Trồng cần sa nuôi… gia súc!?
Việc trồng cây cần sa đang bùng phát ở các địa phương trong cả nước, có vụ ngành chức năng phát hiện tới hàng ngàn cây. Tuy nhiên, khi bị bắt, đối tượng đều đổ lỗi không biết cây cần sa, chủ yếu trồng để cho… gia súc ăn(!?).
Gà miễn dịch, heo tăng cân!?
Vụ mới nhất vừa được Công an huyện Tam Bình (Vĩnh Long) phát hiện trồng cần sa là vào đầu tháng 8.2011 trong vườn nhà bà Phạm Thị Thu Hà – ở xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, với số lượng hơn 100 cây cần sa, cao từ 1,5 – 4m. Sau khi bị bắt, chủ nhà khai báo, trồng cây cần sa để… cho vịt, gà ăn mau lớn, không nhiễm dịch bệnh.
Ngành chức năng Đăk Nông nhổ bỏ một nương trồng cần sa trái phép.
Ông Phạm Thanh Hùng- Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Trung cho biết: “Việc trồng cây cần sa trên địa bàn đều do người dân không hiểu biết về loại cây này. Hầu hết bà con đều cho biết trồng để gia súc ăn mau lớn. Có người còn nói, nếu gà ăn cây cần sa sẽ khỏi nhiễm dịch cúm, heo ăn vào sẽ tăng cân, riêng người đau lưng nếu bó loại cây này sẽ khỏi”.
Trước đó, tháng 12.2010, Công an huyện Trà Ôn cũng phát hiện vụ trồng cần sa tại vườn nhà ông Lê Văn Thu – ở xã Phú Thành, với số lượng 26 cây cần sa lớn và 66 cây con mới ươm giống. “Trước đó 3 tháng, tôi đã mua hạt giống tại TP.Cần Thơ để về gieo trồng nhằm mục đích cho gia súc, gia cầm ăn mau lớn, không bị bệnh”- ông Thu vô tư khai.
Video đang HOT
Theo cơ quan chức năng Vĩnh Long, chỉ riêng năm 2010, đã phát hiện 40 vụ trồng với gần 4.000 cây cần sa, hơn 3kg cần sa khô, 160kg cần sa tươi. Hầu hết các đối tượng khi bị bắt đều không thừa nhận hành vi của mình, vì cho rằng họ không biết đây là cây cần sa. Theo nhiều người dân, họ chỉ trồng cây này vì thấy khi cho gia súc, gia cầm ăn có thể phòng tránh một số dịch bệnh, thậm chí nếu cho bò, lợn ăn sẽ tăng trọng nhanh…
Tại tỉnh Khánh Hoà, thời gian qua ngành chức năng cũng phát hiện được nhiều trường hợp trồng cần sa, đặc biệt là ở huyện Vạn Ninh. Trao đổi với phóng viên NTNN, trung tá Mai Xuân Hậu – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra ma túy, Công an huyện Vạn Ninh, cho biết: Tình trạng trồng cần sa tại địa phương có chiều hướng gia tăng.
Cả năm 2010, chỉ phát hiện 4 vụ, nhưng từ đầu năm đến nay đã phát hiện, xử lý 7 vụ trồng cần ca, 1 vụ mua bán sử dụng cần sa. Đội đã tịch thu 29,5 kg cây cần sa tươi.
Cần sa được trồng trong thùng xốp ở Vĩnh Long.
Theo trung tá Hậu, lượng cần sa tươi thu được chủ yếu trồng trong chậu cảnh để trong vườn nhà. Điển hình là vụ ngày 25.7, đội đã phát hiện tại nhà bà Thái Thị Lý (sinh năm 1938, trú tại tổ dân phố 11, thị trấn Vạn Giã) trồng 6 cây cần sa, nặng 9,5 kg. Tất cả những cây cần sa này đều trồng trong vườn và xen giữa cây trồng khác để che giấu. Bà Lý khai đây là số cây cần sa do cháu nội Nguyễn Tấn Hào (sinh năm 1990) trồng để chăn nuôi.
