Trồng cây thuốc quý dưới chân núi, thu cả trăm triệu mỗi sào
Vùng núi huyện Tam Đảo (tỉnhVĩnh Phúc) có nhiều cây dược liệu quý hiếm, trong đó có cây ba kích. Người dân xã Đạo Trù (Tam Đảo) đã mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và nhân giống cây ba kích, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Củ ba kích bán với giá 120.000 đồng/kg, tính ra mỗi sào trồng ba kích cho thu từ 120-160 triệu đồng.
Mô hình trồng cây thuốc quý-ba kích dưới chân núi Tam Đảo đã tạo nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho các công ty trong tỉnh sản xuất thuốc, chiết xuất và chế biến các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ cây ba kích.
Cây ba kích góp phần xóa đói giảm nghèo
Dẫn chúng tôi đi tham quan các vườn trồng cây ba kích trên địa bàn xã Đạo Trù, ông Lý Ngọc Một, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạo Trù (Tam Đảo) phấn khởi cho biết: Những năm trước đây, tại các chân đồi, bà con chủ yếu trồng sắn, hiệu quả kinh tế không cao, đời sống người nông dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, bà con nông dân bỏ trồng sắn chuyển sang trồng nhiều loại cây phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó, cây ba kích là cây phù hợp nhất với đất đồi dốc, sinh trưởng phát triển nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sô, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (Tam Đảo) trồng hơn 1 ha cây ba kích, thu nhập từ 600 – 800 triệu đồng/năm
Bên cạnh đó, với đặc điểm là loại cây tự nhiên, mẫn cảm với các loại thuốc trừ cỏ nên quy trình chăm sóc dễ dàng loại bỏ được các yếu tố độc hại. Các hộ nông dân chủ yếu thực hiện khâu làm cỏ, tưới nước giữ ẩm giai đoạn đầu, cây sẽ phát triển tốt ở các năm sau. Xã Đạo Trù hiện có 7 hộ trồng, kết hợp ươm, nhân giống, với hơn 10 ha cây lấy củ và cây ba kích giống, tạo việc làm quanh năm cho người dân địa phương, góp phần giảm nghèo.
Anh Nguyễn Văn Sô, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (Tam Đảo) là một trong những hộ đưa cây ba kích về trồng trên đất vườn đồi nhà mình.
Video đang HOT
Anh Sô cho biết: “Trước đây, tôi chỉ trồng sắn trên vườn đồi cho hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, tôi thấy các thương lái thu mua ồ ạt củ ba kích rừng do bà con đào bán với giá cao. Hiểu được giá trị và nhu cầu về củ ba kích rất lớn, trong khi đó, cây ba kích mọc hoang nhiều trên các triền núi Tam Đảo, tôi mang về trồng thử trên vườn đồi nhà mình, thấy cây phát triển tốt, tôi nhân giống, mở rộng diện tích trồng cây ba kích…”.
Từ chỗ trồng thử nghiệm, đến nay, gia đình anh Sô trồng hơn 1 ha cây ba kích. Anh Sô cho biết,cây ba kích trồng từ 4 – 5 năm cho thu hoạch đạt từ 1.000 – 1.400 kg củ tươi/1 sào, nếu bán giá thấp nhất 120.000đ/kg củ tươi sẽ thu được 120 – 168 triệu đồng/1 sào.
Bà Âu Thị Kim Phượng, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm, Chứng nhận chất lượng đất và Vật tư nông nghiệp Vĩnh Phúc (cơ quan tham gia kiểm soát chất lượng sản phẩm cao ba kích Tam Đảo) cho biết: Theo kết quả phân tích và kiểm nghiệm của Viện Dược liệu cho thấy, các mẫu rễ củ ba kích từ cây 4 – 5 năm tuổitừ các vùng trồng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc có hàm lượng hoạt chất cao như: Hàm lượng nystose khá cao, đều đạt trên 3,0% (từ 3,40 – 3,87%).
“So sánh với tiêu chuẩn trong Dược điển Trung Quốc (hàm lượng nystose không được thấp hơn 2,0%, theo phương pháp HPLC-ELSD), có thể thấy giống ba kích trồng tại Vĩnh Phúc đều đạt và vượt so với hàm lượng nystose theo quy định trong Dược điển Trung Quốc…”, bà Phượng khẳng định.
Xây dựng thương hiệu ba kích Tam Đảo
Có thể khẳng định, các vùng trồng cây ba kích đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho các công ty trong tỉnh sản xuất thuốc, chiết xuất và chế biến các sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Năm 2018, các hộ trồng cây ba kích xã Đạo Trù đã thành lập HTX Dịch vụ vàThương mại Tam Đảo, ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm từ cây ba kích với Công ty TNHH MTV Minh Phúc An.
Anh Nguyễn Văn Sô, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ và Thương mại Tam Đảo cho biết, mặc dù thị trường tiêu thụ không gặp nhiều khó khăn nhưng từ trước đến nay củ ba kích chủ yếu được bán cho thương lái Trung Quốc nên giá cả luôn bấp bênh, không ổn định. Nhờ liên kết với công ty TNHH MTV Minh Phúc An, các thành viên HTX được hỗ trợ kỹ thuật, vốn sản xuất ban đầu, từ đó, có kế hoạch rõ ràng cho việc mở rộng, phát triển vùng sản xuất cây ba kích.
