lạnh. Chỉ là hỏi thăm đôi câu cho có, cho thể hiện mình cũng quan tâm. Cho tới khi tôi mang thai đứa con thứ 2 và gặp tai nạn, tôi mới biết nỗi lòng của mẹ chồng tôi.
Đó là khi tôi mang thai tháng thứ 6, tôi chửa khá to, nhìn như đã ngoài 7 tháng. Do công việc nên tôi vẫn đi làm đều, nhưng mọi lần đều là chồng đưa đón. Hôm đó, chồng tôi đi công tác bên Thái Lan, dặn tôi ở nhà gọi taxi đi làm cho an toàn. Nhưng tôi cậy sức khỏe tốt nên vẫn lấy xe máy đi một mình.
Buổi chiều, trên đường trở về gần tới nhà, không may tôi bị một thanh niên đi ngược chiều tông vào. Cú tông khá mạnh nên tôi bị ngã xuống đường. Bụng đau âm ỉ, người choáng váng, nhưng tôi vẫn nhìn thấy mẹ chồng tôi lao từ bên kia đường sang, gào tên tôi. Có ai đó đang gọi điện báo cấp cứu, một người phụ nữ khác thì cầm mũ quạt gió cho tôi lấy không khí. Tôi đau đến mức không nói được gì, nhưng vẫn rất tỉnh táo. Tôi vẫn còn trông thấy xe cấp cứu đến, vẫn nghe thấy tiếng mẹ chồng tôi gào gọi bảo cho bà lên xe cùng, đó là con dâu của bà.
Khi các bác sĩ đẩy tôi vào phòng cấp cứu, tôi vẫn nhìn thấy mẹ chồng tôi khóc lóc, quỳ xuống van xin bác sĩ cứu tôi. Lời bà văng vẳng khắp hành lang bệnh viện, đánh mạnh vào trái tim tôi. Bà bảo rằng: “Bác sĩ ơi, xin bác sĩ cứu con dâu tôi, xin bác sĩ cứu cháu tôi. Tôi lạy bác sĩ, bao nhiêu tiền tôi cũng chịu hết. Xin bác sĩ cứu con dâu và cháu tôi”.
Video đang HOT
Nửa đêm hôm đó, tôi tỉnh lại thì thấy mẹ đẻ và mẹ chồng tôi phờ phạc ngồi bên. Sau khi lo cho tôi uống sữa xong, mẹ chồng tôi ra về thay quần áo, vì trên người bà dính đầy máu. Mẹ đẻ nói với tôi rằng, may mắn con của tôi vẫn giữ được, nhưng sau này tôi cần phải cẩn thận nhiều hơn. Khi tôi mất máu, nằm trong phòng cấp cứu, chính mẹ chồng tôi đã đi từng phòng bệnh, xin từng người nhà bệnh nhân đi thử máu, phòng trường hợp hết nhóm máu của tôi thì có sẵn. Mọi chi phí bà đều chịu hết.
Trở về nhà, bà không cho tôi làm bất kỳ việc gì. Bà cũng bỏ công việc ở chợ để ở nhà chăm nom, cơm nước, giặt giũ cho tôi. (Ảnh minh họa)
Suốt thời gian tôi hôn mê, mẹ chồng vẫn ngồi túc trực. Đến khi tôi tỉnh lại, bà mới thở phào nhẹ nhõm, mẹ tôi phải nói mãi, bà mới ra về thay quần áo.
Tôi cảm động tới rơi nước mắt. Tôi cố gắng ăn uống, bồi dưỡng để lấy lại sức khỏe và cũng để con khỏe mạnh hơn. 1 tuần sau, mẹ chồng và chồng mới cho tôi ra viện. Trở về nhà, bà không cho tôi làm bất kỳ việc gì. Bà cũng bỏ công việc ở chợ để ở nhà chăm nom, cơm nước, giặt giũ cho tôi.