Theo trung tá Mai Xuân Hậu, hành vi trồng cây có chứa chất ma túy sẽ bị xử phạt từ 2-5 triệu đồng. Dù mức xử phạt này đã tăng gần gấp đôi so với quy định cũ nhưng vẫn còn nhẹ, chưa đủ răn đe. Việc khởi tố hành vi này là rất khó, một phần do dân không biết đó là loại cây cấm. Trong 7 vụ phát hiện năm nay, có 6 vụ bị xử phạt 21 triệu đồng, chỉ có 1 vụ khởi tố.
Người dân bị lợi dụng
Ông Hoàng Kim Giao- Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Chỉ là bao biện
Trao đổi với NTNN chiều 11.8 về tình trạng tái diễn trồng cây cần sa để làm “chất kích thích” cho lợn gà chóng lớn, ông Hoàng Kim Giao khẳng định: Việc trồng cây cần sa dù ở hình thức hay mục đích nào đều là những hành vi vi phạm pháp luật VN. Về nguyên tắc, một chất có thể kích thích con người cũng không loại trừ khả năng tác động đến hệ thần kinh của các loài vật khác. Tuy nhiên, trên thực tế, ở VN và trên thế giới chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này nên chưa có cơ sở khoa học để khẳng định cần sa giúp động vật mau lớn tránh bệnh. Việc người dân trồng cây cần sa khi bị cơ quan chức năng phát hiện nói rằng để làm thức ăn cho lợn, gà chỉ là bao biện cho hành vi sai trái.
Hữu Thông (ghi)
Trước tình trạng tái phát trồng cần sa, nhiều địa phương đã vào cuộc tuyên truyền, rồi phổ biến cách nhận biết loại cây độc hại này cho dân để phòng tránh. Tuy nhiên, việc này không hiệu quả, số vụ vi phạm vẫn gia tăng.
Theo báo cáo chuyên đề mới nhất về công tác chỉ đạo chuyển đổi cây trồng thay thế, xóa bỏ cây chứa chất ma túy của Bộ NNPTNT, niên vụ 2010-2011, tình hình tái trồng cây chứa chất ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp.
Theo đó, cây cần sa đang được tái trồng trên phạm vi rộng, ở cả miền núi, thành phố và khu vực đồng bằng. Tại nhiều nơi, cần sa được trồng dưới hầm, trong nhà kính; có nơi còn trồng ở vườn, rẫy và ở các chân ruộng. Tại 12 tỉnh thuộc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL đã ghi nhận tình trạng tái trồng cây cần sa, nhất là tại các tỉnh Đăk Nông, Gia Lai, Bình Phước, Trà Vinh.
Riêng về cây thuốc phiện, trong niên vụ 2010 – 2011 phát hiện có 29ha. Diện tích tái trồng lớn tập trung tại các tỉnh: Lai Châu 6,2ha, Sơn La 15ha, Phú Thọ 2ha, Điện Biên 1,4ha, Nghệ An 0,85ha…
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lê Quý Đăng – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho biết, là ở các địa phương khi phát hiện trồng cần sa thì bản thân người dân không biết đó là cây cần sa. Lợi dụng điều này nên một số cá nhân (hoặc có thể là nhóm người) thuê người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch.
“Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi về sự nguy hại cũng như cách nhận biết cây cần sa cho người dân để tránh tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng”- ông Đăng cho biết.
Theo ông Đăng, vì tính phức tạp và nhạy cảm của vấn đề nên khi kiểm tra phát hiện ở những điểm nóng, phía Bộ NNPTNT luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, bộ đội biên phòng. “Thời điểm này, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch quản lý cho năm 2012 báo cáo Bộ Công an”- ông Đăng cho biết.
Riêng ở cấp tỉnh, các Chi cục Phát triển Nông thôn có trách nhiệm quản lý vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Đăng, hiện nay có địa phương làm tốt công tác quản lý, giám sát, nhưng cũng có địa phương chưa làm được.
Theo Dân Việt