Bên cạnh đó, hợp tác liên kết sẽ giúp các hộ trồng cây ba kích được chia sẻ, giúp đỡ nhau tốt hơn về việc lựa chọn giống, kỹ thuật canh tác, chăm bón cho cây ba kích… Theo đề nghị của công ty, để có vùng nguyên liệu ổn định, trước mắt, chúng tôi đã hình thành được nhóm liên kết sản xuất gồm 12 hộ, với diện tích khoảng 12 ha.
Bà Trần Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Phúc An cho biết, sản phẩm cao Ba kích Tam Đảo do công ty sản xuất được Bộ Y tế cấp phép và cấp giấy phép quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho phép, Công ty TNHH MTV Minh Phúc An sử dụng nhãn hiệu chứng nhận địa lý “BAKITADA BA KÍCH TAM ĐẢO – VĨNH PHÚC” theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 260856 cho các sản phẩm nhóm 05 (Rượu thuốc ngâm từ rễ củ ba kích; Rễ củ ba kích dùng cho y tế; Sản phẩm nhóm 30 Trà Ba kích.).
Hiện nay, sau khi thu mua rễ ba kích, công ty thực hiện việc sơ chế và làm công đoạn như tách bỏ lõi gỗ của rễ cây (có hại cho sức khỏe), sau đó, công ty gia công chiết xuất dược liệu trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Sản phẩm của công ty đã xây dựng thương hiệu “Ba Kích Tam Đảo”, các sản phẩm như: Cao ba kích, rượu ba kích đều có nhãn mác và mang tên chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Hy vọng rằng, “Ba kích Tam Đảo” sẽ là món quà quý cho du khách gần xa khi đến với Vĩnh Phúc.
Với sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, thương hiệu ba kích Tam Đảo sẽ là sản phẩm mang nhãn hiệu đặc trưng của Vĩnh Phúc, góp phần giúp người dân trồng cây ba kích có thu nhập ổn định và doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo Ngọc Thắng (Báo Vĩnh Phúc)
Thu hồi dầu gội chống gàu chứa chất cấm trị nấm
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa yêu cầu đình chỉ lưu hành toàn quốc sản phẩm dầu gội chống gàu do 1 công ty trong nước sản xuất do chứa chất cấm Ketoconazole.
Kết quả phân tích ngày 30/10 của Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Hà Nội về mẫu sản phẩm dầu gội chống gàu Hairnew (lô sản xuất: A084) lấy tại Trung tâm dược phẩm Hapulico số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho thấy: sản phẩm có chứa Ketoconazole - chất không được phép có trong thành phần công thức sản phẩm mỹ phẩm theo Hiệp định Mỹ phẩm ASEAN.
Dầu gội chống gàu Hairnew do công ty cổ phần OCM Việt Nam sản xuất, công ty TNHH thương mại dược Hoàng Tuấn đứng tên công bố và đưa sản phẩm ra thị trường.
Do đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã yêu cầu đình chỉ lưu hành toàn quốc sản phẩm dầu gội chống gàu Hairnew có số tiếp nhận phiếu công bố 718/16/CBMP-LA do Sở Y tế Long An cấp.
Cục Quản lý Dược yêu cầu công ty OCM Việt Nam và công ty TNHH thương mại dược Hoàng Tuấn phải thu thu hồi toàn bộ sản phẩm không đáp ứng quy định và gửi báo cáo trước ngày 15/12.
Đồng thời, đề nghị Sở Y tế TP.HCM và sở Y tế Long Anh kiểm tra các công ty nêu trên trong việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm theo quy định của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm và các quy định khác có liên quan; giám sát việc thu hồi sản phẩm dầu gội chống gàu Hairnew không đáp ứng quy định; xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định và gửi báo cáo trước ngày 31/12.
Ketoconazol có tác dụng điều trị bệnh nấm tại chỗ, nấm toàn thân, nấm candida ở da, niêm mạc, nấm candida âm đạo mạn tính, nhiễm khuẩn ở da và móng tay. Hoạt chất ketoconazole có dạng viên nén dùng để uống và hàm lượng 200mg. Ngoài ra, thuốc còn có trong các chế phẩm khác như thuốc bôi ketoconazole cream, dầu gội ketoconazole, ketoconazole kem, ketoconazole 2%.
Khuyến cáo chung là Ketoconazole không nên được sử dụng để điều trị nhiễm nấm ở não hoặc trên da và móng (tay/chân).
Nhân Hà
Theo Dân trí
Đình chỉ lưu hành 1 loại kem dưỡng ẩm Vaseline Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn đình chỉ lưu hành trên toàn quốc lô sản phẩm mỹ phẩm kem dưỡng ẩm Vaseline do 1 công ty trong nước sản xuất. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Yên Bái đã thực hiện kiểm nghiệm mẫu sản phẩm kem dưỡng ẩm Vaseline SH (nhãn hàng không ghi...