Từ hôm bị ngã đến giờ, hai mẹ con rất ít khi nói chuyện, có nói cũng chỉ là bà hỏi tôi nay thích ăn gì, có muốn uống nước cam không?… Nhưng trong thâm tâm, tôi hiểu tình cảm mẹ chồng dành cho mình, hiểu sự quan tâm của bà là thật lòng.
Tôi rất muốn nói với bà rằng: “Mẹ ơi, cảm ơn mẹ vì lần quỳ lạy và những lời nói ngày hôm đó, chính điều đó đã cứu sống tâm hồn con. Cảm ơn mẹ vì đã giúp con hiểu, hóa ra trong mắt mẹ, con thực sự là con của mẹ, chứ không phải một người xa lạ sống cùng nhà!”. Nhưng những lời này, tôi không làm sao thốt ra miệng được, chỉ có thể dùng những câu chữ này bày tỏ.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhắn nhủ mọi người hãy sống hết mình với người thân nhé, để nhận ra tình cảm nồng ấm ẩn sau những hành xử lạnh nhạt, thường tình trong mỗi người. Giống như tôi, chưa bao giờ tôi nghĩ mẹ chồng tôi có thể bộc lộ được cảm xúc như vậy. Đó là điều quý giá nhất tôi sẽ trân trọng suốt cuộc đời!
Cảm ơn mọi người đã lắng nghe tâm sự và chia sẻ cùng tôi!
Theo Afamily
Lấy chồng, phụ nữ sợ gì nhất?
Phụ nữ lấy chồng sợ gì nhất? Trên cả chuyện mẹ chồng, chuyện bị cắm sừng, ấy là chuyện hôn nhân nhạt nhẽo và phải lấy con cái ra để níu kéo cái "nghĩa" của chồng khi cái "tình" đã cạn.
Dưới đây là 5 điều mà các cô nàng đắn đo trước khi gật đầu theo chàng về dinh!
Sợ mất tự do
Đừng tưởng chỉ có đàn ông mới tôn sùng tự do, độc lập. Với những người phụ nữ tự chủ, mạnh mẽ và tôn thờ cuộc sống tự do họ thường có xu hướng nói "không" với hôn nhân. Nếu họ may mắn trúng tiếng sét ái tình mạnh đến nỗi muốn theo chàng về dinh thì điều đó cũng có nghĩa là nỗi sợ hãi bị mất tự do tương đương với mong muốn được kết hôn.
Với mẫu phụ nữ này, cần phải có một anh chàng đủ mạnh mẽ và quyết liệt hơn nàng động viên và chứng minh cho nàng thấy, sau hôn nhân nàng vẫn không hề mất đi sự tự do của chính nàng thì may ra nàng mới gật đầu và về chung một nhà với chàng.
Sợ chồng "cắm sừng"
Đây là một chủ đề thường nhật của các cô nàng độc thân. Xung quanh các cô là bao nhiêu câu chuyện nhãn tiền về những bà vợ trẻ nhưng đã được cho vào vườn bảo tồn quốc gia vì những chiếc sừng quý hiếm chi chít trên đầu do các ông chồng nhiệt tình "cắm" lên đầu họ.
Chuyện ngoại tình trong hôn nhân thời hiện đại càng ngày càng trở nên bình thường một cách bất thường. Những giá trị hôn nhân bị giảm xuống, những cái Tôi cá nhân cao dần lên khiến mối quan hệ hôn nhân dần bị phá vỡ và chuyện ngoại tình xảy ra thường xuyên.
Ngoại tình là sự phản bội. Chẳng có một người đàn bà (kể cả đàn ông) nào muốn mình bị người mà mình tin yêu phản bội cả, thế nhưng chuyện đó vẫn diễn ra thường xuyên, và nó khiến các nàng độc thân sợ lấy chồng.
Sợ ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ bạn bè
"Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi". Tất cả mọi mối quan hệ bạn bè thân sơ, đặc biệt là bạn khác giới sẽ được ấn nút "pause" một cách nhã nhặn trước trạng thái "just married". Thứ nhất là người phụ nữ đó tôn trọng cuộc hôn nhân của mình, thứ hai là cô ấy không muốn có những phiền phức không đáng khi đã kết hôn. Nhưng dù thế thì bản thân cô ấy vẫn luôn cần có những người bạn cùng giới, khác giới, tự do kết bạn như thuở chưa chồng. Chính mâu thuẫn giữa cái mong muốn chính đáng và sự ràng buộc trách nhiệm vô hình của hôn nhân khiến cô ấy đắn đo trước hôn nhân.
Sợ mẹ chồng
Một nguyên nhân khổng lồ khiến các nàng khóc thét chính là chuyện "mẹ chồng, nàng dâu" mà đa phần là những câu chuyện bi kịch từ xa xưa vọng lại đến tận ngày nảy ngày nay.
"Mẹ chồng" đã trở thành một từ khóa gây ám ảnh cho tất cả các nàng dâu hiện đại. Đây chính là một người đàn bà được các nàng dâu ưu ái nhắc đến nhiều nhất trong các cuộc trà dư tửu hậu. Không phải mẹ chồng nào cũng là "bi kịch" của nàng dâu (trên thực tế cũng có nhiều nàng dâu là "bi kịch" của mẹ chồng chứ chẳng đùa), thế nhưng cái định kiến "con gái là con người ta/con dâu mới thực mẹ cha mua về". Chính cái sự "mua" này khiến các bà mẹ chồng lại có thêm một tâm lý "mất tiền mua mâm bà đâm cho thủng", thế là đủ các chiêu hành con dâu, bênh con trai dù đúng ít sai nhiều khiến các cô nàng chuẩn bị khăn gói về nhà chồng không khỏi sợ hãi.
Sợ hôn nhân nhạt nhẽo
Những buổi sáng tất bật lo cho chồng con ăn sáng rồi đi học đi làm, buổi trưa một là ở nhà nội trợ hai làm đi làm, chiều về tạt qua chợ hoặc đi siêu thị với một đống đồ lỉnh kỉnh, rồi cơm nước, giặt giũ, lau dọn nhà cửa, con cái học bài. Vợ chồng vùi mặt vì việc, cả ngày có khi chỉ nói chuyện xã giao, những buổi hâm nóng tình cảm đầy trách nhiệm, làm tình như trả bài, nhiều khi nhìn thấy mặt nhau sao mà "cũ" thế, nhạt thế...đã bao lâu hai vợ chồng không hôn nhau, đã bao lâu không nói lời yêu nhau, đã bao lâu không có thời gian riêng cho nhau...những cơm áo gạo tiền và vô số những trách nhiệm trong hôn nhân khiến vợ chồng sống với nhau chỉ còn cái nghĩa. Mà cái "nghĩa" nhiều khi nó nặng nề lắm, bởi tình yêu nếu còn thì cái "nghĩa" vợ chồng nó rất tự nhiên, đẹp đẽ. Nhưng tình cạn, thì cái "nghĩa" bỗng trở nên như một thứ gánh nặng đầy mệt mỏi...
Phụ nữ lấy chồng sợ gì nhất? Trên cả chuyện mẹ chồng, chuyện bị cắm sừng, ấy là chuyện hôn nhân nhạt nhẽo và phải lấy con cái ra để níu kéo cái "nghĩa" của chồng khi cái "tình" đã cạn.
Theo Emdep
Xót xa khi mẹ chồng coi bố đẻ như người giúp việc Mẹ chồng coi việc bố tôi ở lại chăm sóc tôi như điều hiển nhiên, đối xử với bố như kẻ dưới, như giúp việc nhà mẹ. Tôi giận bà một thì giận mình gấp mười, chính tôi chấp nhận để bố ở lại nhà là đã ích kỷ, vô tình đã đẩy bố tôi vào cảnh khó xử, đã tạo điều kiện...